Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp nên kiêng ăn gì và ăn gì?

Viêm khớp dạng thấp được xếp vào nhóm các bệnh tự miễn nhiều người mắc nhất. Có đến 1,3% người dân trên thế giới mắc bệnh này, trong đó phần đông là phụ nữ. Để cải thiện tình trạng bệnh, việc tuân thủ chế độ ăn phù hợp đóng vai trò rất quan trọng. Người bệnh viêm khớp dạng thấp nên ăn gì và kiêng gì? Hãy đọc để tìm ra thực đơn dinh dưỡng thân thiện với người bệnh RA.

Một nghiên cứu y tế cho thấy, gần 1/4 số người bị viêm khớp dạng thấp (RA) báo cáo rằng thực đơn ăn uống có ảnh hưởng đến các triệu chứng RA của họ. Triệu chứng được cải thiện hay trở nên trầm trọng hơn, một phần là do chế độ dinh dưỡng quyết định. Vì thế, để chống lại các biểu hiện viêm khớp dạng thấp, bạn nên duy trì một khẩu phần ăn cân bằng và có lợi cho tình trạng bệnh. (1)

Bệnh viêm khớp dạng thấp nên tránh ăn gì?

Các nhóm thực phẩm dưới đây không nên có mặt trong thực đơn của người bệnh RA: (2)

1. Thịt đỏ và thịt đã qua chế biến

Nghiên cứu cho thấy ăn nhiều thịt đỏ (thịt heo, thịt bò, thịt dê…) và thịt đã qua chế biến (giăm bông, xúc xích, thịt xông khói…) làm tăng các triệu chứng RA. Nguyên nhân là những loại thịt này thúc đẩy quá trình sản xuất interleukin-6 (IL-6), protein phản ứng C (CRP) và homocysteine – các dấu hiệu viêm trong cơ thể.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, ăn nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ gây viêm khớp dạng thấp. Ngược lại, chế độ ăn ít hoặc không có thịt đỏ được chứng minh là cải thiện các triệu chứng viêm khớp rõ rệt.

2. Sản phẩm từ sữa

Chúng ta thường được khuyên uống (hoặc ăn) các sản phẩm từ sữa (như sữa tươi, sữa chua, phô mai…) để đảm bảo cung cấp đủ canxi và vitamin D cho cơ thể. Thế nhưng, sữa cũng góp phần làm tăng tình trạng viêm ở người bệnh RA. Đó là do chúng chứa chất béo bão hòa – tác nhân gây viêm.

Nếu bạn vẫn muốn duy trì sữa trong thực đơn của mình, hãy chọn các sản phẩm sữa ít béo thay vì chọn loại nguyên kem.

3. Thực phẩm nhiều muối

Nạp quá nhiều muối không chỉ có hại cho huyết áp. Nếu bạn bị RA và đang dùng thuốc steroid điều trị, các triệu chứng sẽ có xu hướng trở nên trầm trọng hơn. Người bệnh viêm khớp dạng thấp nên đặt mục tiêu nạp ít hơn 5g muối mỗi ngày.

4. Thực phẩm nhiều đường

Ăn nhiều đồ ngọt không tốt cho tất cả mọi người, đặc biệt là những ai bị viêm khớp dạng thấp. Các nghiên cứu đã chứng minh nạp quá nhiều thực phẩm chứa đường sẽ làm trầm trọng hơn các triệu chứng RA, cũng như tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh viêm khớp. Cụ thể, trong một nghiên cứu ở 1.209 người trưởng thành độ tuổi 20-30, những người uống đồ uống có đường fructose 5 lần mỗi tuần có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp gấp 3 lần so với những ai uống ít hoặc không sử dụng đồ uống có đường fructose.

Đường được tìm thấy trong kẹo, nước ngọt, kem, chè, bánh ngọt… cùng nhiều loại thực phẩm khác, bao gồm cả những món “tưởng chừng vô hại” như nước sốt thịt nướng, mayonnaise…

5. Thực phẩm chứa gluten

Gluten là một nhóm các protein có trong nhiều loại ngũ cốc như lúa mạch, lúa mì, lúa mạch đen và triticale (lai giữa lúa mì và lúa mạch đen). Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn không có hoặc có ít gluten giúp làm giảm triệu chứng viêm do viêm khớp dạng thấp.

Muốn hạn chế dung nạp gluten, người bệnh RA cần cân nhắc trước khi ăn bánh mì, bánh quy, pizza, nước ngọt, chất làm ngọt…

6. Thực phẩm chế biến quá kỹ

Các món ăn được chế biến quá kỹ như thức ăn nhanh, ngũ cốc ăn sáng và bánh nướng thường chứa nhiều ngũ cốc tinh chế, đường bổ sung, chất bảo quản cùng các thành phần có khả năng gây viêm khác. Tất cả đều làm trầm trọng thêm triệu chứng viêm khớp.

Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn phổ biến của người phương Tây (giàu thực phẩm chế biến sẵn) là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh RA do làm tăng tình trạng viêm và các yếu tố nguy cơ như thừa cân – béo phì.

Không chỉ vậy, trong một cuộc khảo sát ở 56 người bị RA, những người ăn nhiều thực phẩm chế biến quá kỹ sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, do trong máu xuất hiện nồng độ glycated hemoglobin (HbA1c) – một dấu hiệu kiểm soát lượng đường trong máu lâu dài.

7. Rượu

Vì rượu có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp, cho nên, bất kỳ ai bị bệnh RA cũng nên hạn chế hoặc tránh uống rượu. Nghiện rượu mạn tính còn có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị viêm xương khớp.

Ngoài ra, khi bạn đang uống thuốc điều trị RA mà uống rượu, sẽ gây hại cho các cơ quan trong cơ thể. Chẳng hạn, uống rượu khi đang dùng thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen và naproxen có thể gây chảy máu dạ dày, viêm loét dạ dày; uống rượu khi dùng acetaminophen, leflunomide (Arava) hoặc methotrexate gây hại cho gan…

8. Nội tạng động vật

Tim, gan, bao tử động vật chứa nhiều photpho, ăn nhiều sẽ khiến người bệnh cảm nhận rõ rệt các cơn đau khớp. Không chỉ vậy, họ còn bị tình trạng sưng to tại đầu gối và mắt cá chân, đi lại khó khăn vì đau nhức kéo dài.

9. Sản phẩm Glycat hóa bền vững

Quá trình glycation nâng cao (AGEs) sẽ tạo ra sản phẩm cuối cùng là các phân tử được tạo ra thông qua phản ứng giữa glucose (đường) và protein (đạm) hoặc lipid (chất béo). Chúng tồn tại tự nhiên trong các món ăn chế biến từ động vật chưa nấu chín, và được hình thành thông qua một số phương pháp nấu nướng như chiên, quay, nướng, ướp. AGEs tích tụ nhiều trong các loại thực phẩm như thịt nướng, thịt xông khói, bít tết áp chảo, gà rán, xúc xích nướng… Khoai tây chiên, phô mai, bơ thực vật và sốt mayonnaise cũng rất giàu AGEs.

Khi AGEs tích tụ với hàm lượng cao trong cơ thể, hiện tượng căng thẳng oxy hóa và viêm nhiễm có thể xảy ra. Hai triệu chứng này có liên quan đến sự tiến triển của bệnh viêm khớp. Trên thực tế, những người bị viêm khớp đã được chứng minh là có lượng AGEs trong cơ thể cao hơn so với người không bị viêm khớp.

Hãy thay thế các món ăn trên bằng thực phẩm giàu dinh dưỡng như rau, trái cây, các loại đậu và cá. Việc làm này sẽ giúp làm giảm tổng lượng AGE trong cơ thể bạn.

10. Gia vị cay

Các loại gia vị cay như ớt, tiêu, mù tạt… là “thủ phạm” gây nên cơn nóng rát ở khớp, làm các mô bị sưng nặng hơn. Đó là lý do chúng không được khuyến khích có mặt trong khẩu phần ăn của người bệnh viêm khớp dạng thấp.

Thực phẩm người bệnh viêm khớp dạng thấp nên ăn

Bên cạnh những thực phẩm không nên ăn, có một danh sách các món ăn nên hiện diện trong thực đơn dành cho bệnh nhân RA, vì chúng giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng bệnh: (3)

1. Thực phẩm giàu omega-3

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh tăng cường axit béo omega-3 trong chế độ ăn có thể giúp giảm viêm trong cơ thể. Các loại cá béo như cá ngừ, cá hồi, cá thu, cá trích… là lựa chọn số 1 của bạn, sau đó đến hạt lanh, hạt chia và quả óc chó.

Ngoài ra, omega-3 còn hỗ trợ các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp phát huy công dụng. Do đó, sẽ rất tốt khi bạn ăn nhiều thực phẩm chứa omega-3 trong thời gian uống thuốc điều trị RA.

2. Các loại rau củ quả giàu chất chống oxy hóa

Tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa là một cách giảm viêm tự nhiên khác. Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên bạn nên ăn thực phẩm nhiều màu sắc. Lý do giải thích cho điều này không liên quan đến thẩm mỹ mà là sức khỏe. Trái cây và các loại rau củ có màu sắc tươi sáng là nhờ flavonoid và carotenoid – những chất chống oxy hóa mạnh. Khi bạn ăn đa dạng rau củ quả nhiều màu, triệu chứng viêm sẽ giảm bớt.

Chế độ ăn của người bệnh RA cần có nhiều loại rau quả màu xanh (bông cải xanh, rau bina, rau ngót, bí đao…), màu vàng (khoai lang, xoài, đu đủ…), màu cam (cà rốt, cam…), màu đỏ (táo, cà chua, dưa hấu…), màu trắng (bắp cải, củ cải, dưa lê…), màu tím (nho, mâm xôi, việt quất…).

Chưa hết, trái cây và rau còn chứa nhiều enzym tiêu hóa và các hợp chất chống viêm. Chẳng hạn như đu đủ, với thành phần papain và các chất phytochemical, giúp chống viêm và điều hòa miễn dịch; dứa chứa bromelain làm giảm sưng khớp và cải thiện khả năng vận động của khớp.

3. Dầu ô liu

Dầu ô liu nguyên chất là một nguồn giàu axit béo không bão hòa đơn (MUFA) dồi dào. Chẳng những vậy, nó còn giữ lại tất cả những thành phần có lợi của quả ô liu, đặc biệt là các hợp chất phenolic có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh. Thường xuyên sử dụng dầu ô liu có hàm lượng phenolic cao đã được chứng minh là giúp chống lại chứng viêm hữu hiệu.

4. Ngũ cốc nguyên hạt

Khi ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch, quinoa…) thay vì những loại đã qua chế biến (gạo trắng, mì, bún, bánh mì…), bạn có thể giảm mức CRP trong cơ thể. Một lợi thế khác của việc ăn ngũ cốc nguyên hạt là chất xơ trong chúng tạo cảm giác no lâu, giúp bạn dễ dàng kiểm soát cơn thèm ăn. Nhờ đó, bạn sẽ duy trì được cân nặng hợp lý để không tạo thêm áp lực lên khớp.

5. Các loại củ

Một số loại củ chứa các hoạt chất có tác dụng chống viêm tự nhiên nên rất được người bệnh viêm khớp ưa chuộng. Chúng là:

  • Gừng: Rễ gừng được xem là phương thuốc chữa bệnh RA và giảm viêm. Do vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi người bệnh RA thường thêm vài lát gừng vào trà, hoặc dùng gừng như một gia vị khi chế biến món ăn.
  • Nghệ: Curcumin, thành phần tạo nên màu vàng của nghệ, hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh. Ngoài ra, curcumin còn có đặc tính chống viêm và khử trùng nên làm chậm đáng kể sự tiến triển của bệnh viêm khớp.
  • Tỏi: có tác dụng chống viêm, giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp. Tăng cường tỏi trong thực đơn còn giúp hệ miễn dịch hoạt động mạnh mẽ hơn, đẩy lùi cơn đau khớp.

6. Các loại hạt và quả hạch

Quả hạch và các loại hạt là nguồn cung cấp chất béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn, giúp giảm cholesterol trong máu cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, viêm khớp. Chúng cũng là nguồn cung cấp protein, vitamin và khoáng chất chống oxy hóa dồi dào. Ngoài ra, một số loại hạt còn có nhiều axit alpha linoleic (ALA) – một loại axit béo omega-3 có công dụng chống viêm. Một số loại hạt khác lại giàu magiê, l-arginine và vitamin E – các dưỡng chất đóng vai trò trong việc kiểm soát tình trạng viêm ở người bệnh RA.

Những loại hạt và quả hạch tốt cho người bệnh viêm khớp dạng thấp là óc chó, hạnh nhân, đậu phộng, hạt chia, hạt lanh, hạt dẻ cười…

Một số lưu ý trong chế độ ăn của bệnh nhân viêm khớp dạng thấp

Xây dựng thực đơn phù hợp mới là bước đầu trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh RA. Bước tiếp theo, cần lưu ý những điểm quan trọng sau:

  • Cân bằng lượng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn: Cần đa dạng món ăn từ nhiều nhóm thực phẩm, tránh tình trạng ăn quá nhiều một nhóm thực phẩm dẫn đến ăn ít hoặc bỏ hẳn các loại thực phẩm khác. Việc thiếu hụt/dư thừa bất kỳ chất dinh dưỡng nào cũng không tốt đối với bệnh nhân viêm khớp.
  • Chú ý lượng calo nạp hàng ngày, tránh ăn nhiều dẫn đến tăng cân: Thừa cân – béo phì là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh viêm xương khớp. Những người có chỉ số BMI vượt ngưỡng bình thường chỉ cần giảm một vài cân là có thể giảm bớt áp lực cho khớp, nhờ đó cải thiện các triệu chứng RA rõ rệt.
  • Chọn phương pháp nấu ăn phù hợp: Một số phương pháp nấu nướng có thể bảo toàn nhiều chất dinh dưỡng của thực phẩm hơn những phương pháp khác. Cụ thể, hấp thay vì luộc, chiên nhẹ trong dầu lành mạnh thay vì chiên ngập dầu có thể giúp các dưỡng chất được giữ lại nhiều hơn. Hấp bằng lò vi sóng trong thời gian ngắn cũng giữ được phần lớn hàm lượng chất dinh dưỡng.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; TS.BS Tăng Hà Nam Anh; ThS.BS Trần Anh Vũ; BS.CKI Trần Xuân Anh, ThS.BS Lê Đình Khoa, TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế.

Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, robot Artis Pheno, máy đo mật độ xương, máy siêu âm…; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp…

BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.

Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng giúp hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến xương khớp. Hi vọng một số thông tin về các loại thực phẩm bệnh nhân viêm khớp dạng thấp nên ăn và cần tránh trong bài, bạn sẽ có cho mình một thực đơn bổ dưỡng và phù hợp nhất.