Thơ ca là gì? Đặc trưng và phân loại thơ

Thơ ca là tiếng nói của tâm hồn, là tiếng nói tình cảm con người. Ta bắt gặp trong các tác phẩm thơ ca là một thế giới nội tâm của tác giả hay những rung động mãnh liệt của trái tim nghệ sĩ trước cuộc đời. Cảm xúc là yếu tố chi phối chủ đạo trong các tác phẩm thơ ca, là nguồn cội của mọi sáng tạo nghệ thuật. Thơ ca đã có mặt cùng sự phát triển của nhân loại suốt bao thời kì lịch sử, nhờ có nó mà cuộc sống trở nên phong phú hơn, đẹp đẽ và nhân văn hơn. Vậy thơ ca là gì? Đặc trưng và phân loại thơ thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài sau viết sau.

Khái niệm thơ ca là gì?

Thơ hay thơ ca, thi ca là những hình thức sáng tạo văn học phản ánh cuộc sống với những xúc cảm chất chứa, cô đọng, những tâm trạng dạt dào đi kèm những tưởng tượng mạnh mẽ đi kèm ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và có nhịp điệu.

Thơ ca là được xem là hình thức ban đầu của văn học, ngoại trừ các câu chuyện thần thoại thời nguyên thuỷ có hình thức tồn tại ở các lễ hội, cúng tế, các hình thức văn học ban đầu như sử thi, kịch, thơ trữ tình đều là thơ ca, tức là tác phẩm sử dụng ngôn ngữ có nhịp điệu. Với nhiều nền văn học trên thế giới và riêng với Việt Nam, thơ ca đã ra đời từ rất lâu rồi mới văn xuôi xuất hiện. Trải qua quá trình lịch sử phát triển lâu dài, thơ ca đã hình thành được những hình thức cực kì đa dạng, từ thơ sử thi dài hàng chục câu đến những bài thơ ngắn chỉ gồm bốn, năm dòng như thơ ngũ ngôn, thơ tứ tuyệt, thơ haiku…

Đặc trưng của thơ ca

Thơ ca sẽ có rất nhiều đặc trưng, nhưng sau đây là những đặc trưng cơ bản nhất của thơ ca.

  • Thơ là một thể loại văn học thuộc phương thức biểu hiện trữ tình, thơ tác động đến người đọc bằng sự nhận thức đối với cuộc sống, những liên tưởng, tưởng tượng phong phú; thơ được phân chia thành nhiều loại khác nhau nhưng dù thuộc loại hình thức nào thì yếu tố trữ tình vẫn giữ vai trò cốt lõi trong tác phẩm.

  • Nhân vật trữ tình (chủ thể trữ tình, cái tôi trữ tình) là người trực tiếp cảm nhận và bày tỏ niềm rung động trong thơ trước sự kiện. Nhân vật trữ tình là cái tôi thứ hai của nhà thơ, gắn bó máu thịt với tư tưởng, tình cảm của chính tác giả.

  • Thơ là tiếng nói của tình cảm con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời.

  • Mặc dù thơ ca thể hiện những cảm xúc, tâm sự riêng tư, nhưng những tác phẩm thơ ca chân chính bao giờ cũng mang ý nghĩa khái quát về con người, về cuộc đời, về nhân loại đó là cầu nối dẫn đến sự đồng cảm giữa người với người trong cuộc sống.

  • Thơ thường không trực tiếp kể về sự kiện nhưng bao giờ cũng có ít nhất một sự kiện làm nảy sinh rung động thẩm mỹ mãnh liệt trong tâm hồn nhà thơ mà các tác phẩm thơ ca chính là phương thức để biểu thị niềm rung động ấy. Ta từng bắt gặp một miếng trầu đem mời để mở đầu câu chuyện hay một tiếng gà trưa đủ để làm bắt được cảm xúc của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, hình ảnh một cái bánh trôi nước “bảy nổi ba chìm” bỗng dưng khiến người phụ nữ Hồ Xuân Hương phải tự viết lên nỗi lòng của chính mình…

  • Thơ ca có số lượng câu chữ ngắn hơn các thể loại khác (tự sự, kịch). Hệ quả là nhà thơ biểu hiện cảm xúc của mình một cách tập trung hơn thông qua hình tượng thơ, đặc biệt thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, qua dòng thơ, qua vần điệu, tiết tấu…để rồi nhiều khi cảm xúc vượt ra khỏi ngôn từ làm nên câu chuyện “ý tại ngôn ngoại”. Bởi vậy, thơ có thể tạo điều kiện cho người đọc thực hiện vai trò “đồng sáng tạo” để phát hiện đời sống, khiến người đọc phải suy nghĩ, trăn trở để tìm kiếm ý đồ nghệ thuật của tác giả cũng như những điểm đặc sắc trong tư duy nghệ thuật của mỗi nhà thơ.

  • Thơ ca chú trọng đến cái đẹp, phần thi vị của tâm hồn con người và cuộc sống khách quan. Vẻ đẹp và tính chất gợi cảm, truyền cảm của thơ có được do ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhạc điệu kết hợp đó là hiệp vần của lời thơ, cách ngắt nhịp, sử dụng thanh điệu…làm tăng sức âm vang và lan tỏa, thấm sâu của ý thơ.

  • Về cấu trúc, mỗi bài thơ là một cấu trúc ngôn ngữ đặc biệt, sự sắp xếp các dòng (câu) thơ, khổ thơ, đoạn thơ làm nên một hình thức có tình tạo hình; đồng thời sự hiệp vần, xem phối bằng trắc cách ngắt nhịp vừa thống nhất vừa biến hoá tạo nên tính nhạc điệu, trầm bổng, luyến lánh của văn bản thơ. Ngôn ngữ của thơ ca chủ yếu là ngôn ngữ của nhân vật trữ tình, là ngôn ngữ hình ảnh, biểu tượng. Do đó ngôn ngữ thơ thiên về khơi gợi, đòi hỏi người đọc phải chủ động liên tưởng, tượng tượng, đặc cảm xúc vào trong đó thì mới hiểu hết cái ý thơ độc đáo bên trong.

Thơ ca gồm có những thể loại nào?

Tuỳ thuộc vào các tiêu chí khác nhau sẽ cách phân loại tương ứng, lâu nay trong giới nghiên cứu đã đưa ra nhiều cách phân loại thơ ca. Cụ thể:

  • Theo nội dung biểu hiện có thơ trữ tình (tác phẩm đi sâu vào tâm tự tình cảm, chiêm nghiệp của con người về cuộc đời, ví dụ như bài “Tự tình” của Hồ Xuân hương), thơ tự sự (cảm nghĩ theo mạch kể chuyện, ví như bài “Hầu trời” của Tản Đà), thơ trào phúng (phê phán phủ nhận cái xấu theo lối mỉa mai, đùa cợt ví dụ như bài thơ “Vịnh Khoa thi Hương” của Tú Xương).

  • Theo cách tổ chức bài thơ gồm có: thơ cách luật (viết theo luật có sẵn như thơ Đường, lục bát, ngũ ngôn,…), thơ tự do (không theo niêm luật cho trước), thơ văn xuôi (câu thơ giống như câu văn xuôi nhưng giàu nhịp điệu hơn).

Ngoài ra, tại Việt Nam và một số các nước phương Đông, các nhà nghiên cứu còn dựa vào thời gian xuất hiện để chia thơ thành các loại như: thơ trữ tình dân gian (ca dao – những sáng tác dân gian, diễn ra trong đời sống nội tâm của con người. Ca dao không mang dấu ấn cá nhân hoá, bất cứ ai nếu thấy ca dao phù hợp để có thể sử dụng và xem đó là tiếng lòng của mình); thơ trữ tình trung đại (dòng thơ ảnh hưởng của tư tưởng thời đại, đặc điểm thơ mang tính ước lệ, quy phạm và chủ để lại đề cao cái tôi đại chúng, cái tôi “siêu cá thể, thơ thường mang nặng về chí lớn và truyền tải đạo lý; thơ trữ tình hiện đại (thuộc thể loại Thơ mới, thơ đề cao đề cao cái tôi nên màu sắc cá thể của cảm xúc in đậm ở mọi khía cạnh của ngôn từ như vốn từ, các biện pháp tu từ hay ngữ điệu, giọng điệu.

Ở Việt Nam các nhà nghiên cứu thường chọn dựa vào nội dung để chia thơ thành các loại: thơ trữ tình, thơ tự sự, thơ trào phúng, thơ cách mạnh…

Nhìn chung các phân loại thơ cơ cũng chỉ mang tính chất tương đối bởi tác phẩm thơ nào cũng thể hiện cảm xúc, dù ít dù nhiều loại thơ nào cũng theo thi luật nhất định (theo đặc trưng của thơ, của ngôn ngữ, dung lượng,…). Thế nhưng, việc phân chia thơ thành các loại khác nhau là cần thiết, phục vụ cho việc nghiên cứu, đọc – hiểu và thẩm bình các tác phẩm thơ ca một cách thuận lợi hơn.

Có thể thấy thơ ca đã đồng hành cùng cuộc sống con người từ thuở rất xa xưa của nền văn hóa. Thơ ca mang đến những hiểu biết về nhiều mặt của đời sống, tác động và nâng cao những tình cảm nhân văn, làm da dạng thêm khả năng cảm thụ thẩm mĩ của con người. Những xúc cảm khiến con người biết yêu thương, những tình cảm khiến cuộc sống trở nên đẹp đẽ và con người gần gũi nhau hơn. Hi vọng với những chia sẻ bên trên, bạn đã thật sự hiểu thơ ca là gì, cũng như hiểu được các đặc trưng và cách phân loại thơ ca.

Xem thêm:

  • Viết lách là gì? Cách viết lách cho người mới bắt đầu
  • Tình huống truyện là gì? Kiến thức quan trọng cần nắm vững
  • Truyện cổ tích là gì? Những nét đặc trưng của truyện cổ tích?
  • Sách là gì? Phương pháp đọc sách hiệu quả nhất
  • Những bài thơ tình bất hủ trong phong trào thơ mới