Bảo hiểm khoản vay là gì? Có bắt buộc mua khi vay không?

Hiện nay, giao dịch vay ở các ngân hàng/tổ chức tín dụng đang diễn ra rất phổ biến. Nhưng một thực tế là việc vay vốn có thể tiềm ẩn những rủi ro khi người vay tiền không thể có khả năng thanh toán khoản nợ của mình. Chính bởi vậy mà nhân viên ngân hàng thường tư vấn cho khách hàng nên mua bảo hiểm khoản vay kèm theo. Nếu khách hàng không mua thì họ sẽ nói rằng việc mua bảo hiểm là bắt buộc theo quy định của pháp luật và cũng là để ngân hàng xét duyệt khoản vay đó cho khách hàng. Vậy bảo hiểm khoản vay là gì? Có bắt buộc mua khi vay không?

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015.

– Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2019.

– Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số.

– Nghị định 48/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số.

– Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568

1. Bảo hiểm khoản vay là gì?

Bảo hiểm khoản vay (hay còn gọi là bảo hiểm tín dụng) là số tiền mà khách hàng chi trả để mua bảo hiểm cho khoản vay của mình tại ngân hàng hay các tổ chức tín dụng khác. Loại bảo hiểm này nhằm mục đích bảo đảm khả năng thanh toán cho khoản vay, giúp người vay trả nợ ngân hàng nếu mất khả năng thanh toán.

Khi vay tiền ngân hàng dưới hình thức vay tín chấp và không có tài sản thế chấp thì khoản vay này sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, bởi khoản vay đó sẽ không có gì bảo đảm nếu người vay không thể thanh toán được; hoặc không may người vay gặp những sự cố, rủi ro như bị tử vong, bị thương tật vĩnh viễn, bị mất tích… Do đó, ngân hàng hay các tổ chức tín dụng khác cần một cơ sở để đảm bảo an toàn cho khoản vay đó và đây là lý do bảo hiểm khoản vay ra đời.

Các ngân hàng luôn hướng khách hàng mua bảo hiểm khi vay tiền để trong trường hợp khách hàng vướng phải những rủi ro như trên thì công ty bảo hiểm sẽ trả nợ thay khách hàng. Việc mua bảo hiểm khoản vay là một trong những tiêu chí quan trọng để các ngân hàng dễ dàng phê duyệt khoản vay cho khách hàng hơn.

2. Các loại bảo hiểm khoản vay

2.1. Bảo hiểm cho khoản vay tín chấp

Vay tín chấp là vay hoàn toàn dựa trên uy tín chứ không có bất kỳ tài sản nào được sử dụng để đảm bảo khả năng chi trả tiền với ngân hàng. Vì vậy, bảo hiểm cho khoản vay tín chấp sẽ hướng đến con người, cụ thể là người vay tiền, bảo vệ tính mạng, quyền lợi khi người vay không thể thanh toán được khoản vay cho ngân hàng/tổ chức tín dụng. Khi vay tiền, ngân hàng sẽ thực hiện yêu cầu đối với người vay tiền để họ mua bảo hiểm khoản vay, tức là mua bảo hiểm thân thể cho mình, giúp việc đảm bảo về tính mạng trong những rủi ro lớn; và đồng thời giảm thiểu rủi ro khi xảy ra các tình huống không mong muốn.

2.2. Bảo hiểm cho khoản vay thế chấp

Vay thế chấp là vay có tài sản bảo đảm kèm theo trong điều kiện vay. Khi bên vay tham gia bảo hiểm khoản vay, nếu không may gặp phải những rủi ro dẫn đến việc không thể thanh toán được khoản nợ thì gói bảo hiểm này nhằm mục đích bảo vệ tài sản cho người vay. Nếu như vay tín chấp hướng tới đối tượng là con người thì vay thế chấp lại hướng hoàn toàn vào tài sản thế chấp mà người vay làm thủ tục với bên cho vay.

Nếu theo quy định của pháp luật thì không bắt buộc khi vay thế chấp phải mua bảo hiểm khoản vay. Tuy nhiên, những khoản vay thế chấp đều có giá trị lớn và tài sản đảm bảo cũng có giá trị tương đương, cho nên hầu hết các ngân hàng/tổ chức tín dụng đều khuyến khích khách hàng nên mua bảo hiểm; thậm chí nhiều ngân hàng còn đưa ra những quy định riêng về việc bắt buộc khách hàng phải mua bảo hiểm mới cho vay thế chấp, nếu không khoản vay sẽ không được giải ngân. Đó là cách để đảm bảo lợi ích cho cả đôi bên.

Loại bảo hiểm này sẽ được mua tại đơn vị mà ngân hàng chỉ định và đối tượng thụ hưởng khoản vay đó chính là ngân hàng. Giá trị của bảo hiểm cho khoản vay thế chấp được dựa trên giá trị của tài sản đảm bảo đó và cũng tùy theo từng ngân hàng quy định.

Như vậy dù là bảo hiểm cho khoản vay tín chấp hay bảo hiểm cho khoản vay thế chấp thì đều đảm bảo lợi ích cho cả bên vay và bên cho vay, tránh được những sự cố, rủi ro không may xảy ra.

3. Có bắt buộc mua bảo hiểm khi vay không?

Căn cứ khoản 2 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2019 quy định các loại bảo hiểm bắt buộc bao gồm:

“2. Bảo hiểm bắt buộc bao gồm:

a) Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách;

b) Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật;

c) Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;

d) Bảo hiểm cháy, nổ.“.

Mặt khác, theo thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng cũng không có điều khoản nào bắt buộc về việc khi vay tiền tại ngân hàng/tổ chức tín dụng phải bảo đảm khoản vay bằng việc mua bảo hiểm. Do đó, việc mua bảo hiểm cho khoản vay là sự thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng. Nó dựa trên sự tự nguyện, nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng chứ không phải quy định bắt buộc của pháp luật.

Hiện nay, các ngân hàng thường khuyến nghị khách hàng mua bảo hiểm khoản vay khi tiến hành vay tiền tại ngân hàng bởi doanh số bán bảo hiểm cũng là 1 phần chỉ tiêu áp cho nhân viên ngân hàng; đồng thời cũng đảm bảo khoản vay đó nếu trong trường hợp người vay tiền không có khả năng thanh toán. Tuy nhiên, bảo hiểm khoản vay chỉ là sản phẩm lựa chọn đi kèm chứ không phải là điều kiện bắt buộc để các ngân hàng xét duyệt khoản vay cho khách hàng.

Một trong những lý do mà nhiều nhân viên ngân hàng luôn đề cập đến vấn đề bảo hiểm cho khách hàng khi họ vay tiền bởi đó là chỉ tiêu doanh số họ phải đạt được nên khi khách hàng vay tiền thì nhân viên không giải thích rõ ràng với khách hàng về lợi ích của loại bảo hiểm kèm theo khoản vay; thậm chí vì để ăn hoa hồng mà họ nói với khách đây là khoản bảo hiểm bắt buộc phải mua. Chính điều này đã gây ra tâm lý bức xúc, khó chịu cho khách hàng.

Khách quan mà nói thì bảo hiểm khoản vay không chỉ mang lại lợi ích cho ngân hàng mà còn giúp người vay bảo vệ bản thân và những người phụ thuộc của mình tránh khỏi những tổn thất tài chính khi không may xảy ra rủi ro. Nhưng chi phí tham gia bảo hiểm khá cao, do đó khách hàng tùy vào điều kiện tài chính và nhu cầu của mình để cân nhắc xem có nên tham gia hay không.

4. Khi vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm thì xử lý như thế nào?

Mặc dù việc mua bảo hiểm là không bắt buộc theo quy định của pháp luật mà nó phải dựa trên sự tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu và khả năng tài chính của người mua nhưng nhiều ngân hàng/tổ chức tín dụng gây khó dễ cho người vay, nếu không mua gói bảo hiểm khoản vay thì ngân hàng sẽ không xét duyệt và giải ngân gói vay đó. Vì vậy, nhiều khách hàng dù chưa thực sự có nhu cầu hoặc điều kiện kinh tế không cho phép nhưng để được giải quyết nhu cầu về vốn mà họ đành phải tự nguyện mua bảo hiểm do ngân hàng chỉ định.

Việc ép khách hàng phải mua bảo hiểm khi vay tiền tại ngân hàng là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó để khắc phục tình trạng này, pháp luật đã đưa ra mức xử phạt đối với hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn tại điểm đ khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP như sau:

“2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

đ) Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.“

Như vậy, nếu ép khách hàng mua bảo hiểm khoản vay, ngân hàng có thể bị phạt từ 40 – 50 triệu đồng. Ngoài ra, phía ngân hàng có thể phải chịu thêm hình phạt bổ sung là bị đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.