6 Cách luyện giọng tới nơi tới chốn – FuSuSu

Bản thân tôi tự thấy giọng nói mình cũng không đặc sắc lắm khi trò chuyện. Song khi thuyết trình, tôi nhận được lời khen, “Giọng anh ấm áp lắm”, rồi có bạn comment khi nghe Audio tôi làm, “Giọng anh như thôi miên ấy, mẹ em bị khó ngủ thế mà ngủ lúc nào không hay.”

Thật ra bí mật cũng chẳng có gì cao siêu. Tôi tình cờ tìm khám phá ra cách luyện giọng với 6 chữ vàng, và kiên trì luyện tập chúng. Nếu nó đã giúp được tôi thay đổi giọng nói của mình, thì nó cũng sẽ giúp được bạn. 6 chữ vàng đó là gì? Đó là “Thở tới nơi, nói tới chốn”.

Cách luyện giọng: Thở tới nơi

Bản chất giọng nói là gì? Hãy làm thử hai thí nghiệm dưới đây.

Thí nghiệm #1: Hãy thử vừa hít vào, vừa nói to chữ A.

Nếu làm được, bạn chắc là… siêu nhân. Vì khi nói, chúng ta thở ra.

Thí nghiệm #2: Hãy đặt tay vào giữa cổ bạn và nói chữ A.

Bạn có thấy có gì đó rung lên bên trong không? Đó là dây thanh quản của bạn.

Bản chất của giọng nói là gì? Đó là âm thanh phát ra từ miệng bạn. Tại sao âm thanh lại phát được ra? Đó là do hơi thở. Tại sao hơi thở ra lại tạo âm thanh? Là do luồng hơi đi ra làm rung dây thanh quản.

Hơi thở và giọng nói là đôi bạn thân. Nếu làm chủ được hơi thở, bạn sẽ làm chủ được giọng nói. Thực tế là, hầu hết mọi người đều hít thở không tới nơi, nên khó mà nói được tới chốn, giọng của họ lí nhí, yếu ớt, nói không được lâu. Vậy thở không tới nơi là sao? Đó là hít thở nông.

Các bác sĩ nói hầu hết mọi người hít thở nông, vai và ngực nâng lên khi hít vào, và đây là cách thở sai. Nó chỉ lấp được phần phổi phía trên, lượng ô-xi cung cấp ít, dẫn tới không chỉ giọng nói yếu, mà tình trạng ứ đọng khí trong phần phổi còn lại sẽ sinh ra các bệnh đường hô hấp.

Giờ bạn đã hiểu tại sao trẻ con lại có thể khóc to hơn người lớn quát, khóc lâu hơn người lớn than. Vì chúng được luyện hít thở sâu từ bé. Bạn không tin ư, hãy xem clip dưới đây và để ý cái bụng phập phồng của đứa bé, đó mới là cách thở đúng. Xem xong, tôi sẽ có một câu hỏi dành cho bạn.

Câu hỏi dành cho bạn là: Bạn không phải cũng từng là một đứa bé ư? Chính xác, bạn đã từng hít thở sâu… cho tới khi bạn quên mất thói quen hữu ích này (và ngày càng trở nên già hơn). Do đó, hãy nhớ: Hít thở sâu, vừa nói được lâu, vừa sống thật lâu!

Cách luyện giọng #1 – Hít thở sâu, nói lâu hơn

Một số người khi đọc được lợi ích của hít thở sâu, họ thử và làm được ngay, bụng phập phồng thấy rõ. Song nhiều người lại gặp khó khăn, tập mãi mà vẫn hít thở bằng lồng ngực, và không thể tận hưởng được lợi ích mà việc hít thở sâu đem lại. Vậy cách luyện tập cụ thể ra sao cho hiệu quả?

3 mẹo tập hít thở sâu bụng phập phồng dễ dàng

Mẹo #1 – Bạn hãy nằm xuống và tập. Nhiều người chỉ đứng, đặt một tay lên ngực, tay kia lên bụng, và cố sao cho khi hít vào thì bụng phồng lên song mãi không làm được. Mẹo là bạn hãy nằm xuống và thử, sẽ dễ hơn.

Mẹo #2 – Khi tập, hãy đặt một vật nặng trên bụng. Sau đó cố gắng hít vào thì phình bụng ra, cố nâng vật nặng lên càng cao càng tốt. Mẹo này hiệu quả vì nó tạo cho bộ não một mục tiêu rất rõ ràng.

Mẹo #3 – Khi tập, hãy nhắm mắt lại, tập trung sự chú ý vào phần bụng. Hít vào, bạn hình dung luồng không khí đi qua mũi, tràn xuống sâu, sâu, sâu nữa, tới tận đáy phổi, làm bụng phình lên.

Bạn có thể thực hành ba mẹo trên cùng lúc ngay trên giường, ngay khi thức dậy, hãy lấy một cái gối đặt lên bụng, và tập hít thở sâu mỗi ngày, cho tới khi việc thở bằng bụng trở thành phản xạ, bạn không cần phải suy nghĩ nữa, giọng nói lấy hơi bụng sẽ to hơn, vang hơn.

Song song với tập thở bụng, bạn hãy tập thói quen chủ động hít vào trước khi nói bất cứ câu nào. Hít vào thật nhanh, hít bằng cả mũi lẫn miệng, sau đó mới bắt đầu mở miệng nói. Bạn có thể bắt đầu ngay với Blog này, mỗi khi thấy một dấu chấm, hãy hít thở, rồi đọc tiếp.

Cách luyện giọng #2 – Khởi động họng, nói khỏe hơn

Nếu không khởi động trước khi bơi, sẽ rất dễ bị chuột rút. Còn nói thì sao? Bạn có cần khởi động để tránh méo mồm không? Bạn sẽ không bị méo mồm đâu, song nếu biết khởi động họng, thì bạn sẽ không chỉ nói “trơn mồm” hơn, mà cổ họng còn đỡ đau rát khi nói lâu.

Bài tập AEIOU: Hít vào một hơi thật sâu, thở ra nói chữ A thật dài cho tới khi hết hơi. Chú ý: Khi hít vào, hít nhanh và sâu, dùng cả mũi lẫn miệng. Còn thở ra cố gắng thở chậm, phát ra chữ A càng lâu càng tốt. Sau đó tập tương tự với các nguyên âm E, I, O, U, Ê, Ô, Ơ, Ư…

Đây là một bài tập mà tôi thường dùng trước lúc lên sân khấu thuyết trình, làm xong một cái là thoải mái ngay. Điều thú vị nữa là khi thực hiện bài tập trên vào sáng sớm khi thức dậy sẽ vừa giúp bạn tỉnh ngủ hơn, vừa giúp đẩy hết khí độc ra ngoài, vô cùng thoải mái.

Cách luyện giọng #3 – Tăng âm lượng, nói to hơn

Bạn nói nhỏ, nói lí nhí ư? Bí quyết để nói to hơn thật ra không phải là bạn gắng sức gào lên khản cổ, mà là bạn lấy hơi nhiều hơn, mở miệng rộng hơn, hơi ra nhanh hơn, thì sẽ to hơn.

Bài tập để làm chủ âm lượng là “Đếm to dần từ 1 tới 10”: Hít nhẹ, nói số 1, miệng mở nhỏ; Hít nhiều hơi hơn xíu, nói số 2 với miệng mở to v.v… Hít thật sâu hết cỡ, nói số 10 với miệng mở rộng hết cỡ.

Sau một thời gian luyện “thở tới nơi” với các bài tập trên, bạn sẽ rất ngạc nhiên vì thấy giọng nói mình bắt đầu thay đổi. Bạn sẽ thấy nói được lâu hơn, to hơn, khỏe hơn trước đây nhiều. Song nói to hơn, mà vẫn bị ngọng thì đâu có ổn? Nên bạn cần tới ba chữ vàng tiếp theo.