ĐẶC ĐIỂM HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM – Góc học tập – Khoa Quản trị kinh doanh – Đại học Duy Tân

1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM

Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của luật kinh doanh bảo hiểm và các quy đinh khác của pháp luật có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm.

1.1. Đặc trưng của doanh nghiệp bảo hiểm:

·Thứ nhất,doanh nghiệp bảo hiểm có hoạt động kinh doanh tài chính, chủ yếu thường xuyên và mang tính nghề nghiệp là kinh doanh bảo hiểm. Tính đặc thù của kinh doanh bảo hiểm được thể hiện:

– Đây là dịch vụ tài chính đặc biệt, là hoạt động kinh doanh trên những rủi ro. Sản phẩm của bảo hiểm là sản phẩm vô hình, nó là sự đảm bảo về mặt tài chính trước rủi ro cho người được bảo hiểm kèm theo là dịch vụ có liên quan.

– Chu kỳ kinh doanh bảo hiểm là chu kỳ đảo ngược, tức là sản phẩm được bán ra trước, doanh thu được thực hiện sau đó mới phát sinh chi phí.

·Thứ hai: doanh nghiệp bảo hiểm được tổ chức, thành lập và hoạt động theo các quy định của luật kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác của pháp luật.

·Thứ ba: doanh nghiệp bảo hiểm chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Tài Chính.

Để quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm hầu hết các quốc gia trên thế giới đều giao cho một cơ quan quản lý nhà nước nhất định. Đây là đặc điềm giúp phân biệt doanh nghiệp bảo hiểm với doanh nghiệp khác trong nền kinh tế.

1. 2. Nội dung hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm

– Thứ nhất : kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm

+ Trong kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được quyền chủ động bán bảo hiểm dưới các hình thức sau: trực tiếp; thông qua các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm; thông qua đấu thầu; các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

+ Trong kinh doanh tái bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền nhượng chuyển một phần trách nhiệm đã nhận bảo hiểm cho một hay nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác nhưng không được nhượng toàn bộ trách nhiệm bảo hiểm đã nhận trong một hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác để hưởng hoa hồng tái bảo hiểm.

– Thứ hai: quản lý quỹ và đầu tư vốn:

+ Quản lý quỹ:

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm phải luôn duy trì mức vốn điều lệ đã đóng góp không thấp hơn mức vốn pháp định đã quy định.

+ Trích lập quỹ dự phòng nghiệp vụ: là khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập nhằm mục đích thanh toán cho những trách nhiệm bảo hiểm đã được xác định trước và phát sinh từ các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết.

+ Đầu tư vốn:

Nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm : vốn diều lệ, quỹ dự trữ bắt buộc, quỹ dự trữ tự nguyện, các khoản lãi những năm trước chưa sử dụng và các quỹ được sử dụng để đầu tư hình thành từ lợi tức để lại của doanh nghiệp, nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm.

2. ĐẶC ĐIỂM HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM

2.1. Đối tượng kinh doanh đa dạng.

– Bảo hiểm tài sản: BH ô tô, xe máy, BH máy bay, BH tàu thủy, BH vận chuyển hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu, BH đầu máy và toa xe, BH tài sản cá nhân và doanh nghiệp, BH tín dụng.

– Bảo hiểm con người: BH nhân thọ, BH tai nạn lao động, BH tai nạn hành khách, BH tai nạn học sinh, sinh viên…

– Bảo hiểm trách nhiệm dân sự: BH trách nhiệm dân sự lái xe cơ giới, BH trách nhiệm dân sự chủ tàu, BH trách nhiệm dân sự chủ hãng hàng không…

2.2. Bảo hiểm là ngành kinh doanh có nguồn vốn lớn.

Hiện các công ty bảo hiểm đang quản lý một lượng lớn nguồn vốn. Nguồn vốn này các Công ty bảo hiểm có nhu cầu đầu tư dài hạn, đầu tư vào các dự án có mức độ mạo hiểm nhằm thu lợi nhuận.

2.3. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm luôn luôn phải có dự phòng bảo hiểm.

Doanh nghiệp phải luôn duy trì khả năng thanh toán trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Khi có nguy cơ mất khả năng thanh toán, doanh nghiệp phải chủ động thực hiện ngay các biện pháp tự khôi phục khả năng thanh toán, đồng thời báo cáo Bộ Tài chính về thực trạng tài chính, nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất khả năng thanh toán và phương án khôi phục. Nếu không khôi phục được khả năng thanh toán, doanh nghiệp sẽ bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

2.4 Hoạt động kinh doanh bảo hiểm vừa hợp tác vừa cạnh tranh.

Doanh nghiệp bảo hiểm làm quen với hội nhập hợp tác quốc tế và tạo ra sự cạnh tranh để doanh nghiệp bảo hiểm tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình nhằm đem lại lợi ích tốt hơn cho người tham gia bảo hiểm.

Trong quá trình phát triển thì các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải hợp tác để đưa đến thống nhất và đòi hỏi canh tranh lành mạnh.

2.5 Hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải tuân theo các quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế có liên quan.

Để các DN bảo hiểm hoạt động có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường cần thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật và các điều ước quốc tế có liên quan đến hoạt động bảo hiểm.

Nguyễn Thị Tiến – Khoa QTKD