Quy hoạch ODT là gì? Nội dung quy hoạch ODT thế nào?

1. Quy hoạch ODT là gì?

Theo Thông tư 25 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và môi trường, ODT là tên viết tắt của đất ở tại đô thị thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, từ đó có thể hiểu quy hoạch ODT được hiểu là quy hoạch đất ở tại đô thị.

Trong đó, đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá hoặc chuyên ngành có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương.

Tại khoản 4 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị 2009 giải thích về quy hoạch đô thị như sau:

4. Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.

Về phân loại quy hoạch đô thị, Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị nêu rõ gồm các loại sau:

– Quy hoạch chung được lập cho thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và đô thị mới;

– Quy hoạch phân khu được lập cho các khu vực trong thành phố, thị xã và đô thị mới;

– Quy hoạch chi tiết được lập cho khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô thị hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng.

Nên hiểu quy hoạch ODT là gì? (Ảnh minh họa)

2. Các hành vi bị cấm khi lập quy hoạch ODT

Điều 16 Luật Quy hoạch đô thị 209 (được sửa đổi bởi Luật có liên quan đến quy hoạch) quy định 09 hành vi bị cấm trong quy hoạch đô thị gồm:

– Không thực hiện trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị.

– Chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch đô thị không đủ điều kiện năng lực.

– Lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị không đúng quy định của Luật này.

– Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động quy hoạch đô thị.

– Từ chối cung cấp thông tin, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước; cung cấp sai thông tin về quy hoạch đô thị.

– Cố ý vi phạm quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.

– Phá hoại không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị.

– Cắm mốc giới sai lệch; phá hoại, làm sai lệch mốc giới quy hoạch đô thị.

– Cản trở, gây khó khăn cho việc lập và thực hiện quy hoạch đô thị.

Theo đó, trường hợp vi phạm về lập quy hoạch đô thị có thể bị phạt tiền từ 150 – 200 triệu đồng được quy định tại Điều 9 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP như sau:

” Điều 9. Vi phạm quy định về lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị

1. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh hoặc đồ án điều chỉnh quy hoạch không đúng yêu cầu, nguyên tắc, nội dung và thời gian quy định;

b) Không lấy ý kiến hoặc lấy ý kiến không đúng quy định của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch xây dựng điều chỉnh, đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo quy định;

c) Tổ chức lập bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật trong nội dung thiết kế cơ sở đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ hơn 5 ha (nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư) không phù hợp với quy hoạch phân khu xây dựng.”

3. Nội dung lập đồ án quy hoạch ODT thế nào?

Việc lập đồ án quy hoạch đô thị căn cứ theo:

– Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cao hơn;

– Nhiệm vụ quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.

– Quy chuẩn về quy hoạch đô thị và quy chuẩn ngành.

– Bản đồ địa hình do cơ quan chuyên môn khảo sát, đo đạc lập.

– Tài liệu, số liệu về kinh tế – xã hội của địa phương và ngành có liên quan.

Nội dung mỗi đồ án quy hoạch được quy định khác nhau (Ảnh minh họa)

Cụ thể, nội dung lập quy đồ án quy hoạch đô thị đối với các loại đồ án quy hoạch đô thị như sau:

Nội dung

Tỷ lệ bản đồ quy hoạch

Thời hạn

Đồ án quy hoạch chung thành phố trực thuộcTrung ương

– Xác định mục tiêu, động lực phát triển, quy mô dân số, đất đai, chỉ tiêu cơ bản về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của đô thị;

– Mô hình phát triển, cấu trúc phát triển không gian nội thị và khu vực ngoại thị, kể cả không gian ngầm;

– Định hướng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật khung;

– Đánh giá môi trường chiến lược;

– Chương trình ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện.

1/25.000 hoặc 1/50.000.

Từ 20 – 25 năm, tầm nhìn đến 50 năm.

Đồ án quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã

– Xác định mục tiêu, động lực phát triển, quy mô dân số, đất đai, chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật;

– Mô hình phát triển, định hướng phát triển không gian nội thị và khu vực ngoại thị, trung tâm chính trị – hành chính, dịch vụ, thương mại, văn hoá, giáo dục… cấp đô thị;

– Quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật khung trên mặt đất, trên cao và ngầm dưới đất;

– Đánh giá môi trường chiến lược.

1/10.000 hoặc 1/25.000

Từ 20 – 25 năm.

Đồ án quy hoạch chung thị trấn

– Phân tích và làm rõ cơ sở hình thành phát triển của đô thị;

– Nghiên cứu về mô hình phát triển không gian, kiến trúc, môi trường phù hợp với tính chất, chức năng của đô thị;

– Xác định các giai đoạn phát triển, kế hoạch thực hiện, các dự án có tính chất tạo động lực hình thành phát triển đô thị mới và mô hình quản lý phát triển đô thị;

– Đánh giá môi trường chiến lược.

1/5.000 hoặc 1/10.000

10 – 15 năm

Đồ án quy hoạch chung đô thị mới

– Phân tích và làm rõ cơ sở hình thành phát triển của đô thị;

– Nghiên cứu về mô hình phát triển không gian, kiến trúc, môi trường phù hợp với tính chất, chức năng của đô thị;

– Xác định các giai đoạn phát triển, kế hoạch thực hiện, các dự án có tính chất tạo động lực hình thành phát triển đô thị mới và mô hình quản lý phát triển đô thị.

1/10.000 hoặc 1/25.000

20 – 25 năm

Đồ án quy hoạch phân khu

– Xác định chức năng sử dụng cho từng khu đất;

– Nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan cho toàn khu vực lập quy hoạch;

– Chỉ tiêu về dân số, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật đối với từng ô phố;

– Bố trí công trình hạ tầng xã hội phù hợp với nhu cầu sử dụng;

– Bố trí mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật đến các trục đường phố phù hợp với các giai đoạn phát triển của toàn đô thị.

1/5.000 hoặc 1/2.000

Xác định trên cơ sở thời hạn quy hoạch chung và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị.

Đồ án quy hoạch chi tiết

– Xác định chỉ tiêu về dân số, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc cho toàn khu vực quy hoạch;

– Bố trí công trình hạ tầng xã hội phù hợp với nhu cầu sử dụng;

– Chỉ tiêu sử dụng đất và yêu cầu về kiến trúc công trình đối với từng lô đất;

– Bố trí mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật đến ranh giới lô đất.

1/500

Xác định trên cơ sở thời hạn quy hoạch phân khu và theo yêu cầu quản lý, nhu cầu đầu tư.

Trên đây là giải đáp vấn đề quy hoạch odt là gì? Mọi vấn đề còn vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.