Trước khi chụp tử cung vòi trứng cần làm gì

1. Chụp X-Quang tử cung vòi trứng là gì? Chụp tử cung vòi trứng được viết tắt là HSG (Hysterosalpingography) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X nhằm khảo sát lòng tử cung và hai vòi trứng sau khi bơm thuốc đối quang qua ống thông ở lỗ cổ tử cung. Chụp tử cung vòi trứng thường được sử dụng để chẩn đoán tắc vòi trứng và phát hiện các bất thường ở buồng tử cung.

Chụp X Quang tử cung vòi trứng

2. Khi nào cần chụp tử cung vòi trứng? Chụp tử cung vòi trứng được hiện theo sự chỉ định của bác sỹ sản khoa, khi bệnh nhân gặp khó khăn để thụ thai hoặc gặp các vấn đề trong thai kỳ như sảy thai tự nhiên nhiều lần nhằm chẩn đoán nguyên nhân vô sinh.

Một số nguyên nhân gây vô sinh chủ yếu được phát hiện bởi kỹ thuật này bao gồm: – Bất thường trong cấu trúc tử cung (do bẩm sinh hoặc di truyền) – Tắc ống dẫn trứng – Có bất thường trong tử cung như u xơ, khối u tử cung, polyp tử cung hoặc tồn tại mô sẹo trong tử cung. Bên cạnh đó, kỹ thuật này còn được sử dụng để kiểm tra ống dẫn trứng vài tháng sau phẫu thuật để đảm bảo phẫu thuật thắt ống dẫn trứng thành công hay không.

3. Bạn cần chuẩn bị gì trước khi chụp tử cung vòi trứng? – Ngưng uống các loại thuốc có đối quang trong 5 ngày trước. – Bệnh nhân được uống thuốc giảm đau, giãn cơ trước chụp khoảng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ. – Để ngăn ngừa nhiễm trùng bác sỹ sẽ kê thêm thuốc kháng sinh trước hoặc sau khi chụp. – Đối với một số bệnh nhân quá lo lắng, các bác sỹ có thể sẽ kê thêm một toa thuốc an thần giúp thư giãn hơn – Bệnh nhân cần đi tiểu trước khi chụp.

4. Thời điểm nào phù hợp để chụp tử cung vòi trứng? Chụp tử cung thường được thực hiện sau một vài ngày đến 1 tuần sau khi kết thúc kinh nguyệt. Việc này đảm bảo bạn không mang thai, đồng thời giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng trong quá trình thực hiện kỹ thuật. Một số chống chỉ định của chụp tử cung vòi trứng: – Đang mang thai. – Đang bị viêm nhiễm phần phụ. – Đang có kinh hoặc đang rong huyết

5. Quá trình thực hiện tử cung vòi trứng diễn ra như thế nào? – Bước 1: Bệnh nhân sẽ nằm lên bàn chụp theo tư thế sản khoa. – Bước 2: Nhân viên y tế sẽ sát khuẩn âm hộ, đưa dụng cụ khám (mỏ vịt) vào âm đạo để quan sát cổ tử cung. Sát khuẩn cổ tử cung và cùng đồ âm đạo, sau đó cố định ống thông và bơm thuốc cản quang theo ống thông vào buồng tử cung. – Bước 3: Chụp các phim đánh giá tử cung và vòi trứng. – Bước 4: Tháo bỏ dụng cụ. – Bước 5: Chụp thêm phim Cotte đánh giá lưu thông vòi trứng sau 10 – 15 phút và kết thúc quá trình chụp.

6. Cần lưu ý gì trong khi chụp tử cung vòi trứng? – Bệnh nhân cần thả lỏng cơ thể, phối hợp tốt với nhân viên y tế để có kết quả tốt nhất. – Bệnh nhân có thể cảm thấy hơi đau bụng khi tiêm thuốc cản quang, cảm giác này sẽ tự giảm dần đi trong thời gian ngắn.

7. Cần lưu ý gì sau khi chụp tử cung vòi trứng? – Thuốc cản quang có thể rỉ ra từ âm đạo, nó dính nên sẽ hơi khó chịu. Bệnh nhân có thể dùng băng hằng ngày để hạn chế sự khó chịu này. – Nghỉ ngơi tại chỗ khoảng 30 – 45 phút để nhân viên y tế theo dõi. – Cần uống thuốc đúng theo đơn của bác sỹ (nếu có). – Hầu hết mọi người có thể tự lái xe về nhà sau khi chụp. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân có thể cảm thấy không khỏe sau khi chụp, vì vậy bệnh nhân nên sắp xếp để người thân đưa về nhà.

8. Những rủi ro nào có thể xảy ra khi thực hiện chụp tử cung vòi trứng? – Tai biến trong chụp tử cung vòi trứng là rất hiếm, bao gồm dị ứng với thuốc cản quang, tổn thương tử cung hoặc nhiễm trùng vùng chậu. Bệnh nhân cần báo ngay cho nhân viên y tế nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây: + Nôn, ngứa, phát ban, choáng váng, rét run, đau ngực, khó thở. + Ngất xỉu. + Đau bụng dữ dội hoặc chuột rút. + Chảy máu âm đạo nặng. + Sốt hoặc ớn lạnh. + Dịch tiết âm đạo có mùi hôi. Tùy từng trường hợp mà nhân viên y tế sẽ có phương pháp xử lý phù hợp đảm bảo an toàn cho người bệnh.