Đức Năng Thắng Số là gì?

Đức năng thắng Số là gì? “Đức” ở đây là Công Đức hay Âm Đức, được tạo ra bởi những lời nói hay việc làm mang đến lợi ích cho người khác. “Số” ở đây chính là số mệnh của mỗi người, được cảm thành bởi các nhân thiện ác ta đã gieo trong quá khứ. Như vậy, Đức Năng Thắng Số nghĩa là tích công đức có thể thay đổi được số phận. Như số vốn nghèo hèn, đoản mạng, không con, nay nhờ tích âm đức lớn lao nên trở nên giầu sang, trường thọ, con cái đủ đầy; số vốn long đong lận đận, ốm đau tật bệnh, nay nhờ giúp người, phóng sinh nên cuộc sống hanh thông, khỏe mạnh.

Năm xưa ông Viên Liễu Phàm, được bậc chân truyền Hoàng Cực Toán Số bảo số không con, chết trẻ…từ nhỏ đến lớn các dự báo không mảy may sai lệch. Về sau gặp Vân Cốc Thiền Sư ông mới ngộ ra được lý Đức năng thắng số. Từ đó làm thiện tích âm đức không chán mỏi nên về sau giầu thọ, cháu con đầy đủ.

*

Người đời ai cũng nghe biết rằng Đức năng thắng số, nhưng ít người thực hiện được. Lại đa phần hiểu lầm chữ Đức theo nghĩa Đạo Đức nên không nắm được phương cách hành trì. Thông thường bên ngoài tỏ vẻ thiện lương đạo mạo, nhưng trong tâm ác niệm sanh khởi như sóng cuộn. Tâm đầy rẫy tham sân si, ích kỷ, chẳng thể đoạn bỏ, thường chỉ biết nghĩ lợi cho riêng mình mà không nghĩ đến tha nhân. Lại hễ phát tâm làm một việc thiện, thường là để cầu danh tiếng chớ chẳng phải để lợi lạc cho người.

Dụng cái tâm tà vạy như thế nên chẳng chuyển biến được chi, khổ thế nào vẫn y nguyên như thế. Rốt cuộc không ai không quay lại bài bác, bảo rằng không có chuyện Đức Năng Thắng Số!

  • Cách cầu con tại nhà linh nghiệm nhất.
  • Cách thai giáo cho bé tại nhà.
  • Kinh Thập thiện nghiệp đạo.
  • Báo ứng của Thập ác.
  • 10 Chuyện tâm linh có thật.
  • Con người sinh ra để làm gì.
  • Cuộc đời& đạo nghiệp của Hòa Thượng Tuyên Hóa.
Đức năng thắng số là gì
Đức năng thắng số là gì

Luận về Đức Năng Thắng Số

Đức năng thắng số là pháp làm lành tích đức để tự thay đổi số mệnh của mình. Nghe qua có vẻ dễ nhưng thực hành thực không đơn giản chút nào. Thế gian đa số tầm thường nên bị số mạng dẫn dắt, chỉ duy có hai loại người: hoặc cùng hung cực ác, hoặc đại thiện là không bị câu thúc bởi số phận.

Không ít kẻ thông minh tài trí, nhưng sở dĩ không vun bồi phước đức cho sâu dày, không phát triển nghiệp lành cho rộng khắp, ấy chỉ vì sự quen theo nếp cũ, do dự rụt rè, không đủ quyết tâm để nỗ lực thay đổi, tự lập số mạng, nên cứ thế mà mê đắm trôi qua hết một đời.

Vân Cốc Thiền sư dạy: “Chỉ những kẻ tầm thường mới có số mạng. Bậc đại hiền thì số mạng không nhất định, mà với kẻ đại gian ác số mạng cũng không thể nhất định. Số mạng là do chính mình tạo ra, phước đức do chính mình cầu mà được. Kinh Phật lại có nói: ‘Cầu công danh ắt được công danh, cầu sống lâu ắt được sống lâu, cầu con trai, con gái, ắt có con trai, con gái…’ Nói dối là giới cấm quan trọng mà đức Phật Thích-ca đã chế định. Lẽ nào chư Phật, Bồ Tát lại nói dối để lừa gạt người đời hay sao?”

*

Người đời thụ hưởng tài sản ngàn vàng, ắt phải là người đáng hưởng ngàn vàng; kẻ nhận tài sản trăm lượng, ắt phải là kẻ đáng nhận trăm lượng. Người chịu chết đói, ắt phải là người đáng phải chết đói. Nói là mệnh trời, bất quá chỉ là do nơi nhân quả nghiệp báo riêng của mỗi người mà thành; vốn chưa từng có chút thêm bớt nào gọi là ý trời trong đó cả.

“Đến như việc sinh con cái. Như người có phước đức truyền được trăm đời, ắt sẽ sinh được con cháu truyền đủ trăm đời; người có phước đức truyền được mười đời, ắt sẽ sinh được con cháu truyền đủ mười đời; người có phước đức truyền được ba đời, hai đời, ắt sẽ sinh được con cháu truyền đủ ba đời, hai đời; cho đến người dứt hẳn không có con cháu, ấy là do phước đức hết sức mỏng manh vậy.

Muốn làm được chuyện đức năng thắng số ắt phải hết lòng hối cải những điều lầm lỗi. Phải tự thay đổi chính mình, phải biết tu nhân tích đức. Phải biết bao dung rộng lượng với người, hòa nhã thương yêu kẻ khác. “Hết thảy những việc từng làm trước đây, xem như đã chết từ hôm qua. Hết thảy những việc từ nay về sau, xem như mới được sinh ra từ hôm nay. Đó chính là ý nghĩa của việc lấy đức năng để chiến thắng số phận.

*

Thân thể bằng xương thịt này tất nhiên đã có nghiệp quả định sẵn; nhưng cái thân tinh thần nhân nghĩa đạo đức, lẽ nào lại không thể tu dưỡng để thay đổi được sao? “Sách Thượng thư, thiên Thái giáp có nói: ‘Tai họa do trời giáng xuống còn có thể tránh né. Tai họa do chính mình tạo ra thì không còn đường sống.’ Kinh Thi nói: “Lời nói việc làm thường hợp đạo trời, ấy là tự mình cầu được nhiều phước đức.” Cho nên khi ta nỗ lực làm thiện, rộng tích chứa âm đức, đó là tự mình tạo ra phước đức; lẽ nào lại có thể không được hưởng những phước đức ấy hay sao?

“Kinh Dịch nói rằng: ‘Bậc quân tử hướng về điều lành, tránh đi điều dữ.’ Lại cũng trong Kinh Dịch, quẻ Khôn, ngay nơi phần ý nghĩa mở đầu đã nói rằng: ‘Nhà làm việc thiện ắt có niềm vui, nhà làm việc ác ắt gặp tai ương.’ Nếu nói mệnh trời là không thể thay đổi, vậy điều lành làm sao có thể hướng về, điều dữ làm sao có thể tránh đi? Do đó thì biết: Số mạng của con người hoàn toàn có thể thay đổi được. Chỉ là, bạn có biết cách thực hành hay không mà thôi.

Cách dụng tâm khi hành thiện tích đức

Thiền Sư lại dạy: “Những người vẽ bùa chú thường nói: ‘Vẽ bùa không đúng cách sẽ bị quỷ thần cười chê.’ Trong việc vẽ bùa có một phép bí truyền, chẳng qua đó chỉ là không khởi lên vọng niệm. Khi cầm bút vẽ, việc trước tiên là phải buông bỏ hết thảy mọi ý niệm duyên theo trần cảnh. Từ chỗ trong tâm không chút động niệm như thế mới phóng bút điểm xuống, gọi là tạo dựng nền tảng không phân biệt. Từ một điểm làm nền tảng đó, cho đến khi vung bút vẽ xong lá bùa, nếu trong tâm tuyệt nhiên không khởi vọng niệm thì lá bùa ấy sẽ linh nghiệm.

Cho đến việc cầu đảo mệnh trời, điểm cốt yếu vẫn là phải từ nơi tâm niệm rỗng rang không động niệm như thế mà tạo ra sự cảm ứng thay đổi. Làm thiện tích đức có thể chuyển đổi mệnh trời, nhưng phải ‘tu sửa tự thân’, đó là tự thân mình có điều gì lỗi lầm xấu ác đều phải đối trị, dứt trừ đi. Nếu trong lòng có chút mong cầu điều tốt đẹp hay nôn nao chờ đợi đều phải dứt sạch đi. Đạt đến mức như thế, đó là tự tạo ra được cảnh giới nguyên sơ không động niệm, đó chính là cái học chân thật.” Đây gọi là cách dụng tâm khi hành thiện tích đức vậy!

*

Giữ được cái tâm như thiện lương, trong sáng như thế rồi, tùy duyên tùy phận mà giúp người, giúp đời. Hoặc bố thí, hoặc phóng sinh, hoặc từ thiện; hoặc tụng kinh, hoặc niệm Phật, hoặc trì chú…hết thảy đều vì tha nhân mà hành trì. Tâm chỉ vì để chúng sanh lìa khổ được vui, vì lợi lạc cho người. Cứ âm thầm mà thực hiện, không cầu danh, chẳng cầu lợi, cũng chẳng cầu người trời báo đáp, ắt sẽ tích lũy được âm đức lớn lao. Khi đó mới có thể lấy đức năng thắng số mà cải biến số mệnh của chính mình.

Còn như cứ mặc sức làm điều độc ác, hại người lợi mình, rồi sau đó vì sợ sự trừng phạt của nhân quả nên vội vàng bỏ tiền bỏ của ra làm những việc công đức nặng tính hình thức, thì không thể xóa đi nghiệp ác hay báo ứng được. Nếu không thực sự xuất phát từ suy nghĩ, hành động thiện tâm thì không một ai trên đời có thể thay đổi được số phận của mình.

Đức Năng Thắng Số: Tăng thọ

Theo Nhiễn Hương Tục Tập. Đời nhà Thanh, Ngô doãn Thăng người ở Huy Châu, huyện Hấp; lúc tuổi trẻ thường qua lại buôn bán ở châu Tô, Hàng. Một hôm, nhân có dịp đi qua Hồ Khâu, tình cờ gặp vị tăng đang hóa trai. Vị này nhìn chăm chú vào mặt ông một lúc lâu rồi nói: Ngươi cũng có căn lành, nhưng tiếc vì đến lúc 29 tuổi bị nạn chết đắm. Biết làm sao?

Doãn Thăng sợ quá, cầu phương pháp giải thoát. Vị tăng trầm ngâm giây phút rồi bảo: Từ đây về sau, ngươi nên giới sát, phóng sanh, niệm Phật và trì chú Đại Bi. Thực hành như thế may ra có thể khỏi được.

Ngô Doãn Thăng y lời, về nhà trì chú, niệm Phật và thường lấy đó khuyên người.

Qua năm 29 tuổi, ông thuê thuyền từ Hàng Châu về quê quán; bạn đồng hành có 16 người. Thuyền ra đi được vài mươi dặm, bỗng gió to sóng lớn nổi lên, thế rất nguy cấp. Doãn Thăng chợt nhớ lời vị tăng nói khi trước, vội vã chắp tay tụng chú, niệm Phật. Giây phút thuyền chìm, tất cả người đi trong ấy đều bị sóng gió trôi giạt.

*

Trong lúc hôn mê, ông bỗng nghe tiếng nói: Ngô Doãn Thăng có công trì chú niệm Phật và khuyên người, được khỏi tai nạn này! Mở mắt tỉnh ra, nhìn xung quanh, ông thấy mình đã được dân chài lưới vớt lên bờ; y phục ướt đẫm, mũ giày đều bị nước cuốn đi mất; duy nơi tay còn cầm chắc xâu chuỗi 18 hột thường dùng để tụng niệm hằng ngày. Hỏi ra, thì 16 người kia đã bị nước cuốn đi không tìm thấy tung tích.

Từ đó về sau, ông tin tưởng công đức niệm phật, trì chú không thể nghĩ bàn; từng dùng hương viên đốt nơi cánh tay thành bốn chữ ‘cầu sanh Tây phương’. Khi gặp ai ông cũng nói lý nhân quả, khuyên việc tu hành. Có được tiền, ông làm những công đức: Tạo tượng, cất chùa, phóng sanh, bố thí, cùng các việc phước thiện khác. Danh lành của ông càng lúc càng truyền xa. Khắp cho đến tại vùng Hàng châu, tên Ngô Doãn Thăng đàn bà, trẻ con đều biết..

Ngày mùng một tháng năm, niên hiệu Đạo Quang thứ 9; khi lâm chung, ông giữ chánh niệm phân minh, tự nói: ‘Tôi thấy vô số Bồ Tát đi kinh hành ở trước mặt tôi’

Nói xong, ngồi yên mà qua đời, năm đó ông được 66 tuổi.

Đức Năng Thắng Số: Thoát chết còn đỗ giải Nguyên

Tỉnh Hà Nam có vị Giải Nguyên họ Phan. Lúc trước, khi lên tỉnh dự kỳ thi Hương, Phan sinh cùng đi với hai người bạn. Đến chỗ trọ lại, có một thầy tướng rất giỏi nói riêng với hai người bạn rằng: “Tôi xem tướng Phan sinh sắp gặp đại nạn. Tốt nhất hai người nên khuyên anh ấy lánh đi nơi khác.” Hai người bạn nghe vậy liền lấy cớ chỗ trọ chật chội quá, mỗi người tặng cho Phan sinh 2 đỉnh bạc rồi bảo anh đi tìm chỗ trọ khác.

Phan sinh nghe lời, đi tìm được một chỗ trọ khác. Đến đêm lại đi dạo ven bờ sông thì bỗng nhìn thấy một người phụ nữ sắp nhảy xuống sông tự vẫn. Phan sinh liền ngăn lại, gạn hỏi nguyên nhân, người ấy kể rằng: “Chồng tôi buôn bán vải lụa, thu gom được một số khá nhiều. Gặp lúc anh ấy vừa đi vắng, có người vào mua tôi bán hết được 4 đỉnh bạc. Chẳng ngờ sơ ý không xem kỹ, đều là bạc giả. Chồng tôi trở về nhất định thế nào cũng trách mắng. Cho nên tôi chỉ còn cách tìm đến cái chết mà thôi.”

Phan sinh liền lấy trong tay áo ra 4 đỉnh bạc đưa cho cô ấy để bù vào chỗ bạc bị lừa mất. Sau đó trở về nhà trọ, thiếu tiền chi trả liền bị chủ quán trọ nhiếc mắng nhiều lời khó nghe. Anh ta đành phải dọn đi, tìm đến xin trú ngụ trong một ngôi chùa.

*

Đêm ấy, có vị tăng trong chùa mộng thấy nhiều vị thần từ trời hiện xuống.

Một vị nói: “Bảng vàng khoa này đã định sẵn. Nhưng người được chọn đỗ Giải nguyên gần đây lại làm việc tổn đức. Hắn ta đã bị Ngọc Đế xóa tên rồi. Hiện nay vẫn chưa có người thay thế.”

Một vị thần khác nói: “Phan sinh đang ngụ trong chùa này có thể thay thế được.”

Lại nghe tiếng một vị nói: “Tướng của Phan sinh là sắp chết bất đắc kỳ tử. Làm sao có thể chọn thay Giải nguyên?”

Một thần khác đưa hai tay xoa mặt Phan sinh rồi nói: “Bây giờ chẳng phải đã là tướng Giải nguyên rồi sao?”

Vị tăng ghi nhớ những lời đã nghe, sau đó khoản đãi Phan sinh hết sức trọng hậu. Sau khi dự thi xong, Phan sinh tìm đến chỗ hai người bạn để cảm ơn. Người thầy tướng hôm trước vừa nhìn thấy Phan sinh đã kinh hãi kêu lên: “Ông làm được công đức gì mà tướng mạo đổi khác thế này? Giải nguyên khoa thi Hương này, ngoài ông ra không thể là ai khác.”

Khi công bố kết quả kỳ thi, quả nhiên đúng vậy.

Đức Năng Thắng Số: Cứu Kiến được tăng tuổi thọ

Vào thời đức Phật còn tại thế, có một vị tỳ-kheo đã chứng đắc lục thần thông. Một hôm ngài quán sát thấy trong số đệ tử mình có một chú sa-di chỉ trong 7 ngày nữa ắt phải chết. Vì lòng từ bi, ngài liền bảo chú sa-di ấy về quê thăm cha mẹ, đến ngày thứ 8 hãy trở lại chùa. Đó là thầy muốn cho chú sa-di ấy được gặp cha mẹ trước khi chết, cũng như được chết tại quê nhà. Không ngờ đúng ngày thứ 8 chú sa-di vẫn còn sống trở lại chùa.

Vị tỳ-kheo liền nhập định quán sát nguyên do, mới biết chú sa-di lúc đang trên đường về quê bỗng gặp một tổ kiến sắp bị nước dâng tràn vào. Chú thấy vậy lập tức cởi áo cà-sa đắp chặn xung quanh để cứu. Nhờ đó mà cả đàn kiến được thoát chết. Nhờ việc này mà chú sa-di chẳng những không chết yểu, về sau lại sống thọ đến 80 tuổi, chứng quả A-la-hán.

Đức Năng Thắng Số: Giúp người nên cầu được con quý

Vào đời Minh, huyện Quảng Bình thuộc tỉnh Hà Bắc có người tên Trương Tú, nhà nghèo lại không có con. Trương Tú đặt một cái bình đất trong nhà, tiền dành dụm được đều cho vào đó, trải qua 10 năm thì vừa đầy bình. Có người hàng xóm của ông sinh được 3 đứa con còn nhỏ. Ông ta vi phạm pháp luật, buộc phải bán người vợ đi để lấy tiền chuộc tội.

Trương Tú biết chuyện, sợ người mẹ bị bán đi ắt 3 đứa con nhỏ không người chăm sóc. Ông liền mang hết số tiền dành dụm của mình ra chuộc tội cho người kia. Vì số tiền ấy vẫn còn thiếu, nên vợ ông liền mang cả chiếc trâm cài đầu của bà bán đi để thêm vào cho đủ.

Đêm ấy, Trương Tú mộng thấy có vị thần bế một đứa bé kháu khỉnh đến trao cho ông. Sau đó vợ ông liền có thai, sinh được con trai đặt tên là Trương Quốc Ngạn. Quốc Ngạn về sau làm quan đến chức Hình bộ Thượng thư. Hai người cháu là Trương Ngã Tục và Trương Ngã Thằng sau cũng đều làm đến các chức quan Bố chính sử và Án sát sử.

Đức Năng Thắng Số: Cứu người được con

Thân phụ của Phùng Trác Am ngày thường luôn vui vẻ ưa thích làm nhiều việc thiện. Một hôm giữa mùa đông, sáng sớm ông ra đường bỗng gặp một người té ngã nằm ngất trong tuyết lạnh, sờ vào thấy đã tê cứng nửa người. Ông liền cởi áo ấm lông cừu của mình mặc vào cho người ấy; lại đưa về nhà cho ăn uống đầy đủ, lo lắng chu đáo mọi bề.

Không lâu sau, ông nằm mộng thấy Đông Nhạc Đế hiện đến bảo rằng: “Số mạng của ông vốn dĩ không có con. Nay nhờ cứu sống mạng người, do lòng thành đó mà Ngọc Đế đặc biệt có lệnh cho Hàn Kỳ đến làm con trai nhà ông.”

Sau đó liền sinh được con trai. Nhân nơi giấc mộng mà đặt tên là Phùng Kỳ, sau mới lấy tên hiệu là Trác Am. Phùng Kỳ từ thuở thiếu niên đã tài trí hơn người. 20 tuổi được liệt vào hàng văn sĩ tài danh. 36 tuổi thì đã phụ tá cho quan Tể tướng.

Đức Năng Thắng Số: Cúng dường mười hạt thóc được thoát nghèo

Đời Tùy, ở núi Chung Nam có vị thánh tăng là Thích Phổ An. Mỗi khi ngài đến chỗ đông người, thiên hạ lại tranh nhau thiết lễ cúng dường thỉnh ngài thọ trai.

Ngày kia, ngài đến thôn Đại Vạn. Trong thôn có người tên Điền Di Sanh, nhà nghèo đến mức chẳng có gì ngoài bốn bức vách trơ vơ. Ông có bốn người con gái, quần áo chẳng đủ che thân. Cô con gái lớn nhất tên là Hoa Nghiêm, khi ấy đã được 20 tuổi. Cô ngoảnh nhìn lại gia sản chẳng có gì ngoài hai thước vải thô xấu. Nghĩ mình nghèo khổ thật quá đỗi, chẳng biết lấy gì để làm việc bố thí tạo phước. Cô ngửa mặt nhìn lên mái nhà đau xót, bất chợt nhân đó thấy trên cây xà ngang có một lỗ hổng nhỏ, bên trong có một nhúm thóc nằm vương vãi.

Cô tìm cách lấy xuống, xem kỹ nhặt ra được mười hạt thóc vàng. Liền đem mấy hạt thóc ấy lột vỏ trấu, chà sạch lớp cám bên ngoài; định bụng mang cùng với hai thước vải thô dâng lên cúng dường thánh tăng.

*

Thế nhưng khi cô nhìn lại mình, chẳng còn mảnh vải che thân nên không thể ra khỏi nhà được. Liền chờ lúc đêm tối mới ra khỏi nhà, không dám đứng thẳng đi mà bò sát dưới đất, hướng về chỗ vị tăng đang trú ngụ. Cô mang hai thước vải thô bỏ nơi bên ngoài phương trượng, còn mười hạt gạo thì tự tay mang đến bỏ vào nồi cơm đang nấu. Trong lòng thầm khấn nguyện rằng:

“Tôi đời trước do tham lam bỏn xẻn nên nay phải chịu quả báo nghèo khổ cùng khốn. Nay đối trước chư Phật xin thành tâm sám hối. Nguyện đem chút vật phẩm nhỏ nhoi này cúng dường chư tăng. Nếu như nghiệp báo nghèo khổ khốn cùng của tôi đến nay đã dứt, xin cho tất cả những hạt cơm đang nấu trong nồi này đều hóa thành sắc vàng.”

Khấn nguyện rồi gạt nước mắt mà quay về nhà.

Sáng sớm hôm sau, chư tăng đều thấy trong cái nồi ấy nấu đến năm thạch gạo. Điều kỳ lạ là toàn bộ cơm trong nồi đều hóa thành sắc vàng. Không ai biết vì sao, chỉ có Đại sư Phổ An quán biết nhân duyên sự việc liền nói rõ cho mọi người biết. Ai nấy nghe qua xúc động không kiềm được, đều cho cô gái họ Điền là người có tâm địa tốt. Nhân đó, rất nhiều người mang tài vật đến giúp đỡ cho gia đình Điền Di Sanh. Cô gái ấy sau lại phát tâm xuất gia học đạo.

( Đức năng thắng số là gì: Theo An Sĩ Toàn Thư )