Sự phát triển của trẻ 3 tháng tuổi và cách chăm sóc bé

Bạn có đang băn khoăn về sự phát triển của trẻ 3 tháng tuổi? Ở giai đoạn này, trẻ đã có thể mỉm cười khi nghe giọng nói của bạn, có thể ngủ suốt đêm hay trẻ 3 tháng tuổi cần bổ sung gì để phát triển toàn diện? Bài viết dưới đây, Nutrihome cung cấp các đặc điểm phát triển mà phụ huynh cần chú ý khi trẻ 3 tháng tuổi.

Bác sĩ Trương Thị Mỹ Hoa – Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM

Các số đo tiêu chuẩn của trẻ 3 tháng tuổi

Khi được 3 tháng tuổi, trẻ đã tăng hơn 30 phần trăm trọng lượng cơ thể và tăng 20 phần trăm chiều dài so với lúc mới sinh. Trẻ sẽ tiếp tục phát triển về chiều dài và cân nặng với tốc độ ổn định. Vậy trẻ 3 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg, chiều dài bao nhiêu cm?

Theo tiêu chuẩn tăng trưởng do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp, khi ở giai đoạn 3 tháng tuổi, các bé phát triển bình thường sẽ có chỉ số cơ thể như sau:

1. Cân nặng

  • Bé trai 3 tháng tuổi có cân nặng trung bình là 6,4 kg
  • Bé gái 3 tháng tuổi có cân nặng trung bình là 5,8 kg

2. Chiều cao

  • Bé trai 3 tháng tuổi có chiều cao trung bình là 61,4 cm
  • Bé gái 3 tháng tuổi có chiều cao trung bình là 59,8 cm

3. Chu vi vòng đầu

  • Bé trai 3 tháng tuổi có vòng đầu trung bình là 40,5 cm
  • Bé gái 3 tháng tuổi có vòng đầu trung bình là 39,5 cm

4. Chu vi vòng ngực

Thông thường, chu vi vòng ngực sẽ nhỏ hơn 2cm so với chu vi vòng đầu ở những trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Chỉ số phát triển của trẻ 3 tháng tuổi

Theo dõi cân nặng, chiều dài là cách đơn giản giúp phụ huynh đánh giá sự phát triển thể chất của trẻ 3 tháng tuổi

>> Tìm hiểu thêm: Bảng chiều cao cân nặng chuẩn của trẻ 0-5 tuổi

Các mốc phát triển của trẻ 3 tháng tuổi

Khi con bạn được 3 tháng tuổi, bé sẽ có một sự chuyển đổi mạnh mẽ từ một đứa trẻ hoàn toàn phụ thuộc thành một đứa trẻ năng động và phản ứng nhanh. Trẻ sẽ mất nhiều phản xạ sơ sinh trong khi có được khả năng kiểm soát cơ thể một cách chủ động hơn. Ba mẹ sẽ thấy con dành hàng giờ để kiểm tra bàn tay và theo dõi chuyển động của chúng. Vậy trẻ 3 tháng tuổi biết làm gì?

Dưới đây là một số mốc quan trọng phụ huynh cần lưu ý.

Các mốc phát triển về vận động

  • Em bé của bạn đang trở nên mạnh mẽ hơn. Trong tháng này, bé có thể nâng đầu khi nằm ngửa và giữ nó trong vài phút. Nếu bé đang ngồi với sự hỗ trợ, bé có thể giữ đầu ổn định và dựng thẳng.
  • Khi bé nằm sấp, bạn có thể thấy bé nâng đầu và nâng ngực lên bằng cánh tay. Bạn có thể khuyến khích bằng cách ngồi trước mặt trẻ và treo một món đồ chơi để xem liệu trẻ có đẩy mình về phía đồ chơi hay không. Cho bé nằm sấp nhiều sẽ khuyến khích cơ đầu và cổ của bé tăng cường và phát triển.
  • Bé 3 tháng tuổi cũng có thể duỗi chân ra và đá khi nằm sấp hoặc ngửa.
  • Mở và nắm bàn tay.
  • Nhún chân xuống khi đặt chân trên bề mặt vững chắc.
  • Đưa tay lên miệng, nhiều trẻ bắt đầu mút ngón tay.
  • Dùng tay vuốt các đồ vật treo lủng lẳng.
  • Nắm và lắc đồ chơi bằng tay.

>> Có thể bạn muốn biết: Sự phát triển của trẻ 2 tháng tuổi

Các mốc phát triển về ngôn ngữ, thị giác và thính giác

  • Bắt đầu phối hợp sử dụng tay và mắt: Phần não chi phối sự phối hợp giữa tay và mắt cho phép bé 3 tháng tuổi nhận biết đồ vật (thùy đỉnh) phát triển nhanh chóng trong giai đoạn này.
  • Trẻ bắt đầu theo dõi sự chuyển động của các đối tượng (con người, đồ chơi…).
  • Nhận biết các đối tượng và người quen thuộc ở khoảng cách xa: khi được 3 tháng tuổi, trẻ sẽ biết rằng bạn là người đặc biệt. Trẻ có thể sẽ vẫn mỉm cười với người lạ, đặc biệt là khi họ nhìn thẳng vào mắt trẻ và nói chuyện với trẻ.
  • Phần não hỗ trợ ngôn ngữ, thính giác, khứu giác, thùy thái dương cũng trở nên hoạt động hơn. Vì vậy, khi bé nghe thấy giọng nói của bạn lúc này, bé có thể mỉm cười, nhìn thẳng vào bạn và bắt đầu bập bẹ, hoặc thậm chí cố gắng phản hồi lại.
  • Sự phát triển của trẻ 3 tháng tuổi còn thể hiện qua việc trẻ bắt đầu bập bẹ một số âm vô nghĩa.
  • Trẻ bắt đầu bắt chước một số âm thanh.
  • Trẻ quay đầu về hướng phát ra âm thanh.

Các mốc phát triển về tương tác xã hội và cảm xúc

  • Trẻ 3 tháng tuổi bắt đầu biết cười với người chăm sóc.
  • Thích chơi với người khác và có thể khóc khi ngừng chơi.
  • Giao tiếp nhiều hơn và biểu cảm hơn với khuôn mặt và cơ thể.
  • Bắt chước một số chuyển động và nét mặt.

Cột mốc phát triển của trẻ 3 tháng tuổi, trẻ cười

Trẻ 3 tháng tuổi bắt đầu biết mỉm cười với người chăm sóc hoặc người tương tác với trẻ

Chế độ ăn cho trẻ 3 tháng tuổi

Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vì vậy các nhà khoa học vẫn luôn khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Trong một số trường hợp, sữa công thức có thể được cân nhắc sử dụng kết hợp hoặc thay thế sữa mẹ.

Vậy trẻ 3 tháng tuổi ăn gì hay trẻ 3 tháng tuổi cần bổ sung gì cũng là những câu hỏi của rất nhiều phụ huynh trong quá trình chăm sóc con. Khi trẻ được 3 tháng tuổi, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn sẽ cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết. Trẻ sẽ bắt đầu bú nhiều sữa hơn trong mỗi cử ăn (ăn sữa), vì vậy trẻ sẽ không cần bú thường xuyên và sẽ ngủ lâu hơn vào ban đêm.

Sự thèm ăn của trẻ sẽ tăng lên trong quá trình tăng trưởng. Tiếp tục cho ăn theo nhu cầu và tăng số lần cho ăn khi cần thiết. Trẻ cũng sẽ trở nên lanh lợi hơn, bắt đầu thủ thỉ và mỉm cười. Vì vậy, mẹ hãy tăng cường tương tác hơn giữa bạn và con trong quá trình cho con bú.

Đây là những hướng dẫn chung, và con bạn có thể đói hơn thường xuyên hơn. Vì vậy điều quan trọng là phải chú ý đến các tín hiệu đói hay no của bé. Trẻ bú đủ có thể nút chậm lại, dừng lại hoặc quay lưng lại với vú mẹ hoặc bình sữa.

Cách chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi, cho con bú

Dinh dưỡng cho trẻ 3 tháng tuổi tốt nhất là sữa mẹ

>> Tìm hiểu thêm: Sự phát triển của trẻ 4 tháng tuổi

Trẻ 3 tháng tuổi ngủ bao nhiêu là đủ?

Trẻ ở độ tuổi này thường ngủ 14-17 giờ mỗi ngày. Khi được 3 đến 4 tháng, giấc ngủ của trẻ sẽ bắt đầu ổn định. Một số trẻ ở độ tuổi này thậm chí có thể ngủ qua đêm, mặc dù hầu hết trẻ vẫn sẽ thức để bú đêm trong ít nhất một vài tháng. Nếu con bạn vẫn thức đêm, hãy nhớ rằng giai đoạn này sẽ không kéo dài mãi mãi.

Hệ thần kinh của trẻ 3 tháng tuổi đang trong giai đoạn hoàn thiện và dạ dày của trẻ có thể chứa nhiều sữa hơn. Những thay đổi đó sẽ cho phép trẻ ngủ trong khoảng thời gian 6 hoặc 7 giờ mỗi lần, điều này cũng đồng nghĩa với việc phụ huynh sẽ có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn cùng một giấc ngủ ngon.

Ở giai đoạn này, “ngủ xuyên đêm” được coi là chỉ kéo dài 5 hoặc 6 giờ. Nếu trẻ thức giấc giữa đêm, hãy đợi khoảng 30 giây trước khi quyết định dỗ dành trẻ. Đôi khi, trẻ sẽ khóc vài giây rồi ngủ tiếp. Nếu bạn vội vàng dỗ trẻ khi nghe thấy tiếng quấy khóc đầu tiên, trẻ sẽ không thể học được cách tự ngủ lại.

Các trò chơi phù hợp cho trẻ 3 tháng tuổi

Trong 1 hoặc 2 tháng đầu đời, trẻ phụ thuộc vào người khác để bắt đầu sự tương tác. Nhưng đến cuối tháng thứ 3, trẻ sẽ thu hút bạn bằng các biểu hiện trên khuôn mặt, âm thanh và cử chỉ.

Trẻ sẽ cẩn thận quan sát nét mặt của bạn và lắng nghe giọng nói của bạn, đáp lại bạn bằng những tiếng bập bẹ. Khoảng 2 tháng tuổi, bé sẽ đáp lại nụ cười của bạn bằng một nụ cười. Từ 3 đến 4 tháng, hầu hết trẻ có thể tỏ vẻ thích thú và cười thành tiếng.

Sự phát triển của trẻ 3 tháng tuổi cho thấy trẻ bắt đầu khám phá môi trường xung quanh bằng bàn tay của mình, vươn tay ra, xoay người và nắm lấy một món đồ chơi yêu thích. Trẻ cũng sẽ bắt đầu để ý đến bàn tay và bàn chân của chúng. Trẻ thích nhìn chằm chằm vào bàn tay, chơi đùa với các ngón tay và đưa tay hoặc một món đồ chơi lên miệng.

Em bé của bạn cũng có thể đưa cả hai tay lại gần nhau, mở nắm tay và chơi với các ngón tay của mình, hoặc đưa một món đồ chơi lên miệng. Bé thậm chí có thể dùng nắm tay khép lại để làm chuyển động những món đồ chơi treo lủng lẳng. Bạn có thể giúp phát triển khả năng phối hợp tay và mắt của bé bằng cách đưa một món đồ chơi ra để xem bé có cầm nắm được không.

Sau đây là một số gợi ý dành cho phụ huynh khi chơi với bé 3 tháng tuổi:

  • Nhẹ nhàng vỗ hai bàn tay của bé vào nhau hoặc duỗi tay (bắt chéo, dang rộng hoặc đưa lên cao).
  • Nhẹ nhàng di chuyển chân của bé như khi đạp xe đạp.
  • Sử dụng một món đồ chơi yêu thích để bé tập trung và di chuyển để bé nhìn theo.
  • Bạn có thể nhận thấy bé đang cố gắng vươn tay và chạm vào những thứ gần đó. Bạn có thể kích thích xúc giác của trẻ bằng cách sử dụng nhiều vật liệu để chơi. Hãy thử sử dụng lông thú giả, khăn giấy, nỉ, nhung và khăn, hoặc tìm những cuốn sách bắt mắt với nhiều họa tiết khác nhau.
  • Cung cấp đồ chơi nhiều màu sắc, có kết cấu, hình dạng và kích cỡ khác nhau để bé cầm và khám phá. Hoặc cầm một món đồ chơi vừa tầm tay để bé có thể với, xoay người và nắm lấy. Đưa cho trẻ một cái lục lạc, trẻ có thể lắc nó và cảm thấy thích thú vì nhận ra mình đang tạo ra tiếng lục lạc.
  • Tạo các biểu cảm khuôn mặt khác nhau để bé bắt chước.
  • Nói chuyện với bé và để bé phản hồi.
  • Đọc cho bé nghe: bé 3 tháng tuổi còn quá nhỏ để hiểu những câu chuyện, nhưng đọc sách cho bé nghe là một cách đáng yêu để gắn kết tình cảm với bé và sẽ giúp bé phát triển tốt các kỹ năng ngôn ngữ trong tương lai.

Trẻ 3 tháng tuổi biết làm gì

Trẻ 3 tháng tuổi khám phá thế giới với các hoạt động phối hợp tay mắt và thường hay đưa đồ chơi/ngón tay vào miệng

Lưu ý khi chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi

  • Một số chuyên gia đưa ra lời khuyên về cách để bé có thể ngủ suốt đêm khi bé 3 tháng tuổi. Hãy lắng nghe lời khuyên, nhưng hãy tin vào chính bản thân mình. Nếu việc để con khóc không hiệu quả với con và nó đi ngược lại niềm tin của bạn với tư cách là cha mẹ, đừng làm điều đó.
  • Khi trẻ thức, hãy để trẻ nằm sấp để giúp cổ và vai trẻ khỏe hơn. Luôn để mắt đến trẻ trong “thời gian nằm sấp” và sẵn sàng giúp đỡ nếu trẻ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi hoặc khó chịu trong tư thế này. Không bao giờ đặt trẻ nằm sấp khi ngủ. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên nằm ngửa khi ngủ để giảm nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
  • Bạn có thể nghe từ ai đó rằng có thể bắt đầu cho bé ăn thức ăn đặc ngay từ bây giờ sẽ giúp bé ngủ suốt đêm. Nhưng hãy cẩn thận. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (APA) không khuyến nghị trẻ ăn bất cứ thứ gì ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức cho đến khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi.

Mỗi đứa trẻ đều phát triển với tốc độ khác nhau. Đừng quá căng thẳng nếu trẻ không đạt được trọn vẹn những mốc phát triển này khi trẻ 3 tháng tuổi. Trẻ có thể đạt được một số mốc sớm hơn dự định, và lại chậm hơn một chút ở một số mốc khác. Tuy nhiên, nếu bạn lo lắng rằng trẻ 3 tháng tuổi đã bỏ lỡ một hoặc nhiều mốc phát triển quan trọng, hay lo lắng về sự phát triển của trẻ 3 tháng tuổi, dinh dưỡng cho bé 3 tháng tuổi nên như thế nào…, hãy liên hệ bác sĩ nhi khoa để được hỗ trợ thêm.