Có nên “trông mặt mà bắt hình dong” ?
Lâu lắm rồi bạn tôi có kể cho tôi nghe một câu chuyện. Chả là hôm ấy cổ chạy xe dừng ở một ngã tư đèn đỏ, đang chán thì bỗng dưng thấy có một ông chú khoảng ba mươi mấy tuổi mặc quần tà lỏn, hình xăm rất ghê, miệng phì phèo thuốc là đang đi lại chuẩn bị băng qua đường. Cô thì không có cảm giác gì mấy, nhưng mấy người xung quanh cô xì xì xầm xầm, chỉ chỉ trỏ trỏ về hướng chú đi, mặt thì nhăn lại một đống, có vẻ khinh khi lắm. Chú ấy đi đến bên góc đường, chuẩn bị băng qua thì bỗng chợt lại ngồi xuống, mọi người đang không hiểu chú làm gì thì thấy chú nâng cái thùng rác bị ngã lên và lượm mấy miếng rác vươn vãi ở bên ngoài bỏ vào trong. Lúc ấy thì tiếng xì xầm mới chấm dứt, và bạn tôi cũng phải đi vì đèn đã chuyển xanh. Cô ấy bảo lúc đấy thấy trong lòng rất vui và vì có thể chứng kiến một câu chuyện đẹp đến vậy và nó đồng thời cũng dạy cho cô thêm một bài học mà có lẽ ai cũng được dạy nhưng chúng ta cứ vô tình hay hữu ý quên mất nó. Bài học, “Đừng nhìn mặt mà bắt hình dong.”
Hình xăm nhiều vậy thôi chứ anh ấy rất tốt bụng
Sao chúng ta vẫn hay “trông mặt mà bắt hình dong”?
Có lẽ đa số các bạn khi nghe tôi miêu tả về ngoại hình của ông chú ấy đều có cảm nghĩ đó là một tên đầu gấu đầu đường xó chợ, chuyên môn bắt nạt người khác và giỏi ăn vạ đúng không? Thật ra khi bạn nghĩ như vậy, chính là bạn đã mắc phải sai lầm khi quy chụp suy nghĩ lên người khác, một khái niệm trong tâm lý học (fundamental attribution error), khi ấy bạn đã đánh giá cao sức ảnh hưởng của tính cách và đồng thời hạ thấp sức ảnh hưởng của tình huống xung quanh. Trong trường hợp đầu, bạn đã để những định kiến của mình về bề ngoài chú ấy làm ảnh hưởng và cho rằng tính cách chú ấy nhất định phải thế mà không biết rằng hoàn cảnh sống của chú ấy như thế nào, và đợi đến khi bạn nhìn thấy chú ấy dựng thùng rác lên thì bạn mới có suy nghĩ khác. Bởi vì bạn nhìn thấy một mặt khác của chú trong một tình huống khác.
Lấy thêm một ví dụ nữa đi, như bạn Xuân trong lớp bạn rất ít nói, còn bạn Huy thì giờ giải lao nói không ngừng nghỉ, bạn sẽ cho rằng bạn Xuân có tính trầm lặng, hướng nội, còn bạn Huy thì lại là người sôi nổi dễ gần. Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng, trong lớp, bạn Huy có thể trầm lặng như bạn Xuân. Và bạn thử gặp mặt bạn Xuân ở một bữa tiệc nào đó đi, bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi cô ấy là người quậy nhất đám ấy.
Hai nhà tâm lý học David Napolitan và George Goethals đã thực hiện thí nghiệm về hiện tượng này vào năm 1979. Họ để cho sinh viên trường Williams College nói chuyện từng người một với một người phụ nữ khi thì rất xa lánh, khi thì thích chỉ trích, khi thì quan tâm, khi thì rất hòa đồng. Trước đó họ nói cho một nửa số sinh viên là hành động, thái độ của người phụ nữ là tự nhiên. Đồng thời họ cũng nói cho số sinh viên còn lại sự thật rằng người phụ nữ đó hành động theo chỉ thị. Có sự khác biệt nào giữa nhóm biết được sự thật và nhóm không biết hay không?
Thật sự là chẳng có sự khác biệt nào cả. Các sinh viên bỏ qua thông tin đó. Nếu người phụ nữ đó cư xử hòa đồng thì họ cho cô là người biết quan tâm và dễ gần. Nếu cô có vẻ khó chịu thì họ kết luận rằng cô là người lạnh lùng. Nói cách khác, các sinh viên cho rằng cách hành xử của cô có khuynh hướng thiên về tính cách mặc dù họ đã được báo trước là cô hành động theo chỉ thị và sắp xếp từ trước để phục vụ cho cuộc thí nghiệm.
Bạn biết không, khi bạn nhìn người khác thì bạn chỉ thấy được một khía cạnh của họ ở một trường hợp nhất định. Còn đối với người khác, thì họ nhìn thấy bản thân họ ở mọi trường hợp. Bạn chỉ thấy giáo viên của mình ở trong lớp học nhìn cách cô đối xử với học sinh thì cho rằng cô là người dễ gần, dễ nói chuyện. Nhưng có lẽ bản thân cô lại không nghĩ vậy. Khi được hỏi, cô có thể trả lời rằng, ừ thì ở lớp hoặc với bạn bè thân thì tôi hòa đồng nhưng ở các buổi họp mặt lớn thì không như vậy, những lúc ấy thì tôi trầm tính hơn.
Chắc các bạn hẳn đã nghe hoặc đã đọc không biết bao nhiêu vụ án mà trong đó hung thủ được miêu tả như là con ngoan ở nhà, học hành giỏi giang, phụ giúp cha mẹ, nhưng không biết tại sao hắn lại phạm tội ác như vậy. Hắn không cố ý phạm tội đâu, là do hoàn cảnh xúi giục. Lúc ấy có bạn đồng tình, nhưng cũng có bạn bảo, xì, hơi đâu tin lều báo, cha mẹ nào chả bảo con mình ngoan.
Khi bạn giải thích hành vi của chính bản thân mình hay người mà mình quen biết và tiếp xúc nhiều trong các trường hợp khác nhau, bạn sẽ thiên về hướng hành vi của người đó thay đổi trong từng môi trường như thế nào. Như cha mẹ hung thủ thì cho con mình ngoan, học giỏi và hành động như thế là do bị xúi giục chứ không phải là nó cố ý. Còn khi bạn giải thích hành vi của người khác, nhất là những người lạ mà bạn mới quen biết trong một, hai tình huống thì bạn thường không quan tâm đến tình huống mấy mà cho rằng anh ta hành xử như thế là do tính cách anh ta như thế. Đó là lúc bạn trông mặt mà bắt hình dong.
Thế còn đọc vị thì sao?
Khi bạn hiểu rõ và nắm bắt được khái niệm sai lầm khi quy chụp suy nghĩ lên người khác, nó sẽ giúp bạn đọc vị người khác một cách chính xác hơn. Hầu hết thời gian, mọi người đều là chính bản thân họ mặc dù họ có cố gắng che giấu đi tính cách thật của mình đi chăng nữa thì sự không hoàn hảo trong việc che giấu đó sẽ không qua nổi mắt của một người đọc vị đã được trải qua huấn luyện và biết giữ tỉnh táo để quan sát nhất.
Để tránh những sai sót như trong khái niệm mà tôi nêu trên, nhận xét một con người dựa trên một khía cạnh hay một hành động của họ, việc đọc vị cần phải thực hiện một các có hệ thống. Đương nhiên, người đọc vị luôn nên giữ vị thế là một “người thứ ba” đứng bên ngoài quan sát và cố gắng thu thập càng nhiều thông tin càng tốt trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào về tính cách hay con người mà mình đang đọc vị. Đương nhiên, người đang được quan sát có thể đưa ra quá nhiều thông tin khiến cho người đọc vị nhiều khi bị rối loạn và lầm lẫn, để tránh những trường hợp như vậy thì người đọc vị chỉ nên tập trung vào những hành động có liên quan đến mục đích khiến mình muốn đọc đối phương. Ví dụ như bạn muốn biết cô giáo đang dạy mình có phải là cô giáo tốt hay không thì bạn nên quan sát cách cô đối xử với học sinh trong lớp, cách cô giải thích vấn đề với những bạn học sinh chưa hiểu ở ngoài lớp, cách cô giao tiếp với các thầy cô trong trường, bạn có gặp khó khăn khi muốn liên lạc với cô để hỏi câu hỏi hay không…? Tức là do bạn chỉ muốn biết cô có phải là giáo viên giỏi hay không, thì bạn chỉ nên quan sát môi trường học tập và làm việc của cô, chứ bạn không cần quan sát khi cô hành xử thế nào khi đi chơi với bạn bè, hay cô đối với người trong gia đình mình có tốt hay không? Bởi vì trường học và gia đình là hai môi trường khác nhau, nếu bạn gộp chung hai môi trường như vậy để đưa ra một nhận xét thì rất là chủ quan và bạn sẽ dễ bị rối loạn.
Thêm vào đó, khi đọc vị người khác, bạn nên chú trọng vào xu hướng hành vi, chứ không phải chỉ là một hành vi nhất định. Bởi vì xu hướng thì dễ dự đoán hơn bất kỳ hành vi chung chung và thường ít bị ảnh hưởng bởi tình huống. Ví dụ như người hay rụt rè, khòm lưng, cúi gầm người là người thiếu tự tin, nhưng sự thiếu tự tin đó còn thể hiện ở những điểm như hay lo lắng, không dám nhìn thẳng, không dám nói to. Thế nên khi bạn thấy một người già hay cúi gầm người thì trước khi quyết định người đó là người thiếu tự tin hay là bị mắc bệnh xương sống thì bạn nên tìm những điểm khác để bổ trợ thông tin như bác đó nói năng như thế nào, nói rõ ràng hay lí nhí, có hay lo này lo nọ trước khi làm gì hay không?
Nghiên cứu cho biết, những hành vi thường dễ đoán nhất liên quan đến địa vị xã hội, niềm đam mê, khả năng tài chính của từng người. Đẳng cấp của những cái đó thường ảnh hưởng đến vẻ ngoài và cách hành xử của một người trong mọi vấn đề. Thông thường, người hay thương xót người khác thì rộng lượng, công bằng, chân thành, quan tâm gia đình, thường tha thứ người khác. Ngược lại người không biết quan tâm thì thường hay chỉ trích, khó chịu, gay góc, và nhận xét người khác không biết suy nghĩ. Người thỏa mãn với tài chính của mình thì thường tự tin, tốt bụng, biết tha thứ mặc dù họ cũng có thể lười biếng và vật chất. Người không thỏa mãn với địa vị của mình thì thường nhẫn tâm, gay gắt, và thường hay thu mình tự bảo vệ dù cho họ là người rất chăm làm việc và rất tập trung vào công việc của mình. Người hạnh phúc với mọi thứ thì thường nhìn mọi việc rất khách quan, hy vọng, cần cù còn người không hạnh phúc thì thường coi họ là nạn nhân của sự bất công, hay công kích người khác, thích trả thù vặt và không có nghị lực. Nếu bạn để ý thì những bộ phim trên ti vi thường hay khắc họa nhân vật theo những phân tích trên.
Kết
Vậy thì bài học chính mà tôi muốn đưa ra ở đây là gì? Đó là những nhận xét về người khác dù là bạn thiên về tình huống hay tính cách thì cũng nên cẩn thận suy xét bởi vì có khi chúng đem tới hậu quả mà bạn không thể tưởng tượng nổi, và đọc vị người khác không dễ dàng, nhất là đối với những người bạn mới gặp một hai lần và bạn phải luyện tập khả năng quan sát và phân tích trước khi bạn có thể thuần thục đọc vị người khác.
Nguồn: Psychology by David Myers, 9th edition .
Dịch và trình bày: Hải Đường Tĩnh Nguyệt
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!