Ưu và khuyết điểm của phần mềm giáo dục EMIS

Ông Trần Hường, Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam, bộc bạch rằng rất mê EMIS. Ông cũng nghiên cứu tìm tòi những ứng dụng thích hợp cho hệ thống để nó có thể hỗ trợ tốt hơn. Đối với ông Hường, EMIS giúp đánh giá đúng quá trình phát triển giáo dục, phân tích nguyên nhân, dự báo và “kế hoạch hóa” giáo dục, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn. Ông Hường khẳng định: “EMIS là một công cụ đắc lực cho nhà quản lý giáo dục”.

Một đại diện Sở giáo dục và đào tạo Quảng Ninh cho biết EMIS không đơn thuần là một phần mềm chỉ xuất ra các báo cáo thống kê thông thường mà còn mang rất nhiều thông tin khác trong lĩnh vực giáo dục và thực sự hữu ích cho công tác quản lý, bởi lẽ hồ sơ thu thập thông tin của nó rất đầy đủ và chi tiết.

Ông Bùi Ngọc Dảo, Phó Giám đốc Sở giáo dục đào tạo Hòa Bình, lại đưa ra nhiều ví dụ cụ thể mà địa phương đã ứng dụng từ EMIS, như lập biểu đồ so sánh chất lượng giáo dục giữa các huyện, vùng, trường từ đó phân tích các yếu tố tác động đến giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. EMIS cũng được sử dụng để tổng hợp, phân tích xác định nhu cầu đào tạo và biên chế của đội ngũ giáo viên từng cấp học, bậc học, ngành học, tránh được đào tạo thừa hoặc thiếu.

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả, hệ thống EMIS vẫn có nhiều điểm phức tạp. Ông Bùi Ngọc Dảo cho rằng, ở Hòa Bình, việc nắm bắt các yêu cầu của hệ thống không kịp thời do sự thay đổi thường xuyên cán bộ thống kê. Trong khi đó, do đang trong quá trình thí điểm nên các công cụ kiểm tra và làm sạch số liệu của EMIS chưa được xây dựng, các văn bản pháp quy cho việc sử dụng hệ thống chưa ban hành… Chính vì những yếu tố này, hệ thống dữ liệu của EMIS trong hai năm qua tại Hòa Bình chưa bảo đảm tính chính xác.

Đối với ngành giáo dục Đắk Lắk, khuyết điểm của EMIS lại nằm ở việc triển khai hệ thống này vẫn chưa được đồng bộ, nhiều cán bộ quản lý còn hạn chế về kỹ năng sử dụng máy tính. Đại diện lãnh đạo ngành giáo dục Quảng Ninh lại nhận định hệ thống EMIS hiện nay chỉ mới dừng lại ở mức độ quản lý cấp phòng giáo dục và lấy trường học làm cơ sở, dẫn đến việc thu thập thông tin, số liệu vẫn mất nhiều thời gian, độ chính xác còn phụ thuộc vào người cung cấp…

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc ứng dụng EMIS, hầu hết các nhà quản lý giáo dục vẫn tìm thấy hiệu quả cao từ hệ thống này. Song, để EMIS thực sự là công cụ hữu hiệu nhất cho các nhà quản lý giáo dục hệ thống cần phải hoàn thiện hơn nữa.

EMIS được coi là một hệ thống quản lý thông tin giáo dục một cách toàn diện về trường, lớp, học sinh và các điều kiện phát triển giáo dục của các đơn vị như: nhân sự, cơ sở vật chất – kỹ thuật, tài chính và các điều kiện phục vụ dạy và học. Hệ thống này còn cho phép các sở GD-ĐT xây dựng website thông tin quản lý giáo dục trên mạng Internet và mở rộng xây dựng hệ thống website – e-mail trên mạng Internet để liên lạc trong toàn ngành.

Thanh Niên