Từ Khu Du Lịch Thác Giang Điền (Trảng Bom, Đồng Nai) đến Khu Đô Thị Suối Son, du khách sẽ gặp một vườn Thiền xanh mát nằm bên bờ sông buông. ở đó, mái chùa Viên Giác Thiền Tự thấp thoáng ẩn hiện dưới bóng những tán dương cao vút. Vào khuôn viên chùa, bạn nhẹ nhàng bước trên những lối đi nhỏ uốn quanh, tắm mát trong không khí bình yên của hoa cỏ và chiêm bái những tôn tượng Phật nghiêm tịnh..
Vào những thập niên 90 của thế kỷ trước, một nhà sư trẻ đã rời khỏi chốn thị thành Sài Gòn về nơi vùng ven hẻo lánh để kiến tạo nên ngôi Thiền Tự uy nghiêm, thanh nhã ngay trên miệng hố bom – tàn tích của vùng chiến địa Đồng Nai xưa. Để giờ đây, Viên Giác Thiền Tự sớm tối vang vọng tiếng kinh, đã và đang là điểm hành hương tâm linh của hàng phật tử vào những ngày lễ trọng của Phật Giáo, đặc biệt là các ngày lễ vía Bồ Tát Quán Thế Âm trong năm.
Sa môn Thích Giác Hiếu – người khai sáng Viên Giác Thiền Tự chia sẽ câu chuyện về những ngày đầu tiên khai khẩn để thành lập Viên Giác Thiền Tự như hiện ra theo từng bước chân. Vào chùa năm 9 tuổi, đến năm 19 tuổi xuất gia. Năm 25 tuổi thọ giới Tỳ Kheo. Xuất hiện từ Tổ Đình Giác Nguyên nhưng với tâm hồn hướng về thiên nhiên, thầy quyết định rời thành phố, nối bước Hòa Thượng Bổn Sư Thích Minh Nghĩa dừng chân tại thắng cảnh Giang Điền, sớm hôm kinh kệ trong mái già lam Toàn Giác, để rồi duyên tròn quả đủ, thầy khai khẩn đất đai gần tu viện toàn giác để thành lập một thiền thất mang tên Viên Giác Thiền Tự. Mười lăm năm, một chặng đường quá ngắn so với hàng ngàn năm lịch sự Phật Giáo nhưng nó đủ để cho một con người trưởng thành. Với bản nguyện “Thiết lập đạo tràng, hoằng pháp hóa lợi sanh” ấy mà trong suốt 15 năm qua đại đức thích giác hiếu đã biến viên giác thiền tự từ một thiền thất nhỏ trở thành một đại già lam như ngày hôm nay.
Nếu có dịp ghé chân đến “Chùa Đèn”, du khách như được mở ra cả không gian để khám phá nét hài hòa giữa vẻ đẹp thiên tạo và nhân tạo. Nhờ nhãn quang của một người am hiểu kiến trúc như Thầy Giác Hiếu, theo thời gian Viên Giác Thiền Tự dần hiện lên những công trình kiến trúc chuẩn mực. Dù mới tạo dựng từ năm 1996 nhưng kiến trúc Viên Giác Thiền Tự mang vẻ cổ kính theo phong cách những ngôi thiền tự thời Lý- Trần.
Khi xây dựng ngôi chùa này, vị thầy khai sáng muốn cho du khách thập phương cảm nhận sự bình an, tĩnh lặng khi đến chùa. Các pho tượng được tôn trí trong khuôn viên chùa hầu hết đều bằng xi măng, mang một phong cách độc đáo. Qua những tác phẩm điêu khắc này ta có thể hiểu được cảnh sinh hoạt và đời sống của Chư Tăng Và Phật tử trong chùa, không khí trang nghiêm của ngôi Thiền Tự và nếp sống tu hành chân chính của ngôi chùa này.
Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu tu học cho Tăng Ni, Phật tử gần xa, từ đầu năm 2010, Đại Đức trụ trì đã phát nguyện đại trùng tu Viên Giác Thiền Tự theo quy hoạch tổng thể trong khuôn viên rộng hơn 5 hecta với nhiều công trình quy mô đang được xây dựng. Theo đồ án quy hoạch, chùa chia thành hai khu vực: nội viện và ngoại viện. Khu nội viện, chiếm diện tích 2 hecta, bao gồm chánh điện và các khu tăng xá, thiền thất… Các hạng mục này đang được thi công dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 9/2012. Khu vực ngoại viện có diện tích 3 hecta, bao gồm các công trình lớn như lâm viên đại bi chú, trong đó thể hiện 84 tôn tượng hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm trong cảnh giới Đại Bi Chú và giảng đường Thiện Tường có diện tích hơn 6.500 m2 với chiều dài 80m và chiều ngang 80m, chia làm 3 tầng. Tầng 1 được chia thành 12 gian (tượng trưng cho Thập Nhị Đại Nguyện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát) trong đó được xây 48 thiền thất (tượng trưng cho 48 đại nguyện của Đức Phật A Di Đà). Tầng 2 thông với tầng 3 sẽ được sử dụng làm giảng đường và là nơi tổ chức các khóa tu tập, hành trì của Tăng Ni, Phật tử. Chiều cao của công trình này là 37m (biểu trưng cho 37 phẩm trợ đạo). Đặc biệt chùa đang thi công công trình khắc kinh trên đá. Đây có thể nói là công trình kỷ lục tại Viên Giác Thiền Tự, bao gồm ba khối đá nặng trên 400 tấn. Khối đá nặng hơn 1800 tấn được khắc Kinh Phổ Môn.
Đại Đức Thích Giác Hiếu cho biết: “Kinh Phổ Môn là bộ kinh nói về công hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm được được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu trong Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa. Chúng tôi khắc bộ kinh này lên đá cũng nhằm thể hiện lòng thành kính hướng về Đức Quán Thế Âm, đồng thời là chất liệu để lưu dữ cho ngàn sau…”. Bản Kinh Phổ Môn được đặt phía trước giảng đường Thiện Tường, hai bên là hai bản Kinh Kim Cang.
Với đồ án quy hoạch tổng thể đó, có thể nói Viên Giác Thiền Tự sẽ là một trong những trung tâm tu học lớn của khu vực Đông Nam Á và là điểm hành hương đầy ý nghĩa cho du khách trong và ngoài nước. “Khi khoác ào Cà Sa tôi luôn tâm niệm phải học Đạo, tu Tâm theo lời Phật dạy. Nhưng hành đạo không có nghĩa chỉ tu cho bản thân mình, mà phải đem cái tâm “Hỷ” trải lòng trên niềm vui của nhân sinh, đem cái tâm “Từ” để giáo hóa những ai còn nặng nghiệp chướng, tai ương. Xây dựng Tam Bảo, thiết lập đạo tràng cũng chỉ nhằm hướng đến bản nguyện độ sanh, đó cũng là bản nguyện của người xuất gia…” – Đại Đức Thích Giác Hiếu chia sẽ.
Một ngày ở Viên Giác Thiền Tự là một ngày được sống trọn vẹn trong niềm an lạc của sự tĩnh lặng bình yên. Mọi sự nhiễu nhương của cuộc đời, cái giới hạn của không gian và thời gian dường như tan biến, để thay vào đó sự thanh tịnh, yên bình. Về với Viên Giác Thiền Tự là tìm về chính mình; nơi đây con người được yêu thương và chia sẽ, được sống cùng với thiên nhiên và nguồn cội, nhất là khi được thắp lên ngọn nến của tuệ giác… Tuệ giác là nguồn khai sáng và đạo diễn cho cuộc đời hướng về giá trị của an vui và hạnh phúc, nơi nào được thắp sáng bằng tuệ giác nơi đó có hạnh phúc, có tình thương và hòa bình…
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!