Hiện tượng vua chuột là gì

Hỏi 10 người, 9 bảo họ sợ chuột, nên sẽ chẳng quá lời khi nói chuột là một trong những loài vật khiến nhiều người kinh sợ nhất hành tinh.

Cũng đúng thôi, vì chuột… rất bẩn, và chúng nó vốn được gắn liền với bệnh tật, mà toàn là những dịch bệnh nghiêm trọng, như đại dịch Cái chết đen tại châu Âu và châu Á vào thế kỷ 14.

Và bạn biết không, chuột còn có thể khiến bạn thất kinh theo một cách khác, nếu như hiện tượng này xảy ra. Nó mang cái tên khá kỳ lạ: Vua chuột (rat king) – và là một hiện tượng mà nói thật là… chẳng ai muốn trông thấy nó.

Hiện tượng “vua chuột” là gì?

“Vua chuột” là một thuật ngữ dùng để mô tả hiện tượng một nhóm các con chuột có đuôi thắt chặt vào nhau. Nút thắt này chặt đến mức không thể có bất kỳ con chuột nào trong nhóm có thể thoát ra. Hiện tượng này rất hiếm khi gặp và đã truyền cảm hứng cho nhiều truyền thuyết trong nhiều thế kỷ.

Mới đây, người ta phát hiện ra vua chuột ghê rợn ở đất nước Bắc Âu Estonia trong một cảnh tượng “cực kỳ hiếm gặp”.

Cụ thể, một người dân địa phương ở Tartu có tên Johan Uibopuu, 28 tuổi và mẹ đã tìm thấy vua chuột gồm 13 con bên trong chuồng gà của gia đình. Trong đó có hai con đã chết bị dính chặt đuôi vào nhau khi chúng nỗ lực tranh giành tìm cách tự giải thoát.

Johan Uibopuu cho biết: “Tôi đang tận dụng tối đa một buổi sáng yên tĩnh ở Tartu thì mẹ tôi gọi thông báo về sự việc kỳ lạ. Bà vừa đi cho gà ăn thì phát hiện bầy chuột ở ngay lối vào khi bà vừa mở cửa. Vượt qua nỗi sợ hãi, bà ấy gạt chúng ra khỏi vị trí ở cửa ra vào nhưng chúng vẫn dính chặt vào mặt đất”.

Những con chuột dính đuôi vào nhau trong hiện tượng vua chuột hiếm gặp

Từ lâu người ta thường truyền tai nhau rằng vua chuột là dấu hiệu của một đợt bệnh dịch sắp xảy ra. Johan Uibopuu cũng thấy lo sợ và cho biết đây là lần đầu tiên anh nhìn thấy trực tiếp, biết vua chuột là như thế nào.

Andrei Miljutin, làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, Đại học Tartu, người trước đây từng ghi lại một cuộc chạm trán với vua chuột vào năm 2005, đã đồng ý giữ lấy mẫu vật vua chuột ở Estonia.

Ông nói: “Những con chuột trong vua chuột khó thoát khỏi bị kết án tử hình. Ngay cả khi tìm cách thoát ra, chúng vẫn không thể di chuyển bình thường, hay tìm kiếm thức ăn và hoàn toàn không được bảo vệ. Sự sống sót của chúng phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể”.

Johan Uibopuu, là một bác sĩ thú y cho biết có điều gì đó đã thu hút lũ chuột đến khu vực Põlva, miền nam Estonia nhưng không biết bằng cách nào mà lũ chuột lại bị dính vào nhau như vậy.

Johan Uibopuu cho biết: “Lũ chuột đã đào một đường hầm từ đâu đó dưới lòng đất lên đến gần cửa. Trong chuồng gà thường có nhiều thức ăn, nước uống nên lũ chuột tự kéo đến. Nhiệt độ khi đó khoảng dưới 0 độ C vào ban đêm nên có thể đám chuột lại gần với nhau để giữ ấm. Khi tất cả cố gắng chui vào đường hầm có đường kính quá nhỏ nên chúng bị mắc kẹt”.

Tiến sĩ Miljutin nói rằng vua chuột là một ‘hiện tượng cực kỳ hiếm gặp’ với chỉ 60 trường hợp trong lịch sử gần 500 năm. Tuy nhiên, ông cũng đề cập đến việc có vua chuột nhưng con người không tìm thấy hoặc không báo cáo. Hiện tại mẫu vật vua chuột ở Estonia được lưu giữ tại bảo tàng…

Rất ít người tin có hiện tượng “vua chuột” là có thật. Và đến hiện nay, nguyên nhân của hiện tượng này vẫn là đề tài tranh luận gay gắt của các nhà khoa học.

Vào năm 1954, một nhà khoa học đã giải thích hiện tượng “vua chuột” xảy ra là do những con chuột có thể tiếp xúc với những chất dính như nhựa cây nên đuôi của chúng mới dinh nhau và bị thắt chặt lại. Khi những con chuột bị dính vào nhau, chúng sẽ hoảng sợ và càng cố tìm cách thoát ra khiến nút thắt này càng chặt hơn.

Còn Emma Burns – phụ trách khoa học tự nhiên tại Ɓảo tàng Otago cho biết, “vua chuột” là hiện tượng tự nhiên, không phải nhân tạo. Hiện tượng này xảy ra là do đuôi của một số con chuột có phản xạ “siết chặt” vào nhau.

Tuy nhiên, đến nay, hiện tượng này vẫn chưa có lời giải thích khoa học cụ thể. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, hiện tượng này là một nỗi sợ hãi tột cùng. Bởi lẽ, nhiều người cho rằng, hiện tượng này là một điềm báo cho một đại nạn nào đó sắp xảy ra như nạn đói, dịch bệnh. Từ đó, những con chuột có đuôi bị quấn chặt vào nhau thường bị giết ngay sau khi phát hiện, hoặc đưa lên chùa làm lễ thanh tẩy.

Thuật ngữ “vua chuột” thực chất có nguồn gốc từ tiếng Đức – “Rattenkonig”, từ mang nghĩa xúc phạm, ám chỉ những người chỉ sống dựa vào người khác. Và cũng tại Đức, những “vua chuột” với số lượng không nhỏ đã được ghi nhận.

Năm 1564, vua chuột đầu tiên xuất hiện bao gồm 25 con chuột nâu. Nhưng kể từ đó, những vua chuột tiếp theo gần như là chuột đen – hay chuột cống, trong đó vua chuột gần nhất xuất hiện vào năm 1986 tại Vendee, Pháp. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng xảy ra ở loài sóc. Cũng như các con chuột, các con sóc này càng cố gắng thoát khỏi nút thắt, thì càng trở nên kẹt chặt hơn.

Điềm xấu và là dấu hiệu nguy hiểm

Trong lịch sử, vua chuột luôn được cho là điềm xấu, là thứ đem lại nỗi sợ dành cho đa phần dân chúng. Chúng thường bị giết luôn ngay sau khi phát hiện, hoặc được các thầy tu đem về làm lễ tẩy rửa.

Nhưng nếu bỏ qua vấn đề mê tín, thì quả thực đây là một dấu hiệu không hề tốt đối với cả cộng đồng.

Tại sao? Vì vua chuột thường chỉ xảy ra ở những nơi cực kỳ bẩn, và chỉ khi đàn chuột đang gia tăng với tốc độ khủng khiếp. Như đã biết, chuột là vật trung gian cho những dịch bệnh vô cùng đáng sợ như dịch hạch – thứ gây ra cái chết của hàng triệu người trong quá khứ.

Vậy nên nếu chẳng may tìm thấy vua chuột, khả năng là tất cả phải cùng nhau chung tay tiêu diệt loài vật “ăn tàn phá hại” này trước khi quá muộn.

Ngày nay, vẫn còn một số vua chuột được trưng bày tại các bảo tàng trên thế giới. Như tại Bảo tàng khoa học Mauritanium (Altenburg, Đức) có xác ướp vua chuột lớn nhất thế giới, lên tới 32 con chuột đen dính lại với nhau.