Hầu hết các buổi phỏng vấn thất bại đều có thể xảy ra với bạn. Học cách rút kinh nghiệm từ những thất bại của bạn sẽ tích lũy cho bạn những điều hữu ích cho các buổi phỏng vấn trong tương lai. Hơn thế nữa, việc tìm hiểu những lý do thất bại trong phỏng vấn xin việc phổ biến có thể là dữ liệu giúp bạn chuẩn bị tốt ngay trong lần phỏng vấn đầu tiên để đến gần hơn và nhanh hơn với công việc mơ ước.
5 Lý do khiến bạn thất bại trong phỏng vấn xin việc phổ biến
Sự căng thẳng/ mất bình tĩnh
Không thể phủ nhận khi đứng trước cơ hội công việc mà bạn thực sự mong muốn và đang tìm cách để chinh phục nó, và bạn cũng rất đề cao tầm quan trọng của buổi phỏng vấn này, nên căng thẳng là điều hoàn toàn không tránh khỏi và không chỉ một mình bạn mắc phải.
Song sự khác biệt giữa một người đậu phỏng vấn và rớt phỏng vấn có thể nằm ở việc bạn kiểm soát sự căng thẳng thế nào. Hãy chuyển hóa sự căng thẳng ấy hết thành động lực để bạn chuẩn bị thật kỹ lưỡng và đầy đủ cho buổi phỏng vấn. Khi sự tự tin tăng lên, cảm giác căng thẳng có thể được tiêu giảm.
Bên cạnh đó, luôn có những phương pháp vật lý giúp bạn bớt đi cảm giác căng thẳng trước khi đối mặt với người phỏng vấn như hít thở sâu, tránh suy nghĩ tiêu cực.
Bạn thể hiện sự kém cỏi
Đây có thể là lý do nghiêm trọng nhất! Cụ thể của lý do này sẽ được trình bày chi tiết hơn qua phần tiếp theo (“Những lỗi chính bạn không được phạm phải nếu không muốn rớt phỏng vấn”). Đây là lý do bao gồm cách ứng xử, hình thức biểu đạt câu trả lời và thái độ của bạn trong buổi phỏng vấn có thể khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn là người cư xử kém, bê bối và không có tác phong công việc.
Thiếu sự chuẩn bị
Chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn, nếu bạn không biết mình cần làm những gì thì rất có thể bạn sẽ bị đánh rớt. Thị trường việc làm ngày nay đã không còn dễ dàng như trước, sự cạnh tranh ngày càng cao. Khi mà khả năng của bạn cũng không phải tất cả để bạn chiến thắng trong buổi phỏng vấn nếu như bạn không biết cách diễn đạt nó và thực sự không hiểu công ty bạn đang ứng tuyển cần gì? Để cô động những điều tối thiểu mà bạn cần chuẩn bị thì đó là thu thập thông tin về công ty, vị trí công việc của bạn và soạn câu trả lời thật hợp lý cho các câu hỏi mà nhà tuyển dụng có thể hỏi bạn.
Những điều bạn thể hiện nằm ngoài mong muốn của nhà tuyển dụng
Cũng xuất phát từ sự thiếu chuẩn bị hoặc chuẩn bị không kỹ lưỡng sẽ dẫn đến lý do này. Bạn thiếu thông tin về người mà mình muốn làm việc cho thì ắt hẳn công việc này không thể nào là của bạn được. Thu thập thông tin công ty, vị trí công việc là mục đích chính để bạn hiểu được nhà tuyển dụng bạn đang cần gì.
Nếu bạn chuẩn bị không tốt để rồi trình bày toàn những điều không cần thiết với họ hoặc không có sự thuyết phục thì sẽ chỉ làm mất thời gian của cả hai. Tùy mỗi công ty, mỗi vị trí công việc thì sẽ có những mong muốn khác nhau, nhưng những mong muốn trước nhất họ đang tìm kiếm đó là sự chủ động, nỗ lực và tích cực, quan trọng nhất là chứng minh được thực sự quan tâm và có niềm yêu thích với công việc và công ty họ.
Và đó là những lý do chính khiến bạn thất bại trong phỏng vấn, cũng có thể xem là những nguyên nhân gốc rễ cho các lỗi sai sau đây, được chúng tôi liệt kê chi tiết, giúp bạn có thể nắm và tránh được.
Những lỗi bạn không được phạm phải nếu không muốn rớt phỏng vấn
Ít hiểu biết và không biết gì về công ty, vị trí công việc
Đừng đánh giá thấp bước này. Nhà tuyển dụng muốn thuê một người kỹ lưỡng và chăm chỉ; bất kể bạn đang phỏng vấn cho công việc gì.
Và cách đầu tiên để cho họ thấy bạn làm việc chăm chỉ và không bị cắt xén là bước thu thập thông tin, bạn càng có nhiều thông tin và nhận định cá nhân giá trị về những thông tin bạn thu thập về công ty thì đó còn có thể trở là lợi thế cạnh tranh của bạn so với các ứng viên khác, tối thiểu là thông tin về vị trí công việc của bạn, có tất cả trong Job description (Bản mô tả công việc).
Về thông tin công ty thì có rất nhiều loại thông tin nhưng thời gian chuẩn bị và thu thập cho buổi phỏng vấn của bạn là có hạn nên ưu tiên các loại thông tin như:
- Sản phẩm dịch vụ của họ như thế nào
- Khách hàng mục tiêu của họ là ai
- Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của họ là ai
- Quy mô, văn hóa công ty.
Hãy thử tưởng tượng những người tìm việc khác ngoài kia đang làm gì, và sau đó làm gấp đôi. Đây là cách bạn nổi bật.
Đây là nỗ lực thuần túy. Bạn không cần tài năng để làm điều này. Bạn chỉ cần hiểu và bắt tay vào thực hiện.
Như vậy, nếu tránh được lỗi sai này, bạn cũng có thể tự tin trả lời các câu hỏi phỏng vấn như “Tại sao bạn lại ứng tuyển cho công ty chúng tôi?” hoặc “Bạn biết gì về chúng tôi?” một cách tốt nhất nếu bạn đã thực sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Người phỏng vấn của bạn sẽ nhận ra điều này và đánh giá cao nỗ lực mà bạn dành để có được cơ hội công việc này.
Trả lời quá nhiều những điều không cần thiết
Bạn sẽ mắc phải lỗi này nếu không kiểm soát tốt được câu trả lời trước các câu hỏi của nhà tuyển dụng. Hơn hết có thể là bạn thiếu sự chuẩn bị cho những gì nhà tuyển dụng có thể hỏi bạn.
Quan trọng thì điều bất lợi cho bạn nhất đó chính là dành thời gian nói quá nhiều, nói vòng vo mà không trả lời được câu hỏi của nhà tuyển dụng là CÓ hay KHÔNG hơn nữa còn không nêu được những thế mạnh và kỹ năng nổi bật của bạn phù hợp với vị trí công việc này.
Chính vì thế bạn cần chuẩn bị những thông tin về bản thân mà bạn muốn làm nổi bật để thuyết phục nhà tuyển dụng như thế mạnh và kỹ năng mềm, kỹ năng cứng, tố chất phù hợp với công việc. Sẽ tuyệt vời hơn nếu bạn thể hiện được những thành tích, dẫn chứng cụ thể.
Trước hết trong buổi phỏng vấn, bạn cần bình tĩnh lắng nghe và hiểu nhà tuyển dụng cần bạn trình bày điều gì qua các câu hỏi.
Bạn không có lý do rõ ràng với công việc mình ứng tuyển
Đây là điều mà rất nhiều người tìm việc không nhận ra hoặc đánh giá thấp tầm quan trọng.
Các nhà tuyển dụng luôn muốn một người nhắm đến những điều cụ thể trong quá trình tìm việc của họ. Nếu bạn không thực sự có lý giải rõ ràng cho hành động ứng tuyển của bạn, nhà tuyển dụng sẽ lo lắng rằng bạn sẽ thay đổi ý định và nhanh chóng rời đi sau một thời gian vì bạn không có mục đích cụ thể thì bạn sẽ mau cảm thấy buồn chán.
Vì vậy, nếu bạn muốn có nhiều lời mời làm việc hơn, hãy cho nhà tuyển dụng biết bạn muốn làm gì. Nếu bạn là người chuyển việc, hãy sẵn sàng giải thích lý do bạn thôi việc ở công ty trước.
Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng bạn đã chuẩn bị một câu trả lời tốt cho việc “Giới thiệu về bản thân”. Đây thường là điều đầu tiên nhà tuyển dụng yêu cầu và là cách để bạn kể câu chuyện của mình nhất là giúp họ bắt kịp những mong muốn và mục đích của bạn.
Bạn không giải thích được lý do bạn muốn làm việc tại công ty họ
Sau khi cho họ thấy rằng bạn biết mình đang tìm kiếm điều gì trong quá trình tìm việc, hãy sẵn sàng giải thích công việc cụ thể của công ty họ phù hợp với mong muốn của bạn như thế nào!
Đây là nơi mà việc thu thập thông tin về công ty của bạn sẽ giúp ích. Nắm rõ bản mô tả công việc để bạn có thể nêu ra những nhiệm vụ mà bạn mong muốn được thực hiện và xây dựng các kỹ năng.
Nhà tuyển dụng thích hỏi những câu hỏi như, “tại sao bạn lại ứng tuyển vào vị trí này?” để kiểm tra xem bạn có lý do cụ thể hay không.
Và bạn sẽ thất bại bằng cách nói rằng bạn chỉ cần một công việc, hoặc bạn chỉ muốn có một mức thu nhập cao hơn để chi tiêu cho cuộc sống, hay bạn đang thất nghiệp và cần tìm việc làm.
Sẽ là điểm cộng nếu bạn cho họ thấy công ty của họ đặc biệt như thế nào trong suy nghĩ của bạn, và bạn muốn đóng góp công sức của mình để cùng họ xây dựng những giá trị mà cả hai bên cùng hướng tới.
Không có thái độ nhiệt tình, hào hứng
Các nhà quản lý tuyển dụng muốn một người tích cực, tràn đầy năng lượng và hào hứng với công việc. Vì yếu tố này thực sự rất quan trọng đối với sức khỏe và sự gắn kết của một tập thể công ty.
Hãy lựa chọn những điều bạn thấy hứng thú trong câu trả lời của mình hoặc sự trình bày của nhà tuyển dụng về công việc và gắn với cụm câu “Điều này thật thú vị”, “Điều này thật ý nghĩa”, “Tôi thật sự thấy điều này thật quan trọng” trong câu nói của bạn ít nhất 2 lần lúc phỏng vấn trước khi giải thích tiếp.
Bên cạnh đó sự vui vẻ trên gương mặt, sự tập trung lắng nghe, cử chỉ cởi mở là những hành động không lời biểu trưng cho sự nhiệt tình hào hứng.
Khiêm tốn quá mức / tự tin quá mức
Đừng quên rằng công việc của bạn trong một buổi phỏng vấn là sale chính mình.
Mặc dù khiêm tốn và trung thực là điều tốt, nhưng bạn luôn không muốn quá ngại ngùng khi nói cho họ biết bạn giỏi ở điểm nào và bạn sẽ làm gì cho họ.
Đừng ngại và đừng quên nói về:
- Những thành tích trong quá khứ.
- Những gì bạn giỏi nhất.
- Bạn đã giúp đỡ, hướng dẫn những người khác thế nào trong công việc?
- Sếp trước của bạn tự hào và tin tưởng cho bạn đảm nhận điều gì?
- Bạn đã dành nhiều thời gian nhất để làm gì trong sự nghiệp của mình?
- Nếu bạn vừa tốt nghiệp, sự tập trung và nỗ lực trong việc học của bạn thế nào?
Bạn là một chuyên gia trong những điều này, vì vậy hãy mạnh dạn trình bày. Nhà tuyển dụng muốn thuê một người có kỹ năng chuyên môn và có thể đến giúp họ ngay lập tức. Đừng ngại thể hiện điều này.
Thêm một điều nữa là hãy chú ý, đừng trình bày những điểm yếu nếu chưa được nhà tuyển dụng hỏi!
Ngược lại với khiêm tốn quá mức chính là sự tự tin quá mức. Tự tin là yếu tố thuyết phục nhà tuyển dụng hiệu quả nhưng nếu bạn lạm dụng nó sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ bạn tự cao, không có tinh thần tập thể và không sẵn sàng lắng nghe người khác. Những kiểu câu cần tránh “Nếu trong bộ phận ở công ty trước không có tôi thì sẽ không có được thành công?”, “Tôi là người làm tất cả trong bộ phận của mình!”
Body language và cử chỉ không phù hợp
Đánh rớt một người chỉ vì họ vô tình thể hiện một cử chỉ không phù hợp thì nghe có vẻ hơi quá đáng nhưng thực tế yếu tố này đối với nhà tuyển dụng thực sự có ý nghĩa hơn bạn nghĩ. Hơn nữa bạn chỉ có cơ hội phỏng vấn duy nhất này để cho nhà tuyển dụng thấy bạn xứng đáng như thế nào, nếu bạn không chú ý Body language và các cử chỉ có thể khiến họ nghĩ bạn không quá quan trọng kết quả phỏng vấn này, công việc này.
- Đảm bảo rằng bạn có body language tự tin trong suốt buổi phỏng vấn.
- Luyện tâp tư thế ngay ngắn – cả ngồi xuống và đi / đứng.
- Duy trì giao tiếp bằng mắt khi nói chuyện và lắng nghe.
- Không khoanh tay hoặc có tư thế phòng thủ khi bạn ngồi xuống. Cố gắng ngồi cởi mở và thư giãn.
- Ngoài ra, tránh gõ vào tay hoặc chân của bạn hoặc làm bất cứ điều gì khác sẽ làm người phỏng vấn mất tập trung.
Đây có thể là những chi tiết nhỏ nhưng ấn tượng mà bạn tạo ra về mặt thị giác thường quan trọng như những từ bạn đang nói.
Nếu bạn đang nói những điều “đúng đắn” nhưng lại không đi vào buổi phỏng vấn với vẻ ngoài trái ngược, thì cũng rất khó để họ đặt niềm tin vào bạn.
Những lỗi nhỏ nhưng có thể khiến bạn rớt phỏng vấn
Đến trễ:
Không riêng gì phỏng vấn mà trong hầu hết các cuộc gặp gỡ thì việc giữ uy tín về thời gian là thể hiện sự tôn trọng đối phương và chính bản thân bạn. Trên thực tế, bạn không muốn đến trễ nhưng thực sự gặp các vấn đề phát sinh nằm ngoài sự chuẩn bị khiến bạn phải đến trễ thì bạn cần nhận ra bạn có thể sẽ trễ trên đường đi đến buổi phỏng vấn và gọi cho nhà tuyền dụng (bạn cần có số ĐT của họ trước) để báo về việc bạn đến trễ trong bao nhiêu phút và lý do.
Quên in và mang theo CV:
Dù nhà tuyển dụng đã có file mềm CV của bạn, nhưng bạn cũng cần in ra và mang theo khoảng 5 bản, phòng trường hợp người phỏng vấn muốn đối chiếu các thông tin về bạn nhưng họ không tiện mở máy, hoặc có nhiều người phỏng vấn bạn cùng lúc nhưng họ chưa biết nhiều thông tin về bạn, và một bản cho bạn để có thể nhắc bạn luôn bám sát vào các lợi thế, khả năng của mình khi trình bày với nhà tuyển dụng. Đồng thời thể hiện sự chuẩn bị chu đáo của bạn.
Trang phục luộm thuộm/ quá cầu kỳ.
Như body language thì trang phục bạn chọn nói lên nhiều điều về bạn. Tối thiểu là bạn có thực sự nghiêm túc với cơ hội công việc, bạn có kỷ luật không!. Ăn mặc quá cầu kỳ, nhiều phụ kiện, trang sức sặc sỡ, không phù hợp với môi trường công việc đồng nghĩa với cách nói bạn không thể thuộc về công ty họ.
Cắt ngang lời nói:
Có thể ít xảy ra, nhưng nếu bạn lắng nghe không chăm chú và không quan sát kỹ người phỏng vấn, rất có thể bạn sẽ vô tình cắt ngang lời của họ vì hiểu nhầm họ đã nói hết ý khi mới vừa ngưng một chút.
Không tắt chuông điện thoại
Để chuông điện thoại làm gián đoạn trong lúc bạn phỏng vấn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến buổi phỏng vấn của bạn. Không chỉ gây gây ấn tượng xấu mà việc chiếc điện thoại reo có thể làm bạn quên mất mình đang nói gì và cần nói gì quan trọng tiếp theo với người phỏng vấn.
Bạn không có thắc mắc hay câu hỏi muốn nhà tuyển dụng giải đáp
Nhà tuyển dụng muốn phỏng vấn là một cuộc trao đổi đôi bên chứ không phải là giao tiếp một chiều Q&A. Việc bạn không có câu hỏi hay thắc mắc nào cho nhà tuyển dụng cũng khiến họ nghi ngờ về mong muốn thực sự của bạn với công việc này hoặc bạn quá lo lắng nên muốn nhanh chóng kết thúc buổi phỏng vấn với việc chỉ đáp lại những gì được hỏi. Để tránh lỗi này các bạn cần chuẩn bị các câu hỏi về công việc và công ty dựa trên các thông tin mà bạn tìm được sẽ gợi ý cho bạn khá nhiều thắc mắc mong được nhà tuyển dụng giải đáp
Bạn không gửi mail cảm ơn và follow sau phỏng vấn.
Phỏng vấn xong không phải là kết thúc, nếu bạn không thực hiện hai bước trên rất có thể bạn sẽ lỡ mất cơ hội của mình mà không hay biết khi không follow sau buổi phỏng vấn. Hãy gửi một chiếc mail cảm ơn nhà tuyển dụng đã dành thời gian cho bạn đồng thời nhắc lại trong bộ nhớ của họ về sự ấn tượng với bạn.
Kết luận
Lỗi sai trong phỏng vấn thì có thể nhiều vô kể song bạn cần nắm cho mình những lỗi mà người đi trước gặp nhiều nhất và khiến họ không được chọn nhiều nhất để bản thân bạn lưu ý và rút kinh nghiệm. Mong rằng với nhưng lý do khiến bạn thất bại trong phỏng vấn xin việc này có thể giúp bạn hiểu rõ cụ thể để rút kinh nghiệm và lưu ý cho các cơ hội sau!
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!