Mô tả công việc quản lý kho chi tiết và mức lương 2022

Đặc thù các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất đều có cho mình ít nhất một loại sản phẩm riêng và sản xuất ra rất nhiều hàng hóa để cung ứng cho thị trường. Và cũng chính vì vậy, quản lý kho hàng trở thành công việc quan trọng bậc nhất trong doanh nghiệp sản xuất.

Có phải bạn đang quan tâm tới công việc quản lý kho hàng? Quản lý kho bao gồm những công việc gì và có những yêu cầu nào? Cùng Glints Việt Nam tham khảo bảng mô tả công việc quản lý kho qua bài viết này nhé!

Quản lý kho là gì?

Quản lý kho (trong tiếng Anh là Warehouse Management) là công việc quản lý, bảo quản, theo dõi chi tiết số lượng và chất lượng những hàng hoá tồn tại trong kho.

Người quản lý kho sẽ là người chịu trách nhiệm toàn bộ đối với kho hàng: Quản lý số lượng hàng xuất đi, hàng nhập về, tình hình hư hỏng, sắp xếp vị trí, v.v.

Mỗi doanh nghiệp sẽ có một loại hàng hoá đặc thù riêng và việc bảo quản hàng hoá chính là bảo vệ tài sản của doanh nghiệp.

Vì vậy, công việc quản lý kho luôn được các doanh nghiệp chú trọng. Đây không phải công việc khó. Tuy nhiên, người quản lý cần có tính cẩn thận và tỉ mỉ cùng một tư duy nhanh nhạy để đảm bảo kho hàng luôn hoạt động tốt.

Mô tả công việc quản lý kho cụ thể nhất 2022

Sau đại dịch covid 19, sự chuyển hướng của ngành bán lẻ và hành vi mua sắm của người tiêu dùng dẫn tới việc thay đổi về cách quản lý và vận hành kho hàng. Để có thể quản lý được kho hàng một cách hiệu quả, bạn cần chia nhỏ các đầu việc để dễ dàng nắm bắt.

Tiếp nhận thông tin và làm thủ tục nhập – xuất hàng

Việc tiếp nhận những thông tin và làm thủ tục nhập – xuất sẽ giúp bạn có thể quản lý được số lượng hàng hóa trong kho và nắm thông tin để đối soát mỗi khi cấp trên yêu cầu.

Hàng đi hàng về xảy ra sai sót về số lượng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Do vậy, hãy luôn chủ động tiếp nhận và lưu trữ lại thông tin về xuất nhập hàng để hoàn thành tốt công việc, tránh những phát sinh đáng tiếc.

Đọc thêm: Nhân Viên Xuất Nhập Khẩu Là Gì? Công Việc Và Mức Lương

Quản lý và sắp xếp hàng hóa trong kho

Với một doanh nghiệp hàng ngàn sản phẩm khác nhau, việc quản lý kho tưởng chừng dễ mà khó hơn bao giờ hết.

Mỗi ngày, doanh nghiệp sẽ có vô số lần xuất nhập hàng. Điều này dẫn tới việc hàng hóa trong kho sẽ trở lên lộn xộn.

Công việc của người quản lý cần làm lúc này là điều phối nhân sự để sắp xếp lại hàng hoá cho gọn gàng, sạch sẽ để có thể kiểm kho một cách dễ dàng hơn.

Theo dõi và giám sát toàn bộ quá trình mua hàng

Mua hàng hay xuất hàng là quá trình quan trọng và dễ xảy ra sai sót.

Ở vị trí của người quản lý, bạn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với kho hàng của mình. Vì vậy, trong quá trình mua bán xuất nhập hàng, bạn cần giám sát chặt chẽ, tránh trường hợp sai sót nhưng không phát hiện kịp thời.

Lập kế hoạch nhập hàng hóa định kỳ

Không chỉ đơn giản là bảo vệ hàng hóa trong kho, công việc của một quản lý kho còn là nắm bắt được số lượng tồn kho và lên kế hoạch nhập hàng theo định kỳ.

Tốt nhất, bạn chỉ nên nhập vừa xuất đủ. Hãy tính toán số lượng nhập thật chi tiết, không để hàng hoá tồn kho quá nhiều.

Báo cáo biến động của kho hàng

Việc báo cáo biến động của kho hàng là một đầu việc quan trọng đối với bộ phận kinh doanh. Nắm bắt được những sản phẩm đẩy mạnh vào từng giai đoạn giúp cho doanh nghiệp phát triển, tăng doanh thu nhanh chóng.

Quản lý và sắp xếp nhân sự ở bộ phận kho

Đối với công việc của một quản lý, mảng quản lý nhân sự là khó bậc nhất. Không chỉ quản lý hàng hoá và số liệu, bạn cần có thêm kỹ năng quản lý con người.

Việc nhìn nhận tính cách và có hiểu biết về nhân sự sẽ giúp bạn đặt nhân sự của mình vào đúng vị trí có thể phát huy được thế mạnh. Đồng thời, hiệu quả công việc cũng từ đó được thúc đẩy nhanh hơn.

Những công việc khác

Còn rất nhiều những công việc khác bạn cần làm tại kho hàng của mình. Chẳng hạn như:

  • Hỗ trợ cung cấp thông tin cho các phòng ban khác (marketing, sale, v.v.) về tình hình kho và thông tin sản phẩm
  • Xử lý các công việc nếu có vấn đề phát sinh bất ngờ ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa

Công việc quản lý kho cần đáp ứng tiêu chuẩn gì?

Quản lý kho chiếm vai trò quan trọng trong việc vận hành một doanh nghiệp. Đó là lý do các công ty chi không ít tiền cho vị trí này.

Công việc đòi hỏi các ứng viên đáp ứng một số yêu cầu như:

Tiêu chuẩn về kiến thức – kinh nghiệm

Ở vị trí này, các doanh nghiệp luôn yêu cầu ứng viên có bằng cấp từ cử nhân trở lên. Một số công ty có thể không yêu cầu về bằng cấp nhưng luôn đánh giá các ứng viên có bằng cấp cao hơn.

Ngoài ra, công việc còn yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm dày dặn ở trong kho. Ứng viên cần biết về các nền tảng hoặc phần mềm quản lý để có thể hoàn thành tốt công việc.

Tiêu chuẩn về kỹ năng

Để đáp ứng được công việc không dễ nhằn này cần ứng viên có một kỹ năng làm việc nhạy bén và tư duy sắp xếp công việc tốt, nhạy bén với những con số. Đây là một trong những yếu tố làm nên tố chất của người quản lý kho.

Ngoài ra, người quản lý kho cần phải kỹ tính, cẩn thận và nhanh nhạy, có sức khỏe tốt để đảm bảo chất lượng công việc.

Công việc quản lý kho thu nhập có cao không?

Ở bất kỳ công việc nào thì lương cũng luôn là yếu tố được các nhân sự quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, tùy theo lĩnh vực và mỗi khu vực sẽ có mức lương khác nhau.

Mức lương của vị trí quản lý kho hàng dao động từ 10 triệu đến 15 triệu/tháng tuỳ thuộc vào từng khu vực. Để có thể đàm phán cho mình được một mức lương cao, bạn cần đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của nhà tuyển dụng.

Phát triển tại vị trí quản lý kho không còn khó nếu bạn chịu khó học hỏi và trau dồi.

Kết luận

Qua bài viết này, Glints Việt Nam đã cho bạn được cái nhìn tổng quan về mô tả công việc quản lý kho. Cơ hội việc làm cho công việc này là vô cùng rộng mở.

Có thể thấy, đây là công việc mang lại mức thu nhập hấp dẫn và đầy tiềm năng để bạn phát triển. Hãy chuẩn bị cho mình một chiếc CV thật chỉn chu và tìm kiếm cơ hội việc làm tại Glints Việt Nam nhé.

Chúc bạn thành công!

Tác Giả