1. Cây kim tiền
Trong phong thủy, cây kim tiền được mệnh danh là “cây kim phát tài”, mang ý nghĩa tốt đẹp về tiền bạc, tài lộc với thân cây vươn cao, lá xanh hướng lên trên ý nghĩa như bàn tay hứng lộc trời cho, đại diện cho sự cầu tiến, không ngừng vươn lên.
Loài cây này nổi tiếng với sức sống mạnh mẽ, khó chết, dễ chăm sóc nên rất thích hợp để trồng trong nhà hoặc văn phòng. Hơn nữa, chúng còn có công dụng thanh lọc không khí, phủ xanh không gian sống, cung cấp oxy, giúp bạn thoải mái hơn. Vị trí thích hợp để đặt cây kim tiền là trên bàn làm việc hoặc tại các không gian đón ánh sáng trong căn nhà để cây sinh trưởng và phát triển tốt.
2. Cây lưỡi hổ
Cây lưỡi hổ có tác dụng trừ tà, xua đuổi ma quỷ và chống lại những điều xui xẻo trong cuộc sống.
Lá của cây lưỡi hổ mọc thẳng đứng thể hiện sự quyết đoán, ý chí tiến lên của con người. Dáng vẻ uy nghi từ thân đến ngọn của cây lưỡi hổ là biểu tượng của sự uy quyền, danh gia vọng tộc, phú quý và may mắn. Cây lưỡi hổ có thân dạng dẹt với 2 màu xanh và màu vàng dọc từ gốc đến ngọn. Hoa lưỡi hổ thường nở thành từng cụm.
Theo các nghiên cứu, trồng cây lưỡi hổ rất tốt để thanh lọc và loại bỏ độc tố cùng bụi bẩn trong không khí. Bên cạnh đó, cây còn giúp cung cấp một lượng oxy lớn nên rất tốt cho sức khỏe.
3. Cây trầu bà
Cây trầu bà là giống cây dây leo, thân thảo, lá có hình trái tim gần giống với cây trầu không. Ngoài sức sống mãnh liệt, không cần nhiều công chăm bón thì đây còn là loại cây sẽ giúp ngôi nhà của bạn được thoáng đãng hơn do nó có khả năng thanh lọc không khí, hấp thụ các chất độc từ khói thuốc, mùi xăng dầu hay bức xạ điện tử rất hiệu nghiệm.
Cây trầu bà rất dễ trồng, dễ sống và thích nghi nhanh với điều kiện thời tiết. Cây có thể được trồng trong chậu đất hoặc trồng thủy sinh đều có thể phát triển tốt như nhau. Cây trầu bà phát huy tác dụng phong thủy tốt khi đặt đúng vị trí. Một số tên gọi khác người ta đặt cho cây trầu bà như: Vạn niên thanh, Hoàng Tâm Điệp,… mang ý nghĩa biểu tượng cho sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Theo phong thủy, cây trầu bà được tin là mang đến may mắn, bình an và thành đạt trong học tập, trong công việc đối với người sở hữu và chăm sóc nó.
Thường thì người ta sẽ đặt chậu trầu bà ở bàn làm việc, ban công, cửa sổ,… nơi nào có ánh sáng thì cây sẽ phát triển tốt. Cây trầu bà chỉ kiêng kỵ nơi quá tối và nhiệt độ quá cao. Cây không xanh tốt cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới phong thủy.
4. Cây thiết mộc lan
Cây thiết mộc lan hay còn gọi là cây phát tài hoặc cây phất dụ thơm. Hoa của loài cây này có màu trắng và mùi thơm nhẹ nhàng. Trồng thiết mộc lan sẽ giúp không gian quanh bạn lúc nào cũng bung tỏa hương thơm, đặc biệt chúng rất dễ sống và không cần quá nhiều công chăm sóc.
Thiết mộc lan là loài cây có tốc độ phát triển khá chậm, kết hợp với hình dáng độc đáo nên rất thích hợp để trồng trong chậu và sử dụng làm cây cảnh. Những cây dạng nhỏ sẽ được trồng trong chậu hoặc trồng thủy sinh, đặt ở bàn làm việc, bàn tiếp khách hay bàn ăn… Những cây lớn hơn thường được trồng trong chậu lớn đặt tại các vị trí như hành lang, giếng trời, đại sảnh, phòng bếp hay sân thượng, sân vườn…
Không chỉ là loài cây cảnh đẹp mắt, theo nhiều nghiên cứu thì thiết mộc lan còn có khả năng loại bỏ độc tố gây ô nhiễm, thanh lọc không khí, từ đó giúp bạn có được một môi trường sống và làm việc trong lành.
Trong phong thủy, thiết mộc lan mang ý nghĩa mang lại tiền tài, giúp đường công danh sự nghiệp của gia chủ tấn tới. Cũng nhờ vậy mà loài cây này thường được dùng làm quà tặng trong những dịp khai trương, tân gia, mừng nhậm chức… Đặc biệt, nếu cây thiết mộc lan ra hoa là báo hiệu cho may mắn sắp đến.
Theo Người đưa tin
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!