Điều kỳ lạ ở đảo quốc nhỏ nhất thế giới – Báo Bà Rịa – Vũng Tàu điện tử

Đó là đảo quốc Nauru, nằm ở Đông Bắc Australia. Không chỉ có diện tích nhỏ nhất thế giới, đảo quốc này còn có một nền kinh tế với lịch sử phát triển thú vị: từng giàu có và trở nên nghèo khó bậc nhất thế giới.

Tuy có lợi thế của thiên nhiên ban tặng, nhưng mỗi năm Nauru chỉ đón chưa đầy 1.000 du khách. Tuy có lợi thế của thiên nhiên ban tặng, nhưng mỗi năm Nauru chỉ đón chưa đầy 1.000 du khách.

Nhiều cái nhất

Quốc đảo Nauru bao gồm một hòn đảo san hô nhô cao nằm ở Đông Nam Micronesia, cách Xích đạo 40km về phía Nam Thái Bình Dương. Láng giềng gần nhất là đảo Banaba, ở Kiribati, khoảng 300km về phía Đông. Nauru không có thủ đô chính thức, nhưng các văn phòng chính phủ được đặt tại quận Yaren.

Thế nhưng, hòn đảo xa xôi nhỏ bé này chứa đựng rất nhiều điều thú vị. Đầu tiên, đây là quốc đảo nhỏ nhất thế giới. Rộng chưa đầy 21km2, Nauru chỉ lớn hơn 2 quốc gia khác là Vatican City và Monaco. Với diện tích khiêm tốn như vậy, Nauru không có khu bảo tồn, không có di sản thế giới, không có sông và chỉ có 30km đường.

Vì khó tiếp cận và rất hoang sơ, nên Nauru không có nhiều khách du lịch ghé thăm. Năm nhiều nhất chỉ tầm 1.000 du khách, nhưng cũng có năm chỉ khoảng 200 du khách. Nhiều tạp chí du lịch xếp hạng Nauru nằm trong 10 nước ít được ghé thăm nhất thế giới và cũng là một trong những hòn đảo cô lập nhất thế giới.

Nauru cũng là quốc gia “béo” nhất trên trái đất. Theo World Factbook của CIA, 61% trong số 10.000 cư dân của Nauru bị béo phì. Với trọng lượng của người trưởng thành tăng gấp 4 lần mức trung bình toàn cầu, người dân trên đảo được cho là có khuynh hướng tăng cân về mặt di truyền. Tuy nhiên, một báo cáo năm 2014 cho rằng, nguyên nhân dẫn đến béo phì đến từ cách ăn uống học từ những người định cư thuộc địa, họ đã dạy cư dân trên đảo cách ăn của phương Tây – chẳng hạn như chiên cá.

Nauru là một trong những quốc gia có GDP thấp nhất. Theo countryeconomy.com, năm 2020, GDP của Nauru hơn 115 triệu USD, đứng thứ 195 trong tổng số 196 quốc gia trên thế giới.

Tuy là một quốc gia nhỏ bé, Nauru cũng có đường sắt. Một đoạn đường sắt khổ hẹp dài 3,9km được xây dựng vào năm 1907 để vận chuyển phosphate đã khai thác – nền tảng của kinh tế hòn đảo trong nhiều thập kỷ.

Một điều thú vị khác là hầu hết người trên đảo đều nói tiếng Anh. Với mối quan hệ chặt chẽ với Australia, New Zealand và Vương quốc Anh, không có gì ngạc nhiên khi Nauru là 1 trong 45 quốc gia có ít nhất một nửa dân số nói tiếng Anh (theo cuốn sách “English as a Global Language” của David Crystal). Tuy nhiên, ngôn ngữ chính thức là Nauru, một ngôn ngữ đảo Thái Bình Dương riêng biệt được sử dụng trong hầu hết gia đình bản địa.

Nauru là 1 trong 36 quốc gia và vùng lãnh thổ không có quân đội. Australia chịu trách nhiệm giữ gìn an ninh, an toàn cho hòn đảo này.

Và cuối cùng, Nauru là hòn đảo không bị tấn công bởi COVID-19. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), không có ca nhiễm COVID-19 ở Nauru. Các biện pháp sớm và quyết liệt đã ngăn chặn thành công sự bùng phát COVID-19 ở Nauru.

Nền kinh tế phập phù

Khai thác phosphate là nguồn thu nhập chính của Nauru trong những năm 1970 và 1980. Với giá phosphate cao trong những năm 1970, Hughes ước tính rằng, GDP bình quân đầu người của Nauru vào năm 1975 là 50.000 USD, chỉ đứng sau Saudi Arabia.

Nền kinh tế bùng nổ, người dân nhanh chóng tận dụng sự sung túc mới kiếm được để mua xe hơi và xây nhà lớn. Chính phủ đã xây dựng hòn đảo với những tòa nhà và khách sạn ấn tượng. Họ thậm chí còn thành lập hãng hàng không riêng để nhập khẩu đồ ăn phương Tây.

Tuy nhiên, tất cả những điều tốt đẹp đó không tồn tại lâu. Do khai thác quá mức, nguồn phosphate trở nên cạn kiệt và đất nước lâm vào cảnh nợ nần. Chi tiêu của chính phủ bắt đầu vượt quá doanh thu.

Vào cuối những năm 1990, Nauru trở nên tuyệt vọng và hậu quả là quốc gia này phải đối mặt với những lời chỉ trích với các chiến lược thiên đường thuế ở nước ngoài và bán hộ chiếu. Các chiến lược này cuối cùng đã bị loại bỏ. Giá trị của quỹ đầu tư Nauru Phosphate Royalties Trust (NPRT) giảm từ 1,3 tỷ USD năm 1990 xuống còn 0,3 tỷ USD vào năm 2004, sau đó chính phủ ngập sâu trong nợ nần và đang phải vật lộn để trả các hóa đơn của mình. Đến đầu những năm 2000, các nguồn tài nguyên này hầu như đã biến mất hoàn toàn.

Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, Nauru đã làm mọi cách để có tiền như: điều chỉnh theo lạm phát để tăng doanh thu và chi tiêu của chính phủ, thu từ các trại tị nạn, tăng phí cấp phép đánh bắt cá…

Cụ thể, nền kinh tế Nauru do chính phủ chi phối (chi tiêu của chính phủ thực sự vượt quá GDP). Chi tiêu của chính phủ tăng từ 128 triệu USD trong năm 2013-2014 lên 242 triệu USD trong năm 2019-2020. Chi tiêu kéo theo doanh thu tăng lên. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, doanh thu của chính phủ tăng gần gấp 10 lần, từ 30 triệu USD trong năm 2011-2012 lên 269 triệu USD vào năm 2019-2020 (theo giá năm 2019).

Nguồn thu kế tiếp từ Trung tâm xử lý Khu vực (RPC) vừa đối phó, vừa ngăn chặn những người xin tị nạn trong tương lai. Chính phủ Nauru ước tính rằng, tổng doanh thu trực tiếp và gián tiếp từ RPC chiếm 58% tổng doanh thu của chính phủ trong năm 2019-2020.

Mặc dù hiện tại trung tâm RPC chủ yếu trống không, nhưng nó vẫn được duy trì để có thể sử dụng trong tương lai. Hợp đồng RPC vẫn cực kỳ sinh lợi (được định giá vào năm 2019 là 29 triệu USD mỗi tháng) và chính phủ Nauru đã trích khoảng 150 triệu USD từ hợp đồng này vào năm ngoái với nhiều loại phí và thuế khác nhau.

Diện tích Nauru chưa đầy 21km2. Diện tích Nauru chưa đầy 21km2.

Động lực khác của tăng trưởng là sự bùng nổ về giá trị của hoạt động đánh bắt cá ở vùng biển của Nauru. Doanh thu cấp phép đánh bắt cá đã tăng từ 25 triệu USD trong năm 2013-2014 lên 73 triệu USD trong năm 2019-2020 (một lần nữa được điều chỉnh theo lạm phát). Thỏa thuận Nauru năm 2010 là cam kết của 8 quốc gia Thái Bình Dương với một phần tư nguồn cung cá ngừ của thế giới, nhằm áp đặt một chương trình cấp phép chung cho các tàu đánh cá nước ngoài. Thỏa thuận này kết hợp với thời kỳ giá cá ngừ cao, đã dẫn đến việc tăng phí cấp phép đối với 8 nước ký kết.

Năm 2016, Nauru thành lập một quỹ tín thác liên thế hệ mới, nhằm xây dựng quỹ tiết kiệm cho những năm tới. Để tránh quản lý yếu kém, quỹ ủy thác được đồng quản lý bởi Nauru và 2 quốc gia khác đã tài trợ vốn vào đó là Đài Loan và Australia.

Tuy nhiên, Nauru vẫn rất dễ bị tổn thương. Nước này đang phải đối mặt với 2 rủi ro kinh tế chính: giá cá ngừ giảm và quyết định của Australia ngừng tài trợ cho trung tâm RPC. Mặc dù Nauru hiện có một quỹ ủy thác để cung cấp một vùng đệm rủi ro, song họ đã chi phần lớn doanh thu vào thời điểm bùng nổ. Khoản tiết kiệm được tích lũy trong quỹ ủy thác của Nauru cho đến nay sẽ chỉ tài trợ cho khoảng 1/3 ngân sách/năm.

Song đất nước này có thể xây dựng ngành du lịch bằng cách sử dụng cảnh quan địa lý độc đáo để thu hút khách du lịch. Đồng thời, để tăng trưởng bền vững, chính phủ có thể xem xét sử dụng năng lượng mặt trời thay vì nhập khẩu dầu diesel. Bên cạnh đó, Nauru cần phải tiết kiệm nhiều hơn, đồng thời hy vọng rằng giá cá vẫn ở mức cao và Australia tiếp tục trả tiền cho trung tâm RPC.

KHÁNH HẰNG (Tổng hợp)