Chữ Latin và bước ngoặt lịch sử của chữ viết tộc Việt | Nghiên Cứu Lịch Sử

Ted

LỜI TỰA

Dân tộc Việt là một trong những tộc người có lịch sử lâu đời nhất thế giới. Nếu tính từ khi lập quốc Văn Lang cho đến nay là gần 4.900 năm. Tuy hình thành sớm nhưng có lẽ phải mãi đến cuối thời kỳ Hùng Vương, người Văn Lang mới phôi thai bộ chữ viết của riêng mình (Ở phạm trù bài viết này, Ted sẽ không đề cập đến ‘chữ Khoa-Đẩu’ đó). Chưa kịp phổ biến và truyền bá rộng rãi thì chữ Khoa-Đẩu nhanh chóng bị thất truyền bằng việc chúng ta rơi vào họa ngoại xâm phương Bắc. Và trong suốt 1000 năm đô hộ, dưới áp lực đồng hóa mạnh mẽ, chữ Hán là văn tự duy nhất người Việt có thể sử dụng để ghi chép.

Dĩ nhiên là với chữ viết ngoại bang thì chắc chắn người Việt ta không thể nào ghi chép lại hết được vốn từ của dân tộc. Điều mà chữ Hán mang lại chính là nhóm chữ Hán – Việt cực kỳ phong phú đến nỗi những câu văn Ted viết ở đây có đến 60-70% là nhóm chữ ấy. Mặt hạn chế của chữ Hán là việc nó không thể ghi lại được từ thuần Việt. Ví dụ: chúng ta có thể ghi từ ‘美人’ và đọc từ Hán – Việt là ‘mỹ nữ’ chứ chữ Hán không thể nào đọc thành ‘gái đẹp’ được. Tương tự đối với hệ thống đại từ nhân xưng siêu-khủng của tiếng Việt. Tiếng Hán chỉ có từ ‘wo’ và từ ‘ni’ để chỉ chung cho ngôi thứ nhất và thứ hai nhưng những từ như ‘mày, tao, cậu, tới, bác, em…’ thì làm sao mà viết.

Thế là chữ Nôm được ra đời với mục đích như thế. Nhờ chữ Nôm mà bà Hồ Xuân Hương mới diễn tả cái ‘trắng’ và ‘tròn’ của ‘thân em’ được, đó là còn chưa kể đến cái tình trạng ‘chìm’ và ‘nổi’ nữa. Nói như thế không có nghĩa chữ Nôm giải quyết mọi gốc rễ vấn đề. Chữ Nôm được hình thành trên cơ sở chữ Hán. Do đó cấu tạo chữ Nôm sẽ tương đồng cấu tạo chữ Hán. Có rất nhiều cách tạo chữ Nôm. Điển hình nhất là dựa vào âm đọc.

Ví dụ từ 我 có nghĩa là ‘tôi/tui’, âm Hán là ‘ngã’ à Chữ Nôm viết từ sẽ mang nghĩa là té ngã.

Ví dụ khác: Từ 𠀧 được ghép từ hai bộ phận: nghĩa và âm. Thứ nhất là chữ 三 có tác dụng chỉ nghĩa tức số 3 và chữ 巴 đọc trong tiếng Hán là /ba/. Như vậy chữ 𠀧 có nghĩa là số 3 và sẽ đọc như tiếng Việt là /ba/.

Do đó, để thông thạo được chữ Nôm thì phải rất giỏi chữ Hán. Một vấn đề khác là chữ Nôm không được quản lý bởi cấp nhà nước từ trung ương đến địa phương nên mỗi địa phương lại có một cách tạo chữ Nôm khác nhau. Đây chính là hai vấn đề chính khiến chữ Nôm chỉ được phổ biến trong giới trí thức và tỉ lệ người mù chữ ở Việt Nam lúc đó còn rất cao.

Sự khó khăn trong cách tiếp cận chữ Hán – Nôm đã dẫn đến bối cảnh ra đời của bộ chữ phiên âm Latin mà ngày nay chúng ta gọi là Chữ Quốc ngữ.

BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Vào thời điểm các thế kỷ XVI – XVII, ý tưởng Latin hóa một số ngôn ngữ Á Đông đã manh nha và thực sự được tiến hành đầu tiên ở Nhật và Trung Hoa. Đây là thời kỳ thế giới có nhiều biến động: Thương nhân châu Âu mở rộng buôn bán với phương Đông, việc buôn bán giữa Đại Việt và nước ngoài cũng được phát triển. Bên cạnh việc trao đổi hàng hóa với các thương nhân Trung Quốc, Giava, Xiêm quen thuộc, xuất hiện ngày càng đông đảo thuyền bè của các nhà buôn Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp, Anh… Cùng với đó, một loạt cac kinh kỳ cũng trở nên phồn vinh như: Đồng Đăng, Kỳ Lừa,Hội An, Phố Hiến, Kẻ Chợ…

Các nhà buôn phương Tây sau khi cập cảng buôn bán với Việt Nam đã xin các chúa cho phép lập các thương điếm để thuận lợi cho việc thương mại trao đổi hàng hóa. Đi cùng với các nhà buôn còn có những giáo sĩ truyền đạo, đối khi các nhà buôn phải thông qua những giáo sĩ làm mối lái để kết giao với triều đình. Số giáo dân ngày càng tăng, mặc dầu các giáo sĩ luôn gặp phải những phản kháng của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn sùng các thần linh cứu nước, ý thức dân tộc…

Khi các nhà truyền giáo phương Tây đến Việt Nam thì người Việt đã sẵn có hai thứ chữ viết đã nêu. Cũng vì nhược điểm của cả chữ Hán và chữ Nôm nên việc truyền đạo của các giáo sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Để học cách viết loại chữ Hán giản thể ngày nay cũng phải mất ít nhất 05 năm cơ bản và cả cuộc đời để mở rộng. Vậy thì làm sao mà các giáo sĩ có thể tăng cường truyền đạo Kitô với loại chữ viết như vậy được, hay thậm chí các giáo sĩ muốn dạy cho nhau về văn hóa – xã hội Việt Nam trước khi lên đường sang truyền đạo cũng rất khó. Do đó họ mới nghĩ ra một cách thức nhanh chóng hơn phù hợp với đặc điểm của bộ chữ viết phương Tây lúc bấy giờ, đó chính là sử dụng chữ cái Latin để phiên âm lại tiếng nói.

Chữ Latin là sản phẩm của người La Mã phát triển từ bộ chữ cái Hy Lạp cổ đại và trước đó là của người Phoenician. Chữ Latin là loại chữ phiên âm và ghép âm (tức là có thể ký ra được âm thanh của ngôn ngữ nói). Điều này khác với chữ Hán vốn dĩ là chữ tượng hình và biểu ý (mỗi từ gắn với một chữ cố định). Cần nói thêm là số lượng chữ Hán lên đến con số hàng chục nghìn trong khi chữ Latin chỉ với 24-26 chữ cái đã có thể thực hiện việc ghép để tạo ra chữ phiên âm tiếng nói của họ.

Dựa trên ưu điểm vượt trội của chữ Latin, các nhà truyền giáo phương Tây bắt đầu học cách lắng nghe ‘tiếng Việt’ và tìm cách ký âm có quy luật loại tiếng nói đặc biệt này (Sỡ dĩ có đặc biệt là vì tiếng Việt là ngôn ngữ có 6 âm điệu trong khi tiếng Hoa Phổ thông có 4 âm và tiếng Nhật có 1-2 âm).

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH

Các nhà truyên giáo châu Âu có thể đã đến Việt Nam sớm nhất là khoảng năm 1533 và muộn nhất là năm 1632. Bởi vì năm 1632 là năm Gaspar Do Amaral viết bản tường trình “Annua de Reino de Annam” trong đó có đưa vào trên 300 từ Việt sử dụng gần giống hệt như ngày nay. Người ta cho rằng vào thời điểm này, chữ Quốc Ngữ đã qua khỏi chặng đường phôi thai, đã hình thành một cách ổn định. Nói cách khác, chữ Quốc Ngữ đã được chế tác trong khoảng từ năm 1533 cho đến trước năm 1877, và cho đến năm này thì có thể xem như tương đối thành hình.

Trong tiến trình hình thành chữ Quốc Ngữ, dòng chữ sau đây được xem như xuất hiện đầu tiên:

” Con gno muon bau tlom laom Hoalaom chian “.

Đây là câu trích trong quyển sách của Christoforo Borris xuất bản năm 1631 tại La Mã, viết bằng chữ Ý. Câu này, theo giáo sĩ Christofora Borri, là câu mà các giáo sĩ đàng Trong đã dùng trước khi ông có mặt tại đây, nó có nghĩa là :

“Con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng?”

Danh từ Hoa Lang, không rõ do đâu mà có, nhưng đó là danh từ do người Việt Nam thời bấy giờ dùng để chỉ cho người Bồ Đào Nha, và sau đó được dùng để gọi chung các nhà truyền giáo Tây Phương. Như vậy câu trên là câu các nhà truyền giáo Tây phương muốn hỏi một người Việt rằng: ” Muốn vào đạo Thiên chúa chăng ?

Trải qua hàng trăm năm, dần dần các phiên âm được định hình theo một trật tự hơn. Nhưng có một điều rằng bản thân người mà chúng ta hay hiểu nhầm là ‘cha đẻ’ của chữ phiên âm Latin, Alexandre de Rhodes cũng không hoàn toàn là người đã hoàn chỉnh loại chữ này. Bởi vì trong các tài liệu ghi chép thì tài liệu của linh mục Gasparo d’Amiral (người Bồ Đào Nha) hoàn chỉnh và thống nhất hơn so với tài liệu của de Rhodes. Tài liệu Alexandre de Rhodes viết năm 1647 tại Macassar, chứng tỏ rằng sau khi ông rời Việt Nam ngày 20/12/1645, ông vẫn chưa có được một hệ thống phiên âm vững chắc và gần gũi với chữ Quốc Ngữ ngày nay. Tuy nhiên, năm 1651, Alexandre de Rhodes đã phát hành cuốn Từ điển Việt-Bồ-La. Đây là cuốn từ điển đầu tiên của chữ phiên âm Latin đánh dấu một cột mốc lớn trong giai đoạn hình thành của chữ viết này. Do đó, ông được người Việt ghi công như người đã đưa chữ viết này thành một thứ chính thức (thông qua từ điển).

ƯU VÀ KHUYẾT ĐIỂM CỦA CHỮ PHIÊN ÂM LATIN

Mặc dù có những khuyết điểm nhỏ, công trình của các nhà truyền giáo phương Tây, đặc biệt là Alexandre de Rhodes và các hậu duệ, là một thành công khoa học đáng ghi nhận. Theo ý kiến của các nhà ngôn ngữ học thì chữ phiên âm Latin là một hệ thống phiên viết mạch lạc, chặt chẽ, có giá trị về ngữ âm học. Chỉ cần vài ba tuần để học cách đọc và ghép vần thì hầu như chữ nào cũng có thể đọc được (chưa nói đến chuyện hiểu nghĩa). Điều này tương tự như việc học sinh tiểu học phải lắng nghe thầy cô giáo đọc chính tả để ký-âm lại cho đúng vậy đó.

Thay vì cả nghìn chữ Hán – Nôm thì chữ phiên âm Latin chỉ cần dùng vỏn vẹn có 43 ký hiệu cơ bản (bao gồm cả ký hiệu âm điệu). Ðó là chỗ khác biệt phi thường giữa hai thứ chữ viết, một sự tiết kiệm lớn lao trong việc vận dụng trí nhớ để học chữ phiên âm Latin thay vì chữ Hán-Nôm, mặc dù là khi học chữ phiên âm Latin không những chỉ học chữ cái mà còn phải học cách kết hợp của chúng.

Đây chính là lý do mà người Pháp sau khi thiết lập được nền móng cai trị tại nước ta đã nhanh chóng lợi dụng ngay loại chữ viết này để phục vụ cho những ý đồ khai thác thuộc địa. Ngày 22/2/1869 một nghị định được ban hành buộc tất cả các giấy tờ của Nhà nước phải được viết bằng loại chữ này và chữ Hán-Nôm không còn được dùng trong những văn thư chính thức như trước đây. Ngày 6/4/1878, một nghị định khác được ban hành, tiếp tục cưỡng bách việc sử dụng chữ phiên âm Latin. Ngày 17/3/1879, một nghị định ra lệnh tổ chức nền học mới ở Nam kỳ: chính thức sử dụng chữ viết này trong trường học. Với ưu điểm siêu việt so với chữ Hán-Nôm mà ngay khi giành được độc lập, các chính thể của Việt Nam đều quyết định tiếp tục sử dụng loại chữ này để phổ cập đến với nhân dân, chống nạn mù chữ. Và chữ phiên âm Latin đã trở thành Chữ Quốc ngữ kể từ đó.

Người ta thường nói đến một khuyết điểm lớn của chữ Quốc Ngữ là chữ viết này không có khả năng phân biệt những từ đồng âm khác nghĩa. Ví dụ như từ “la” trong con la và la thét hoặc nốt la. Cho nên, để nói rõ nghĩa của một từ X nào đó, người ta có hai cách: người ta lại giải nghĩa X bằng cách xác định rằng “đó là X trong XY”. Vd: như là may sẽ được chỉ rõ là may mắn hoặc là may vá. Điều này sẽ tránh hiểu nhầm trong tiếng Việt và khắc phục khuyết điểm trên.

Hiện nay, trong chính tả tiếng Việt (chữ Quốc ngữ), người ta vẫn còn lúng túng trong việc chọn i ngắn và y dài trong một số trường hợp. Cụ thể là khi âm /i/ đứng làm âm chính trong âm tiết mở (không cóâm cuối vần) sau các phụ âm /h, k, l, m, s, t/. Và do đó vẫn tồn tại hai cách viết. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn để nhỏ không ảnh hưởng đến tính ổn định của loại chữ viết này.

———-

Dù muốn hay không thì nếu chúng ta xem xét các bản ghi chép chữ phiên âm Latin trong vòng 100 năm qua, đặc biệt là giữa các bản ghi chép của hai miền Nam – Bắc trong thời kỳ chia cắt thì rõ ràng có sự khác nhau không nhỏ. Các bạn có thể tìm về bản di chúc viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ nhìn thấy được sự vận động của loại chữ viết này.

Bản thân chữ phiên âm Latin cũng là một phần của sự vật hiện tượng và cũng sẽ thay đổi khách quan. Sự thay đổi này góp phần hoàn chỉnh nó hơn. Cũng cần nói thêm là chính sự tiếp xúc ngôn ngữ phương Tây cũng định hình văn phạm của chúng ta chứ không chỉ là hệ thống từ ngữ. Bản thân chúng ta cũng không biết loại chữ chúng ta đang viết sẽ còn thay đổi đến đâu trong tương lai. Nhưng như trong môn học cơ sở văn hóa Việt Nam, Ted luôn dặn sinh viên rằng: “Không có thứ gì được gọi là truyền thống, không có thứ gì gọi là thuần phong mỹ tục và cũng không có sự thay đổi gì là xấu (hay tốt), chỉ là liệu nó có phù hợp với bối cảnh xã hội ở từng thời kỳ lịch sử hay không mà thôi”.

Có lẽ cái được nhất và trân quý nhất của bộ chữ cái Latin chính là sự tiện dụng đến siêu việt của nó. Cũng nhờ đó chúng ta mời có điều kiện hội nhập dễ dàng hơn. Đến tận ngày nay cả tiếng Trung và tiếng Nhật đều không thể ban hành bộ chữ Latin được như Việt Nam chúng ta. Có lẽ cũng vì một phần là đặc điểm âm điệu của các chữ viết đó khiến cho việc phiên âm gặp nhiều trắc trở hoặc một phần là vì hoàn cảnh lịch sử không thể đưa đến sự phổ cập loại chữ này cho toàn bộ dân tộc họ được. Tuy nhiên, điều này là tốt hay xấu thì xin phép không được trả lời.

Cái tiếc lớn nhất của việc chúng ta đổi sang bộ chữ Latin chỉ duy nhất chính là: Con cháu chúng ta và mãi về sau sẽ đứng trước các di tích lịch sử với một ánh mắt vô cảm vì chẳng còn mấy ai trong chúng hiểu được bộ chữ Hán-Nôm được khắc trên các đền đài ấy nữa. Và cũng sẽ chẳng mấy ai trong thế hệ tương lai kia, hiểu được cá giá trị trong từng chữ Hán-Việt chúng ta viết ra.

Dù sao thì, mọi thứ vẫn phải vận động, và chữ viết chúng ta cũng đã và đang kể nên một lịch sử hào hùng của bốn-nghìn-chín-trăm-năm văn hiến.

29/11/2017