Synthwave – thanh âm của hoài niệm | So awkward, Rose

Âm nhạc vốn dĩ được tạo ra để tôn vinh cuộc sống, để đem tới cho người nghe những hành trình cảm xúc, những rung động, tìm kiếm được sự đồng cảm từ giai điệu và lời ca. Âm nhạc có rất nhiều thể loại khác nhau, sẽ có những thể loại thịnh hành theo xu thế của thời đại, có những thể loại trở thành thức lãm nghệ thuật của giới tinh tú hàn lâm, nhưng cũng có những thể loại được sinh ra là để trường tồn mãi mãi trong những tấm lòng nhạy cảm. Synthwave chính là như thế.

Synthwave là thể loại âm nhạc mà có lẽ bạn đã nghe qua đôi lần, trong các trailer phim điện ảnh lẫn trong phim, hay là ở bối cảnh của một trò chơi nổi tiếng nào đó. Synthwave (còn được gọi là outrun, retrowave, futuresynth) là một phân nhóm của dòng nhạc điện tử (electro). Thể loại synthwave thường liên đới với phim hành động/ viễn tưởng/ kinh dị ở thế kỷ 80s, khi thể loại được sử dụng rộng rãi cho mục đích làm khơi gợi cảm xúc của khán giả xem phim. Sức ảnh hưởng của synthwave còn được lan rộng đến với ngành nghệ thuật và trò chơi, mà kinh điển nhất là tựa game Grand Theft Auto: Vice City, Far Cry 3: Blood Dragon hay Hotline Miami. Những nhạc sĩ của thể loại synthwave thường lựa chọn những nét văn hóa của thập niên 80s và kết hợp nó trong các nhạc phẩm của mình.

Synthwave - thanh âm của hoài niệm | So awkward, Rose
Phim Blade Runner (1982).

Thể loại này được phát triển hưng thịnh vào cuối những năm 2000s, thông qua những nhà sản xuất nhạc đi theo thể loại French House. Những nhạc sĩ nổi bật của thể loại này bao gồm John Carpenter, Jean-Michele Jarre, Vangelis (ông là người đứng đằng sau toàn bộ phần âm nhạc cho bộ phim Blade Runner 1982) và Tangerine Dream. Synthwave nhận được sự quan tâm của công chúng thêm hơn, khi thể loại này được sử dụng làm phần âm nhạc cho bộ phim Drive (2011), Tron/Legacy (2010) và series Stranger Things (2010s) của Netflix.

Thể loại synthwave ban đầu chỉ thuần âm thanh là chủ yếu, nhưng sau này mở rộng ra thêm hơn khi kết hợp với người hát. Đa phần nhịp điệu của synthwave thường nằm trong biên độ từ 80 – 118 BPM (beat per minute), trong khi đó những ca khúc sôi động sẽ thường nằm trong khoảng 128 – 140 BPM.

“Outrun” là một tên gọi khác của synthwave được sử dụng sau này để nói chung hơn về tính nghệ thuật hoài niệm về những năm 1980. Ngày nay, những nghệ thuật tiêu biểu trong thập niên 80s dần được phục hưng trở lại như băng đĩa VHS, đèn neon hay đường kẻ lưới ô trong đồ họa. Thuật ngữ “outrun” có xuất phát điểm là từ trò chơi arcade mang tên Out Run được phát hành vào năm 1986. Tựa game này trở nên thịnh hành nhờ vào các bài nhạc nền có thể được chọn trong trò chơi.

Synthwave - thanh âm của hoài niệm | So awkward, Rose
Máy chơi game Arcade (hay còn gọi là máy thẻ xu).

Theo nhạc sĩ Perturbator (tên thật là James Kent), thể loại outrun thường chỉ bao gồm tiết tấu được tạo ra bởi nhạc cụ, và thường chứa các thanh âm đặc trưng của thập niên 1980 như trống điện tử, hồi âm gate (gate reverb) và các dòng âm trầm. Gated reverb (hoặc gated ambience) là một kỹ thuật xử lý âm thanh kết hợp tiếng vang mạnh và cổng nhiễu. Đây là âm thanh được sử dụng rộng rãi ở thể loại âm nhạc điện tử thập niên 80s.

Synthwave còn được tách nhỏ thành các thể loại kế thừa khác như dreamwave, darksynth và scifiwave. Trong khi đó, thuật ngữ “retrowave” hay “futuresynth” là để liên đới đến synthwave hay steamwave – nhấn mạnh vào sự khôi phục của tính nghệ thuật và âm nhạc điện tử của thập niên 80s.

Xuyên suốt thập niên 2010s, synthwave vẫn được xem là một thể loại âm nhạc “niche” (kén chọn người nghe). Preston Cram – cây bút của tờ PopMatters từng phát hành một bài viết vào năm 2019, nhận định rằng “synthwave vẫn chỉ là một thể loại nhạc không thịnh hành (underground), mặc dù râm ran những sự ủng hộ và yêu mến dành cho thể loại này”. Cram còn nhận định rằng cho đến nay chỉ có hai ca khúc duy nhất thuộc thể loại synthwave thực sự tạo được tiếng vang là “Nightcall” và “A Real Hero” – cả hai ca khúc từng được lựa chọn làm nhạc phim cho Drive (2011).

Đáng nói là chỉ sau đó một năm, ca khúc Blinding Lights của The Weeknd, được dán nhãn là thuộc thể loại Synthwave đã trở nên vô cùng thịnh hành trên toàn cầu. Ca khúc này thậm chí còn phá kỷ lục của bảng xếp hạng âm nhạc danh tiếng Billboard Hot 100, khi đã có bốn tuần đứng đầu bảng xếp hạng này và kết thúc năm 2020 với tư cách là bài hát đứng đầu Billboard Hot 100 của năm. “Blinding Lights” thậm chí đã dành 57 tuần trong top 10 Billboard Hot 100 và 43 tuần trong top 5, phá kỷ lục về thời gian đứng vững dài nhất trong lịch sử 63 năm của bảng xếp hạng. Billboard nhận định ca khúc này là thành công nhất mọi thời đại, trong lịch sử 63 năm của BXH Hot 100.

Cá nhân Rose cho rằng synthwave, cũng giống như city pop, là một thể loại âm nhạc có chiều sâu. Thủ pháp sáng tạo và nghệ thuật sắp đặt những lớp lang âm thanh để khiến cho các ca khúc synthwave tạo ra mạch cảm xúc cho người nghe mà thậm chí không còn cần đến sự góp mặt của giọng hát hay ca từ, là đỉnh cao của việc sáng tác âm nhạc. Cuối cùng thì âm nhạc được sản sinh ra là để lay động cảm xúc của người nghe, và những gì tinh túy nhất, thường lại dấu mình và tách biệt ra khỏi dòng chảy của thời gian. Đối với Rose, nó đem tới một cảm giác hoài niệm bâng khuâng và ý thức rằng không có gì tồn tại mãi mãi. Người nghệ sĩ có thể không còn ở tại thế, nhưng những nhạc phẩm sẽ mãi được ngân vang và chứa đựng hồn túy của anh ta. Chỉ có những ai yêu mến và tìm đến nó mới xứng đáng để mạch cảm xúc cá nhân được thăng hoa bởi thứ thanh âm của hoài niệm này.

Dưới đây là một vài ca khúc thuộc thể loại synthwave mà Rose hết mực yêu thích, nay chia sẻ tới bạn đọc của So awkward, Rose.

Ca khúc yêu thích nhất của Rose. The Midnight cũng là một trong những nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc Synthwave đáng theo dõi.

Synthwave và Synthpop đôi khi thường bị nhầm lẫn. Synthpop là thể lọai nhạc pop (luôn có phần lời và sự thể hiện của ca sĩ) có thêm syntherizer trong nhạc. Synthpop có từ thập niên 70s và đến nay vẫn còn phát triển, thậm chí còn được nhiều nghệ sĩ ngày nay theo đuổi. Trong khi đó Synthwave chịu ảnh hưởng từ văn hóa của thập niên 80s, với thanh âm gợi tưởng đến thời kỳ này rất nhiều. Nếu Synthwave không có liên đới hoặc gợi tưởng tới thập niên 80s, nó sẽ được dán nhãn là synthpop.

Dưới đây là 2 ca khúc synthpop mà bạn có thể nghe để phân định được sự khác biệt giữa hai thể loại này.