Ngứa họng ho có nguyên nhân do đâu và cách điều trị hiệu quả | Medlatec

Ngứa họng ho là triệu chứng khá thường gặp, gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của cho bất cứ ai. Hơn nữa đây còn có thể là dấu hiệu của bệnh lý đường hô hấp cần được điều trị sớm. Cùng MEDLATEC phân loại, xác định những nguyên nhân gây ngứa họng và ho qua bài viết dưới đây.

09/07/2020 | Ngứa họng ho có nguyên nhân do đâu và cách điều trị hiệu quả 04/07/2020 | Một số thông tin về bệnh bạch hầu ho gà uốn ván bạn nên biết 28/06/2020 | Trẻ bị ho nguyên nhân do đâu và cha mẹ cần làm gì? 27/06/2020 | Sinh hoạt chuyên môn: “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh lý khớp thái dương hàm”

1. Những nguyên nhân gây triệu chứng ngứa họng ho

Ho là phản xạ bảo vệ cơ thể tự nhiên, giúp loại bỏ dị vật, làm sạch đường hô hấp. Ngứa cổ họng cũng gây ra phản xạ ho, có thể do nhiều nguyên nhân như sau:

1.1. Do kích thích từ môi trường

Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra ho, ngứa họng cấp tính gồm:

– Viêm mũi dị ứng

Tình trạng này thường gặp khi thời tiết thay đổi, chuyển mùa, kết hợp với các yếu tố tác động gây kích thích cổ họng như: phấn hoa, khói bụi, thuốc lá,… Viêm mũi dị ứng sẽ khiến bạn có những biểu hiện khác như hắt xì hơi nhiều lần, ngứa mắt, chảy nước mắt, mệt mỏi, nghẹt mũi,…

Viêm mũi dị ứng thường gặp khi thời tiết thay đổi

Viêm mũi dị ứng thường gặp khi thời tiết thay đổi

Viêm mũi dị ứng và các triệu chứng của nó có thể kéo dài, lặp lại nhiều lần nếu không điều trị dứt điểm.

– Dị ứng

Dị nguyên dị ứng có thể đến từ:

+) Thực phẩm: hải sản, sữa, trứng, lúa mì,… gây ngứa cổ họng, khoang miệng cùng một số biểu hiện kèm theo khác.

+) Thuốc: Dị ứng với các loại kháng sinh, penicillin dễ gây tình trạng ngứa họng, phát ban, ho, ngứa tai, buồn nôn, ói mửa, tụt huyết áp, tiêu chảy, da đỏ quanh mắt, khó nuốt,… Ngoài ra một số loại thuốc điều trị có thể gây tác dụng phụ ngứa cổ họng và ho.

1.2. Do nguyên nhân bệnh lý

ngứa họng ho có thể xuất phát từ các bệnh lý của cơ thể như:

– Nhiễm vi khuẩn, virus

Vi khuẩn, virus gây bệnh đường hô hấp cũng thường gây ngứa họng, ho. Tuy nhiên tình trạng này chỉ kéo dài một thời gian, sau khi khỏi bệnh thì triệu chứng cũng tự hết. Chỉ trong trường hợp bội nhiễm thì ngứa họng ho mới kéo dài, lúc này bạn cần tới bệnh viện để được khám và điều trị dứt điểm.

Ngứa họng ho do nhiễm virus, vi khuẩn sẽ kèm theo các triệu chứng liên quan như sốt, nhiễm cúm, đau nhức cơ thể, ho dai dẳng, nghẹt mũi, nhức đầu,…

– Viêm – đau họng

Cảm lạnh, cảm cúm, viêm đau họng đều gây ra triệu chứng ngứa họng và ho đầu tiên, sau đó sẽ dẫn tới viêm sưng cổ họng, ho khan hoặc ho có đờm, sổ mũi, sốt, hắt hơi,… tùy vào tình trạng bệnh.

Trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể gây ngứa họng ho

Trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể gây ngứa họng ho

– Trào ngược dạ dày thực quản

Khi bị trào ngược dạ dày thực quản, acid và dịch dạ dày sẽ gây kích thích, tổn thương vùng họng, tạo cảm giác ngứa, Bên cạnh đó, người bệnh cũng xuất hiện một số triệu chứng nhận biết kèm theo như viêm thanh quản, khó nuốt, nóng ở ngực và cổ họng, miệng có vị lạ,…

– Viêm mũi, viêm xoang

Viêm mũi, viêm xoang cũng gây ra triệu chứng ngứa họng, ho và kèm theo chảy nhiều dịch mũi.

Cần phân biệt ngứa họng ho cấp tính với các triệu chứng ho nguy hiểm hơn như: ho khan, ho có máu,… Đây đều là những tình trạng bệnh khó điều trị, nguy hiểm và ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, tính mạng người bệnh. Nếu ngứa họng, ho do bệnh lí, cần điều trị bệnh dứt điểm để tránh triệu chứng kéo dài thành mãn tính.

1.3. Do các yếu tố khác

Ngứa họng ho cấp tính có thể do một số nguyên nhân khác như:

– Mất nước: khát nước nhiều giờ, mất nước do ốm sốt cũng là nguyên nhân dẫn tới ngứa họng, khô họng và ho.

– Cổ họng tổn thương: Một số nhóm người thường xuyên phải nói to, sử dụng cổ họng nhiều như giáo viên, ca sĩ, nhà diễn thuyết,… dễ khiến họng tổn thương. Biểu hiện gồm ngứa họng, đau rát họng, khó nuốt, ho dai dẳng,…

Khói bụi không khí cũng có thể gây tổn thương cổ họng

Khói bụi không khí cũng có thể gây tổn thương cổ họng

– Môi trường sống ô nhiễm: Những người sống và làm việc thường xuyên trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi dễ bị ngứa họng ho và các bệnh lý đường hô hấp khác, đặc biệt là phổi.

– Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ: Chăm sóc răng miệng không tốt có thể dẫn tới viêm nhiễm niêm mạc họng.

– Thói quen ăn uống, sinh hoạt: Thường xuyên uống nước lạnh, nước đá, ăn đồ cay nóng, hút thuốc lá, uống rượu bia cũng khiến cổ họng bị tổn thương, sưng viêm.

2. Làm gì để giảm ngứa họng ho?

Triệu chứng đường hô hấp này gây nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống của người bệnh. Hầu hết các trường hợp ho khan, ngứa cổ họng đều có thể điều trị, giảm triệu chứng bằng một số biện pháp sau:

2.1. Súc họng bằng nước muối

Nước muối có khả năng sát khuẩn, làm sạch tốt. Súc họng nước muối sẽ giúp bạn làm sạch, thông thoáng cổ họng, dịu cơn ngứa và ho. Nên thực hiện súc họng mỗi sáng để làm sạch và ngăn ngừa các bệnh đường hô hấp thường gặp.

2.2. Ngậm mật ong chanh

Đây là bài trị ngứa họng, ho rất hiệu quả được lưu truyền trong dân gian. Ngậm một thìa mật ong hoặc nước mật ong chanh ấm sẽ giúp làm dịu nhẹ cổ họng, giảm ngứa ho nhanh chóng.

Ngậm mật ong chanh giúp giảm ngứa, đau rát họng rất hiệu quả

Ngậm mật ong chanh giúp giảm ngứa, đau rát họng rất hiệu quả

2.3. Dùng kẹo ngậm và siro ho

Kẹo ngậm ho và siro ho cũng giúp giảm ngứa cổ họng, giảm đau rát và ho rất tốt. Cách điều trị này đặc biệt phù hợp với trẻ nhỏ vì đơn giản, hiệu quả mà vị ngọt của kẹo rất được trẻ yêu thích.

2.4. Thuốc chống dị ứng, thuốc xịt mũi

Với các trường hợp Viêm mũi dị ứng, ngứa họng ho do dị ứng thì có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc chống dị ứng và thuốc xịt mũi để làm giảm triệu chứng bệnh.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa ngứa họng ho và các bệnh lý đường hô hấp, mỗi người cần tự tăng cường bảo vệ sức khỏe bản thân, nhất là thời điểm giao mùa. Uống nhiều nước, bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống nước quá lạnh hoặc ăn đồ cay nóng sẽ giúp cổ họng bạn khỏe mạnh hơn.

Nếu triệu chứng ngứa họng ho của bạn kéo dài, mức độ ngày càng nặng và có các biểu hiện nặng hơn cần sớm đến bệnh viện khám và điều trị, bao gồm:

– Khó thở.

– Phát ban.

– Thở khò khè.

– Sưng mặt.

– Sốt cao.

– Đau họng nghiêm trọng.

– Khó nuốt.

Tình trạng ngứa họng, ho khan kéo dài có thể phải cần điều trị bằng thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus và kiểm soát dị ứng kịp thời. Lưu ý không tự ý sử dụng thuốc điều trị khi không hiểu rõ bệnh và không có chỉ định của bác sĩ.

Tìm ra đúng nguyên nhân của triệu chứng ngứa họng ho sẽ giúp bạn điều trị một cách nhanh chóng, hiệu quả, không ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống. Nếu cần tư vấn chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh, hãy liên hệ với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC ngay qua tổng đài 1900 56 56 56.