Vì sao bạn phải uống đủ nước mỗi ngày?

VÌ SAO BẠN PHẢI UỐNG ĐỦ NƯỚC MỖI NGÀY?

Nguyễn Phước Lộc – P.KHTH

Nước đóng vai trò vô cùng cần thiết cho cơ thể con người, mọi phản ứng sinh học và hóa học của tế bào và tổ chức đều gắn liền với sự hiện diện của nước. Cơ thể không thể phát triển và tồn tại nếu không có nước. Thiếu nước hoặc rối loạn phân bố nước giữa các bộ phận trong cơ thể có thể đe dọa đến tính mạng con người nếu không được điều chỉnh một cách kịp thời.

Nước là một trong những thành phần cơ bản của mọi sự sống trên Trái Đất. Vì vậy, để đảm bảo một sức khỏe tốt, bạn cần bổ sung đầy đủ nước hàng ngày cho cơ thể nhằm thay thế lượng nước mất qua da, hơi thở, nước tiểu, phân…

Nước chiếm khoảng 50% trọng lượng cơ thể ở phụ nữ và 60% trọng lượng cơ thể ở đàn ông. Sự khác biệt này là do tỉ lệ mô mỡ ở phụ nữ cao hơn đàn ông. Nghĩa là tăng thành phần mỡ sẽ làm giảm tỉ lệ phần trăm nước trong cơ thể. Tỷ lệ nước cũng thay đổi theo quá trình sống: Ở trẻ em nước chiếm 75% trọng lượng cơ thể, người già chỉ còn 50%. Nước trong cơ thể được chia thành 2 khu vực chủ yếu: Khu vực nội bào nước chiếm 55 – 75%, ngoại bào: 25 – 45%. Khu vực ngoại bào bao gồm nước trong lòng mạch ( huyết tương) và ngoài lòng mạch với tỉ lệ 1/3.

Trong cơ thể con người, nước giữ các vai trò chính như sau:

  1. Nước là dung môi của các phản ứng hóa học trong cơ thể: Dung môi là một dịch lỏng để hòa tan nhiều chất hóa học khác nhau, nước là dung môi sống. Không có dung môi nước, rất ít các phản ứng hóa học có thể xảy ra, các chức năng sống của cơ thể sẽ không thể điều hòa và thực hiện được. Khi ăn uống, thực phẩm vào cơ thể sẽ tiếp xúc ngay với các dịch tiêu hóa (chứa nhiều nước) trong nước bọt, dạ dày, ruột. Thực phẩm được nhào trộn và phản ứng với các chất hóa học thực hiện chức năng tiêu hóa. Các chất dinh dưỡng sẽ được hấp thu vào máu, máu chứa khoảng 3 lít nước. Nước trong mạch máu giúp cho máu có dạng lỏng và hòa tan các chất dinh dưỡng, vận chuyển chúng đến các mô và tế bào của cơ thể. Những chất thừa sinh ra trong quá trình chuyển hóa, như carbonic, ure… cũng được hòa tan trong nước của máu và được vận chuyển đến các cơ quan bài tiết như phổi và thận để bài tiết ra ngoài. Có khoảng 12 lít nước gian bào, nơi chứa các chất dinh dưỡng do mạch máu chuyển đến, sau đó sẽ đi qua màng tế bào vào cơ thể. Những sản phẩm thừa của quá trình chuyển hóa trong tế bào sẽ đi theo con đường ngược lại để ra khỏi tế bào. Nước trong tế bào là một môi trường để các chất dinh dưỡng tham gia vào các phản ứng sinh hóa nhằm xây dựng và duy trì tế bào. Nước cũng là môi trường để các chất chuyển hóa được vận chuyển từ các cơ quan khác nhau trong tế bào, tạo nên môi trường thuận lợi cho các phản ứng xảy ra trong tế bào.
  2. Nước là chất phản ứng: Các chất tham gia vào phản ứng hóa học được gọi là chất phản ứng, trong quá trình hoạt động chất phản ứng biến đổi và tham gia vào sản phẩm. Nước là một chất phản ứng tham gia trực tiếp vào các phản ứng khác nhau của cơ thể. VD: Phản ứng thủy phân, trong đó các phân tử có trọng lượng lớn như polysaccharide, chất béo, protein, được phân cắt thành các phân tử nhỏ hơn khi phản ứng với nước.
  3. Nước là chất bôi trơn: Nước có tác dụng bôi trơn quan trọng của cơ thể, đặc biệt là nơi tiếp xúc các đầu nối, bao hoạt dịch và màng bao, tạo nên sự linh động tại đầu xương và sụn, màng phổi, cơ hoành, miệng…
  4. Nước giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể: Nước có một vai trò quan trọng trong việc phân phối hơi nóng của cơ thể thông qua việc phân phối nhiệt độ cơ thể. Hơi nóng sinh ra do quá trình chuyển hóa, oxy hóa sinh năng lượng của các chất dinh dưỡng. Năng lượng sinh ra có tác dụng duy trì nhiệt độ cơ thể ở 37 độ C và giúp cơ thể thực hiện các hoạt động thể lực. Nhiệt độ sinh ra thường vượt quá nhu cầu duy trì nhiệt độ của cơ thể, nhiệt độ thừa sẽ được tỏa ra ngoài theo đường truyền trực tiếp hoặc phát nhiệt, một trong những cách tỏa nhiệt có hiệu quả là qua đường hô hấp và qua da.

Ngoài ra, nước còn cung cấp nguồn chất khoáng cho cơ thể. Nước mà chúng ta sử dụng hàng ngày thường chứa một lượng đáng kể các chất khoáng như: canxi, magie, natri,… Tỷ lệ các chất khoáng này phụ thuộc vào nguồn nước và các nhà sản xuất nước. Nước có tác dụng rất tốt cho sức khỏe con người nếu hiểu biết về vai trò của nước và sử dụng nước một cách khoa học.

Uống đúng và đủ nước mỗi ngày sẽ giúp cơ thể bạn đỡ mệt mỏi, tinh thần minh mẫn, giảm táo bón, phòng bệnh sỏi đường tiết niệu, cải thiện lưu lượng máu, giữ ẩm cho da, giúp làn da mịn màng,…