Có nên cho trẻ sơ sinh bú nằm hay không?  – YouMed

Những bậc phụ huynh mới có con đầu lòng sẽ có nhiều băn khoăn, thắc mắc trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh. Trong đó, câu hỏi thường gặp nhất là ba mẹ có nên cho trẻ sơ sinh bú nằm hay không? Sau đây, mời bạn cùng bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai tìm lời giải đáp cho thắc mắc này nhé!

Bạn có nên cho trẻ sơ sinh bú nằm không?

Trẻ sơ sinh rất nhỏ và mỏng manh nên bạn đang băn khoăn không biết liệu có nên cho trẻ sơ sinh bú nằm nghiêng hay không. Nếu bạn thực hiện các biện pháp an toàn thích hợp, việc cho con bú nằm nghiêng có thể được thực hiện ngay từ lần bú đầu tiên.

Bạn có thể cho trẻ sơ sinh bú nằm nếu chuẩn bị đủ biện pháp an toàn
Bạn có thể cho trẻ sơ sinh bú nằm nếu chuẩn bị đủ biện pháp an toàn

Nếu con của bạn rất nhỏ, bạn có thể cần hỗ trợ thêm cho chúng. Dùng gối hoặc chăn để quanh mông và lưng của trẻ để tạo tư thế thích hợp cho con bú. Cần đảm bảo để gối cách xa đầu và mặt của trẻ. Đảm bảo bạn tỉnh táo trong khi cho trẻ sơ sinh bú.

Cách cho trẻ sơ sinh bú nằm

Một trong những ưu điểm của việc cho con bú nằm nghiêng là bạn có cơ hội để cơ thể được nghỉ ngơi trong khi cho con bú. Sau đây là một số bước đơn giản để cho trẻ sơ sinh bú nằm:

  • Đặt trẻ nằm ngửa ở trên giường lớn. Hãy nhớ để ga trải giường, chăn gối cách xa mặt em bé để giảm thiểu rủi ro.
  • Bạn có thể dùng gối kê dưới đầu, đảm bảo gối ở nơi mà con bạn không thể với tới. Bạn cũng có thể sử dụng gối làm điểm tựa lưng để giúp bạn thoải mái hơn khi nằm nghiêng.
  • Đặt con của bạn sao cho miệng của trẻ ngang bằng với núm vú và cánh tay của bạn ở trên đầu của chúng. Nhưng đừng gối đầu em bé lên tay của bạn.
  • Đặt con của bạn nằm nghiêng, kéo hông hoặc đầu gối của chúng gần với hông bạn. Bạn có thể đặt chăn hoặc gối sau lưng trẻ để nâng đỡ và ngăn trẻ lăn ra khỏi bạn. Khuyến khích mũi của trẻ tiếp xúc với núm vú của bạn, nhưng không được úp mặt vào vú bạn.
  • Cố gắng đặt em bé sao cho tai, vai và hông của chúng nằm trên một đường thẳng. Điều này sẽ giúp chúng dễ lấy sữa hơn.
  • Dùng cánh tay phía dưới để ôm và giữ bé ở tu thế gần ngực bà mẹ. Cánh tay còn lại dùng để nâng vú. Tuy nhiên, nhiều trẻ sơ sinh (đặc biệt là trẻ lớn hơn) sẽ tự ngậm ti một cách tự nhiên.

Đôi khi phụ nữ sẽ thấy rằng sữa của họ không chảy hết, hoặc không đều sau khi cho con bú ở tư thế nằm nghiêng. Sữa dư thừa trong vú của bạn có thể dẫn đến căng sữa, tắc ống dẫn sữa, viêm vú hoặc giảm nguồn cung cấp sữa. Vì vậy bạn cần lưu ý điều này nhé!

Khi nào có thể cho trẻ sơ sinh bú nằm?

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, cho con bú nằm nghiêng là một lựa chọn tuyệt vời để giúp bạn và em bé được nghỉ ngơi.

Cho con bú nằm nghiêng cũng là một tư thế cho bú tốt nếu bạn sinh mổ. Có thể nằm xuống và không để em bé đè lên vết mổ của bạn.

Bạn có thể chọn cho con bú tư thế nằm nghiêng trong thời gian hồi phục vết thương. Nếu bạn sinh con tại bệnh viện, thanh vịn giường bệnh có thể giúp con nhỏ của bạn sẽ không bị lăn ra sau trong khi bú.

Cho trẻ bú nằm có an toàn không?

Em bé cần được cho bú vài lần trong ngày. Cho trẻ bú ở tư thế ngồi hoặc bế trẻ trên tay mỗi lần cho bú có thể khiến bạn mệt mỏi. Tư thế cho con bú nằm nghiêng tự nhiên như khi ngủ sẽ giúp bạn đỡ mệt mỏi hơn.

Ban đầu, bạn có thể cần một chút thời gian để tìm ra vị trí của vú, cánh tay và em bé. Khi bạn đã tìm được một tư thế thoải mái, việc cho bú theo cách trên sẽ dễ dàng. Tuy nhiên, hãy lưu ý những chi tiết này khi cho con bú nằm.

Mẹ và bé ngủ chung giường

Trong đêm, mẹ có thể cho trẻ ngủ chung giường với mình để dễ dàng cho bé bú. Tuy nhiên, ngủ chung là một lý do chính gây ra SIDS – Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Do đó bạn nên cho em bé ngủ trên giường riêng hoặc trong nôi.

Mẹ và trẻ ngủ chung giường có thể làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ
Mẹ và trẻ ngủ chung giường có thể làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ

Mẹ ngủ quên khi cho trẻ bú

Mẹ có thể ngủ thiếp đi trong khi trẻ vẫn đang ngậm vú mẹ để bú. Trẻ sẽ tiếp tục bú khi ngủ và có khả năng bú quá mức hoặc sặc sữa, ngạt thở dưới bầu vú lớn hoặc bị quấn vào chăn.

Trẻ ợ hơi sau khi bú

Trẻ sơ sinh cần được ợ hơi sau khi bú để thoát không khí bị mắc kẹt. Điều này có thể rất khó chịu và trẻ có thể bị đau bụng hoặc quấy khóc quá mức. Do đó bạn cần nhấc trẻ lên để cho trẻ ợ hơi và điều này có thể đánh thức em bé.

Xem thêm: Giải pháp khi trẻ sơ sinh bị đầy hơi

Trẻ sơ sinh cần được ợ hơi sau khi bú để thoát không khí bị mắc kẹt
Trẻ sơ sinh cần được ợ hơi sau khi bú để thoát không khí bị mắc kẹt

Vậy có nên cho trẻ sơ sinh bú nằm hay không? Bạn cần cân nhắc ưu và nhược điểm trước khi bạn bắt đầu cho trẻ sơ sinh bú nằm. Nếu bạn muốn cho trẻ bú nằm thì hãy thực hiện những biện pháp an toàn trên nhé!