TÓM TẮT:
Ca cao là một ngành công nghiệp non trẻ và đang phát triển tại Việt Nam. Dù đã du nhập vào nước ta từ lâu, nhưng cách đây gần 15 năm, ngành này mới thực sự được tập trung đầu tư và phát triển.
Bài viết giới thiệu một bức tranh khái quát về ngành Ca cao ở Việt Nam, từ năm 2005 đến nay. Đồng thời, tác giả cũng nêu ra một số chỉ tiêu cơ bản (như diện tích, sản lượng, giá cả, hoạt động đầu tư,…) để thấy rõ được những khó khăn và thuận lợi của ngành công nghiệp này.
Từ khóa: Ca cao, ngành Ca cao Việt Nam.
1. Các giai đoạn phát triển của ngành Ca cao Việt Nam
Trào lưu trồng ca cao đầu tiên ở Việt Nam bắt đầu từ trước khi đất nước thống nhất. Ca cao lần đầu tiên được đưa vào miền Nam Việt Nam bởi người Pháp (từ trước năm 1954) và người Mỹ (trước năm 1975), nhưng do hạn chế về chiến tranh và bất ổn ở các khu vực sản xuất nông nghiệp nên đã không thể khai thác tiềm năng thương mại của ngành công nghiệp mới khai sinh này. Trong thời kỳ đó, cây ca cao không mang lại lợi nhuận như cà phê, tiêu, điều nên đa phần bị chặt bỏ.
Trào lưu thứ hai là vào những năm 1980. Trong những năm 1980, Chính phủ Việt Nam đã cố gắng phát triển cây ca cao ở các nông trường quốc doanh. Nỗ lực này đã hình thành các vùng trồng ca cao kéo dài qua nhiều tỉnh, từ Quảng Ngãi đến Cần Thơ, với sự tham gia của hàng ngàn nông dân. Chỉ riêng ở Quảng Ngãi, diện tích ca cao đã đạt tới 3.000 ha. Dù người nông dân đã thành công trong việc trồng ca cao và cho thu hoạch nhưng các doanh nghiệp nhà nước đã thất bại trong việc xây dựng hệ thống tiêu thụ. Do không có các nhà thu mua nội địa cũng như không thể xuất khẩu nên hầu hết nông dân đã chuyển đổi sang cây trồng khác. Sự thất bại này làm cho người dân và chính quyền có thái độ nghi ngờ với tính khả thi về hiệu quả kinh tế của cây ca cao tại Việt Nam.
Trào lưu thứ ba là vào những năm 1990. Từ giữa năm 1990 đến năm 2000 là giai đoạn nghiên cứu và khảo nghiệm. Hiệp hội Ca cao thế giới (WCF) đã hỗ trợ Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh để thành lập Trung tâm Trình diễn ca cao, tiến hành các khảo nghiệm về giống, năng suất. Trong giai đoạn này còn có sự tham gia của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Đại học Cần Thơ, DANIDA[1] và GTZ[2].
Từ năm 2001 đến 2012 là giai đoạn phát triển về quy mô. Trong giai đoạn này có rất nhiều dự án tài trợ cho phát triển ca cao ở Việt Nam, như: SUCCESS Alliance[3] được triển khai ở đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên (2004-2007, 2008-2014), dự án PSOM[4] do Chính phủ Hà Lan tài trợ (2004-2006), tổ chức Helvetes[5] của Thụy Sỹ thực hiện tiêu chuẩn UTZ Certified[6] cho sản phẩm ca cao,… Phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và tư nhân, Chính phủ Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo chiến lược phát triển của ngành Công nghiệp ca cao.
Đến năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển ca cao các tỉnh phía Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Từ năm 2013 đến nay là giai đoạn sụt giảm về quy mô. Trong giai đoạn này gần như không còn các dự án tài trợ phát cây giống cho nông dân do hai nguyên nhân: không có kinh phí hoặc có kinh phí nhưng không triển khai được do nhu cầu trồng trong dân thấp.
Qua các giai đoạn phân tích trên có thể thấy, ngành Ca cao Việt Nam chủ yếu được xây dựng bởi những dự án từ các tổ chức phi chính phủ và các dự án xóa đói giảm nghèo. Và khi sự tài trợ của các dự án này không còn nữa thì quy mô của cả nước cũng giảm theo.
Hiện nay ở nước ta có ba vùng trồng ca cao chính, là đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, ca cao chủ yếu được trồng xen (với dừa, điều, cây ăn trái…) chứ không chuyên canh như ở các nước xuất khẩu lớn (Côte d’Ivoire, Ghana, Indonesia). Ở đồng bằng sông Cửu Long, ca cao chủ yếu trồng ở Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng. Vùng Tây Nguyên ca cao được trồng tại các tỉnh Đắc Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Còn ở vùng Đông Nam Bộ, ca cao được trồng tập trung ở Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
2. Diện tích, sản lượng trồng ca cao ở Việt Nam
Là một nước mới phát triển trong ngành công nghiệp ca cao toàn cầu, Việt Nam cho sản lượng rất khiêm tốn về hạt ca cao hàng năm, khoảng 5.500 tấn, trong khi sản lượng của thế giới là khoảng 4,8 triệu tấn (Cục Trồng trọt, 2019). Tuy nhiên, trên thương trường quốc tế, hạt ca cao từ Việt Nam đã được công nhận là có chất lượng lên men tốt nhờ sự quan tâm sớm đến kế hoạch và phát triển từ các khu vực công, tư nhân cũng như do điều kiện khí hậu đặc trưng của nước ta.
Theo Ban Điều phối phát triển ca cao Việt Nam (2019), diện tích canh tác ca cao của Việt Nam cao nhất vào năm 2012 với 25.700 ha, sau đó liên tục giảm, đến năm 2019 còn 5.028 ha. Các tỉnh có diện tích giảm nhiều đó là Bến Tre, Đắc Lắk, Bình Phước, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang. Trong đó, Bến Tre là tỉnh có diện tích canh tác giảm nhiều nhất, từ 9.727 ha (năm 2012) xuống còn 273 ha (năm 2019).
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về diện tích trồng ca cao bao gồm những vấn đề như: sự biến động của giá ca cao, sự lựa chọn vùng trồng chưa phù hợp, những hạn chế về kỹ thuật trồng, những hạn chế từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, và những vấn đề về biến đổi khí hậu.
Trong Hình 1 có thể thấy, diện tích canh tác ca cao tuy giảm mạnh từ năm 2012 nhưng nhìn chung sản lượng lại vẫn tăng khá ổn định qua các năm sau, đạt cao nhất vào năm 2017 với 7.618 tấn hạt khô. Điều này cho thấy, năng suất trồng ca cao của nông dân ngày càng tăng và cải thiện hơn trước.
3. Tình hình giá ca cao trong nước và trên thế giới
Giá ca cao từ năm 2005 đến nay có nhiều biến động theo xu hướng tăng qua các năm. Giá cả trong nước ảnh hưởng nhiều từ giá ca cao thế giới.
Từ năm 2005 đến trước năm 2012, giá ca cao thế giới ổn định, tăng dần đều. Hạt ca cao khô trong nước có giá 15.000 – 30.000đ/kg năm 2005 – 2006, đến năm 2011 trung bình là 70.000đ/kg (khoảng 7.000đ/kg đối với trái tươi). Từ năm 2012 – 2013, giá ca cao giảm mạnh như trong Hình 2. Đợt rớt giá này đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của ngành Ca cao ở Việt Nam.
Năm 2012, giá hạt ca cao bắt đầu giảm xuống 62.000 – 65.000đ/kg và đến năm 2013 giảm mạnh, theo giá sàn London, xuống còn 54.000đ/kg (3.000đ/kg trái tươi). Trong thời gian này, giá ca cao biến động và xuống thấp nhất, trong khi đó một số cây trồng lại có giá trị kinh tế cao hơn hẳn và dễ trồng hơn đã khiến cho người nông dân không đủ kiên nhẫn chờ đợi. Họ sẵn sàng chặt bỏ cây ca cao để chuyển sang trồng cây ăn quả (bưởi da xanh, sầu riêng, dừa, cam,…). Hơn nữa, đa phần người nông dân trồng với quy mô nhỏ, phân tán nên khó khăn cho việc hướng dẫn kỹ thuật khiến cây sinh trưởng kém, nhiều sâu bệnh, năng suất thấp. Điều này góp phần làm cho họ không “mặn mà” với cây ca cao, mà chuyển hướng sang cây khác. Những nguyên nhân trên dẫn đến sự giảm mạnh diện tích trồng ca cao ở nước ta trong thời gian từ cuối năm 2012 đến năm 2013. Từ năm 2014, giá ca cao thế giới bắt đầu phục hồi dẫn đến giá trong nước tăng lên khá cao vào năm 2015, là 70.000 – 75.000đ/kg. Đến năm 2017, giá giảm nhẹ xuống còn 65.000 – 70.000đ/kg đối với hạt khô, giá trái tươi là 6.000đ/kg và mức giá này đang giữ đến thời điểm hiện nay.
Có thể thấy, giá ca cao trong nước rất nhạy so với sự biến động của thế giới. Điều này sẽ làm cho người nông dân lo sợ trong những thời điểm giá giảm mạnh, vì họ bị hạn chế trong việc tiếp cận thông tin và thiếu hiểu biết về thị trường. Để khắc phục điều này, nên có một mức giá ổn định, phù hợp hơn trong nước so với mặt bằng giá chung của quốc tế, để người dân yên tâm hơn trong sản xuất.
4. Tình hình chế biến ca cao trong nước
Hiện nay, hạt ca cao Việt Nam được chế biến thông qua hình thức sau:
– Sơ chế lên men hạt: nông dân trồng ca cao, hộ thu mua hoặc một số doanh nghiệp tại các địa phương thực hiện. Một số doanh nghiệp có quy mô sơ chế và lên men lớn – như Công ty Puratos Grand Place, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức,…, đã thu mua quả hoặc hạt ướt để sơ chế, lên men tập trung tại Công ty. Tuy nhiên, hệ thống sơ chế và lên men ca cao tập trung đang có xu hướng giảm do thiếu nguyên liệu.
– Chế biến sản phẩm ca cao bán thành phẩm và thành phẩm: một số doanh nghiệp nhỏ chế biến thành bán thành phẩm và thành phẩm (như bột nhão, bột ca cao, bơ ca cao, bánh kẹo, chocolate thanh, rượu ca cao,…) chủ yếu cung ứng cho sản xuất thực phẩm và nhu cầu trong nước.
Việt Nam hiện đứng thứ 23 trong danh sách những nước có sản phẩm ca cao đạt hương vị tốt, trở thành quốc gia châu Á thứ hai đạt danh hiệu này sau Indonesia, nhưng lại có đến 40% sản lượng ca cao được công nhận trong khi Indonesia chỉ có tỷ lệ 1% (Sonia Gregor, 2017). Sự khác biệt này ngoài yếu tố thổ nhưỡng còn đến từ cách lên men tự nhiên để tạo nên sự độc đáo. Đó là quá trình lên men ca cao, rang và nghiền hạt để làm dậy lên hương trái cây đặc trưng vốn có của hạt ca cao Việt Nam. Quy trình chế biến ca cao ở Việt Nam hiện nay thể hiện trong Hình 3.
5. Tình hình sản xuất, thu mua, xuất nhập khẩu ca cao
– Về sản xuất và xuất khẩu:
Hiện nay, sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu thu mua của các đơn vị trong và ngoài nước để chế biến, xuất khẩu. Hạt ca cao được xuất khẩu thông qua: Công ty Armajaro, Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam (Acon), Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp Công nghệ Bến Thành. Một số công ty chế biến bột nhão, bột, bơ ca cao (Công ty Phạm Minh) hoặc chế biến bán và thành phẩm như rượu, chocolate và bột ca cao, bánh kẹo, sữa,… (Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, Vina Ca cao, Binon Ca cao,…). Sản phẩm chocolate được sản xuất từ hạt ca cao Việt Nam được quốc tế đánh giá cao và đã đạt được giải thưởng trên thế giới (như sản phẩm của Công ty Marou, Công ty Stone Hill).
– Về sản xuất có chứng nhận:
Theo số liệu của UTZ Certified, sản xuất ca cao chứng nhận tại Việt Nam tăng nhanh từ năm 2011, đạt cao nhất vào năm 2014 với 16 đơn vị sản xuất tham gia, với 3.323 hộ, 2.822 ha và sản lượng 2.654 tấn hạt được chứng nhận UTZ. Giai đoạn này phần lớn chi phí được sự hỗ trợ từ các tổ chức UTZ Certified, Helvetas Việt Nam,… Tuy nhiên, sau năm 2014, khi nguồn hỗ trợ từ các tổ chức giảm thì việc sản xuất có chứng nhận cũng giảm. Đến tháng 12 năm 2017, có 2 đơn vị sản xuất được chứng nhận với 286 hộ, 285 ha và sản lượng 330,3 tấn tại các tỉnh Đắc Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bến Tre. Nguyên nhân được cho là do: tình hình sâu bệnh trên cây ca cao phát triển mạnh dẫn đến chi phí sản xuất lớn, gây thiệt hại cho người sản xuất; khả năng cạnh tranh chưa vượt trội của cây ca cao so với một số cây trồng có thế mạnh khác do năng suất không cao, hiệu quả kinh tế không vượt trội, thị trường không ổn định; và sản lượng ca cao cả nước thấp làm cho các nhà thương mại nước ngoài còn e ngại đầu tư (Cục Trồng trọt, 2019).
6. Hoạt động đầu tư, liên kết sản xuất ca cao
Với nhu cầu ngày càng tăng trong khi lượng cung còn thấp, hiện nay có một số doanh nghiệp, tổ chức tìm hiểu và đầu tư phát triển thị trường nguyên liệu ca cao tại Việt Nam. Ví dụ như, dự án đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu lớn ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, Công ty cổ phần Bamboo Capital ở tỉnh Đồng Nai, Công ty TNHH Cao Nguyên Xanh ở tỉnh Đắc Lắk. Bên cạnh đó, một số công ty đã đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm ca cao với công nghệ tiên tiến – như Công ty ca cao Trọng Đức; Công ty Kimmy; Binon Ca cao – đồng thời đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái trải nghiệm về ca cao.
Tuy nhiên, những hoạt động đầu tư này còn gặp phải không ít khó khăn, nhiều dự án chưa thực hiện được. Nguyên nhân là do diện tích ca cao nhỏ lẻ, manh mún và giảm mạnh, nông dân không mặn mà, chưa được hỗ trợ thích đáng từ chính quyền địa phương nên các doanh nghiệp còn e ngại chưa mạnh dạn hoặc chưa có đủ điều kiện để thực hiện đầu tư.
Việc liên kết sản xuất của các công ty với người nông dân còn gặp nhiều khó khăn cũng xuất phát từ những nguyên nhân kể trên. Ngoài ra, còn một lý do xuất phát từ đặc tính của cây ca cao ở Việt Nam, đó là cây ca cao ưa bóng râm và giá trị kinh tế không cao nên chỉ có ý nghĩa khi trồng xen với cây khác nhằm cải thiện thu nhập cho nông dân chứ không có khả năng cạnh tranh với các loại cây có giá trị cao, như: bưởi da xanh, sầu riêng, mãng cầu,… Vì vậy, khi tình hình sản xuất ca cao khó khăn, không đáp ứng được như kỳ vọng của người dân, sự cạnh tranh của cây ca cao với các cây ăn quả khác ngày càng gay gắt hơn. Chính vì thế, họ sẽ dễ dàng chuyển đổi cây trồng. Điều này làm tăng nguy cơ phá vỡ sự liên kết giữa người nông dân với các công ty, khiến các công ty gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, còn các nhà đầu tư mới thì không sẵn sàng vì có nhiều lo ngại.
7. Những thuận lợi và khó khăn của ngành Ca cao Việt Nam
Qua phân tích tổng thể về ngành Ca cao Việt Nam ở trên, có thể ghi nhận lại những khó khăn và thuận lợi chủ yếu của ngành Ca cao Việt Nam hiện nay như sau:
a. Thuận lợi
– Nhu cầu của ca cao thế giới ngày càng tăng, nên đầu ra cho hạt ca cao Việt Nam là rất thuận lợi. Hơn nữa, trong nước đã hình thành mạng lưới thu mua rộng khắp tại các vùng trồng ca cao. Thị trường ca cao đang có dấu hiệu sôi động trở lại.
– Năng suất ca cao từng bước được nâng cao, phần lớn hạt ca cao của nông dân được các công ty, doanh nghiệp thu mua lên men tập trung nên chất lượng hạt ngày càng đồng đều, cải thiện hơn trường hợp để người dân tự lên men tại vườn. Bên cạnh đó, sản xuất và chế biến có chứng nhận ngày càng được quan tâm. Ca cao Việt Nam được Tổ chức Ca cao thế giới đánh giá là ca cao hương vị tốt, mang lại vị thế cũng như thuận lợi cho ngành Ca cao Việt Nam.
– Chế biến ca cao trong nước đang được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư, sản xuất tạo ra các sản phẩm ca cao tiêu thụ trong nước và bước đầu khẳng định trên thị trường quốc tế (như sản phẩm của các công ty Marou, StonHill, Savie, Belvie,…).
– Giống mới, tiến bộ kỹ thuật được cập nhật, cơ bản xác định được cơ cấu giống cho ba vùng sản xuất chính; đồng thời đã ban hành Quy trình Kỹ thuật canh tác, Quy trình sơ chế và lên men hạt, Quy trình phòng trừ dịch hại, Tiêu chuẩn Việt Nam cây giống ca cao Việt Nam. Điều này góp phần bảo đảm cho chất lượng ca cao việt Nam ngày càng tốt hơn.
– Một số tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đang xây dựng vùng sản xuất ca cao tập trung, quy mô sản xuất lớn hằng năm trên các tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai.
b. Khó khăn
– Hiệu quả kinh tế của cây ca cao chưa thực sự hấp dẫn nông dân để họ yên tâm đầu tư chăm sóc và cây ca cao đang chịu sự cạnh tranh mạnh với các loại cây ăn quả có giá trị cao.
– Trước đây, xây dựng các vùng trồng cây ca cao thâm canh đã được thực hiện ở một số vùng nhưng không đạt được kết quả như kỳ vọng. Hiện nay, phần lớn diện tích ca cao chủ yếu được trồng xen dưới tán dừa, điều, cây ăn quả với quy mô sản xuất nhỏ, phân tán gây khó khăn cho cải thiện sản lượng và năng suất. Hơn nữa, những hạn chế về kỹ thuật trồng và các biện pháp chống sâu bệnh vào mùa mưa cũng chính là nguyên nhân dẫn đến giảm năng suất, hiệu quả sản xuất ca cao.
– Chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cho cây ca cao còn nhiều hạn chế. Một số địa phương có chính sách phát triển nhưng nguồn lực còn thiếu, dẫn đến một số chương trình, dự án ca cao được phê duyệt nhưng không đủ kinh phí để triển khai.
– Giá thu mua trong nước còn phụ thuộc nhiều vào biến động của giá cả thị trường quốc tế, liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ chưa được chặt chẽ, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc tăng cường liên kết với nông dân.
– Tuy hiện nay đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất thành phẩm ca cao thay vì chỉ chế biến hạt và bột ca cao như trước đây, nhưng sản lượng thành phẩm vẫn rất ít. Lượng thành phẩm xuất khẩu không đáng kể. Chính vì vậy, giá trị gia tăng trong chế biến còn rất hạn chế.
Qua phân tích tổng quan ngành Ca cao Việt Nam, nhận thấy rằng, để khôi phục lại sự phát triển hưng thịnh của ngành Ca cao Việt Nam sẽ có rất nhiều công việc cần phải thực hiện và đòi hỏi phải có sự chung tay, phối hợp của nông dân, các doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước và cả các nhà nghiên cứu khoa học. Thực trạng này đặt ra các vấn đề giải pháp cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] DANIDA: Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (Danish International Development Agency).
[2] GTZ: Cơ quan phát triển quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức.
[3] SUCCESS Alliance: Dự án “Phát triển sản xuất ca cao bền vững cho các nông hộ tại Việt Nam” (gọi tắt là SUCCESS Alliance) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng tổ chức ACDI/VOC – một tổ chức phi chính phủ Mỹ thực hiện.
[4] PSOM: Chương trình hợp tác Hà Lan với các thị trường gắn kết do Chính phủ Hà Lan tài trợ.
[5] Helvetes: Hiệp hội Thụy Sỹ vì sự hợp tác quốc tế.
[6] UTZ Certified: Chương trình chứng nhận toàn cầu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2012). Quyết định số 2015/QĐ-BNN-TT ngày 23/8/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về phê duyệt quy hoạch phát triển ca cao các tỉnh phía Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
2. Cục Trồng trọt (2019). Tình hình sản xuất ca cao Việt Nam năm 2019 và định hướng phát triển thời gian tới. Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2019 và phương hướng năm 2020 do Ban Điều phối phát triển ca cao Việt Nam tổ chức ngày 11/11/2019, TP. Vũng Tàu.
3. Sonia Gregor (2017). Marou cacao report 2017.
An overview on the cocoa industry of Vietnam
Ph.D student, Master. Bui Thanh Giang
Hanoi University of Home Affairs – Ho Chi Minh City Campus
Ph.D Nguyen Ngoc Thuy
Nong Lam Universiy
ABSTRACT:
Cocoa industry is a new and developing sector in Vietnam. Although the cocoa industry started in Vietnam 15 years ago, this industry has just attracted investment in recent years. This article introduces an overview on the cocoa industry of Vietnam from 2005 up till now with analyses of the industry’s formation and development. This article also presents some basic indicators of the cocoa industry in Vietnam, such as planting area, output, cocoa price and investment tto highlight current difficulties and advantages of Vietnamese cocoa industry.
Keywords: Cocoa, cocoa industry of Vietnam.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!