Be with You là một melodrama được sản xuất năm 2004 dưới bàn tay đạo diễn Nobuhiro Doi. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Takuji Ichikawa. Với 3,8 triệu lượt người xem tại rạp năm đó, Be with You có thể nói là đã thành công rực rỡ. Phim cũng có một bản truyền hình ăn theo, và vừa rồi đã được các nhà làm phim Hàn Quốc mua bản quyền để làm remake.
Với sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ giao lưu giữa hai nước Việt – Nhật những năm gần đây, bộ phim cũng khá được các khán giả Việt Nam chú ý. Các bài bình phim bằng tiếng Việt thậm chí còn nhiều hơn tiếng Anh, bởi vậy, bài viết này sẽ không cố gắng bao quát toàn bộ những chi tiết bề mặt của phim, mà chỉ tập trung khai thác một hướng duy nhất, qua nhân vật nắm giữ linh hồn tác phẩm: Người phụ nữ.
Khi phụ nữ chủ động…
Người phụ nữ của câu chuyện này là Mio (Yuko Takeuchi), 28 tuổi, chết vì một căn bệnh không rõ (phim không đề cập). Cô ra đi để lại người chồng Takumi (Shido Nakamura) và cậu con trai 6 tuổi Yuji (Akashi Takei). Trước khi giã biệt cuộc đời, Mio hứa rằng một năm sau sẽ quay trở lại vào mùa mưa để sống với hai bố con, và khi mùa mưa kết thúc, cô sẽ ra đi mãi mãi. Đúng như lời hẹn ước, một ngày đi dạo trong rừng, Takumi và Yuji đã gặp lại Mio – lúc này trong trạng thái mất trí nhớ hoàn toàn. Mio được hai bố con đưa về nhà. Cô bắt đầu tập làm quen với việc mình là vợ của Takumi và mẹ của bé Yuji, trong 6 tuần ngắn ngủi của những cơn mưa.
Cốt truyện kể ra thì có lẽ hơi “sến”, nhưng thật sự cách kể chuyện của đạo diễn đã khiến phim không lâm vào tình trạng này. Tuy có đủ các tình tiết mê-lô như mất trí nhớ, đâm xe, bệnh tật,… và lại còn hơi vô lý; nhưng Be with You là một phim xem rất dễ chịu. Sự dễ chịu này, ngoài nhờ vào cách kể chuyện, còn là nhờ (rất nhiều) vào phần bối cảnh nên thơ và thấm đẫm văn hóa Nhật Bản. Nó biến tất cả những thứ khó tin trở thành những thứ đáng tin, như thứ niềm tin trẻ con dành cho cổ tích, hay thứ niềm tin người lớn dành cho phép màu cuộc đời (như việc người ta vẫn mua vé số Vietlott và tin mình có thể trúng mười tỉ đồng vậy).
Nếu là một người theo tư tưởng nữ quyền phương Tây, bạn sẽ thấy phần đầu phim hơi khó chịu. Mio theo đúng tuýp phụ nữ truyền thống – hiền lành, yếu đuối, thụ động,… và cả ngày chỉ loanh quanh trong nhà. Để rồi, càng xem, bạn càng dần hiểu ra rằng: Hóa ra cô mới là người chủ động, trong cả tình yêu và cuộc đời của mình. Hóa ra mọi thứ xảy ra đều là do cô quyết định nó sẽ xảy ra.
Sự chủ động này thật ra được thể hiện ngay trong tựa gốc “Ima, ai ni yukimasu”, tức là “Bây giờ, em sẽ đến gặp (hai bố con)”. Thật tiếc, tựa tiếng Anh lại là “Be with You” (Tạm dịch: Ở bên anh) – Đánh mất hoàn toàn ý nghĩa chủ động trong câu này, bởi nó chỉ trỏ đến trạng thái chứ không trỏ hành động. Bản dịch tiếng Việt phổ biến nhất là “Em sẽ đến cùng cơn mưa” càng lệch ý nghĩa, bởi lần gặp gỡ nhắc đến trong câu này là lần gặp gỡ đầu tiên – Khi Mio chủ động tìm gặp Takumi giữa cánh đồng hoa hướng dương đầy nắng để nói rằng cô muốn cưới anh, cùng anh “gặp” bé Yuji; chứ không phải lần gặp gỡ thứ hai giữa cơn mưa trong trạng thái “hồn ma bóng quế”.
Khi phụ nữ chủ động vượt khỏi không gian bị động
Chắc hẳn bạn từng một lần nghe câu “Ở nhà Tây, ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật” – Ý chỉ cuộc sống hoàn hảo nhất mà một người đàn ông có thể mơ ước. Sở dĩ có câu này là vì trong văn hóa Nhật truyền thống, phụ nữ đi lấy chồng là phải toàn tâm toàn ý cung phụng chồng và gia đình nhà chồng. Chữ “chồng” trong tiếng Nhật đọc theo Hán tự cũng là “chủ nhân”, nên lấy vợ Nhật là bạn có thể yên tâm sống như một ông hoàng cho cô ấy phục vụ. Trong xã hội Nhật Bản hiện đại, vị trí người phụ nữ tuy có được cải thiện, nhưng không nhiều. Phụ nữ không được ủng hộ đi làm, một khi đã lấy chồng sinh con thì về mặt đạo đức, cô ấy phải ở nhà chăm chồng chăm con. Đặt bối cảnh xã hội như vậy vào phim, chúng ta sẽ thấy sự liên kết khá rõ ràng của chúng với những cơn mưa.
Sự trở về của Mio bị giới hạn trong mùa mưa. Cô xuất hiện vào ngày đầu tiên của mùa mưa, và buộc phải biến mất vào ngày cuối cùng của mùa mưa. Mùa mưa đã “khóa” Mio vào trong một không gian bị động, và điều này càng rõ hơn khi đối chiếu lại các quãng thời gian trong cuộc đời của cô: Học cấp ba – Không có một ngày mưa nào, Học đại học – Có vài ngày mưa, 6 tuần hồi sinh – Gần như ngày nào cũng mưa. (Chúng ta không có dữ liệu nào về cuộc sống của cô trong 8 năm ở bên Takumi). Cô cũng thường xuyên sử dụng một chiếc ô màu đỏ, mà chiếc ô màu đỏ chính là vật dụng không thể thiếu của cô dâu trong đám cưới truyền thống.
Tuy bị đặt vào trong một không gian bị động như vậy, nhưng Mio vẫn “xoay sở” để có được sự chủ động. Với hai giới hạn – mưa và thời gian, cô đều có cách vượt ra khỏi nó: Trồng hoa hướng dương và đặt bánh sinh nhật trước 12 năm cho bé Yuji. Hoa hướng dương là loài hoa biểu tượng cho ngày nắng, đại diện cho sự tồn tại đầy chủ động của Mio. Cô đã đến gặp Takumi tỏ tình trong một cánh đồng bạt ngàn hoa hướng dương; và trước khi ra đi lần cuối, cô cũng trồng một vườn hoa hướng dương cho Takumi và bé Yuji – ám chỉ về sự hiện diện thay thế của mình.
Khi phụ nữ chủ động chịu thua người đàn ông cô yêu
Có ba tuyến thời gian được phát triển trong phim. Tuyến thứ nhất là khi Yuji đã 18 tuổi. Tuyến thứ hai là khi Yuji 6 tuổi. Tuyến thứ ba là khi Yuji chưa sinh ra, kể về chuyện bố mẹ gặp nhau như thế nào (để có Yuji). Trong phần này, chúng ta bàn về tuyến thứ ba.
Tuyến thứ ba được kể từ hai điểm nhìn. Điểm nhìn thứ nhất là của Takumi, thể hiện qua lời kể của anh với Mio khi Mio đã mất hoàn toàn trí nhớ. Điểm nhìn thứ hai là của Mio, thể hiện qua cuốn nhật ký cô để lại. Cùng một câu chuyện nhưng sự khác biệt giữa hai điểm nhìn đã bộc lộ rõ sự chủ động của Mio. Takumi cứ nghĩ hầu hết là anh chủ động, nhưng cuối cùng hóa ra từ đầu đến cuối là do Mio chủ động. Buồn cười nhất có lẽ là chi tiết Takumi tưởng mình tình cờ ngồi kế Mio trong lớp học, hóa ra do Mio sử dụng “quyền lực của một thành viên trong hội đồng học sinh” để ngồi kế cậu. Và khi Takumi chủ động gọi điện cho Mio để giả bộ “đòi lại” cây bút ngày xưa mình bỏ quên khi viết lưu bút, cậu vô cùng đắc ý mà đâu biết rằng Mio đáng lẽ đã có thể trả nó ngay lúc ấy, nhưng cô giữ lại vì biết sẽ có ngày Takumi lấy lý do đòi bút mà gọi điện cho cô.
Sự chủ động mà Mio tạo ra cho Takumi vô cùng ý nghĩa, bởi Takumi là một người bị tổn thương về tính nam. Mio là một học sinh kiểu mẫu, còn Takumi – như anh nhận xét – “là một người bình thường, mà sau khi rời đội chạy thì chẳng thiết gì nữa”. Môn thể thao anh chọn cũng biểu tượng cho sự thụ động của anh, khi sau này anh luôn chọn cách trốn chạy với mọi vấn đề. Tính nam bị tổn thương nặng nề nhất là khi thậm chí anh không thể trốn chạy nữa vì bị tổn thương chức năng vận động. Chính Mio là người đã khéo léo dẫn dắt anh bước ra khỏi sự bị động và trở nên chủ động với cuộc sống của mình. Cho tận đến cuối cùng, Mio mới thành công khi lần đầu tiên Takumi biết chủ động cầm tay Mio cho vào túi áo mình. Cô nói với một giọng như vỡ ra bởi nước mắt: “Cảm ơn”, rồi biến mất, ám chỉ “sứ mệnh” của cô với Takumi đã hoàn thành.
Khi phụ nữ chủ động hi sinh cho người đàn ông cô yêu
Sự hi sinh của người phụ nữ trong cuộc sống gia đình có lẽ chẳng phải nói nhiều. Cuộc sống của Takumi và bé Yuji bị xáo trộn hoàn toàn khi thiếu sự hiện diện của Mio. Tôi đặc biệt ấn tượng một cảnh quay có lẽ là có ý mỉa mai – Khi Mio trở về và không nhớ gì, Takumi đã nói với bé Yuji: “Bắt đầu từ hôm nay, bố con mình có thể giúp mẹ nhớ lại mọi thứ, mọi thứ về chúng ta” và cảnh chuyển theo thứ tự: Cảnh hai bố con nói chuyện – Cảnh chiếc ghế tứ tung quần áo bẩn – Cảnh bồn rửa chồng chất bát đĩa dơ. Lẽ ra đạo diễn có thể lựa chọn về mặt hình ảnh là khung ảnh gia đình hay một thứ gì đó khác “tình cảm” hơn, nhưng ông lại lựa chọn những hình ảnh trên. Có lẽ nó nói lên được phần nào cuộc sống của Mio bên cạnh Takumi trước khi cô chết. Với người bình thường, cuộc sống quẩn quanh bếp núc này đã buồn chán đến mức nào, nữa là với Mio – Một cô gái đỗ vào Đại học Tokyo, trường đại học danh giá nhất Nhật Bản?
Với Takumi, Mio sẽ lùi lại, để anh bước lên. Mio sẽ giấu kín, để anh bộc lộ. Chúng ta có thể nhìn rõ điều này ngay từ cách kể chuyện. Takumi kể chuyện bằng lời nói, còn Mio “kể chuyện” bằng cuốn nhật ký. Đi sâu vào chi tiết ta cũng thấy sự đối lập này. Đơn cử như thông tin sức khỏe của hai người. Ta biết rất rõ Takumi bệnh gì, nguyên nhân do đâu, tình trạng thế nào; nhưng hoàn toàn không biết gì về lý do tại sao Mio chết. Chỉ có vài thông tin phong thanh từ phía những người họ hàng cho rằng bé Yuji là nguyên nhân, nên chắc có lẽ việc sinh nở khó khăn đã làm suy giảm sức khỏe của Mio khiến cô chết vào 6 năm sau đó. Tuy nhiên tất cả chỉ là phỏng đoán, thông tin căn bệnh chưa bao giờ được trực tiếp đề cập.
Lời miêu tả của Mio trong cuốn nhật ký về buổi hẹn hò đầu tiên giữa hai người cũng khẳng định sự nhường nhịn này của cô: “Anh cứ nói không ngừng như một kẻ ba hoa. Em không nói được gì, nhưng em thật sự rất hạnh phúc vì được ở bên cạnh anh.” Cụm từ “hạnh phúc vì được ở bên cạnh anh” cũng được cô nhắc lại nhiều lần sau khi hai người kết hôn, khiến ta hiểu rằng có lẽ trong 8 năm chung sống có lẽ cô cũng phải thầm lặng hi sinh như vậy. Và cô chấp nhận điều đó, một cách hạnh phúc.
Đỉnh điểm của sự chủ động hi sinh này là sự hi sinh… theo đúng nghĩa đen, khi Mio năm 20 tuổi biết trước rằng mình sẽ chết vào năm 28 tuổi nếu cưới Takumi. Đáng lẽ cô đã có thể sống một cuộc đời khác, với một người khác. Nhưng cô quyết định rằng cô sẽ làm như vậy, vì cô muốn chứng kiến bé Yuji ra đời; và có thể ở bên những người cô yêu thương dù trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.
Khi phụ nữ chủ động sống lại cho người đàn ông cô yêu
Khán giả chúng ta không được chứng kiến cuộc sống hôn nhân của Mio trước khi cô chết, tuy nhiên, qua sự day dứt của Takumi, ta có thể lờ mờ hiểu được rằng Mio không nhận được sự quan tâm đầy đủ của chồng. Chỉ cho đến khi Mio chết, Takumi mới mong ước rằng cô có thể trở lại để anh làm cho cô hạnh phúc. Và thế là Mio chủ động trở lại thật, để chồng có thể hoàn thành nguyện ước của mình. Ngay cả khi chết rồi, cô vẫn không ngừng hi sinh.
Takumi đã luôn luôn vội vã. Lần đầu gặp nhau, Mio nhắc Takumi rằng hãy cẩn thận dây giày. Buổi sáng đầu tiên khi cô quay trở lại căn nhà, Mio tiễn Takumi đi làm và lại nhắc anh cẩn thận dây giày. Suốt cả cuộc đời trước đây, Takumi cứ mê mải cắm đầu chạy và chạy nhằm đạt thành tích cao nhất, để rồi cơ thể anh không chịu nổi và sụp đổ. Lời nhắc của Mio có thể suy rộng ra là triết lý hãy chậm lại để “sống” nhiều hơn. Vì vậy, khi cô trở lại, hai người đã thật sự chậm rãi chia sẻ với nhau từng phút từng giây; dù biết rằng thời gian mùa mưa sẽ trôi đi nhanh, rất nhanh.
Takumi may mắn vì có được Mio một lần nữa để chuộc lỗi. Nhưng đúng như lời ông bác sĩ của Takumi: “Sẽ không có một người thứ hai trên thế giới này được trải nghiệm điều đó đâu.” Cũng là một lời nhắc nhở tới chúng ta: Chậm lại, và quan tâm nhiều hơn, trước khi quá muộn.
Kết phim, chúng ta gặp lại cánh đồng hoa hướng dương và lời tỏ tình của Mio. Như đã phân tích ở trên, hoa hướng dương đại diện cho sự chủ động của Mio vượt qua tình thế bị động mà số phận sắp xếp cho cô. Tỏ tình cũng là cô chủ động, nụ hôn đầu tiên giữa hai người cũng là cô chủ động. Suốt chiều dài bộ phim, người hành động nhiều hơn là Takumi, nhưng người chủ động nhiều hơn là Mio. Thế nên, đừng nghĩ người phụ nữ bên bạn thua kém bạn, chỉ là cô ấy chủ động để thua bạn cả cuộc đời này, vì một lý do duy nhất: Cô ấy yêu bạn, thế thôi!
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!