Các yếu tố cấu thành nền hành chính nhà nước

Đối với ngành Xây dựng, Ngành đã luôn tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ phù hợp với Hiến pháp năm 2013 nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ quốc tế. Nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trước hết là cải tiến quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ và khả thi. Thực hiện đánh giá tác động trước và sau khi ban hành, nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục thực hiện đổi mới thể chế về doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ, xác định rõ vai trò chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước; Đổi mới và đa dạng hóa các phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra thực hiện pháp luật về xây dựng. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về hoạt động và tổ chức thanh tra chuyên ngành Xây dựng theo quy định của Luật Thanh tra

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính năm 2021

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; triển khai Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của cơ quan Bộ Xây dựng năm 2021. Tiếp tục triển khai kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng.

Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Bộ giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, năm 2021, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ đã chủ động, tích cực rà soát, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả, đã bãi bỏ 03 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (tương ứng với 16 điều kiện đầu tư kinh doanh): 03 ngành, nghề: Kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản (01 điều kiện); kinh doanh dịch vụ, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, vận hành nhà chung cư (02 điều kiện); kinh doanh dịch vụ tư vấn lập quy hoạch đô thị do tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện (13 điều kiện). Cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 09 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%) trong lĩnh vực hoạt động xây dựng, vật liệu xây dựng; cắt giảm, đơn giản hóa 14 thủ tục hành chính như: Cắt giảm 04 thủ tục hành chính (công nhận cơ sở đào tạo đủ điều kiện đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại Khoản 5 Điều 9 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại Khoản 6 Điều 9 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP tại Nghị định số 30/2021/NĐ-CP; Đơn giản hóa thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ, điều kiện thực hiện 10 thủ tục hành chính (cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước; cho thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng ở 3 cấp Trung ương, tỉnh, huyện; thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở ở 3 cấp Trung ương, tỉnh, huyện; cấp giấy phép xây dựng ở 2 cấp tỉnh, huyện) tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, Nghị định số 30/2021/NĐ-CP.

Cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 03 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: Kinh doanh dịch vụ tổ chức thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng, kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình. Đồng thời, đã thực hiện phân cấp thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng thông qua điều chỉnh quy mô, phân cấp công trình xây dựng.

Bên cạnh đó, nhằm mục tiêu giảm số lượng văn bản quy phạm pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực thi, tra cứu, áp dụng pháp luật; giảm chi phí soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật: Đã thay thế, tích hợp 04 Thông tư hiện hành quy định các nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng, an toàn thi công xây dựng vào cùng 01 Thông tư; đã thay thế, tích hợp 09 Thông tư hiện hành quy định các nội dung về quản lý chi phí đầu tư xây dựng vào 03 thông tư.

Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 18/TTr-BXD, báo cáo Thủ tướng Chính phủ số 121/BC-BXD về phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022 kèm theo dự thảo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung 06 Nghị định: (i) Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng; (ii) Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc; (iii) Nghị định số 62/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động giám định tư pháp xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; (iv) Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; (v) Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản; (vi) Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị để cắt giảm, đơn giản hóa 01 điều kiện đầu tư kinh doanh (Bỏ quy định yêu cầu phải có vốn pháp định không thấp hơn 20 tỷ đồng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản), 41 thủ tục hành chính theo hướng: Tăng cường ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm một số loại tài liệu, văn bản pháp lý mà có thể khai thác được từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực; tăng cường phân cấp, tạo chủ động cho địa phương; làm rõ, minh bạch hóa quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp…

Ngày 22/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022 tại Quyết định số 1963/QĐ-TTg.

Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; tiếp tục cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng của Việt Nam; tổ chức khảo sát, nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí, thực hiện đánh giá, xếp hạng mức độ cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng.

Về thực hiện việc tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật: Đã tích hợp, thay thế 03 Nghị định, 07 Thông tư vào Nghị định số 15/2021/NĐ-CP; đã tích hợp, thay thế 02 Nghị định quy định về quản lý vật liệu xây dựng vào Nghị định số 09/2021/NĐ-CP (Các Nghị định: số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/04/2016 về quản lý vật liệu xây dựng; số 95/2019/NĐ-CP ngày 16/12/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/04/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng). Thay thế, tích hợp 04 Thông tư hiện hành quy định các nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng, an toàn thi công xây dựng vào cùng 01 Thông tư; thay thế, tích hợp 11 Thông tư hiện hành quy định các nội dung về quản lý chi phí đầu tư xây dựng vào 03 Thông tư; đang tiếp tục triển khai thay thế, tích hợp 02 Nghị định hiện hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng vào 01 Nghị định (Nghị định: số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý, sử dụng nhà và công sở; số 21/2020/NĐ-CP ngày 17/02/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP).

Tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử năm 2022

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi công vụ. Tiếp tục triển khai thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ theo phương án đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành Dịch vụ công trực tuyến tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia Thông báo Nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua; tích hợp Hệ thống thông tin cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ và Dịch vụ công cung cấp thông tin quy hoạch lên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của các địa phương đối với các địa phương không triển khai Hệ thống tập trung của Bộ Xây dựng.

Triển khai cập nhật kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng; nghiên cứu, xây dựng khung quản lý, quản trị dữ liệu số ngành xây dựng. Tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai sử dụng Hệ thống thanh toán trực tuyến nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Những năm vừa qua, ở nước ta cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã có những chuyển biến vượt bậc. Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, cần tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác cải cách hành chính. Ngành Xây dựng đã và đang tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị; các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Công tác này cần tiếp tục được đẩy mạnh nhằm giải quyết các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí hoạt động; tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.