Sản dịch sau sinh bao lâu thì hết? | Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Sản dịch sau sinh là hiện tượng sinh lý thường gặp ở sản phụ giai đoạn hậu sản. Tuy nhiên, cảm giác này không hề dễ chịu, nhiều người thường lo lắng sản dịch sau bao lâu thì hết? Sản dịch có mùi hôi có phải là dấu hiệu bất thường hay không? Hãy cùng đi tìm lời giải cho những băn khoăn đó nhé!

Cơ thể của người mẹ trải qua rất nhiều thay đổi trong lúc mang thai và cả sau khi sinh. Sau sinh, mẹ bước vào giai đoạn hậu sản. Theo quan niệm dân gian, hậu sản là thời kỳ 3 tháng sau khi sinh; còn Y học hiện đại cho rằng giai đoạn này sẽ kéo dài 6 tuần (42 ngày) kể từ ngày sinh. Vào thời điểm này, phụ nữ cần được chăm sóc đặc biệt, nếu không rất dễ mắc một số bệnh lý hậu sản phổ biến.

Sản dịch sau sinh là gì?

Sản dịch là dịch tiết từ âm đạo của phụ nữ sau sinh. Phần dịch tiết này được cấu tạo bởi những mảnh vụn của lớp nội mạc tử cung (màng rụng), những cục máu đông nhỏ từ vết thương nơi nhau bám, phần sót lại nước ối và những chất dịch tiết từ vết thương ở cổ tử cung, âm đạo do quá trình sinh đẻ.

Tại sao lại có sự xuất hiện của sản dịch là thắc mắc của không ít người. Sản dịch xuất hiện ở cả thai phụ sinh thường và sinh mổ. Khi em bé chào đời, nhau được thoát ra ngoài, tử cung của người mẹ sẽ co lại tạo thành một khối cầu an toàn, tử cung co hồi tốt giúp khả năng cầm máu sinh lý, hạn chế được sự mất máu sau sinh. Những ngày tiếp theo, khả năng co hồi tử cung giảm đi. Sau mỗi ngày tử cung co hồi là sự thoát chất dịch hay còn gọi là sản dịch từ lòng tử cung ra ngoài theo đường âm đạo. Thông thường thì sản dịch sau khi sinh mổ hết nhanh hơn sinh thường, bởi trong quá trình mổ đẻ lớp nội mạc tử cung đã được bóc sạch. Tuy nhiên, không phải trường hợp sinh mổ nào cũng nhanh hết. Tùy thuộc vào cơ địa, chế độ chăm sóc và vận động cũng ảnh hưởng đến quá trình bài tiết sản dịch ở phụ nữ sau sinh.

Sản dịch như thế nào là bình thường?

Sản dịch bình thường có mùi tanh nồng như thời kỳ kinh nguyệt, sản dịch thường kéo dài trung bình khoảng 20 ngày, hoặc có thể lên đến 40-45 ngày. Màu sắc và lượng sản dịch có thể thay đổi theo thời gian.

  • Trong 2-3 ngày đầu: Sản dịch có màu đỏ sậm, xen lẫn các cục máu đông nhỏ. Trong thời gian này, lượng sản dịch có thể ra khá nhiều. Đừng lo lắng nếu nhận thấy phần sản dịch có xen lẫn các cục máu đông, đây chỉ là nhau thai còn lại được đẩy ra khỏi cơ thể khi không còn cần thiết nữa.
  • Sau 1 tuần: Phần sản dịch bây giờ đã chuyển sang màu nâu hồng và vết bẩn trên miếng lót của sản phụ sẽ ngày càng nhỏ và nhạt hơn, phần sản dịch có thể xen lẫn ít cục máu đông, có kích thước bằng quả nho khô hoặc nhỏ hơn. Điều này là hoàn toàn bình thường.
  • Sau 3 tuần: Sản dịch không có máu chỉ là một dịch trong hoặc trắng chứa lượng lớn bạch cầu và mô màng vỏ bị hoại tử. Tử cung bây giờ đã trở lại khá nhiều về kích thước trước đây và những cơn co hồi tử cung cũng sắp kết thúc.
  • Sau 6 tuần: Một số sản phụ có thể bị ra ít dịch màu nâu, hồng hoặc trắng vàng cho đến 6 tuần sau khi sinh. Nó có thể xuất hiện với số lượng nhỏ hàng ngày hoặc chỉ thỉnh thoảng. Đây sẽ là giai đoạn cuối cùng của quá trình xuất hiện sản dịch.

Lượng sản dịch có thể ra nhiều hơn trong khi di chuyển và đi lại. Nếu điều này xảy ra, hãy cố gắng đứng yên và nghỉ ngơi một chút. Nhiều mẹ than phiền vì đôi lúc họ cảm thấy lượng sản dịch chảy nhiều khi đứng, điều này là do cấu tạo của âm đạo khiến một lượng sản dịch đọng lại ở một khu vực giống như chiếc cốc khi ngồi hoặc nằm và sẽ chảy ra nhiều khi đứng dậy hay vận động.

Làm gì khi phát hiện sản dịch bất thường?

Sản dịch là hiện tượng sinh lý bình thường với sản phụ sau sinh. Tuy nhiên, không ít chị em lo lắng vì có dấu hiệu bất thường về sản dịch. Sau đây là một vài dấu hiệu bất thường của sản dịch sau sinh:

Lượng sản dịch tăng chứ không giảm

Lượng sản dịch sẽ ra nhiều trong vài ngày đầu sau khi sinh, nhưng sau đó giảm dần theo thời gian. Nếu tại bất kỳ thời điểm nào, lượng máu đột ngột ra nhiều hơn ban đầu kéo dài hơn một tuần, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Sản dịch có mùi lạ

Sản dịch thường có mùi tanh tương tự như khi hành kinh và không gây khó chịu ở bất kỳ hình thức nào. Nếu sản dịch có mùi lạ hoặc có mùi hôi, đó có thể là do nhiễm trùng trong tử cung hoặc bị nhiễm khuẩn do rách tầng sinh môn trong khi sinh nở. Nếu nhận thấy sự thay đổi về mùi, sản phụ nên thông báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt.

Đau vùng chậu

Đau vùng chậu có thể do nhiễm trùng tiết niệu hoặc táo bón. Nghiêm trọng hơn, đau vùng chậu còn có thể do nhiễm trùng trong tử cung. Trong cả hai trường hợp, bạn nên uống nhiều nước và liên hệ bác sĩ càng sớm càng tốt.

Để phòng nguy cơ nhiễm khuẩn hậu sản, các vấn đề sức khỏe vùng kín, mẹ sau sinh nên lưu ý lượng cũng như tính chất sản dịch. Bất cứ dấu hiệu bất thường nào, nhất là trường hợp sản dịch có mùi hôi cũng cần đến bệnh viện thăm khám sớm để có biện pháp xử trí kịp thời.

Sau sinh bao lâu thì hết sản dịch?

Thông thường sản dịch có thể kéo dài từ 2 – 6 tuần. Tuy nhiên, cũng có một số sản phụ gặp tình trạng sản dịch kéo dài từ 2 – 3 tháng. Nếu không có dấu hiệu sốt, ra máu nhiều không kiểm soát được thì bạn không nên quá lo lắng.

Nhiều thai phụ lo lắng sau sinh hơn 1 tháng vẫn chưa hết sản dịch. Như đã nói ở trên sản dịch thường hết trong vòng 2 – 6 tuần nhưng cũng có thể kéo dài hơn, tuy nhiên những trường hợp này rất ít.

Nếu sau 6 tuần, sản phụ vẫn thấy ra sản dịch có máu kèm mùi hôi, sốt 38 – 39 độ, bụng dưới căng tức thì nhiều khả năng chị em đã bị bế sản dịch, đây là tình trạng do sản dịch vẫn còn trong tử cung. Tình trạng bế sản dịch rất nguy hiểm nên chị em cần đến ngay bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.

Sản dịch màu đỏ tươi sẽ giảm dần trong vài tuần đầu tiên. Tuy nhiên, nếu bạn hoạt động nặng, sản dịch có thể lại xuất hiện. Vì thế, bạn không nên làm việc quá sức ngay sau sinh.

Cách nhanh hết sản dịch

Ứ đọng sản dịch là nỗi ám ảnh kinh hoàng của các sản phụ trong giai đoạn hậu sản. Sản dịch gây ra nhiều bất tiện, khiến sản phụ cảm thấy khó chịu, không thoải mái. Vì thế, làm cách nào để nhanh hết sản dịch là điều rất nhiều chị em quan tâm.

Để lượng sản dịch sau sinh nhanh ra hết, tử cung mau chóng hồi phục, rút ngắn quá trình hậu sản (sinh mổ lẫn sinh thường), bạn nên vận động nhẹ nhàng để giúp máu huyết lưu thông cho tử cung co bóp tốt nhằm đẩy hết sản dịch ra ngoài. Đồng thời việc cho bé bú thường xuyên cũng giúp tử cung co bóp hiệu quả.

Một số kinh nghiệm dân gian thường được áp dụng để nhanh bài tiết sản dịch ra ngoài như: uống nước chè vằng, ăn canh hoặc uống nước rau ngót, ăn canh trứng đậu phụ… được nhiều chị em áp dụng.

Cách phân biệt sản dịch và băng huyết sau sinh?

ThS.BSNT Nguyễn Thị Hồng Nhung, Bác sĩ khoa Phụ sản bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội cho biết: “Sản dịch rất khác băng huyết. Những ngày đầu, sản dịch có màu đỏ sẫm, sau đó lượng máu dần bớt đi và chuyển sang màu hồng, màu nâu khi nội mạc tử cung co lại. Đến khoảng ngày thứ 10 sau sinh, sản dịch có màu hơi vàng hoặc không màu, không mùi. Lượng sản dịch ước chừng khoảng 2 chiếc băng vệ sinh trong 4 giờ.‘’

Băng huyết là tình trạng chảy máu sau sinh. Khi đó máu ra nhiều và có màu đỏ tươi chứ không thẫm màu như sản dịch. Sản phụ phải dùng nhiều bỉm to để đóng trong ngày, kèm theo dấu hiệu hoa mắt chóng mặt hoặc đau tức ở tầng sinh môn. Băng huyết sau sinh là 1 trong 5 bệnh hậu sản nguy hiểm và đứng đầu về nguy cơ gây tử vong ở sản phụ. Do đó, sản phụ cần biết cách phân biệt băng huyết và sản dịch để đến cơ sở y tế can thiệp.

Để phòng băng huyết sau sinh, sản phụ nên khám định kỳ và kiểm tra sức khỏe sát sao, không chủ quan, ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và kiểm tra kịp thời.

Hướng dẫn chăm sóc sau sinh đúng cách

Sau sinh, cơ thể của người phụ nữ chưa hoàn toàn hồi phục. Do đó, trong giai đoạn này, phụ nữ cần được chăm sóc đặc biệt. Để có sức khỏe tốt, hạn chế nguy cơ bị bế sản dịch, trong giai đoạn này bạn cần lưu ý:

  • Giữ vệ sinh: Sau sinh khoảng 4 – 6 tuần, tử cung vẫn duy trì việc co bóp để đẩy sản dịch ra ngoài. Đây là thời điểm vi khuẩn bên ngoài dễ xâm nhập, cùng vi khuẩn có sẵn ở âm đạo sẽ khiến âm đạo dễ bị viêm nhiễm. Do đó, hãy giữ vệ sinh vùng kín đúng cách bằng việc thường xuyên vệ sinh vùng kín với nước ấm, lau khô và thay băng vệ sinh trung bình 3 giờ/lần. Có thể dùng dung dịch vệ sinh pha loãng để rửa. Nếu không quá mệt sản phụ nên tắm gội bình thường, nhưng phải tắm với nước ấm, trong phòng kín, tắm nhanh và lau khô.
  • Chế độ sinh hoạt, ăn uống: Sau sinh, bạn cần ăn uống đầy đủ chất, tăng lượng đạm và canxi trong bữa ăn hàng ngày. Phụ nữ sau sinh nên cho con bú sớm để tiết ra chất Oxytocin giúp co hồi tử cung tốt để đẩy sản dịch ra ngoài.

Đồng hành cùng mẹ từ khi mang thai đến lúc vượt cạn, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh mang đến những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất như thai sản trọn gói, thai sản theo yêu cầu, chăm sóc toàn diện trước và sau sinh,… giúp mẹ khỏe mạnh và an tâm hơn đón con chào đời.

Để được tư vấn, giải đáp thắc mắc về thai sản và đặt lịch khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách có thể liên hệ:

  • Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
    • Hotline: 1800 6858 – 024 7106 6858
  • TP.HCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
    • Hotline: 0287 102 6789 – 0287 300 6858
  • Fanpage:
    • https://www.facebook.com/benhvientamanh

Ngoài ra, khoa Phụ sản còn có hệ thống phòng Tiền sản riêng biệt cao cấp; phòng spa trước sinh; áp dụng các phương pháp đẻ không đau; thời gian gây mê được rút gọn ngắn nhất nhằm hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc; chiếu plasma sau sinh, dịch vụ tư vấn và hướng dẫn thực hiện các phương pháp nuôi con khoa học hiện đại như nuôi con bằng sữa mẹ, cắt dây rốn chậm, da kề da ngay sau sinh, trữ máu cuống rốn…