Bàn về chiến thuật hỏi cung, vận dụng chiến thuật hỏi cung bị can trong một số trường hợp cụ thể |VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Như vậy, bị can không đồng nghĩa với khái niệm là người có tội. Đây là 01 vấn đề mang tính nguyên tắc, được quy định tại điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự – Nguyên tắc suy đoán vô tội. Do vậy, bị can là người đã bị khởi tố hình sự mặc dù bị hạn chế về một số quyền công dân xong bị can vẫn còn những quyền cụ thể được quy định tại khoản 2 điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đây là những quy định thể hiện sự thể chế hóa của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân.

Việc quy định theo hướng mở rộng quyền của bị can trong tố tụng hình sự có ảnh hưởng lớn tới công tác điều tra, truy tố, xét xử đồng thời cũng nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

Làm rõ khái niệm bị can, cũng như xác định giới hạn quyền và nghĩa vụ của của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án giúp cho các Điều tra viên khi tiến hành các hoạt động điều tra đối với vụ án không những để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của bị can khi tham gia tố tụng mà còn đảm bảo mọi hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải được bảo đảm thực hiện khách quan, công bằng, đúng trình tự, thủ tục pháp luật, bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử bị can, bị cáo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tôn trọng và bảo đảm quyền con người của bị can, bị cáo được pháp luật tố tụng hình sự quy định.

Cơ sở lý luận áp dụng chiến thuật hỏi cung bị can.

Trên cơ sở của nguyên tắc suy đoán vô tội, khi hỏi cung bị can, cán bộ hỏi cung bị can phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật không được áp đặt ý muốn chủ quan của mình ép buộc bị can phải khai báo. Cán bộ hỏi cung có thể sử dụng mâu thuẫn, sử dụng chứng cứ để đấu tranh với những hành vi khai báo gian dối hoặc không chịu khai nhưng không được có những hành vi, lời nói mang tính nhục mạ, mạt sát bị can cũng như có hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe của bị can mà phải tôn trọng các quyền của bị can được pháp luật bảo vệ như: Quyền biết mình bị khởi tố về tội gì, quyền bào chữa, quyền đưa ra các chứng cứ và yêu cầu, quyền bất khả xâm phạm về thân thể.

Cán bộ hỏi cung phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể áp dụng các phương pháp và chiến thuật hỏi cung bị can cho phù hợp và đúng quy định của pháp luật vì chiến thuật hỏi cung bị can chính là hệ thống những thủ thuật và những chỉ dẫn chiến thuật về chuẩn bị hỏi cung, tiến hành hỏi cung, lập biên bản hỏi cung bị can, nghiên cứu kiểm tra, đánh giá và sử dụng kết quả hỏi cung để chứng minh sự thật của vụ án được xây dựng trên cơ sở của luật tố tụng hình sự và thực tiễn hoạt động điều tra.

Trên tinh thần kiên quyết, thận trọng, khách quan và toàn diện trong đấu tranh chống tội phạm đòi hỏi các chiến thuật hỏi cung bị can phải đáp ứng được các nhóm nhiệm vụ sau nhằm xác định làm rõ sự thật khách quan của vụ án theo quy định tại điều 15 bộ luật tố tụng hình sự.

Nhiệm vụ phát hiện đồng phạm nhằm kịp thời truy bắt hay phát hiện những vật chứng còn được cất dấu cần phải thu giữ, phát hiện những âm mưu, hành động chuẩn bị gây án hay đã và đang gây án để ngăn chặn kịp thời.

Tinh thần đó được thể hiện bằng những việc làm cụ thể như: Sau khi bắt giữ được các đối tượng gây án cần phải sơ vấn hỏi ngay đối tượng (thậm trí hỏi ngay tại địa điểm bắt giữ), nhất là đối với những vụ án có đồng phạm, hoạt động mang tính chất ổ nhóm, những bị can, những đối tượng bị bắt đầu tiên thường biết những đối tượng, đồng bọn còn lại của ổ nhóm do vậy cần phải hỏi ngay các đối tượng đã bị bắt này về những đối tượng khác cùng tham gia, nơi ẩn nấu, hướng bỏ trốn, kể cả những tín hiệu mà chúng thường liên lạc, các quy luật đi lại của bọn chúng. Hỏi về tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp của từng đối tượng. Mối quan hệ của các đối tượng với những người khác. Hỏi về đặc điểm của các đối tượng, tầm vóc, giới tính, độ tuổi, giọng nói, dáng đi. Hỏi cụ thể từng chi tiết nhất là những đặc điểm nhận dạng riêng biệt của đối tượng như gầy hay béo, vết bớt, vết sẹo… hỏi về tư trang đối tượng mang theo quần áo, giầy dép làm toát lên những đặc điểm nhận dạng của đối tượng để kịp thời truy bắt.

Đối với các vật chứng của vụ án: hỏi về số lượng vật chứng, chủng loại, đó là công cụ phương tiện gây án hay vật mang vết, vật mang dấu vết của tội phạm. Hỏi về đặc điểm hình dáng, kích thước, chú ý hỏi về những đặc điểm mang tính riêng biệt và nguồn gốc của những vật chứng đó cũng như âm mưu hành động chuẩn bị gây án

Nhiệm vụ làm rõ nội dung của vụ án, vai trò, vị trí và mức độ phạm tội của bị can trong vụ án, thủ đoạn gây án và che dấu tội phạm, động cơ mục đích thực hiện tội phạm…để lập hồ sơ đề nghị truy tố.

Cán bộ hỏi cung cần hỏi làm rõ tính chất của vụ án, xẩy ra vào thời gian nào, ở đâu, diễn biến hành vi phạm tội cũng như diễn biến tâm lý của bị can và các đối tượng khác (nếu có) trong quá trình chuẩn bị trước, trong và sau khi phạm tội diễn biến như thế nà0. Đặc biệt là làm rõ số đối tượng gây án, vai trò vị trí của từng bị can trong vụ án, (trong ổ, nhóm đối với vụ án có đồng phạm) ai là người chủ mưu, cầm đầu, người tích cực thực hiện hành vi phạm tội. Động cơ, mục đích thực hiện tội phạm. Hỏi về tính chất mức độ hành vi của các đối tượng, phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, thủ đoạn che dấu tội phạm ở giai đoạn chuẩn bị gây án và gây án, sau khi gây án và trong những hoàn cảnh, điều kiện nào bị can đã thực hiện hành vi phạm tội cụ thể đó. Để đạt được mục đích, yêu cầu đề ra trong giai đoạn này cán bộ hỏi cung cần phải căn cứ những yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong bộ luật hính sự và những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án để xác định những nội dung cần phải làm rõ, quá trình hỏi cung cán bộ hỏi cung cần phải kết hợp với các lực lượng phối hợp để kiểm tra xác minh lời khai cung của bị can và dựa vào các tài liệu chứng cứ để đánh giá lời khai. Trong quá trình hỏi cung phải kịp thời phân hóa đối tượng để đấu tranh, cán bộ hỏi cung cần tạo điều kiện thuận lợi để bị can thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình đảm bảo tính khách quan toàn diện trong quá trình điều tra vụ án.

Nhiệm vụ khai thác mở rộng nhằm làm rõ quá trình hoạt động phạm tội của từng bị can và ổ nhóm phạm tội, thu thập những tin tức tài liệu về hoạt động của những teenn tội phạm hay ổ nhóm tội phạm khác mà bị can biết

Cán bộ hỏi cung cần sử dụng và khai thác triệt để những tài liệu, tin tức có liên quan đến đặc điểm nhân thân của bị can. Hoạt động quá khứ của bị can, tiền án, tiền sự và những tài liệu thu thập được về vụ án xẩy ra trước đó mà chưa được điều tra, xử lý, nhất là đối với những vụ án có đặc điểm thủ đoạn gây án và đặc điểm thủ đoạn của đối tượng gây án giống với thủ đoạn gây án, sở trường và đặc điểm nhận dạng của bị can. Khai thác các mâu thuẫn giữa các thành viên trong ổ nhóm tội phạm để làm rõ quá trình hoạt động tội phạm của từng bị can, của cả ổ nhóm tội phạm và thu thập tài liệu về những đối tượng hay ổ nhóm phạm tội khác mà bị can biết, sử dụng, sử dụng các tin tức, tài liệu bằng nhiều nguồn khác nhau để đấu tranh với bị can trong quá trình hỏi cung.

Các lời khai của bị can trong mọi trường hợp cần phải được kiểm tra xác minh một cách thận trọng đảm bảo độ chính xác cao, tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội.

Nhiệm vụ làm rõ những nguyên nhân điều kiện làm phát sinh tội phạm cũng như những sơ hở, thiếu sót trong hoạt động điều tra để có những biện pháp khắc phục và ngăn ngừa

Trong quá trình hỏi cung bị can, cán bộ hỏi cung cần khai thác triệt để nhân thân của bị can như trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thói quen, lý tưởng sống, thái độ của bị can khi thực hiện hành vi phạm tội.

Khi hỏi về điều kiện hoàn cảnh sống, tâm nguyện của bị can đặc biệt lưu ý đến phẩm chất cá nhân và đặc điểm tâm lý của bị can trước, trong và sau khi phạm tội. Quá trình hỏi cung cũng hỏi và làm rõ những sơ hở thiếu sót của các cơ quan, tổ chức xã hội… trong công tác quản lý kinh tế, xã hội, những sơ hở thiếu sót của người bị hại trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản và những sơ hở trong công tác phòng ngừa tội phạm

Ngoài những nội dung trên, trong hỏi cung bị can, cán bộ hỏi cung còn phải chú ý làm rõ những sai sót của điều tra viên và Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án mà bị can đã lợi dụng những sai sót đố để cản trở quá trình điều tra chứng minh sự thật khách quan của vụ án để có những biện pháp thích hợp nhằm khắc phục và ngăn chặn không để xẩy ra những thiếu sót trong các hoạt động điều tra tiếp theo đảm bảo cho việc điều tra vụ án tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện tinh thần kiên quyết, thận trọng, khách quan và toàn diện trong chiến thuật hỏi cung bị can có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động điều tra vụ án hình sự, giúp cho Điều tra viên

Xây dựng được tính kiên quyết trong hỏi cung bị can, không có tư tưởng ngại khó, khi được phân công điều tra, hỏi cung đối với bất cứ bị can nào Nêu cao cảnh giác trong quá trình hỏi cung bị can, không dễ tin bất cứ một lời khai nào của bị can khi lời khai đó chưa được kiểm tra xác minh…

Xây dựng tư duy khách quan khoa học, dám đấu tranh bảo vệ chân lý, bảo vệ sự thật

Nâng cao trình độ nghiệp vụ, tôn trọng pháp luật

Để thực hiện tốt chiến thuật trên cán bộ hỏi cung bị can cần phải có ý thức cầu toàn, phải khách quan, thận trọng tuyệt đối không được có thái độ chung chung, làm theo ý chủ quan của mình để tránh bỏ lọt tội phạm làm oan người vô tội.

Chiến thuật hỏi cung bị can trong các trường hợp cụ thể

Trong trường hợp bị can không chịu khai báo

Đối với các trường hợp bị can không chịu khai báo, trong quá trình hỏi cung bị can cần áp dụng một số chiến thuật sau:

Giáo dục, thuyết phục bị can khai báo thành khẩn: Cán bộ hỏi cung dựa trên cơ sở pháp luật phân tích cho bị can thấy rằng việc bị can không khai báo là một sai lầm nghiêm trọng bị can sẽ không được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm p khoản 1 Điều 51 Bộ luật TTHS khi xử lý vụ án, đồng thời cán bộ linh hoạt, tế nhị sử dụng các biện pháp, cách thức tác động xúc cảm đối với bị can như

Cảm hóa chính trị: Lấy đướng lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước … phân tích cho bị can nhận thức được đúng sai, phân biệt được phải trái tự tìm lối thoát cho mình là khai báo, tạo điều kiện cho việc sử dụng các chứng cứ, mâu thuẫn trong hỏi cung bị can một cách có hiệu quả nhất.

Việc giáo dục, thuyết phục bị can phải dựa trên cơ sở tài liệu, chứng cứ của vụ án, phù hợp với từng đối tượng bị can và điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Vì mỗi bị can có trình độ, phẩm chất cá nhân, hoàn cảnh phạm tội khác nhau. Việc giải thích thuyết phục, đấu tranh, phê phán phải có lý có tình. đúng pháp luật, không nên dồn ép, chỉ trích bị can, khôn khéo động viên bị can khai ra sự thật.

Tác động về xúc cảm: Lợi dụng tình trạng tâm lý của bị can đang hoang mang, lo sợ, tinh thần suy sụp để tác động (sau khi bị bắt, sau khi khởi tố). Chủ động tác động làm thay đổi tâm trạng và tình cảm của bị can vì tâm trạng vì tình cảm của bị can chính là động lực kìm hãm sự khai báo của bị can như bị can lo sợ, thất vọng, sợ bị hình phạt nặng… do vậy cán bộ hỏi cung nên khơi dậy trong bị can tình cảm gia đình, quê hương, thành tích trong công tác, quá khứ của bị can.

Trong áp dụng chiến thuật này có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ như dùng người thân là bố, mẹ, vợ, con hoặc người có uy tín với bị can viết thư, gửi quà hoặc trực tiếp gặp gỡ để động viên khai báo. Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ này phải hết sức lưu ý tránh việc thông cung…

Sử dụng các biện pháp tác động tâm lý làm xuất hiện động cơ khai báo của bị can;

Đây chính là việc tạo dựng “những sự việc, đồ vật tương tự” để bị can lầm tưởng cán bộ hỏi cung đã biết hết về các tình tiết của vụ án.

Ví dụ: Như thông tin cho bị can biết tất cả các đối tượng trong ổ, nhóm phạm tội đều đã khai báo thành khẩn và đổ lỗi chính cho bị can, có thể cho bị can xem chữ ký của các bị can ở các biên bản hỏi cung.

Sử dụng chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can để đối phó với thái độ lỳ lợm của bị can.

Bị can tự đánh giá Cơ quan điều tra đã có chứng cứ không thể tiếp tục im lặng được. Khi sử dụng chứng cứ cần đảm bảo độ tin cậy và yếu tố bất ngờ, kết hợp với việc sử dụng chiến thuật hỏi gián tiếp (vòng quanh) để loại trừ khả năng xuyên tạc chứng cứ do cán bộ hỏi cung đưa ra.

Sử dụng chứng cứ theo trình tự, phụ thuộc vào giá trị chứng minh của chứng cứ từ thấp đến cao…để từng bước đưa bị can vào trạng thái khuất phục không thể trì hoãn việc khai báo được nữa.

Sử dụng mâu thuẫn giữa các bị can với các thành viên trong ổ nhóm để thuyết phục bị can khai báo

Mâu thuẫn giữa các thành viên trong tổ chức phạm tội thường là vai trò, vị trí, quyền lợi, ăn chia hoặc mối hận thù cá nhân trước đó do ghen tỵ… cần khoét sâu mâu thuẫn giữa chúng làm tăng sự nghi ngờ giữa các bị can và đồng bọn từ đó làm cho bị can có nhận thức sẽ không khai báo sẽ bất lợi cho mình.

Hỏi bất ngờ vào điểm yếu:

Cán bộ hỏi cung đưa ra một số điểm mà bị can cho rằng bí mật nhất, quan trọng nhất nếu việc đó bại lộ thì toàn bộ hành vi phạm tội bị vạch trần. Thậm chí điểm yếu còn quan trọng hơn việc phạm tội (điểm yêu có về về người trong ổ nhóm phạm tội hoặc về đời tư của bị can). Trên thực tế nhiều trường hợp cán bộ hỏi cung đưa ra điểm yếu để đấu tranh buộc bị can cúi đầu nhận tội

Ví dụ: Đọc đúng tên cúng cơm của bị can vào đúng cái lúc bị can nghĩ cán bộ hỏi cung chưa biết gì về lai lịch của mình, thường là bị can sợ nhất điều này.

Cho viết bản tự khai:

Đây là cách thức để cho bị can tự trình bầy lý do tại sao bị can không khai báo, qua đó tìm ra nguyên nhân để đề ra biện pháp, áp dụng chiến thuật hỏi cung bị can phù hợp để bị can khai ra sự thật vụ án.

Trong trường hợp bị can khai báo gian dối.

Thực tiễn quá quá trình hỏi cung bị can cho thấy những trường hợp bị can khai báo gian dối thường là do bị can muốn che dấu hành vi phạm tội, muốn được nhẹ , bao che đồng bọn, vu khống đổ lỗi cho đồng bọn, muốn che dấu một tội phạm khác nặng hơn nên nhận tội nhẹ hơn.

Do vậy trong quá trình hỏi cung bị can gặp những trường hợp bị can khai báo gian dối, cán bộ hỏi cung bị can cần phải áp dụng những chiến thuật hỏi cung bị can trong từng trường hợp cụ thể để đấu tranh với bị can đảm bảo hiệu quả của việc hỏi cung

Một số chiến thuật hỏi cung bị can cụ thể trong trường hợp này như sau:

Sử dụng mâu thuẫn

Chủ động phát hiện kịp thời những mâu thuẫn trong lời khai của bị can và nguyên nhân của những mâu thuẫn đó. Mâu thuẫn trong lời khai của bị can thường là mâu thuẫn với diễn biến sự việc, hiện tượng, với các tài liệu chứng cứ khác của vụ án, trong vụ án có đồng phạm thì có thể đó còn là mâu thuẫn giữa lời khai của bị can với lời khai của các bị can khác trong vụ án.

Sử dụng mâu thuẫn đã phát hiện được để đấu tranh với bị can nhằm vạch trần lời khai gian dối của bị can. Buộc bị can phải khai đúng sự thật. Đặt câu hỏi để bị can khai báo mâu thuẫn và sử dụng mâu thuẫn này để đấu tranh với bị can

Hỏi tuần tự

Để bị can trả lời chi tiết về việc mà bị can đề cập trong lời khai gian dối qua đó tiếp tục làm bộc lộ những mâu thuẫn bị can không thể tiếp tục nói dối được nữa (hỏi tuần tự là hỏi theo diễn biến loogic của thời gian và sự việc từ đầu đến cuối.)

Hỏi đứt quãng:

Cán bộ hỏi cung chia sự việc cần hỏi ra thành nhiều loại , lúc hỏi chỗ này, lúc hỏi chỗ khác không theo một trình tự đúng như thực tế xẩy ra làm cho bị can không nắm được ý đồ xét hỏi và tự bộc lộ những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án và cán bộ hỏi cung có thể yêu cầu bị can lý giải về những tình tiết đó để làm thay đổi thái độ khai báo.

Hỏi củng cố từng bước.

Thông thường bị can khai báo gian dối thường đi liền với phản cung. Hiện tượng khai báo gian dối thường xẩy ra đối với các bị can nay khai thế này, mai khai thế khác vì vậy đòi hỏi cán bộ hỏi cung phải củng cố từng bước bằng cách hỏi đến đâu củng cố đến đó, lời khai của bị can phải được ghi chép đầy đủ, chi tiết khách quan, ký tên xác nhận ngay sau mỗi câu hỏi, câu trả lời.

Trong trường hợp này có thể áp dụng thủ thuật hỗ trợ như cho viết bản tự khai ngay sau khi hỏi cung, ghi âm lời khai cả âm điệu và giọng nói.

Ngoài các chiến thuật trên trong trường hợp bị can khai báo gian dối cũng có thể vận dụng các chiến thuật trong tình huống bị can từ chối khai báo với cảm hóa chính trị

Lưu ý là trong tình huống bị can khai báo gian dối thì cũng dồng thời làm xuất hiện tình huống mâu thuẫn vì vậy cán bộ hỏi cung và bị can đều ở trong tình trạng căng thẳng về tâm lý, những phản ánh trái ngược đối lập với nhau càng quyết liệt hơn , rất có thể làm đổ vỡ cuộc hỏi cung do bị can khiêu khích làm cho cán bộ hỏi cung phát khùng do không làm chủ được mình.

Vì vậy, các chiến thuật hỏi cung trong tình huống này chủ yếu là vạch trần lời khai gian dối của bị can, buộc bị can phải từ bỏ thái độ khai báo gian dối đi đến khai báo đúng sự thật do vậy cần kết hợp cảm hóa chính trị với việc sử dụng chứng cứ và mâu thuẫn trong đấu tranh với bị can để đạt được múc đích, hiệu quả của việc hỏi cung phục vụ cho quá trình điều tra, xử lý tội phạm.

Dương Minh Hồng VKSND thành phố Lạng Sơn