Lắp ráp, đấu nối tủ điện công nghiệp là công việc của cả xưởng điện trong mỗi doanh nghiệp sản xuất tủ điện, vì đây là một chuỗi quá trình chứ không phải một công việc đơn nhất.
Vì thế để lắp ráp, đấu nối tủ điện công nghiệp hiệu quả và tiến độ sản xuất là nhanh nhất thì cá nhân mỗi người trong xưởng điện cần nắm được quy trình lắp ráp tủ điện.
Khi mới gia nhập “tổ đội” đấu tủ, mình còn không biết bắn thiết bị lên panel tủ như thế nào, gá gì trước, lắp gì sau. Thậm chí đấu một tủ điện điều khiển động cơ xẻ gỗ mất tận ba ngày. Hơn ai hết, mình hiểu cảm giác của các bạn sắp ra trường hoặc mới ra trường đang muốn tìm hiểu về công việc, ngành nghề của mình.
Thú thật cho đến bây giờ, mình và mọi người trong công ty vẫn đang học hỏi và cải thiện từng ngày để làm sao tủ điện được chất lượng nhất, đẹp nhất và nhanh nhất.
Đọc ngay bài viết nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc tìm ra đáp án cho câu hỏi lắp ráp tủ điện là như thế nào nhé!
I. Tổng quan tủ điện công nghiệp
Tủ điện công nghiệp là tủ lắp các thiết bị điện công nghiệp. Giữa các thiết bị có sự kết nối với nhau bằng thanh đồng, dây điện, jump nối theo bản vẽ thiết kế. Với mục đích phân phối hoặc điều khiển theo yêu cầu riêng của từng loại tủ điện.
Việc thiết kế, lắp đặt tủ đạt tiêu chuẩn, chất lượng là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự an toàn cho con người, thiết bị và dây chuyền máy móc.
Trong tủ điện công nghiệp thường sẽ bao gồm các thiết bị thuộc nhóm dưới đây:
+ Thiết bị đóng cắt:
– Máy cắt khí (ACB);
– Aptomat khối (MCCB);
– Aptomat chống giật (RCCB, RCBO);
– Aptomat nhánh (MCB);
– Contactor (MC);
– Rơ le nhiệt (MT).
+ Thiết bị điều khiển:
– Bộ điều khiển PLC;
– Màn hình điều khiển, cài đặt, giám sát (HMI);
– Bộ nguồn;
– Rơ le thời gian, rơ le trung gian, rơ le chốt;
– Bộ phao báo mức;
– Cầu chì hạ thế;
– Nút nhấn, đèn báo, chuyển mạch.
+ Thiết bị đo lường:
– Biến dòng hạ thế;
– Công tơ;
– Đồng hồ Volt, Ampe;
– Chuyển mạch Volt, Ampe.
+ Thiết bị bảo vệ:
– Bộ bảo vệ quá dòng;
– Bộ bảo vệ chạm đất;
– Bộ bảo vệ mất pha, quá áp, thấp áp;
– Bộ chống sét.
+ Vật tư phụ kiện khác:
– Đồng thanh cái kết nối;
– Công tắc nhiệt độ điều khiển quạt gió;
– Bộ tản nhiệt, làm mát tủ (quạt gió, điều hòa);
– Công tắc hành trình cửa, đèn chiếu sáng tủ điện;
– Cầu đấu động lực, cầu đấu điều khiển;
– Máng đi dây;
– Thanh cài, gá thiết bị;
– Nhãn tên thiết bị;
– Dây điện;
– Đầu cốt, dây thít, mica, ruột gà,…
Hình 1.1: Tủ điện công nghiệp
Tủ điện công nghiệp là một phần không thể thiếu trong những công trình lớn, quy mô, hiện đại như các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất… Tùy theo mục đích sử dụng mà có nhiều loại tủ điện khác nhau nhưng các bước lắp ráp tủ điện đều được gói gọn trong 10 bước sau:
II. Các bước lắp tủ điện công nghiệp
1. Bước 1: Đọc hiểu bản vẽ và danh sách vật tư trong tủ điện
+ Việc đọc hiểu bản vẽ là yếu tố hết sức quan trọng, khi đọc hiểu được bản vẽ thì mới biết được mục đích công việc của cần làm cho mỗi tủ điện. Biết làm gì trước, làm gì sau cho hợp lý và hiệu quả công việc nhất.
+ Khi đọc bản vẽ cần kết hợp với danh sách vật tư tủ điện xem các thiết bị trên bản vẽ có thiếu thừa gì so với danh sách vật tư không. Phản hồi lại với người quản lý cấp trên nếu có, để có phương án nhập thêm vật tư hoặc chỉnh sửa thiết kế.
+ Đọc bản vẽ cần đọc và chú ý các điểm sau:
– Đọc bản vẽ quy cách tủ điện: Bảng này sẽ cung cấp đầy đủ thông số về tủ điện, chủng loại tủ điện, mẫu mã, quy chuẩn. Các bạn cần đọc kỹ để nắm rõ quy cách tủ điện. Xem bản vẽ quy cách tủ điện tại đây.
– Đọc bảng ghi chú ký hiệu: Đây là bảng quy định chung về các ký hiệu thiết bị của ngành điện. Tuy nhiên, mỗi công ty sẽ có phòng thiết kế khác nhau nên ký hiệu có sự khác biệt đôi chút về hình dạng. Các bạn đấu nối công ở công ty nào lâu thì sẽ quen ký hiệu, còn nếu mới vào thì có thể hỏi các bạn làm trước những ký hiệu chưa rõ. Xem một số ký hiệu thông dụng của thiết bị điện tại đây.
– Đọc bản vẽ bố trí thiết bị: Công việc chính của bước này là xác định vị trí lắp đặt, cách lắp đặt, kích thước hình dạng thực tế và các thông số kèm theo cho từng thiết bị. Ở khâu này cần nắm được cần những loại bulong, ecu, ray gá hay máng điện như thế nào để gắn được thiết bị lên tủ. Xem bản vẽ mẫu về bố trí thiết bị tủ điện tại đây.
– Đọc bản vẽ động lực: Khâu này cần xác định được các loại đồng thanh cái, dây động lực, đầu cốt động lực. Bản vẽ thiết kế chuẩn thì sẽ có tiết diện dây đầy đủ theo chủng loại và mẫu mã. Một số công ty nhỏ sẽ không chú ý đến khâu này lắm, nên thường để chống chủng loại dây sử dụng. Nếu các bạn làm kinh nghiệm sẽ biết cần dùng loại cáp nào, nếu các bạn là người mới có thể tham khảo bảng chọn tiết diện dây dẫn động lực ở bước 4. Xem sơ đồ động lực một sợi của tủ điện phân phối tổng MSB 4000A tại đây.
– Đọc bản vẽ điều khiển: Thông thường bản vẽ điều khiển được thiết kế từ trái qua phải, từ trên xuống dưới. Nên các bạn đọc bản vẽ điều khiển cũng theo trình tự này sẽ dễ hiểu nhất. Chung quy lại, bản vẽ điều khiển dùng để điều khiển đóng cắt các cuộn hút của rơ le, contacor theo các tín hiệu đầu vào hay các nút nhấn, chuyển mạch. Thông qua rơ le, contactor để điều khiển động cơ, bơm, van,… Xem bản vẽ điều khiển tụ bù 1600kVAr và bật tắt máy cắt ACB tại đây.
2. Bước 2: Gá lắp thiết bị điện lên tủ điện
+ Thiết bị để lắp tủ điện sẽ được bộ phận kho của công ty cung cấp.
+ Vỏ tủ điện bên lắp giáp cơ khí sẽ chuyển sang xưởng điện để lắp thiết bị điện và đấu nối.
Hình 2.1: Vỏ tủ điện sau khi lắp ráp được chuyển sang xưởng điện
Hình 2.2: Vỏ tủ điện sau khi lắp ráp được chuyển sang xưởng điện
+ Nguyên tắc gá thiết bị điện:
– Trường hợp có bản vẽ thiết kế các bạn sẽ gá lắp theo bản vẽ thiết kế.
– Trường hợp tủ chưa có bản vẽ thiết kế: các bạn nên lắp sắp xếp sao cho diện tích sử dụng là ít nhất, tiết kiệm dây dẫn điện và đảm bảo được cả tính thẩm mỹ. Cách sắp xếp hợp lí nhất được bố trí như sau:
- Aptomat tổng đặt trên cùng góc trái;
- Góc phải trên cùng lắp cầu chì, bộ nguồn, bộ bảo vệ pha;
- Các át nhánh để xuống hàng bên dưới;
- Sau là bộ điều khiển, rơ le trung gian;
- Tiếp theo đến contactor, rơ le nhiệt;
- Dưới cùng là cầu đấu.
Hình 2.3: Vị trí các thiết bị trong tủ điện công nghiệp
Hình 2.4: Vị trí các thiết bị trong tủ điện công nghiệp
+ Sau khi được bộ phận kho cung cấp đủ vật tư các bạn tiến hành gá lắp thiết bị:
– Lắp máng điện: máng điện cắt theo kích thước trên bản vẽ và bắn theo vị trí trên bản vẽ bố trí thiết bị. Ở panel thông thường sẽ có lỗ đột dấu ở công đoạn sản xuất vỏ tủ bằng máy CNC để lắp máng theo các đường dấu có sẵn, sẽ tiết kiệm thời gian cho việc gá lắp;
– Lắp các thiết bị động lực: Các thiết bị động lực thường được gá lắp bằng bulong và ecu. Các điểm gá lắp sẽ được đột lỗ phù hợp để gá thiết bị;
– Lắp các thiết bị điều khiển: Các thiết bị điều khiển thông thường là gá trên thanh ray cài. Ray cài được bắn vào panel tủ điện bằng vít tự khoan, hoặc đinh rút. Sau khi đã lắp ray cài;
– Lắp thiết bị cánh tủ điện: đèn báo, nút nhấn, chuyển mạch, còi báo, HMI, đồng hồ Volt, Ampe, … Các thiết bị ở cánh tủ thông thường sẽ được đột trước lỗ gá lắp thiết bị. Tuy nhiên có các tủ điện dùng vỏ tủ có sẵn thì cần khoét lỗ bằng máy khoan có lắp đầu mũi khoét phi 22, 25, 30; dùng máy cắt để cắt các lỗ cắt hình vuông hay chữ nhật;
– Lắp đặt vật tư khác: quạt gió, công tắc hành trình, đèn chiếu sáng tủ điện,…;
3. Bước 3: Dán tên các thiết bị trên tủ điện
Để công việc đấu nối nhanh, cần phải dán tên các thiết bị theo bản vẽ để khi đấu không phải xem lại bản vẽ, đếm lại số thứ tự thiết bị nhiều lần. Các nhãn tên thiết bị thường được in bằng máy in Brother, MAX,… Máy thông dụng hay sử dụng ở các nhà máy lắp ráp tủ điện để in nhãn thiết bị và ống nhãn để đấu dây là máy LM-550.
+ In nhãn các bạn cần lưu ý:
– Sử dụng loại nhãn phù hợp;
– Cỡ chữ sao cho vừa để nhìn;
– Chiều dài nhãn phù hợp với từng thiết bị;
– Chọn chế độ cắt, để đường thẳng, nét đứt hoặc không cắt.
– Bảng thông số các loại nhãn tham khảo cho máy in LM-550A:
Thông số
Loại nhãn
Chế độ cắt
Chiều dài nhãn
Cỡ chữ
Các thiết bị ở cánh tủ
12mm
Cắt
28mm
4 hoặc 6
Aptomat
9mm
Cắt
18mm
4
Name plate của aptonat trên cánh trong tủ
12mm
Cắt
48mm
4 hoặc 6
Contactor, rơ le nhiệt
5mm/9mm
Cắt
15mm
3 hoặc 4
Rơ le trung gian
9mm
Cắt
20mm
4
Cầu chì
5mm/9mm
Cắt
12mm
4
Thiết bị điều khiển khác
9mm
Cắt
20mm
4
Cầu đấu
5mm/9mm
Line (đường thẳng)
Tùy vào loại cầu đấu
4
Bảng 2.1: Thông số nhãn in cho máy LM-550A
+ Sau khi in các bạn dán tên thiết bị lên theo bản vẽ bố trí thiết bị.
Hình 2.5: Dán tên thiết bị trong panel tủ điện
Hình 2.6: Dán tên thiết bị và logo công ty trên cánh tủ điện
Hình 2.7: Gắn tên thiết bị cần điều khiển bên ngoài cánh tủ điện
4. Bước 4: Gia công, lắp ráp thanh cái đồng; đấu nối mạch động lực của tủ điện.
Với các tủ điện phân phối có dòng định mức của át tổng nhỏ hơn 50A thì các át nhánh sẽ được kết nối với át tổng bằng dây dẫn, thanh cài răng lược. Các tủ điện có dòng điện át tổng từ 100A trở lên thông thường sẽ được kết nối bằng thanh cái đồng.
Phần lắp ráp thanh đồng và dây điện động lực là khâu vô cùng quan trọng. Nếu siết các điểm nối không chặt hay bóp cốt lỏng sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng truyền và dẫn điện, lâu dài sẽ bị chập, cháy, hỏng thiết bị.
Hình 2.8: Máy gia công đồng thanh cái Nam Sung
+ Gia công thanh cái đồng theo bản vẽ sản xuất đồng gồm các bước sau:
– Bước 1: Cắt phôi đồng cho đúng kích thước đồng và chiều dài phôi đồng;
– Bước 2: Đột lỗ trên các thanh cái đồng theo bản vẽ;
– Bước 3: Uốn thanh cái đồng ;
– Bước 4: Mạ thanh cái đồng để chống oxi hóa đồng và tăng khả năng dẫn điện, thông thường đồng mạ bằng thiếc. Tốt hơn thì mạ bằng niken. Cao cấp thì mạ bằng bạc (ở Việt Nam gần như không sử dụng mạ đồng bằng bạc);
– Bước 5: Bọc co nhiệt PVC hoặc sơn epoxy để phân biệt màu. Thông thường màu các pha sẽ tương ứng theo thứ tự sau:
Pha
Việt Nam
Nhật Bản
Pha A (R)
màu đỏ
màu vàng
Pha B (S)
màu vàng
màu xanh (blu)
Pha C (T)
màu xanh (blu)
màu đỏ
Pha trung tính (N)
màu đen
màu đen
Tiếp địa (PE)
màu vàng xanh
màu vàng xanh
Bảng 2.2: Bảng phân màu cho các pha trong tủ điện công nghiệp
Hình 2.9: Đồng thanh cái được cắt thành phôi
+ Lắp đồng thanh cái:
– Lắp các thanh cái chính trước;
– Lắp các thanh cái nhanh;
– Siết chặt lại bulong và ecu (mỗi bộ bu lông, ecu gồm để bắt thanh cái đồng gồm: 1 bu lông + 2 long đen phẳng + 1 long đen vênh + 1 ecu);
– Kiểm tra lại các điểm xiết ốc và đánh dấu đã kiểm tra;
– Cắt mica và lắp để che đồng thanh cái;
Hình 2.10: Tủ điện sau khi hoàn thiện lắp đồng thanh cái
+ Đấu nối dây điện động lực:
– Dây cáp điện động lực dùng đấu nối trong tủ chủ yếu dùng dây ruột đồng mềm (Cu/PVC). Tiết diện dây dẫn sử dụng phụ thuộc theo dòng điện định mức của động cơ (thường dây đấu nối trong tủ điện tính 3-4A/1mm2 tiết diện dây đồng);
– Dây dẫn đấu trong tủ điện có tiết diện từ 6mm2 thường dùng dây màu đen, đầu cốt có bọc bọp phân biệt màu đỏ, vàng, xanh, đen. Dây điện có tiết diện dưới 6mm2 thường dùng dây phân màu đỏ, vàng, xanh, đen; nếu không có dây khác màu thì cần bóp cốt khác màu hoặc dùng ống nhãn tên cho từng dây riêng biệt;
– Dây điện đấu cho biến dòng hạ thế có dòng sơ cấp 5A thường dùng dây 2,5mm2;
– Bảng chọn tiết điện dây dẫn theo dòng điện (áp dụng cho dây đồng mềm Cu/PVC):
Tiết diện dây dẫn (mm2)
Dòng điện làm việc (A)
Thấp
Cao
1.5
0
5
2.5
6
10
4.0
11
16
6.0
17
24
10
25
40
16
41
64
25
65
100
35
101
140
Bảng 2.3: Bảng chọn tiết diện dây dẫn động lực theo dòng điện
Bảng thông số trên áp dụng cho dây đồng mềm có vỏ bọc một lớp PVC (Cu/PVC). Dùng đấu nối trong tủ điện (khoảng cách ngắn). Với các tải có dòng điện lớn hơn trong bảng trên nên dùng đồng thanh cái kết nối để đảm bảo độ chắc chắn và dẫn điện tốt.
– Dây đo và cắt dây vừa đủ điểm đấu, tránh đo dây dài quá vừa gây lãng phí, trật tủ điện, khó đậy nắp máng;
– Cho bọp nhựa phân màu hoặc nhãn dây vào dây động lực;
– Bóp cốt động lực bằng kìm ép cốt động lực, với các dây có tiết điện từ 16mm2 trở lên cần ép đầu cốt bằng kìm thủy lực để đảm bảo chắc chắn;
– Sau khi bóp xong cần kiểm tra lại xem đầu cốt đã chắc chưa (bóp lại nếu chưa chặt);
– Tiếp đến là đấy nối dây động lực theo bản vẽ, dây động lực cần để gọn gàng trong máng điện.
5. Bước 5: Đấu nối mạch điều khiển trong tủ điện.
+ Đấu dây điều khiển là khâu quan trọng quyết định đến sự hoạt động ổn định của tủ điện, vì chỉ cần một đầu cốt lỏng hoặc tuột vì chưa siết chặt sẽ dấn đến ngừng hoạt động của cả hệ thống.
+ Dây điều khiển thường sử dụng loại dây có tiết diện nhỏ: 0.5mm2; 0.75mm2; 1.0mm2; 1.5mm2.
+ Dây điều khiển nên phân biệt màu giữa các loại điện áp và tín hiệu để dễ cho quá trỉnh bảo dưỡng sửa chữa về sau. Màu dây điều khiển được chia theo bảng dưới đây:
Loại điện áp
Điện áp
Màu dây
220 V AC
+ 220 V AC (L)
Đỏ (Red)
‘- 220 V AC (N)
Đen (Black)
24 V DC
+ 24 V DC
Xanh (Blu)
‘- 24 V DC
Xanh trắng (Blu/white) hoặc trắng (White)
Bảng 2.4: Bảng màu dây điện điều khiển đấu trong tủ điện công nghiệp
+ Đo và cắt dây điều khiển nên để mỗi đầu dài dư ra từ 5-10cm, để có thể uốn dây và thít dây cho sóng dây mà không bị căng. Khi cắt dây nên lưu ý cắt các dây chung trước (như dây cấp nguồn L, dây trung tính N), sau đó mới cắt đến các dây nối khác trong bản vẽ ưu tiên thứ tự từ trái qua phải, từ trên xuống dưới theo bản vẽ.
+ Sau khi cắt dây sẽ cho nhãn dây vào từng dây điện điều khiển. Nhãn cho dây điện điều khiển thường dùng là nhãn 2.5cm (với dây có tiết điện 0.5mm2 và 0.75mm2) hoặc 3.2mm (với dây có tiết điện 1.0mm2 và 1.5mm2). Độ dài của ống in thường để mặc định là 20mm, nếu tên nhãn in dài các bạn có thể điều chỉnh độ dài ngắn cho phù hợp.
+ Tiếp đến là bóp cốt điều khiển, đây là khâu mà các bạn mới ra trường hoặc đang đi thực tập hay được làm nhất. Đây tuy là công đoạn đơn giản; nhàn chán nếu làm nhiều. Nhưng đối với mình khâu này rất quan trọng và phải làm tỷ mỉ để đầu cốt vừa đảm bảo kỹ thuật, vừa cần thẩm mỹ nữa. Với mỗi loại dây đấu vào các thiết bị khác nhau thì cần sử dụng đầu cốt phù hợp để ép.
+ Cuối cùng là đấu dây theo bản vẽ. Nên đấu theo trình tự đã cắt dây ở bước trên.
6. Bước 6: Kiểm tra nguội tủ điện đã lắp ráp, đấu nối.
Sau khi hoàn thiện việc lắp ráp, đấu nối cần kiểm tra lại các hạng mục sau:
+ Kiểm tra lắp ráp đấu nối phần động lực:
– Kiểm tra thiết bị đóng cắt đã đấu đúng sơ đồ nguyên lý chưa;
– Kiểm tra nhãn mác thiết bị;
– Kiểm tra độ chặt của các điểm đấu nối cơ khí và điện, các điểm kết nối cần đánh dấu bằng bút dấu;
– Kiểm tra nhãn mác thiết bị;
– Kiểm tra và loại bỏ các dụng cụ còn để trong tủ điện;
– Đo cách điện giữa các pha, giữa các pha với tiếp địa. Dùng đồng hồ MegaOhm đo cách điện các pha đạt yêu cầu là 0,5MΩ/0,5k;
Hình 2.11: Đồng hồ đo điện đa năng và Ampe kìm Kyoritsu
Hình 2.12: Đồng hồ đo điện trở cách điện Kyoritsu
+ Kiểm tra đấu nối phần điều khiển:
– Kiểm tra các đầu cốt, các điểm đấu đã chặt chưa;
– Đo kiểm tra đủ dây trung tính, dây nguồn chưa;
– Đo thông mạch các dây điện theo sơ đồ đấu nối;
– Đo thông mạch nguồn dương và âm. Không thông mạch là được;
+ Sau khi kiểm tra đấu nối xong sẽ cắm các thiết bị như rơ le trung gian, rơ le báo mức, phao báo mức,… vào đế của thiết bị.
7. Bước 7: Kiểm tra tủ điện chạy đơn động và liên động không tải.
Sau khi đã kiểm tra kỹ ở bước 6, các bạn tiến hành đấu điện vào để kiểm tra hoạt động đơn động không tải của tủ điện. Việc kiểm tra tủ điện thực hiện trình tự các bước sau:
+ Chuẩn bị dây test tủ:
– Dây test tủ điện nên dùng dây 4×1.5mm2, có chiều dài phù hợp với xưởng điện để có thể test được các tủ điện trong toàn khu vực. Dùng dây 4 sợi sẽ không bị rối khi kéo ra vào kiểm tra;
– Át tại tủ cấp nguồn test nên dùng át chống giật, để đảm bảo an toàn khi kiểm tra tủ;
– Nên lắp thêm 6 át MCB 1 pha ở đầu dây test để thuận tiện cho việc bật tắt điện khi chỉnh sửa ở tủ đang test. Dùng 6 cái át MCB dùng khi test tủ ATS.
– Tắt điện cấp ra dây dẫn kiểm tra, khóa tủ điện lại để tránh trường hợp có người khác bật lên. Dùng đồng hồ đo điện để đo đầu dây kiểm tra xem có điện không;
+ Đấu dây test tủ: Đấu dây kiểm tra vào đầu vào tủ điện (tại cầu đấu nguồn tổng hay đầu vào aptomat (át) tổng);
+ Kiểm tra lại độ cách điện giữa các pha:
– Bật toàn bộ át trong tủ lên;
– Đo kiểm tra lại cách điện lại một lần nữa;
– Nếu đã cách điện an toàn thì tắt toàn bộ át.
+ Thông báo tủ có điện với mọi người không lại gần khu vực kiểm tra tủ điện;
+ Đóng át cấp nguồn test lên, đóng át tại đầu dây chỗ tủ điện;
+ Quá trình test:
– Đo điện áp đầu vào xem ổn định chưa;
- Điện 3 pha 4 dây (3P4W) đo đủ điện áp dây từ 380-400VAC, điện áp pha 220-240VAC;
- Điện 1 pha 2 dây (1P2W) đo đủ điện 220-240VAC;
- Ngoài ra với các nguồn điện 1 chiều cần đo đủ điện áp tương ứng.
– Bật át tổng lên, bật át nhánh và đo kiểm tra điện áp sau át nhánh;
Hình 2.13: Test tủ điện đơn động không tải
– Kiểm tra mạch điều khiển:
- Đo lại cách điện giữa trung tính và nguồn xem có cách điện an toàn không;
- Bật át điều khiển và đo kiểm tra điện áp;
- Bật khởi động contactor, rơ le ở chế độ bằng tay thông qua chuyển mạch hoặc các nút nhấn ở cánh tủ;
- Chế độ bằng tay chạy bình thường thì sẽ sang chạy tự động, kiểm tra liên động theo nguyên lý điều khiển;
– Cài đặt các tham số trên HMI, rơ le thời gian, rơ le nhiệt.
Hình 2.14: Cài đặt các tham số biến tần và đồng hồ nhiệt
– Kiểm tra lại lần cuối các thiết bị trong tủ điện so với list danh sách thiết bị.
8. Bước 8: Vệ sinh tủ điện
Sau khi trải qua hết các công đoạn trên sẽ cần vệ sinh tủ điện bằng máy hút bụi và các vật dụng cần thiết. Đảm bảo tủ điện không bị mạt sắt hoặc bụi bẩn.
9. Bước 9: Bộ phận QC nhà máy kiểm tra và ra biên bản
+ Bộ phận QC nhà máy sẽ giám sát từng quy trình ở trên, đảm bảo sản phẩm được kiểm soát 100% tại các công đoạn.
+ Sau khi bộ phận đấu tủ đã test xong , bộ phận QC của nhà máy kiểm tra chất lượng tủ điện. Để sản phẩm không có lỗi khi xuất khỏi nhà máy.
+ Phòng QC ra biên bản test xuất xưởng sản phẩm.
Bước 10: Đóng gói tủ điện
+ Một số dự án có khách hàng trực tiếp đến test tủ điện tại xưởng thì sẽ đóng gói sau khi khách hàng test tủ.
+ Đối với dự án khách hàng không test tại xưởng thì sẽ chuyển tủ điện ra khu vực đóng gói. Đóng gói cẩn thận, đảm bảo an toàn khi vận chuyển đường dài.
Hình 2.15: Đóng gói tủ điện và chuyển ra vị trí chờ xuất hàng
Trên đây là một số kinh nghiệm và kiến thức cơ bản về các bước lắp ráp tủ điện công nghiệp mà 2DE muốn gửi đến bạn hy vọng sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình lắp ráp và đấu nối tủ điện.
>> Xem ngay 15 mẫu tủ điện hạ thế thông dụng trong công nghiệp
Công ty 2DE Việt Nam chuyên cung cấp Tủ Điện Chất Lượng, giá cả hợp lý, sản xuất theo đúng quy trình, đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành điện, 2DE luôn đưa ra những giải pháp kỹ thuật hoàn hảo, sản phẩm có độ ổn định cao, đảm bảo an toàn khi vận hành và quan trọng hơn hết là tối giản chi phí, mang đến cho khách hàng sự hài lòng về chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Chính vì thế 2DE luôn là đối tác tin cậy của nhiều công ty cơ điện, nhà máy, xí nghiệp,…
2DE rất mong nhận được sự ủng hộ và gắn bó lâu dài của quý khách trong thời gian sắp tới.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!