Tin Mừng Ngày Mai – Bài Đọc & Suy Niệm Lời Chúa Ngày Mai

Thánh Phaolô đã reo lên: Lời Chúa là lời hằng sống. (Hr 4,12). Lời hằng sống có nghĩa là Lời Chúa vẫn mãi mãi là tiếng nói trong hiện tại, đang ngân vang, được lặp lại không ngừng, liên tục, mỗi ngày vẫn phát xuất từ trái tim Chúa để hướng về nhân loại, mỗi ngày vẫn phát xuất từ trái tim Chúa để hướng về nhân loại, mỗi ngày nói mỗi mới, thay đổi tuỳ trường hợp riêng cho từng cá nhân, nhắm từng người để soi sáng họ. “Ngôi Lời – tiếng nói, lời nói – là Ánh Sáng soi cho mọi người” (Ga 1,9). Không có ai mà không được đón nhận Lời Chúa.

Hãy cùng đọc và suy niệm lời Chúa qua các bài đọc, tin mừng ngày mai!

Bạn có thể xem các bài đọc bằng Tiếng Anh tại: https://gospeltodaycatholic.com/

LỜI CHÚA (BÀI ĐỌC & TIN MỪNG) NGÀY MAI

BÀI ĐỌC I: Đn 7, 9-10. 13-14

“Áo Người trắng như tuyết”.

Trích sách Tiên tri Đaniel.

Tôi ngắm nhìn cho đến khi đặt ngai toà xong, và một vị Bô Lão ngự trên ngai: áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người như những ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Một con sông lửa chảy lan tràn trước mặt Người. Hằng ngàn kẻ phụng sự Người, và muôn vàn kẻ chầu chực Người. Người ngự toà xét xử, và các quyển sách đều mở ra.

Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời. Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất: vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 96, 1-2. 5-6. 9

Đáp: Chúa hiển trị, Chúa là Đấng tối cao trên toàn cõi đất (c. 1a và 9a).

Xướng:

1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh; công minh chính trực là nền kê ngai báu. – Đáp.

2) Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi trái đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. – Đáp.

3) Lạy Chúa, vì Ngài là Đấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 2 Pr 1, 16-19

“Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, chúng tôi không theo những truyện bày đặt khôn khéo, để tỏ ra cho anh em biết quyền năng và sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; nhưng chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người. Người đã được Chúa Cha ban cho vinh dự và vinh quang, khi có lời từ sự vinh quang cao cả xuống phán về Người rằng: “Này là Con Ta yêu dấu, Người đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống, lúc chúng tôi ở với Người trên núi thánh. Và chúng tôi có lời nói chắc chắn hơn nữa là lời nói tiên tri: anh em nên nghe theo lời đó, nó như ngọn đèn sáng soi trong nơi u tối, cho đến khi rạng đông và sao mai mọc lên trong lòng anh em.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mt 17, 5c

Alleluia, alleluia! – Này là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người. – Alleluia.

PHÚC ÂM Lc 9, 28b-36

“Đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người. Đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem.

Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các Ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu.

Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.

Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM LỜI CHÚA NGÀY MAI

THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 18 TN Chúa Hiển Dung Lc 9,28b-36

Chúa Ki-tô, định hướng đời tôi

Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người.” (Lc 9,35)

Suy niệm: Chàng phi công St. Exupéry, đồng thời là nhà văn nổi tiếng của Pháp, cho biết, bay giữa đêm tối thật là nguy hiểm. Phi công có thể lầm lẫn giữa sao trời và ánh sáng dưới đất. Vì thế, tỉnh táo phân biệt và định hướng quyết định sự sống còn của phi công. Ba chàng “phi công” Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an suýt mất mạng trong chuyến bay đức tin. Phê-rô đã lệch hướng bay khi không chấp nhận theo Thầy hướng về Giê-ru-sa-lem đón nhận thập giá; Gia-cô-bê và Gio-an hiểu sai về vinh quang của Đức Ki-tô nên không phân biệt những sự dưới đất và những sự trên trời. Phúc cho họ, Thiên Chúa đã giúp họ “tu nghiệp” điều chỉnh hướng tới cuộc đời, bằng cách bộc lộ sự thật vinh quang của Đức Ki-tô và dạy nguyên tắc vàng ngọc: “Hãy vâng nghe lời Người”. Trong thông điệp đầu tiên của mình, “Đấng cứu chuộc loài người”, Đức Gioan Phaolô II đã định hướng cho mình và Giáo Hội dựa trên nguyên tắc ấy: định hướng duy nhất của trí tuệ, của ý chí, của lòng ta là Chúa Ki-tô, Đấng cứu chuộc loài người.

Mời Bạn: Trách nhiệm truyền giáo khiến bạn có khác gì viên phi công trưởng của chuyến bay có nhiều hành khách. Bạn đang nhắm hướng nào? Bạn có nghiêm túc giữ nguyên tắc căn bản “Hãy vâng nghe lời Người” không?

Chia sẻ: Làm thế nào để gia tăng số người suy niệm lời Chúa hằng ngày?

Sống Lời Chúa: Thực hành suy niệm lời Chúa hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra lòng từ ái của Chúa trong những đòi hỏi của Tin Mừng, xin giúp con thực hành những lời hằng sống ấy.

LẼ SỐNG TRONG LỜI CHÚA NGÀY MAI

30 Tháng Sáu

Chiếc Cầu Của Gặp Gỡ

Vào khoảng năm 1850, họa sĩ tài ba của Hoa Kỳ là James McNeil Whisler đang còn là một thanh niên đầy nhiệt huyết. Mặc dù có tâm hồn nghệ sĩ, Whisler cũng đăng ký vào trường đại học quân sự West Point.

Người ta kể lại rằng khi giáo sư ra đề tài vẽ về một chiếc cầu, dĩ nhiên, các sinh viên phải hiểu đây là một chiếc cầu cần được thiết kế trong mục tiêu quân sự. Thế nhưng, tâm hồn nghệ sĩ của Whisler đã không đếm xỉa gì đến khía cạnh quân sự. Anh vẽ một chiếc cầu thơ mộng bắc qua một mỏm núi thơ mộng. Dọc theo hai bên bờ sông là một tấm thảm cỏ xanh tươi. Nhưng thơ mộng hơn nữa là có hai đứa bé đứng câu cá trên chiếc cầu ấy.

Ông giáo sư cầu cóng không ưng ý chút nào, nên đã ra lệnh cho anh phải bôi đi hình ảnh của hai đứa bé. Viên sĩ quan bèn di chuyển hai cậu bé từ chiếc cầu xuống thảm cỏ bên bờ sông. Lần này, ông giáo sư lại càng giận giữ hơn. Ông quát tháo ầm ĩ: “Tôi đã bảo anh phải cất chúng ra khỏi bức tranh”.

Nhưng con người có tâm hồn nghệ sĩ xem chừng như không thể vẽ cảnh thiên nhiên mà thiếu bóng dáng của con người. Không được sáng tác theo ý mình muốn, Whisler bèn vẽ hai cái mộ trên thảm cỏ dọc theo dòng sông và muốn ông giáo sư hiểu ngầm rằng anh đã chôn hai cậu bé trong hai cái mộ ấy.

Chiếc cầu được bắc qua dòng sông là để nối liền hai bờ sông và chiếc cầu nối liền hai bờ sông là để cho con người ở hai bên bờ sông được liên lạc với nhau. Thiếu sự đi lại của con người thì chiếc cầu trở thành vô nghĩa.

Chúa Giêsu là chiếc cầu nối liền Trời cao và Ðất thấp. Nơi Ngài, con người và Thiên Chúa gặp gỡ nhau. Chỉ trên chiếc cầu của Ðức Kitô con người mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau.

Ngài sinh ra trong một gia đình, Ngài lớn lên trong một gia đình. Ngài đến để quy tụ tất cả nhân loại thành một gia đình. Con đường cứu rỗi của Ngài là con đường mở rộng cho mọi người cùng nắm tay đi với nhau. Chiếc cầu nối liền Thiên Chúa và con người là chiếc cầu của gặp gỡ, của cảm thông, của yêu thương. Chúng ta chỉ có thể đi về cõi phúc trên chiếc cầu của gặp gỡ, của yêu thương ấy.

Trích sách Lẽ Sống

HẠNH CÁC THÁNH NGÀY MAI

6 Tháng 8

Lễ Hiển Dung

Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đều đề cập đến biến cố Hiển Dung (Mátthêu 17:1-8; Máccô 9:2-9; Luca 9:28-36). Với một sự tương đồng đáng chú ý, cả ba đều kể lại biến cố này sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Thế và sau lần đầu tiên Ðức Giêsu nói về sự thống khổ và cái chết của Người. Sự hăng hái của Phêrô trong việc dựng lều nơi hiển dung đưa ra giả sử rằng, biến cố đó xảy ra trong dịp Lễ Lều kéo dài một tuần lễ trong mùa thu.

Mặc dù cả ba văn bản đều rất giống nhau, theo các học giả Kinh Thánh, thật khó để diễn lại cảm nghiệm của các tông đồ, vì các Phúc Âm dựa rất nhiều vào Cựu Ước trong đoạn diễn tả cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa ở núi Sinai và những điều tiên tri về Con Người. Chắc chắn là Phêrô, Giacôbê và Gioan đã thoáng được nhìn thấy thiên tính của Ðức Giêsu, nhưng ấn tượng ấy đủ mạnh để tạo nên sự sợ hãi in sâu trong tâm hồn họ. Một cảm nghiệm như vậy không thể nào diễn tả được, do đó các ngài dùng cách diễn đạt thông thường trong kinh sách để diễn tả. Và tất nhiên, Ðức Giêsu đã cảnh cáo cho họ biết, sự vinh hiển và sự thống khổ của Người liên hệ với nhau một cách chặt chẽ – đó là chủ đề mà Gioan lập đi lập lại trong Phúc Âm của ngài.

Truyền thống coi núi Tabor là nơi hiển dung. Ðầu tiên, trong thế kỷ thứ tư một nhà thờ được dựng nên ở nơi đây để cung hiến cho biến cố này vào ngày 6 tháng Tám. Một ngày lễ để tôn kính sự Hiển Dung được Giáo Hội Ðông Phương cử mừng bắt đầu từ khoảng thời gian đó. Sự mừng kính của một vài giáo hội Tây Phương bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ tám.

Vào ngày 22 tháng Bảy 1456, Thập Tự quân đánh bại quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Belgrade. Tin tức về cuộc chiến thắng được đưa về Rôma vào ngày 6 tháng Tám, và vào năm sau, Ðức Giáo Hoàng Callistus III đã đưa ngày lễ này vào niên lịch phụng vụ của Rôma.

Lời Bàn

Một trong những tường thuật về sự Hiển Dung được đọc vào Chúa Nhật II Mùa Chay hàng năm, để tuyên xưng thiên tính của Ðức Kitô cho các người dự tòng. Phúc Âm của Chúa Nhật I Mùa Chay, ngược lại, là câu chuyện Ðức Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc – xác nhận nhân tính của Ðức Kitô. Hai bản tính khác biệt nhưng không thể tách rời của Chúa Giêsu là một chủ đề gây nhiều tranh luận trong lịch sử Giáo Hội thời tiên khởi; ngày nay chủ đề ấy vẫn còn khó cho nhiều người thấu hiểu.

Lời Trích

Trong biến cố Hiển Dung, Ðức Kitô cho các môn đệ thấy sự huy hoàng mỹ miều của Người, mà qua đó Người sẽ uốn nắn và tô điểm những ai thuộc về Người: “Người sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Philípphê 3:21) (Thánh Tôma Aquinas, Tổng Luận Thần Học).