DƯ ĐỊA CHÍ THỊ XÃ NGHĨA LỘ, TỈNH YÊN BÁI

1. Địa lý tự nhiên

Nghĩa Lộ nằm ở trung tâm vùng lòng chảo Mường Lò rộng lớn, thị xã có địa hình tương đối bằng phẳng, theo hướng nghiêng từ Tây sang Đông, từ Nam lên Bắc, độ cao trung bình 250m so với mặt biển, xung quanh là những dãy núi cao bao bọc.

Vị trí địa lý và địa hình đó đã tạo ra cho Nghĩa Lộ các yếu tố khí hậu mang đặc trưng của tiểu vùng khí hậu Tây Bắc, trong năm có 4 mùa rõ rệt. Nhiệt độ trung bình của cả năm là 22,50C, trong đó tháng trung bình cao nhất là 27,40C, trung bình tháng thấp nhất là 16,40C. Là địa phương có số giờ nắng cả năm hơn 1.700 giờ, cao hơn các nơi khác trong tỉnh. Lượng bức xạ nhiệt luôn dương tạo ra các sinh khối lớn thuận tiện cho sự phát triển của cây lúa và các loại cây hoa quả có hạt như nhãn, vải….

Với lượng mưa trung bình một năm từ 1.400mm – 1.600mm, là nơi có lượng mưa thấp so với một số địa phương trong tỉnh. Mưa lớn tập trung vào các tháng 5 tháng 8, mưa nhỏ, lượng mưa không đáng kể tập trung vào tháng 11 tháng 12 hàng năm.

Là khu vực nằm sâu trong nội địa, độ ẩm Nghĩa Lộ thường thấp hơn so với một số nơi trong tỉnh. Độ ẩm tương đối 84% rất thích hợp phát triển cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả.

Nguồn tài nguyên đất của thị xã Nghĩa Lộ mang đặc trưng địa hình bồn địa, được kiến tạo bồi đắp bằng vật liệu rửa trôi. Với tầng mùn tương đối, tầng dày phong hóa lớn, độ dốc nhỏ đã tạo nên một vùng trọng điểm cây lương thực mà chủ yếu là cây lúa của tỉnh.

Chế độ thủy văn ở đây khá phong phú. Bao quanh là Ngòi Thia, Ngòi Nung, Suối Đôi. Ngòi Thia là nguồn phụ lưu cấp I lớn nhất của sông Hồng, được bắt nguồn từ vùng núi Trạm Tấu với chiều dài 165km, đoạn chảy qua thị xã khoảng 5km. Độ cao bình quân của lưu vực Ngòi Thia tới 907km, độ chênh lệch lưu lượng giữa mùa lũ và mùa cạn lên tới 480 lần. Trong mùa mưa lũ thường gây thiệt hại cho sản xuất, đời sống của nhân dân ven ngòi. Tuy nhiên, cùng với tài nguyên nước ngầm, hệ thống ngòi suối là nơi cung cấp nước chủ yếu cho sản xuất và sinh hoạt.

Cổng chào vào Thị xã Nghĩa Lộ

2. Lịch sử hình thành

Trong suốt chiều dài lịch sử, thị xã Nghĩa Lộ ngày nay đã trải qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính.

Thời Hùng Vương dựng nước, mảnh đất này là một trong những địa bàn cư trú quan trọng của cư dân Lạc Việt, vùng đất nằm trong lãnh thổ của Nhà nước Văn Lang.

Thời Tam Quốc, Nhà Ngô thống trị nước ta, Nghĩa Lộ thuộc địa phận quận Tân Hưng, sang đời nhà Tấn đổi thành quận Tân Xương. Khi nhà Tùy xâm chiếm nước ta, đời Khai Hoàng, Nghĩa Lộ thuộc huyện An Nhân, quận Giao Chỉ.

Thời nhà Lý (1009), Nghĩa Lộ thuộc trại Quy Hóa. Đến thời nhà Trần thuộc châu Quy Hóa, trấn Thiên Hưng. Đầu thế kỷ XIX – thời nhà Nguyễn – Nghĩa Lộ là tên gọi của một sách (sách Nghĩa Lộ) thuộc châu Văn Chấn, phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa.

Thời thuộc Pháp (1886) mảnh đất này thuộc hạt Nghĩa Lộ, trực thuộc Đạo quan binh thứ tư miền thượng du Bắc Kỳ.

Ngày 11 tháng 4 năm 1900, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Yên Bái. Nghĩa Lộ là một xã thuộc tổng Phù Nham, huyện Văn Chấn. Đến năm 1907, tổng Nghĩa Lộ được lập trên cơ sở xã Nghĩa Lộ và một số xã lân cận thuộc tổng Hạnh Sơn – Phù Nham.

Trước Cách mạng tháng Tám có phố Nghĩa Lộ trong xã Nghĩa Lộ thuộc huyện Văn Chấn. Sau năm 1952, phố Nghĩa Lộ đổi tên là thị trấn Nghĩa Lộ trực thuộc châu Văn Chấn.

Ngày 13 tháng 5 năm 1955, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh 231/SL, chuyển các huyện Văn Chấn, Than Uyên, Phong Thổ thuộc khu tự trị Thái – Mèo (tháng 10 – 1962 khu tự trị Thái – Mèo đổi tên thành Khu tự trị Tây Bắc).

Ngày 27/10/1962 tại kỳ hợp thứ 5, Quốc hội khóa II đã ra Nghị Quyết thành lập tỉnh Nghĩa Lộ, lập lại các tỉnh Sơn La, Lai Châu. Thị trấn Nghĩa Lộ lúc đó trực thuộc huyện Văn Chấn tỉnh Nghĩa Lộ. Năm 1963, thị trấn Nghĩa Lộ trực thuộc tỉnh Nghĩa Lộ.

Do nhu cầu phát triển của khu vực cũng như của tỉnh Nghĩa Lộ, ngày 18 tháng 10 năm 1971, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 190/CP thành lập thị xã Nghĩa Lộ.

Ngày 27 tháng 12 năm 1975, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V đã ra quyết định hợp nhất ba tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai (trừ huyện Bắc Yên và Phù Yên) thành một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Hoàng Liên Sơn. Thị xã Nghĩa Lộ lúc này là thị xã trực thuộc tỉnh.

Ngày 4 tháng 3 năm 1978, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định 56/CP, thị xã Nghĩa Lộ với huyện Văn Chấn thành một đơn vị hành chính lấy tên là huyện Văn Chấn. Thị xã Nghĩa Lộ chuyển xuống thành thị trấn Nghĩa Lộ, thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Hoàng Liên Sơn. Các tiểu khu IV, V, VI sáp nhập vào các xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc thuộc huyện Văn Chấn.

Ngày 12 tháng 8 năm 1991, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VII đã quyết định chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh là Yên Bái và Lào Cai. Nghĩa Lộ thời kỳ này trực thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Ngày 15 tháng 5 năm 1995, Chính phủ đã ra Nghị định 31-NĐ/CP về việc tái lập thị xã Nghĩa Lộ thuộc tỉnh Yên Bái với diện tích tự nhiên là 878,5ha và 15.925 nhân khẩu, bao gồm 4 đơn vị hành chính trực thuộc là các phường: Pú Trạng, Tân An, Trung Tâm và Cầu Thia.

Ngày 24 tháng 12 năm 2003, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 167/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị xã Nghĩa Lộ. Thị xã Nghĩa Lộ sau khi được mở rộng địa giới hành chính có diện tích tự nhiên là 2.9996,6 ha với 26.032 nhân khẩu, có 7 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các phường Trung Tâm, Tân An, Cầu Thia, Pú Chạng và các xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc.

Ngày 10 tháng 01 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 871/NQ-UBTVQH14 về việc điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị xã Nghĩa Lộ. Điều chỉnh 06 xã và Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ huyện Văn Chấn vào Thị xã Nghĩa Lộ. Thị xã Nghĩa Lộ sau khi được mở rộng địa giới hành chính có diện tích tự nhiên là 107,78 km2 và quy mô dân số 68.206 người; có 14 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 04 phường: Cầu Thia, Pú Trạng, Tân An, Trung Tâm và 10 xã: Hạnh Sơn, Nghĩa An, Nghĩa Lộ, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc, Phù Nham, Phúc Sơn, Sơn A, Thạch Lương, Thanh Lương.

3. Địa lý hành chính

Trong suốt chiều dài lịch sử, thị xã Nghĩa Lộ ngày nay đã trải qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, đến nay Thị xã Nghĩa Lộ gồm có 14 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 04 phường: Cầu Thia, Pú Trạng, Tân An, Trung Tâm và 10 xã: Hạnh Sơn, Nghĩa An, Nghĩa Lộ, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc, Phù Nham, Phúc Sơn, Sơn A, Thạch Lương, Thanh Lương. Thị xã Nghĩa Lộ giáp huyện Trạm Tấu và huyện Văn Chấn.

4. Địa lý nhân văn

Thị xã Nghĩa Lộ có diện tích tự nhiên là 107,78 km2, dân số 31.786 người (Theo số liệu cuộc Tổng điều tra dân số năm 2019). Mật độ dân số của thị xã Nghĩa Lộ chỉ đứng sau thành phố Yên Bái của tỉnh. Cư dân của thị xã Nghĩa Lộ mang đặc trưng của cư dân thành thị miền núi Tây Bắc. Những năm đầu thế kỉ XX, dân cư ở Nghĩa Lộ thưa thớt, chủ yếu là người Thái bản địa ít, người Kinh, chủ yếu ở dưới xuôi lên theo các chủ đồn điền khai thác thuộc địa phiêu bạt trong nạn đói 1945. Sau này, Đảng và Chính phủ đã có chủ trương chuyển dân Thái Bình, Hưng Yên, Hà Tây… lên đây xây dựng vùng kinh tế mới. Hiện nay Nghĩa Lộ là cái nôi của 17 dân tộc anh em chung sống, trong đó dân tộc Thái, Kinh, Tày chiếm tỉ lệ đông nhất…

Người Thái là cộng đồng dân tộc đông nhất ở thị xã Nghĩa Lộ. Người Thái sống quây quần thành bản làng, ở nhà sàn, có bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà thể hiện rõ nét trong trang phục, lễ hội, ẩm thực… trong tục lệ về đám cưới, đám ma… Họ có kĩ thuật thâm canh lúa nước 2 vụ khá cao với một hệ thống thủy lợi thích hợp, ngoài ra người Thái còn rất giỏi về đan lát, dệt vải, đặc biệt là dệt vải thổ cẩm, làm chăn, đệm, túi. Người Thái có 2 nhóm người là Thái trắng và Thái đen. Dựa theo các thư tịch cổ Mường Lò luôn được người Thái đen xác định như là miền đất tổ của họ.

Người Thái có trang phục độc đáo. Phụ nữ mặc áo cỏm, đủ các màu sắc, đính hàng khuy bạc hình bướm, nhện, ve sầu… chạy trên đường nẹp xẻ ngực, bó sát thân, ăn nhịp với váy dài màu thẫm, cuốn hình ống, có hoa văn ở gấu, thắt eo bằng thắt lưng xanh lá cây, đeo xà tích bạc bên hông. Đồ trang sức của phụ nữ như hoa tai, nhẫn vòng tay chủ yếu bằng bạc. Người Thái đen đã có chồng phải “tằng cẩu” (Búi tóc). Phụ nữ Thái hầu hết có thân hình đẹp bởi được lao động và mặc áo bó từ nhỏ. Phụ nữ Thái đen đội khăn piêu nổi tiếng với các hình hoa văn thêu nhiều màu sắc sặc sỡ. Nam giới người Thái mặc quần cắt theo kiểu chân què có cạp để thắt lưng; áo cánh xẻ ngực có túi ở 2 bên gấu vạt, người Thái trắng có thêm túi bên ngực trái. Màu quần áo chủ yếu là màu thẫm.

Người Thái khéo tay, đặc biệt là phụ nữ Thái, giỏi nghề thủ công truyền thống tiêu biểu là nghề dệt thổ cẩm. Nói về nghề dệt, người Thái có câu thành ngữ “Vợ con tay guồng, tay tơ”. Cộng đồng người Thái quan niệm: gái tốt, gái đẹp phải là người khéo trong trồng bông, dệt vải. Mọi thiếu nữ đều được mẹ giáo dục chăm chút từ nhỏ, truyền kinh nghiệm để khi cô gái đến tuổi về nhà chồng đã có đủ váy, áo, chăn đệm, gối… do chính mình làm ra mang theo. Người Thái có câu ví đặc trưng “Mí phải chăng pên ếm” (có vải mới thành mẹ) thể hiện sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ.

Dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống lâu đời ở Nghĩa Lộ. Bao đời, nghề trồng bông, dệt vải đã gắn bó với từng gia đình người Thái. Ngày nay, nhiều nguyên liệu mới, hiện đại đã dần thay thế việc trồng bông, ươm tơ. Khung cửi truyền thống cũng được cải tiến, chạy bằng điện, giảm bớt sức người. Sản phẩm thổ cẩm của người Thái Nghĩa Lộ luôn được mọi người ưa chuộng và đã có mặt ở nhiều nơi trong nước.

Người Kinh ngoài bộ phận cư trú từ lâu đời, hầu hết người Kinh từ các tỉnh miền xuôi lên xây dựng kinh tế miền núi và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức công tác trong các cơ quan nhà nước. Người Kinh sống xen kẽ với các dân tộc khác, họ làm nghề buôn bán, thợ thủ công, làm ruộng, công chức, viên chức, hình thành một cộng đồng gắn bó với người địa phương.

Người Tày là cư dân nông nghiệp có truyền thống làm lúa nước. Cộng đồng người Tày ở nhà sàn, sống xen kẽ. Người Tày ở thị xã Nghĩa lộ cũng mang đầy đủ những bản sắc của dân tộc mình thể hiện trong trang phục cổ truyền ,các lễ hội mà đặc trưng là lễ hội “Lồng tồng”, trong các làn điệu dân ca và các tục lệ cưới xin, ma chay…Còn lại các dân tộc khác như Mường, Dao, Mông, Khơ Mú…Y phục cổ truyền của người Tày làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm, hầu như không có thêu thùa trang trí. Phụ nữ mặc váy hoặc quần, có áo cánh ngắn bên trong và áo dài bên ngoài.

Người Mường ở nhà sàn, kiểu nhà 4 mái. Canh tác chủ yếu là lúa nước. Rượu cần của người Mường nổi tiếng bởi cách chế biến và hương vị đậm đà của men, được đem ra mời khách quý và các cuộc vui tập thể. Phụ nữ Mường cũng rất giỏi nghề thủ công như dệt vải, dệt thổ cẩm, đan lát. Trang phục tiêu biểu của phụ nữ là khăn đội đầu và áo cánh ngắn màu trắng, váy đen có cạp dệt hoa văn sặc sỡ và hoạ tiết vô cùng phong phú…

Ngày nay, những trang phục truyền thống của dân tộc Thái, Tày, Mường… thường chỉ được mặc vào các dịp lễ, hội, tết… và ở những người trung tuổi trở lên.

Với truyền thống, đoàn kết gắn bó, cộng đồng các dân tộc ở Nghĩa Lộ luôn đoàn kết với nhau trong lao động sản xuất, trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và ngày nay là xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh, văn minh. Mỗi một dân tộc ở thị xã Nghĩa Lộ đều có một bản sắc riêng, đậm đà nhưng hoà quyện vào nhau, cùng với thiên nhiên đã tạo ra một nét văn hoá riêng đó là văn hoá Mường Lò .

Ở Nghĩa Lộ cùng với đa số người dân theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, cha mẹ và những người có công với quê hương, đất nước còn có một bộ phận giáo dân theo đạo Công giáo. Nhà thờ Nghĩa Lộ được hình thành những năm đầu thế kỷ XX, do linh mục Vĩnh (Coóc – nít) đưa giáo dân từ Thái Bình lên lập đồn điền. Với chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước, mỗi người dân theo tôn giáo cũng như không theo tôn giáo ở Nghĩa Lộ đều lấy mục tiêu sống đoàn kết, tương thân, tương ái, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, đất nước.

Văn hoá ẩm thực cũng là một trong những đặc trưng của văn hoá Mường Lò. Câu nói đã trở thành quen thuộc như: “Muốn ăn gạo trắng nước trong. Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò” gợi nhớ về một vùng quê trù phú với những sản vật đặc trưng của vùng đất này.

Được thiên nhiên ưu đãi, lòng chảo Mường Lò với cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay đã cho những hạt gạo nếp (nếp tan) đặc sản. Dưới bàn tay khéo léo của con người, món xôi nếp là một trong những đặc sản khó quên nhất của Nghĩa Lộ. Xôi Nghĩa Lộ dẻo, thơm, ai thưởng thức một lần thì nhớ mãi. Xôi được đồ bằng chõ gỗ, khi đơm không bày ra đĩa như người Kinh mà được đặt trong những chiếc giỏ đan bằng giang xin xắn (gọi là coóng khẩu).

Không chỉ có xôi, ở Nghĩa Lộ còn có nhiều món ăn tiêu biểu mà những nơi khác không có như món rêu nướng, rêu hấp (rêu ở dòng suối Thia), măng chua, thịt trâu sấy, nộm hoa chuối rừng, rau xôi thập cẩm… Không quá cầu kỳ nhưng những món ăn của vùng đất này luôn hấp dẫn bởi hương vị của các loại gia vị từ núi rừng (hạt sẻn, hạt dổi…).

Với một tiềm năng về văn hoá dân gian đậm đà bản sắc, các loại hình nghệ thuật đặc sắc của miền đất này đã thể hiện giá trị nghệ thuật đích thực.

Vũ điệu xoè là một trong những loại hình nghệ thuật tiêu biểu của người Nghĩa Lộ. Đêm đến, bên đống lửa hồng, ai ai cũng đắm say hoà mình trong điệu xoè. Người Mường Lò có câu : “không xoè không tốt lúa, không xoè thóc cạn bồ”. Xoè Thái có nhiều điệu tiêu biểu như xòe quanh đống lửa, xoè nâng khăn mời rượu, xoè tiến lùi, xoè tung khăn, xoè vòng tròn vỗ tay… Âm thanh trầm bổng, vũ điệu nhịp nhàng của hội xoè tưng bừng, hối hả thôi thúc mọi người đến với vòng xoè. Trong nhịp xoè, mọi người xích lại nhau hơn, thân ái, quây quần, đầm ấm. Điệu xoè hôm nay không còn là của riêng người Thái mà đã trở thành tài sản vô giá của nhân dân các dân tộc Mường Lò.

Ngoài ra, ở Nghĩa Lộ còn có những loại hình nghệ thuật độc đáo tiêu biểu như “Hạn khuống” – một hình thức sân khấu sơ khai được các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian hết sức chú ý. Đến nay, xòe Thái và hội Hạn Khuống đã được công nhận là di sản phi vật thể Quốc gia.

Là một miền đất giàu truyền thống văn hoá, Nghĩa Lộ – Mường Lò còn được coi là xứ sở của nhiều lễ hội, cái nôi tạo nên sắc thái văn hoá khá riêng biệt, đậm đà bản sắc dân tộc. Lễ hội nào cũng chứa đựng một tâm tưởng vừa kín đáo, vừa lan toả, bao trùm lên nó là sự thờ cúng, tôn vinh các vị thần linh, các siêu nhân có công với bản, với quê hương, đất nước, với tổ tiên. Ở đây có những lễ hội đặc sắc như lễ hội rằm tháng Giêng, lễ hội Hoa ban, lễ hội “Lồng tồng” (hội Xuống đồng), lễ hội “Xên Hươn – Xên Bản – Xên Mường” (Cúng Nhà – Cúng Bản – Cúng Mường), tết Xíp Xí… Gắn liền với lễ hội là các trò chơi truyền thống của các dân tộc như kéo co, ném còn, tó mắc lẹ, đánh yến, đu chà… Những trò chơi không chỉ vui, hứng thú mà còn có ý nghĩa giao duyên, tỏ tình đậm đà.

Kho tàng văn hoá, văn nghệ dân gian của các dân tộc ở Nghĩa Lộ phong phú với nhiều thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, sử thi, ca dao… với nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Sống trụ xôn xao”; “Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng”, “Táy pú sắc”…, các làn điệu dân ca như khắp, then, lượn… cùng nhiều loại nhạc cụ như đàn, trống, pí, chũm choẹ, khèn… tạo nên âm thanh trầm bổng, tha thiết.

Mỗi dân tộc ở Nghĩa Lộ có một bản sắc văn hoá riêng, độc đáo nhưng luôn song hành hoặc hoà quyện vào nhau tạo nên một vùng đất văn hoá đặc sắc mà ít nơi có được đó là văn hoá Mường Lò.

Khu di tích lịch sử cách mạng Căng và Đồn Nghĩa Lộ

Không những lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, nơi đây còn giữ gìn, tôn tạo và phát huy tốt các di tích lịch sử, đã được Nhà nước công nhận như:

Khu di tích lịch sử – văn hóa Căng và Đồn Nghĩa Lộ, gắn liền với 2 sự kiện lớn là sự kiện bạo động phá Căng vượt ngục ngày 17/03/1945 và sự kiện chiến thắng Nghĩa Lộ 18/10/1952.

Khi thực dân Pháp xâm lược Yên Bái, chúng đã cho xây một nhà tù (căng) ở thị xã Nghĩa Lộ nhằm giam giữ tù chính trị. Rất nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng đã bị giam ở đây như Trần Huy Liệu, Vương Thừa Vũ, Trần Đức Sắc, Nguyễn Phúc… Các đồng chí đã biến nhà tù thành trường học, là nơi tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Cũng tại nơi đây, ngày 17/03/1945 dưới sự lãnh đạo của các Chi bộ Đảng trong nhà tù, cuộc bạo động phá Căng của các chiến sỹ cách mạng bị giam cầm đã diễn ra quyết liệt, bị địch đàn áp dã man, 9 đồng chí đã hy sinh. Ngày nay, trong khu di tích, đài tưởng niệm với tấm bia ghi danh 9 chiến sỹ tù chính trị đã hy sinh hy sinh trong cuộc bạo động phá căng vượt ngục năm đó, trong đó có nhạc sỹ, chiến sỹ Đinh Nhu, là tác giả của bài hát “Cùng nhau đi hồng binh”, bài hát đầu tiên của nền tân nhạc cách mạng Việt Nam.

Khi xâm chiếm Yên Bái, thực dân Pháp đã cho xây dựng phân khu quân sự Nghĩa Lộ, là 1 trong 4 phân khu quân sự lớn nhất khu vực Tây Bắc. Phân khu quân sự Nghĩa Lộ gồm một hệ thống đồn, bốt dày đặc, trong đó, Đồn Pú Trạng (Nghĩa Lộ đồi), đồn Nghĩa Lộ (Nghĩa Lộ phố) là những cứ điểm mạnh nhất của phân khu quân sự này. Năm 1952, chiến thắng Nghĩa Lộ đã mở màn chiến dịch Tây Bắc, phân khu quân sự Nghĩa Lộ bị san phẳng, khai thông phòng tuyến sông Đà, mở toang “cánh cửa thép” của Pháp ở chiến trường Tây Bắc, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ trên đất nước ta.

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh: Với tấm lòng thành kính và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 7 năm 1982, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn (khi đó Nghĩa Lộ là thị trấn Nghĩa Lộ thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Hoàng Liên Sơn) đã xây dựng công trình này. Ngày 14 tháng 7 năm 1997, Bộ Văn hóa – Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra quyết định công nhận Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thị xã Nghĩa Lộ thuộc hệ thống bảo tàng Hồ Chí Minh trong cả nước.

Một trong những thiết chế văn hóa quan trọng trên địa bàn thị xã là bảo tàng Nghĩa Lộ. Bảo tàng Nghĩa Lộ đã được tôn tạo, nâng cấp, là chi nhánh trực thuộc Bảo tàng tỉnh Yên Bái. Bảo tàng có diện tích sử dụng trên 800m2, hiện đang lưu giữ, trưng bày và luân chuyển gần 800 hiện vật (341 hiện vật gốc, 156 tài liệu khoa học và gần 300 ảnh gốc các loại về con người; thiên nhiên; về cuộc đấu tranh chống ngoại xâm; thành tựu xây dựng quê hương, đất nước của nhân dân Văn Chấn – Nghĩa Lộ). Bảo tàng Nghĩa Lộ mỗi năm đón hàng ngàn lượt khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế đến tham quan.

5. Tiềm năng kinh tế

Là thị xã trực thuộc tỉnh, có quốc lộ, tỉnh lộ nối với trung tâm các huyện trong vùng và một số tỉnh lân cận, Nghĩa Lộ có điều kiện để trở thành một trung tâm kinh tế – văn hóa của khu vực miền Tây tỉnh Yên Bái.

Về nông lâm nghiệp: Được thiên nhiên ưu đãi, thị xã gần như nằm trọn trong vùng lòng chảo Mường Lò, có cánh đồng rộng lớn, bằng phẳng, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

Về tiểu thủ công nghiệp: Các ngành nghề thủ công truyền thống của thị xã tiêu biểu là dệt vải thổ cẩm, chế biến gỗ, chế biến lương thực, thực phẩm tiếp tục được duy trì.

Về thương mại dịch vụ, du lịch: Đây là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thị xã, có nhiều tiềm năng phát triển. Với vị trí là trung tâm giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa của khu vực, các của hàng, cửa hiệu và chợ đã hình thành trên một hệ thống thương mại khá sôi động ở địa phương. Từ lâu, miền đất này đã trở thành một trong những trung tâm kinh tế – văn hóa tương đối sầm uất trong tỉnh và các khu vực lân cận.

(Bài viết có sử dụng tài liệu Phòng Văn hóa – Thông tin Thị xã Nghĩa Lộ và tham khảo trên trang Thông tin điện tử UBND Thị xã Nghĩa Lộ)