Nhà thơ Huy Cận qua đời để lại niềm tiếc thương, kính phục và tự hào. Trong mấy ngày qua, báo SSGP đã nhận được rất nhiều lời chia buồn, bài viết, sáng tác, ảnh kỷ niệm, tranh vẽ, những bút tích… về nhà thơ Huy Cận. Báo SGGP trân trọng cảm ơn và sẽ chuyển những tư liệu quý này đến Hội Nhà văn Việt Nam, gia đình nhà thơ Huy Cận nhằm làm phong phú Nhà lưu niệm Xuân Diệu-Huy Cận. Báo SGGP xin trích đăng một số cảm nghĩ, kỷ niệm về nhà thơ Huy Cận, nhà văn hóa lớn.
Giáo sư nhạc sĩ Trần Văn Khê
Họa thơ cùng Huy Cận
Huy Cận ơi, làm sao quên được một ngày hè năm 1940, khi Xuân Diệu và anh đến nhà tôi tại làng Vĩnh Kim (Vĩnh Long) để mong được thăm một gia đình có truyền thống âm nhạc tài tử miền Nam. Rồi chúng ta cùng dạo thuyền trên sông Sầm, từ Chợ giữa đến Rạch Gầm, dưới ánh trăng vằng vặc, thưởng thức cung đàn tiếng hát của gia đình chúng tôi. Lúc đó Huy Cận là một sinh viên Trường Canh nông, tôi sắp thi tú tài, nhưng rồi bạn trở thành một nhà thơ nổi tiếng, tôi tuy học y mà say mê âm nhạc, chúng ta chỉ biết nhau, mến nhau mà ít có dịp gặp nhau.
Nhưng như anh đã nói và Xuân Diệu đã viết cho tôi:
“Bạn ơi! Tổ quốc chúng ta Cùng chung nhau đó mãi xa cách gì”.
Chúng ta cùng đi trên con đường văn nghệ, nhìn vào một hướng, nên những lúc có dịp là gặp gỡ và hỗ trợ cho nhau: lúc anh làm Thứ trưởng Văn hóa, tôi về nước nghiên cứu âm nhạc, lúc anh được cử vào Ban Chấp hành của Cơ quan Văn hóa Liên hợp quốc (Unesco) tôi ở trong Ban Chấp hành Hội đồng quốc tế âm nhạc, thuộc Unesco, chúng tôi gặp nhau trong công việc, trong những buổi chiêu đãi, trong những buổi thuyết trình về văn nghệ tại Bảo tàng viện Guimet.
Khi tôi được Giải thưởng về âm nhạc của Unesco và Hội đồng quốc tế âm nhạc, Tạp chí Sud Est Asie (Đông Nam Á) tổ chức lễ khao tôi, cả anh và Xuân Diệu có mặt tại Paris và đến chia vui với tôi.
Khi anh được cử vào Hàn lâm viện thi ca quốc tế tại Verone bên nước ý, trên đường về nước, tại phi trường Roissy anh điện thoại cho tôi biết tin vui, và đọc mấy câu thơ, tôi rất thích, đã chúc mừng anh và họa vận mấy câu thơ vừa nghe qua điện thoại.
Những câu thơ đó chắc không có trong toàn tập thơ của Huy Cận. Tôi xin ghi lại mấy câu để tưởng nhớ anh. Bài thơ đó anh sáng tác ngày 16-6-2001, nhưng ngày anh đọc cho tôi nghe qua điện thoại là 20-6-2001.
“Giữa đời dễ mấy tri âm Bá Nha hỡi! Cử khúc cầm sầu vui Mai sau dầu hết ở đời Hồn ta còn vọng tai người nào chăng?”
Khi nhận được thơ của anh, tôi cũng có chút băn khoăn vì tại sao anh lại nghĩ đến lúc “Mai sau dầu hết ở đời?”. Tôi có họa lại:
“Đàn Thơ đã quyện hòa âm Bá Nha chưa dứt tiếng cầm reo vui Đến khi hết nợ trên đời Tử Kỳ vẫn nhớ, hỏi người quên chăng?”
Nhà thơ Thy Ngọc
Nhà thơ lớn viết hay về thiếu nhi
Điều gởi gắm thiêng liêng mà nhà thơ Huy Cận dùng hình ảnh bàn tay đặt thành tên cho tác phẩm viết tặng tuổi thơ “Hai bàn tay em” chính là tám câu lục bát mở đầu tập cũng là mở đầu bài thơ “Hai bàn tay em” nói lên tấm lòng của nhà thơ với thế hệ ngày mai, đầy trách nhiệm và chứa chan tình yêu thương. Tác giả tâm sự:
“Bàn tay tập viết, tập thêu, Tập làm, tập múa, trăm điều đẹp tươi Đôi bàn tay: hoa của người,Quý yêu, gìn giữ trọn đời, cháu nghe!”
Đọc thơ của nhà thơ Huy Cận viết cho thiếu nhi, tôi luôn liên tưởng đến chú bé mê thả diều qua bốn câu sau đây của tác giả trong phần “Hồi ký song đôi” có tên “Tuổi nhỏ Huy Cận” in trong tập “Bó hoa xuân” do Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam và Nhà xuất bản Văn học in năm 2001 tại Hà Nội:
“Tâm hồn tài tử lâng lâng gió Làm chiếc diều to ba sáo kêu Thả tự ban chiều lên quá núi Sang đêm diều lẫn với trăng cao”.
Khi đậu tú tài, nghỉ hè về thăm nhà, Huy Cận được người cha thông cảm việc mê thả diều ngày nhỏ, nói đúng niềm say đó của chàng thanh niên đã bắt đầu sống chết với thơ: “Bây giờ anh có thả diều thì tôi cũng không đánh anh nữa. Nhưng chắc ngày nay anh thích làm thơ hơn là thả diều. Làm thơ cũng là thả diều đó thôi”.
“Hai bàn tay em” là một tập thơ viết cho thiếu nhi sau đợt in đầu năm 1969, đã tái bản năm 1996 với số lượng 10.000 bản trong Tủ sách Vàng, tủ sách của các tác phẩm chọn lọc của Nhà xuất bản Kim Đồng. Nhưng không phải chỉ có vậy. Nhà thơ Huy Cận còn cuốn “Phù Đổng Thiên Vương”, truyện cổ tích bằng thơ in ba lần liên tiếp các năm 1968, 1970, 1971, mỗi lần số lượng tới 50.000 bản khổ 18,5 x 26, với nhiều tranh vẽ đẹp của cố họa sĩ Tạ Thúc Bình; và tập kể chuyện bằng thơ “Họp mặt thiếu niên anh hùng” khổ 19 x 27 với 30.300 bản in năm 1973.
Một nhà thơ lớn đã quan tâm tới thiếu nhi như thế.
Nghệ sĩ Trần Thụ
Đồng cảm sâu sắc với bài thơ “Ngã ba Đồng Lộc”
Tôi đã trình bày bài thơ “Ngã ba Đồng Lộc” của nhà thơ Huy Cận năm 1971. Đã 34 năm trôi qua. Nhà thơ Huy Cận vừa ra đi. Tôi còn nhớ, ngay sau khi sáng tác, anh Huy Cận đã gửi ngay bài thơ đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Trước khi xem bài thơ để chuẩn bị thu thanh, tôi thấy đây là một bài thơ gây xúc động lớn với thính giả. Và tôi đã tìm ra một giọng đọc hào sảng và hừng hực khí thế để thổi hồn vào “Ngã ba Đồng Lộc”.
Ngay lập tức, nhạc sĩ Hoàng Mãnh đã sáng tác bản nhạc và đệm đàn piano cho bài thơ. Trên nền nhạc đệm piano, cùng với tinh thần cách mạng đã ngấm vào xương thịt, tôi đã đọc thành công bài thơ “Ngã ba Đồng Lộc” dù lúc đó tôi chưa từng đặt chân tới vùng đất khắc nghiệt và cũng rất đỗi kiên cường ấy. Sau đó, rất nhiều thính giả đã gửi thư về đài cảm ơn tôi đã thể hiện bài thơ đầy biểu cảm và xúc động ấy.
Tôi biết, ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) là nơi mà máy bay Mỹ đã đánh phá vô cùng ác liệt trong chiến tranh phá hoại (trung bình mỗi mét vuông chịu ba quả bom lớn). Quân và dân ta đã chiến thắng vẻ vang tại ngã ba lịch sử Đồng Lộc, đặc biệt là hình ảnh mười cô gái trẻ “hồn trong như suối” đã hy sinh trong trận đánh này. Nay giọng đọc của tôi không còn được như trước nhưng cho đến giờ, sau 34 năm, đọc lại bài thơ “Ngã ba Đồng Lộc”, trong tôi vẫn còn rất nhiều cảm xúc. Tôi đặc biệt ấn tượng với những câu thơ:
“Nhưng ngã ba Đồng Lộc xây bằng xương máu Khi con về quê con nhớ viếng thăm Mộ mười cô kề bên đường đỏ Các cô như còn đứng đó Chờ lấp hố bom…”
MINH HẢI – LỘC HƯNG thực hiện
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!