Cách chữa ghẻ nước như thế nào? | Vinmec

Việc chữa trị ghẻ nước có thể khỏi hoàn toàn với một vài loại thuốc đặc trị. Tuy nhiên, để chữa ghẻ nước dứt điểm thì cần kết hợp dùng thuốc và sự tuân thủ trong lối sống.

Nguyên tắc chữa trị ghẻ nước là phát hiện sớm, điều trị sớm khi bệnh mới phát để tránh bệnh gây biến chứng và lây lan cho mọi người xung quanh, lây lan ra cộng đồng. Kết hợp điều trị cho những người thân trong gia đình và những người xung quanh. Tuân thủ trong lối sống đó là tránh tiếp xúc và dùng chung đồ dùng của người bị bệnh bởi bệnh ghẻ rất dễ tái phát nếu trứng ghẻ hoặc cái ghẻ đang tồn tại trong nhà, môi trường xung quanh.

Dưới đây là một số cách chữa ghẻ nước phổ biến và hiệu quả mà bạn có thể tham khảo để áp dụng khi bị bệnh ghẻ nước, đó là:

4.1. Tuân thủ lối sống

Khi bị ghẻ nước thì người bệnh cần tuân thủ lối sống lành mạnh bằng việc thực hiện các biện pháp sau:

  • Không dùng hoặc giặt chung đồ dùng với người bệnh.
  • Dùng nước nóng để tiệt trùng đồ dùng, quần áo và sau đó đem phơi ra ngoài trời nắng hoặc sấy khô ở nhiệt độ cao.
  • Trường hợp không thể giặt hay vệ sinh vật dụng cá nhân được hãy cho chúng vào một chiếc túi rồi buộc kín miệng lại, sau khoảng 7 ngày thì ký sinh trùng sẽ tự chết.
  • Hút sạch bụi, xịt khuẩn bằng cồn trong nhà để loại bỏ ký sinh trùng gây bệnh.
  • Tránh tiếp xúc da hoặc có quan hệ tình dục với người bệnh.
  • Người bệnh tuyệt đối không được gãi ngứa và tránh chạm tay vào các vị trí da bị tổn thương vì có thể gây nhiễm trùng. Nếu bị ngứa quá thì có thể dùng khăn lạnh chườm lên da để làm giảm cơn ngứa.
  • Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ và nên dùng nước ấm, cùng các loại xà phòng dịu nhẹ. Khi tắm thì nhớ tránh gãi, chà xát mạnh sẽ khiến mụn nước bị vỡ ra.
  • Có chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể để tăng sức đề kháng. Người bị ghẻ nước kiêng ăn thực phẩm giàu đạm, chất kích thích, đồ cay nóng, hải sản vì chúng dễ làm cơn ngứa trầm trọng hơn. Nên ăn các loại hoa quả giàu vitamin C, rau xanh để bổ sung khoáng chất và vitamin cần thiết.

4.2. Cách chữa ghẻ nước tại nhà

Để hạn chế tình trạng ghẻ nước phát triển và lây lan đến các vùng da khác trên cơ thể, giảm triệu chứng ngứa rát của bệnh thì bạn có thể áp dụng một số cách chữa ghẻ nước tại nhà an toàn, lành tính như sau:

  • Vệ sinh da bằng nước muối: Nước muối có tác dụng sát trùng, giảm viêm, ngăn ngừa nhiễm trùng và ngứa da… Người bị ghẻ nước có thể dùng nước muối sinh lý hoặc tự pha nước muối loãng để vệ sinh vùng da bị ghẻ nước 2 lần/ ngày để giúp giảm ngứa ngáy và sát trùng.
  • Kết hợp muối tinh với lá bạch đàn: Tinh dầu trong lá bạch đàn có khả năng kháng khuẩn và ức chế cái ghẻ phát triển. Vì thế, khi kết hợp lá bạch đàn với muối tinh sẽ làm tăng công dụng trị ghẻ nước. Bạn lấy 5-7 lá bạch đàn tươi, rửa sạch rồi cho vào cối cùng với muối tinh giã nát rồi đắp lên vùng da bị ghẻ khoảng 10 phút thì rửa sạch lại với nước ấm.
  • Sử dụng lá trầu không với muối: Lá trầu không vẫn được biết đến có công dụng sát khuẩn, chống viêm, giảm ngứa. Vì thế, bạn có thể kết hợp lá trầu không với muối tinh để chữa ghẻ nước cũng khá tốt. Bạn lấy 5-7 lá trầu không rửa sạch rồi giã nát với 1 ít muối tinh và đắp lên vùng da bị ghẻ 5-10 phút và rửa sạch với nước ấm.

Những cách chữa ghẻ nước tại nhà chỉ có tác dụng làm giảm ngứa, giảm sự lây lan của cái ghẻ chứ không điều trị dứt điểm bệnh ghẻ. Vì thể, người bệnh cần kết hợp với cách chữa ghẻ nước bằng thuốc.

4.3. Cách chữa ghẻ ngứa bằng thuốc

Chữa trị bệnh ghẻ bằng các loại thuốc là cách chữa nhanh chóng, hiệu quả nhất hiện nay.

Người bệnh có thể sẽ được chỉ định sử dụng một số loại thuốc bôi điều trị ghẻ nước như: Dung dịch Diethylphtalate (DEP), Permethrin 5% (Elimite), Gamma benzene hydrochoride 1% (Lindana) hoặc Benzoate de benzyl 25% (Ascabiol)…

Người bệnh cần lưu ý chỉ bôi thuốc lên thương tổn, không được bôi lên niêm mạc và bôi vào mắt. Có thể bôi thuốc 1- 2 hoặc 3 lần/ ngày tùy theo chỉ định của bác sĩ và cần phải bôi liên tục cho đến khi khỏi bệnh.

Ngoài thuốc bôi tại chỗ thì bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc dùng toàn thân như vitamin B, vitamin C, histamin… tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể của bệnh nhân.

Tóm lại, cách chữa ghẻ nước như thế nào còn tùy thuộc vào mức độ xâm lấn của bệnh trên da mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Vì thế, người bệnh tốt nhất là nên tới các cơ sở chuyên khoa da liễu để được thăm khám và tư vấn phương pháp chữa trị hiệu quả nhất.