CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ TỪ VỰNG VÀ TU TỪ CÚ PHÁP
I. LÝ THUYẾT
A. MỘT SỐ BIỆN PHÁP TU TỪ TỪ VỰNG
1. So sánh: Là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
VD: Trẻ em như búp trên cành -> tăng sức gợi hình, gợi cảm cho câu thơ.
2. Ẩn dụ: Là cách dùng sự vật, hiện tượng này để gọi tên cho sự vật, hiện tượng khác dựa vào nét tương đồng (giống nhau) nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
VD: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng -> Ẩn dụ mực – môi trường xấu, người xấu; đen – xấu xa; đèn – môi trường tốt, người tốt; rạng – tốt -> tăng sức gợi hình, gợi cảm cho câu tục ngữ.
3. Nhân hoá: Là cách dùng những từ ngữ vốn dùng để miêu tả hành động của con người để miêu tả vật, dùng loại từ gọi người để gọi sự vật không phải là người làm cho sự vật, sự việc hiện lên sống động, gần gũi với con người.
VD: Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn..
-> Nhân hóa rêu, đá từ những vật vô tri trở thành sinh linh có ý thức như con người -> tăng giá trị biểu cảm cho câu thơ.
4. Hoán dụ: Là cách dùng sự vật này để gọi tên cho sự vật, hiện tượng khác dựa vào nét liên tưởng gần gũi nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
VD: Đầu bạc tiễn đầu xanh. ->Hoán dụ đầu bạc – người già; đầu xanh – người trẻ-> tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
5. Phép điệp: là từ ngữ (hoặc một ngữ/ câu) được lặp lại nhiều lần trong khi nói và viết nhằm nhấn mạnh, khẳng định ý đồng thời tạo cho câu văn, câu thơ, đoạn văn, đoạn thơ giàu âm điệu, giọng văn trở nên tha thiết, nhịp nhàng hoặc hào hùng mạnh mẽ.
VD: Khăn thương nhớ ai, khăn rơi xuống đất…
* Lưu ý: Điệp ngữ khác với cách nói, cách viết lặp do nghèo nàn về vốn từ, do không nắm chắc cú pháp nên nói và viết lặp, đó là một trong những lỗi cơ bản về câu.
6. Chơi chữ: là cách lợi dụng đặc sắc về âm, nghĩa nhằm tạo sắc thái dí dỏm hài hước.
VD: – Da trắng vỗ bi bạch.
– Mang theo một cái phong bì
Trong đựng cái gì, đựng cái đầu tiên.
7. Nói quá là biện pháp tu từ phóng đại mức độ, qui mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.
VD: Lỗ mũi mười tám gánh lông
Chồng khen chồng bảo râu rồng trời cho.
-> nói quá nhắm gây ấn tượng mạnh và tạo nét hài hước, hóm hình.
8. Nói giảm, nói tránh là một biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự.
VD: Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.
-> nói tránh “thôi” – đã mất -> giảm nhẹ nỗi đau mất bạn.
B. MỘT SỐ BIỆN PHÁP TU TỪ CÚ PHÁP.
1. Phép đảo ngữ: là sự thay đổi trật tự cấu tạo ngữ pháp thông thường của câu, nhằm nhấn mạnh và làm nổi bật ý cần diễn đạt.
VD: Chất trong vị ngọt mùi hương
Lặng thầm thay những con đường ong bay…
-> Dòng 2 đảo vị ngữ lên trước góp phần nhấn mạnh được ý nghĩa đẹp đẽ : Sự lao động thầm lặng, không mệt mỏi của bầy ong thật đáng cảm phục).
2. Câu hỏi tu từ là đặt câu hỏi nhưng nhằm nhấn mạnh ý khác.
VD Sao anh không về chi thôn Vĩ
3. Phép liệt kê: là sắp xếp nối tiếp hàng loạt từ hay cụm từ cùng loại để diễn tả được đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế hay của tư tưởng, tình cảm.
VD: “Tin vui chiến thắng trăm miền Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về Vui từ Đồng Tháp, An Khê Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.”
-> Liệt kê các chiến thắng lớn của quân ta trong kháng chiến chống Pháp -> khẳng định khí thế chiến thắng lẫy lừng.
4. Phép chêm xen: là chêm vào câu một cụm từ không trực tiếp có quan hệ đến cấu trúc ngữ pháp trong câu nhằm cung cấp thêm thông tin cần thiết hay bộc lộ cảm xúc.
VD: Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.
-> chêm xen nhằm bổ sung thông tin, khẳng định nước Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp.
5. Phép điệp cấu trúc: Là cách dùng một cấu trúc cú pháp nhiều lần nhằm nhấn mạnh, khẳng định ý nghĩa đồng thời tạo âm hưởng chung cho câu văn, đoạn thơ.
VD: Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa…Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.
-> lặp cấu trúc khẳng định “sự thật là…” nhằm nhấn mạnh, khẳng định sự thật Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp và góp phần tạo âm hưởng đanh thép, hào hùng cho đoạn văn/ văn bản.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!