Kì 1: cùng google lịch sử cái dice!!!
Xúc xắc hay xí ngầu là một thành phần không xa lại đối với người chơi board game. Dù thích hay ghét, thì bạn cũng khó mà phủ nhận được sự thật “tung xúc xắc là một cơ chế quan trọng trong lịch sử và sự phát triển của board game”. Tôi thuộc team không ưa xúc xắc, không phải vì tôi ghét cơ chế may rủi mà là tôi ko hề may mắn với những cái viên vuông vuông này. Nhưng chính vì gặp vận đen nhiều với xúc xắc mà cảm hứng để viết về chúng lại càng mạnh. Nêu chủ đề càm ràm của ngày hôm nay sẽ là: “Xúc xắc / Xí ngầu”.
Đầu tiên là cái tên: “Sao tôi gọi nó là Xúc Xắc mà đám bạn trong Nam của tôi lại gọi nó là Xí Ngầu?”. Xúc xắc thì chắc có ý nghĩa tương tự như “lúc lắc”, bắt nguồn từ hành động bạn phải “lắc” để tung chúng. Còn Xí Ngầu thì sao? Từ này có lẽ bắt nguồn từ 1 thành ngữ Trung Quốc: “thập tứ thập ngũ”, nghĩa đen trong tiếng Việt là “mười bốn mười lăm”, dùng để chỉ sự nhập nhèm không rõ ràng.
Tại sao từ “thập tứ thập ngũ” lại thành Xí Ngầu được, đó là vì tiếng Quảng Đông phiên âm cụm thành ngữ đó là “xập xí xập ngầu”. Như vậy cái tên của con xí ngầu bắt nguồn từ cụm “xập xí xập ngầu” với ý nghĩa để chỉ sự ngẫu nhiên, không thể biết trước được. Và vì lý do lịch sử mà ở miền nam nước mình có nhiều người Việt gốc Hoa sinh sống hơn, nên các bạn miền Nam hay dùng từ Xí Ngầu, trong khi các bạn miền Bắc lại quen thuộc với Xúc Xắc hơn. Trong bài viết này tôi sẽ chủ yếu dùng từ xúc xắc vì nó quen thuộc với tôi hơn, tuy đôi lúc tôi cũng thuận miệng gọi nó là xí ngầu ^^.
Tôi rất muốn viết về các loại xúc xắc mà tôi đã từng nhìn thấy, nhưng như thế thì nhảy cóc quá. Muốn bắt đầu thì phải bắt đầu từ lịch sử của nó, để google với wiki cái đã… Wiki bảo là xúc xắc có từ lâu lắm rồi, trước khi có cả tài liệu lịch sử bằng văn bản. Nên khó có thể nói nó bắt nguồn từ đâu và từ bao giờ. Cũng theo Wiki, cái xúc xắc cổ nhất được tìm thấy ở Iran (ngày xưa nó là Ba Tư đó), một số cái khác được thấy ở vùng Nam Á (hình như giữa Ấn Độ và Pakistan gì đó). Một bài viết có nói về việc xúc xắc có từ thời Ai Cập cổ đại (3000 năm trước công nguyên). Một số khác lại khẳng định nó đến từ Trung Quốc với lí do là mặt 1 và mặt 4 trên xúc xắc thường có màu đỏ để phục vụ cho trò tài xỉu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tôi thấy lý do này chẳng hợp lý tý nào, có phải xúc xắc nào cũng có mặt 1 và 4 màu đỏ đâu (không phải cái gì hay hay cũng đều từ Trung Quốc mà ra đâu). Có chỗ lại kể rằng xúc xắc được Palamedes trong thần thoại Hy Lạp sáng tạo ra trong cuộc chiến thành Troy (các bạn google những cái tên này để biết thêm nhé). Nói tóm lại là không chắc là xúc xắc bắt nguồn từ đâu, và cụ thể là từ bao giờ, nhưng mọi người đều đồng ý nó là một trong những dụng cụ để chơi các trò giải trí lâu đời nhất trong lịch sử loài người.
Người cổ đại làm xúc xắc từ xương, khi xã hội loài người phát triển, thì chất liệu xúc xắc cũng phát triển theo: đá, đồng, sắt, ngà voi, mã não, ngọc, sứ, thủy tinh, nhựa… Cái gì mà đập, gọt, chế tác được, cũng làm thành xúc xắc được hết. Ở thời hiện đại bây giờ người ta thường dùng xúc xắc từ chất liệu tổng hợp nhân tạo, mấy cái làm từ ngà voi, đá quý, ngọc ngà thường chỉ mang ý nghĩa trưng bày trang trí. Về mặt chế tác thì xúc xắc có 2 loại, loại thứ nhất gọi là xúc xắc hoàn hảo hoặc xúc xắc casino.
Loại này thường được làm thủ công với độ chính xác là 0.0001 inch hay 0.00026 cm (tôi sẽ viết về độ chính xác này ở phần lưu ý cuối bài), có các góc và cạnh sắc. Những lỗ số ở mỗi mặt phải được khoan tay và bỏ đi khối lượng phoi bằng nhau, khoảng cách giữa các lỗ cũng phải bằng nhau. Sở dĩ loại xúc xắc này được làm tỉ mỉ như vậy vì nó được sử dụng trong các sòng bài casino để chơi craps hay các trò cá cược khác. Loại xúc xắc còn lại là xúc xắc thông thường hay xúc xắc không hoàn hảo, thường có góc cạnh bo tròn và được sản xuất hàng loạt từ máy móc, sử dụng trong các trò chơi, board game thông thường (anh em mình chắc dùng loại này là chính ^^).
1 chút lưu ý: xúc xắc trong tiếng Anh là dice (điều này chắc nhiều người biết). Nhưng Dice vốn là số nhiều, từ để chỉ số ít của xúc xắc vốn là Die (ko biết là ngẫu nhiên hay cố ý nữa). Nhưng trong các văn bản, người ta vẫn hay sử dụng lẫn cả từ Dice để chỉ xúc xắc nói chung bất kể số ít hay số nhiều. Thành ra tình trạng như bây giờ, nếu trong cuốn luật ghi là die – nghĩa là bạn dùng 1 xúc xắc, nếu là dice – thì nó có thể là 1 hoặc nhiều xúc xắc.
Độ chính xác của xúc xắc: để 1 xúc xắc được gọi là chính xác (hay fair/công bằng), nó phải là một hình lập phương hoàn hảo, và để một hình lập phương hoàn hảo thì tất cả các cạnh của nó phải tuyệt đối bằng nhau hoặc sai số rất rất nhỏ. Như vậy độ chính xác của xúc xắc được tính bằng sai số của cả 3 chiều của nó (cao, dài, rộng). VD như sai số giữa 3 chiều của xúc xắc nằm trong khoảng +/- 0.001 cm, ta nói xúc xắc này có độ chính xác 0.001 cm.
Kì 2: Tưởng mày có 6 mặt thôi chứ?
Ngay từ cái ảnh đầu tiên của kì trước, các bạn đã thấy cả đống xúc xắc từ 4 đến 20 mặt. Đối với dân chơi board game, đặc biệt những ai là fan của Dungeons and Dragons thì những xúc xắc 10, 20 mặt đã quá quen thuộc rồi. Bản thân tôi, xúc xắc nhiều mặt nhất mà tôi từng thấy là 1 cái 30 mặt (không biết cái nhiều nhất là bao nhiêu ta? 30 mặt là giống hình cầu lắm rồi). Giờ chúng ta cùng liệt kê một số loại xúc xắc nhé. Ah` mà để phân loại thì cần phải có tiêu chí chứ nhể. Phân loại theo gì đây? Hình dáng, kích thước, chất liệu, màu sắc, mục đích? Vì bài này mang tính tạp phí lù, tôi viết viết chơi là chính, chứ không phải để quảng bá kiến thức hay dạy dỗ gì ai, nên tôi sẽ liệt kê lung tung phèng tất cả những gì mà tôi nhớ được, không theo một tiêu chí cụ thể nào cả.
1. Xúc xắc chuẩn thông thường
Cái xúc xắc này thì ai cũng biết rồi, đến cả mẹ tôi chả chơi game bao giờ cũng biết con xúc xắc này trông như thế nào: một hình lập phương có các mặt được đánh số từ 1 đến 6. Các con số thường được thể hiện bằng số chấm tròn: số 1 là 1 chấm tròn, số 6 là 6 chấm tròn. Cũng có loại thể hiện các con số bằng những dạng khác: số Ả rập (1, 2, 3, 4, 5, 6), số La Mã (I, II, III, IV, V, VI),… nhưng hiếm hơn.
Những con số này sẽ được sắp xếp trên các mặt sao cho tổng của 2 mặt đối diện luôn bằng 7: 1 đối diện với 6, 5 đối diện với 2, 4 đối diện với 3. Điều này làm cho các mặt số 1, 2 và 3 sẽ có một đỉnh chung. Thứ tự sắp xếp của các mặt 1, 2, 3 quanh cái đỉnh này lại tạo ra 2 loại xúc xắc khác nhau: xúc xắc thuận và xúc xắc nghịch chiều kim đồng hồ. Thực ra thì người ta dùng cả 2 loại này, không mấy ai để ý đến sự khác nhau này.
Tôi cũng không biết trong sòng bài casino, người ta có quy định phải dùng xúc xắc thuận hay nghịch hay không nữa. Chắc là mấy ông có kĩ năng kiểm soát xúc xắc thì sẽ quan tâm đến sự khác nhau (dù tôi mới thấy mấy ông này trong phim kiểu như Đỗ Thánh thôi chứ chưa gặp ngoài đời bao giờ). Một số tài liệu có nói rằng hầu hết xúc xắc ở phương Tây và Nhật Bản là xúc xắc nghịch, còn Trung Quốc lại sử dụng xúc xắc thuận.
Nói đến vị trí địa lý, có một điểm khác nhau thú vị giữa Á Đông và phương Tây, đó là mặt số 1 và số 4 trên xúc xắc của người châu Á (bao gồm cả Nhật Bản) thường có màu đỏ, chấm số 1 đôi khi còn được làm to hơn hẳn so với các chấm của mặt khác. Có nhiều lời giải thích cho điều này, tuy nhiên chẳng có cái nào chắc chắn là đúng cả.
Có người cho rằng nó xuất phát từ trò Tài Xỉu của Trung Quốc. Trong đó Xỉu là các số bé, tức là 1, 2, 3. Còn Tài là các số lớn, tức là 4, 5, 6. Số 1 và số 4 lần lượt đánh dấu các cột mốc cho Xỉu và Tài nên mới được sơn màu khác. Đây là cách giải thích dân gian được nhiều người truyền miệng, nhưng lại chả có mấy tài liệu xác nhận điều này. Còn nếu dựa vào giai thoại một chút cho nó ly kì thì số 4 có màu đỏ là do Đường Minh Hoàng, hay còn được gọi là Đường Huyền Tông hoặc Lý Long Cơ/Võ Long Cơ, cháu nội Võ Tắc Thiên (vậy nên ông ta mới vừa họ Võ vừa họ Lý, nhưng thôi ko liên thiên sang sử Tàu làm gì). Một lần ông này cùng người phi nổi tiếng của mình là Dương Quý Phi ngồi chơi sugoroku (backgammon Nhật), ông ta sắp thua và cần phải tung được 3 con 4 cùng lúc thì mới lật kèo được. Ông ta vừa tung vừa hô “4! 4! 4!”, và ông ta đc 3 con 4 thật. Ông ta sướng quá và cho rằng đó quả là một điềm may không tưởng tượng được. Từ đó, ông ra lệnh mặt số 4 trên xúc xắc phải được sơn màu đỏ.
Tất nhiên là câu chuyện này cũng chẳng có tài liệu nào làm chứng cả, nhiều chỗ còn kể lại câu chuyện này y hệt nhưng với những vị vua và triều đại khác nhau. Một số website khác có nói rằng Trung Quốc từng nhập xúc xắc từ Ấn Độ, ở đó họ sơn số 4 màu đỏ, nhưng lại chẳng nói vì sao Ấn Độ lại sơn đỏ số 4 cả. Còn về mặt số 1, chẳng ai có câu chuyện nào giải thích cả, có lẽ nó được khoét to hơn đơn giản chỉ là để cân bằng so với mặt đối diện của nó (vì số 6 có nhiều lỗ).
Ngoài ra những con xúc xắc 6 mặt cũng có thể phân loại thành xúc xắc hoàn hảo và xúc xắc thông thường dựa vào độ chính xác và mục đích sử dụng của chúng (tôi đã viết về chúng trong kì trước rồi).
2. Xúc xắc đa diện khác:
Hẳn nhiên là rất nhiều trường hợp chúng ta cần số ngẫu nhiên từ những dải giá trị khác nhau chứ không chỉ có từ 1-6. Vậy nên chúng ta sẽ có nhiều loại xúc xắc đa diện khác ngoài hình lập phương. Các bạn hay chơi thể loại RPG như Dungeons and Dragons chắc đã quá quen với những xúc xắc này rồi. Điều thú vị là những xúc xắc đa diện hay dùng trong RPG lại hay dùng số Ả Rập thay vì các chấm tròn. Đơn giản là vì nếu các bạn nhìn vào số chấm của những xúc xắc 20 hay 30 mặt thì đếm mỏi mồm lắm. Những xúc xắc thường để thể hiện các loại chỉ số của nhân vật, vậy dùng các con số thay vì các chấm tròn thì sẽ nhanh và tiện hơn nhiều. Ngoài ra trong các tài liệu game, các con xúc xắc thường được kí hiệu bằng chữ d đi kèm với số mặt của nó: d4, d6, d8, d10, d12, d20… VD: nếu trong 1 dòng nào đó có ghi các bạn hãy tung 2d10, nghĩa là các bạn hãy tung 2 con xúc xắc 10 mặt.
- Tứ diện – 4 mặt – d4: Chỉ có 4 mặt thôi mà nhiêu khê lắm, bày đặt chia làm 2 loại với cách đánh số khác nhau. Loại 1, đánh số ở cạnh, vì vậy kết quả tung được là con số ở cạnh đáy (tiếp xúc với mặt bàn), vậy nên còn gọi là bottom read dice. Loại 2, được đánh số ở đỉnh, nên kết quả nhận được khi tung là con số ở đỉnh chóp, vậy nên được gọi là top read dice.
- Lập phương – 6 mặt – d6: đây là con xúc xắc bình thường mà, tôi viết dài ngoẵng ở trên rồi.
- Bát diện – 8 mặt – d8: Tôi không có gì đặc biệt để nói về loại này cả, đơn giản chỉ là nó có 8 mặt (2 hình kim tự tháp úp đáy vào nhau), và tổng 2 mặt đối diện thường là 9.
- 10 mặt (thập diện???) – d10: Có 3 loại d10 tùy theo số được đánh trên các mặt. Loại 1 không có gì đặc biệt và cũng không phổ biến cho lắm: các mặt được đánh số từ 1-10. Loại 2, các mặt được đánh số 0-9. Loại 3 còn được gọi là xúc xắc hàng chục, các số tương tự như loại 2 nhưng kèm theo 1 số 0, tức là {00, 10, 20, 30, 40, 50, 60, 70, 80, 90}. Loại 2, 3 được sử dụng phổ biến hơn vì chúng có thể dùng cùng với nhau để thay cho 1 viên xúc xắc d100. Các bạn xem cách dùng ở dưới phần d100 nhé.
- 12 mặt – d12: Tôi không có gì đặc biệt để nói về loại này cả, đơn giản chỉ là nó có 12 mặt, và tổng 2 mặt đối diện thường là 13.
- 20 mặt – d20: Đây là con xúc xắc phổ biến nhất trong giới RPG nói chung và D&D nói riêng. 90% thời gian các bạn tung xúc xắc sẽ là dùng con xúc xắc này. Nó phổ biến đến mức trở thành biểu tượng của dòng game này. Nhiều trang web, youtube channel liên quan đến RPG đặt tên có chút dính dáng đến nó, như d20pfsrd.com, roll20.net… Hệ thống gameplay của Dungeons & Dragons do hãng Wizards of the Coast phát triển cũng được gọi với cái tên d20 System. Thông thường thì d20 sẽ được đánh số từ 1-20. Nhưng thi thoảng, các bạn sẽ gặp những d20 với mỗi số từ 0-9 được đánh 2 lần, loại này được dùng thay cho d10.
- 100 mặt – d100: Cũng có đấy, nhưng mà nó như hình cầu luôn, tung xong nó lăn lông lốc, đuổi theo muốn tụt quần. Để tung số ngẫu nhiên trong khoảng từ 1-100, người ta dùng 2 con xúc xắc d10, 1 trong 2 con là xúc xắc hàng chục như tôi đề cập đến ở trên. Khi tung thì viên xúc xắc hàng chục sẽ đại diện cho số hàng chục, viên còn lại sẽ đại diện cho số hàng đơn vị. VD: nếu tung được 2 số 20 và 3, thì các bạn có kết quả là 23. Chú ý là nếu các bạn tung đc cả 2 đều là số 0 (00 và 0), thì nó đại diện cho số 100 chứ không phải số 0 đâu nhé.
- 3 mặt – d3: làm quái có hình đa diện nào 3 mặt, tôi chém gió ra xúc xắc 3 mặt đấy. Nhưng quả thật trong các tài liệu game, thỉnh thoảng người ta có nhắc đến d3. Khi các bạn gặp điều này thì đơn giản hãy tung 1d6, lấy kết quả chia 2 (làm tròn lên) là xong.
- 2 mặt – d2: Ờ thì tung đồng xu thôi. Hoặc tung bừa con xúc xắc nào cũng đc, ra số lẻ thì là 1, số chẵn thì là 2.
3. Xúc xắc không đánh số theo thứ tự:
Không phải lúc nào các bạn cũng cần các con số, đôi lúc các bạn cần sự ngẫu nhiên trong việc lấy tài nguyên, trong việc sử dụng kĩ năng. Hoặc không phải lúc nào các bạn cũng cần các giá trị có tỷ lệ xác suất bằng nhau.
- Xúc xắc dùng các biểu tượng: đơn giản là các mặt của xúc xắc không in số mà in các biểu tượng. Loại này thường được thiết kế riêng cho từng trò chơi. VD: xúc xắc cho Poker, Backgammon, Warhammer Underworlds Shadespire, etc.
- Xác xuất có các con số phân bố không đều nhau: Các bạn đã thấy những xúc xắc thay vì đánh số từ 1-6, thì nó lại đánh số {2, 3, 3, 4, 4, 5} chưa? Chúng là loại mà tôi đang muốn nói đến đấy. Trong 1 số trò chơi, nhà thiết kế sẽ dùng loại này khi muốn điều chỉnh tỷ lệ ra của các mặt.
- Xúc xắc trắng: Đơn giản là nó là xúc chẳng có in hay khắc gì ở các mặt cả. Nó chỉ là đồ để các bạn chế ra những xúc xắc của riêng bản thân mình mà thôi.
4. Xúc xắc ăn gian:
Đây cũng là 1 loại xúc xắc sao? Tôi cũng không biết nữa! nhưng với tiêu chí kể lể lan man, tôi cũng viết vào đây tuốt. Có nhiều cách để ăn gian việc tung xúc xắc, nhưng phổ biến nhất là làm cho một mặt trở nên nặng hơn (mặt đối diện với số mà các bạn muốn ra nhiều nhất). Tức là nếu các bạn muốn tung được ra mặt số 1 thì hãy tìm cách làm cho mặt số 6 trở nặng hơn. Các bạn có thể làm điều đó bằng cách cạo hết sơn ở các chấm đi. Dùng 1 chiếc khoan đầu nhỏ khoan sâu vào các chỗ chấm đó thành các lỗ sâu 1 chút. Sau đó đổ chì vào những lỗ đó, dùng keo bít lại và dùng sơn sơn lại như cũ. 1 cách khác mì ăn liền hơn, là cho xúc xắc vào lò vi sóng, quay ở mức vừa đủ để nhựa bên trong xúc xắc chỉ hơi hơi chảy về 1 phía. Cách này khá ảo vì phải canh mức lò để viên xúc xắc không bị chảy méo xẹo mất.
Bản thân tôi cũng mới chỉ nghe nói chứ chưa từng làm thử hay chứng kiến bao giờ. Những loại xúc xắc được làm lệch độ nặng thế này được gọi là weighted dice hoặc loaded dice. Tuy nhiên không phải có trong tay những viên xúc xắc lệch này là bạn có thể làm chủ cuộc chơi ngay đâu, để tung ra được con số như ý muốn vẫn cần phải có kĩ năng và quá trình luyện tập. Trong những lời đồn thổi trong giới cờ bạc, có những cao thủ đổ xúc xắc như ý muốn. Để làm được như vậy thì họ phải luyện tập, và xúc xắc đổ chì chính là một trong những công cụ luyện tập của họ. Nếu bạn nào đã đọc Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung, sẽ thấy các cao thủ cờ bạc phải luyện tập với xúc xắc thủy ngân trước đã. Bản thân nhân vật chính Vi Tiểu Bảo đã luyện đến cảnh giới đổ xúc xắc thủy ngân như ý, nhưng với xúc xắc thường thì vẫn còn hên xui.
5. Xúc xắc dị hợm:
Những con xúc xắc hình thù kì quái, thường làm đồ lưu niệm hay trang chí là chính chứ ít trò chơi nào dùng chúng. Hoặc những đồ dùng thay thế xúc xắc.
Nguồn: ToD ham chơi
Diễn đàn học viện Board Game
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!