Đặc điểm của sự hình thành và phát triển nhân cách ở sinh viên Việt Nam hiện nay

Nhân cách ở sinh viên là tổng thể những phẩm chất đạo đức, năng lực thể chất và tinh thần được hình thành một cách lịch sử – cụ thể, qui định giá trị và những hành vi xã hội của sinh viên. Nó thể hiện qua cách ứng xử, hoạt động cá nhân, xã hội của mỗi sinh viên. Trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách ở sinh viên chịu tác động của một số yếu tố cơ bản. Dưới đây mới chỉ là bước đầu nghiên cứu một số, chứ không phải là tất cả đặc điểm đó.

Thứ nhất, sự hình thành và phát triển nhân cách ở sinh viên trước hết bị qui định bởi điều kiện kinh tế – xã hội.

Hoạt động thực tiễn của con người chính là quá trình thực hiện mục đích, lợi ích của họ. Mác khẳng định lịch sử không phải là cái gì khác mà là hoạt động của con người theo đuổi những mục đích của mình. Tuy nhiên, mục đích của con người bao giờ cũng xuất phát và gắn liền với tính chế định của các quan hệ kinh tế trong một thời kỳ nhất định của lịch sử xã hội. Điều kiện kinh tế – xã hội đã tạo ra một giới hạn, một xu thế hình thành nhân cách trong mỗi con người. Sự phát triển của nhân cách với tư cách là sự phát triển các phẩm chất xã hội thuộc mỗi cá nhân trong cộng đồng xã hội cũng không nằm ngoài những qui định khách quan của những điều kiện đó. Và do vậy, sự hình thành và phát triển nhân cách ở sinh viên Việt Nam hiện nay cũng tất yếu theo qui luật chung ấy.

Trong điều kiện nước ta hiện nay, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là môi trường, là cơ sở cho quá trình phát triển nhân cách nói chung và nhân cách ở sinh viên nói riêng.

Nhân cách sinh viên là vấn đề, là phạm trù thuộc kiến trúc thượng tầng, nảy sinh và phát triển trên cơ sở kinh tế. Nền kinh tế toàn Đảng, toàn dân ta đang xây dựng là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường là nền kinh tế sản xuất hàng hoá để trao đổi giữa các ngành, vùng, miền, quốc gia, cho nên, người quản lý và lao động sản xuất không chỉ chú trọng hạch toán kinh tế, chi phí cho sản xuất, thời gian, năng suất, lời lãi, mà còn phải giữ chữ tín, niềm tin với khách hàng, đối tác, nghĩa là phải có nhân cách – một trong những điều kiện để đứng vững và thành công trong nền kinh tế thị trường. Hoạt động trong kinh tế thị trường con người hình thành và phát triển một hệ giá trị mới như tinh thần độc lập, tự chủ, khả năng quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công việc của mình. Nó có tác động tích cực đến việc bài trừ thói dựa dẫm, ỷ lại vốn tiềm ẩn trong mỗi người. Nó khắc phục được quan niệm trước đây về chủ nghĩa xã hội một cách giản đơn và ấu trĩ, hoà tan cá nhân vào tập thể, con người bị cào bằng trong các mối quan hệ dẫn đến tê liệt sự phát triển cá nhân. Chính sự phát triển tinh thần tự tôn, tự chủ, tự cường, tự lập do kinh tế thị trường mang lại không chỉ góp phần cải thiện sinh hoạt vật chất, mà còn định hướng người ta trong sự phát triển tinh thần, là chất xúc tác làm cho con người hiện đại can thiệp vào đời sống cộng đồng, làm ló rạng cái tôi chủ thể. Nó không làm mất cái cá nhân trong cái cộng đồng như trong các nền kinh tế trước thời kỳ đổi mới. Những nhận xét đó về tác động tiêu cực của nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp trước đây, theo tôi là khá chính xác và có sức thuyết phục. Nhân cách con người trong nền kinh tế cũ đó, rõ ràng là có nhiều khía cạnh, vấn đề cần được xem xét, khắc phục.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa giải phóng năng lực sáng tạo của cá nhân. Trước đây trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp, con người chỉ được thể hiện mình trong sự hoà đồng, gắn bó với tập thể, cộng đồng, xã hội. Con người cá nhân và lợi ích cá nhân dường như bị hoà tan trong cộng đồng xã hội. Vì vậy, trong nền kinh tế này, mỗi cá nhân luôn có ý thức vươn lên, học tập, tu dưỡng, tìm tòi, sáng tạo trong học tập, lao động và sản xuất để nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm lao động với phương châm sản phẩm có giá thành thấp và giá trị sử dụng cao để đánh bại mọi đối thủ cạnh tranh trên thương trường. Chiến thắng trong sự cạnh tranh lành mạnh là kết quả của những sáng tạo trong quá trình áp dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, là thành quả của sự sáng tạo trong quản lý, điều hành sản xuất. Đó cũng chính là yếu tố, là động lực phát triển tài năng và nhân cách của con người nói chung.

Học tập và làm việc trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì thế, nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay được hình thành và phát triển trong môi trường, cơ sở kinh tế này, có thể nói là khá lý tưởng.

Thứ hai, Giáo dục giữ vai trò chủ đạo trong sự hình thành và phát triển nhân cách ở sinh viên.

Giáo dục là một hiện tượng xã hội, trong đó một tập hợp xã hội (nhóm người) đã tích luỹ được vốn kinh nghiệm nhất định truyền đạt lại cho nhóm xã hội khác nhằm giúp họ tham gia vào đời sống xã hội, giúp họ hiểu biết các chuẩn mực, khuôn mẫu, giá trị xã hội để hình thành nhân cách phù hợp với sự đòi hỏi của lợi ích xã hội. Đó là một nhận xét, khái quát chính xác. Vì thế, Lênin gọi giáo dục là một phạm trù vĩnh cửu. Con người khi mới sinh ra mang bản tính thiên nhiên, sau lớn lên, trưởng thành bằng cách lĩnh hội các kinh nghiệm xã hội – lịch sử bao gồm tri thức khoa học, kỹ năng lao động, văn hoá.. bằng cơ chế truyền thụ và tiếp thu (giáo dục và đào tạo) con người hình thành “bản tính thứ hai” – bản tính xã hội.

Vai trò chủ đạo của giáo dục trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách được thể hiện qua nội dung và hình thức giáo dục. Một là, giáo dục vạch ra phương hướng, tạo dựng lên những hình mẫu nhân cách phù hợp với các yêu cầu của xã hội hiện tại thông qua nội dung giáo dục giá trị nhân cách, qua mục tiêu giáo dục mẫu hình nhân cách của nhà trường và xã hội. Hai là, một nội dung cơ bản trong giáo dục là truyền thụ các vốn văn hoá truyền thống của dân tộc, để các thế hệ nối tiếp nhau kế thừa, bảo tồn và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp đó như một cơ sở nền tảng để hình thành giá trị nhân cách cho bản thân. Ba là, qua giáo dục và bằng giáo dục hướng thế hệ trẻ đến một tương lai tốt đẹp. Giáo dục có khả năng uốn nắn những hành vi lệch chuẩn trong sự phát triển nhân cách, tạo dựng những mẫu hình nhân cách mới đáp ứng những đòi hỏi của xã hội.

Nhân cách trong sự hình thành và phát triển một mặt chịu tác động có mục đích của quá trình giáo dục, mặt khác, nhân cách cũng là kết quả của quá trình tự giáo dục, tự hoàn thiện trong bản thân mỗi con người.

Việc hình thành và phát triển sinh viên ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay dĩ nhiên theo qui luật chung, tức là cần coi trọng công tác giáo dục, đào tạo. Đó là một đặc điểm đáng lưu ý, quan tâm trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Thứ ba, nhân cách là kết quả của quá trình tác động qua lại giữa các yếu tố chủ quan và các yếu tố khách quan hay nói cách khác đó chính là biện chứng của quá trình xã hội hoá cá nhân và cá nhân hoá xã hội.

Nếu con người bị tách ra khỏi môi trường và các hoạt động xã hội thì nhân cách con người không thể hình thành và phát triển được. Mác và Ăng ghen, trên cơ sở kế thừa quan niệm của các nhà duy vật Pháp về sự tác động của môi trường xã hội đến nhân cách, đã khẳng định rằng: “Nếu như con người bẩm sinh đã là sinh vật có tính xã hội thì do đó con người chỉ có thể phát triển bản tính chân chính của mình trong xã hội và cần phải phán đoán lực lượng của bản tính của anh ta, không phải căn cứ vào lực lượng của cá nhân riêng lẻ mà căn cứ vào lực lượng của toàn xã hội”. Nói cách khác, đây chính là quá trình xã hội hoá cá nhân. Tuy nhiên, xã hội hoá cá nhân trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách không chỉ biểu hiện sự tác động một chiều mà còn bao hàm cả quá trình cá nhân hoá xã hội. Nó có mối quan hệ biện chứng. Một mặt, nó khẳng định vai trò to lớn của sự tác động xã hội đến sự hình thành và phát triển nhân cách. Mặt khác, khi nhân cách được hình thành, con người trở thành chủ thể xã hội với bản chất là hoạt động sáng tạo, cải tạo xã hội nói riêng và thế giới hiện thực nói chung. Con người lại không ngừng tạo ra những điều kiện môi trường xã hội mới, tốt đẹp làm cơ sở cho quá trình hình thành và phát triển nhân cách.

Nghiên cứu mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, ảnh hưởng của xã hội đến cá nhân, tác động của cá nhân trong cải tạo, biến đổi xã hội, ta thấy đó là những yếu tố, điều kiện quan trọng để hình thành, nhân cách của con người nói chung. Sinh viên là lớp người đặc thù có hoạt động chủ yếu là học tập, nghiên cứu khoa học trong nhà trường đại học. Vì thế, để hình thành và phát triẻn nhân cách thì sinh viên càng phải chú trọng thâm nhập thực tiễn, đi vào cuộc sống sôi động, học đi đôi với hành, lấy tri thức lý luận, khoa học áp dụng vào thực tiễn lao động sản xuất, luôn gắn nhà trường với xã hội. Phương châm xây dựng và phát triển nhân cách cho sinh viên Việt Nam hiện nay như thế là quán triệt nghiêm túc chủ trương giáo dục, đào tạo của Đảng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Làm theo phương châm này, sinh viên cũng như thế hệ trẻ Việt Nam sẽ trở thành những con người phát triển khá toàn diện, vừa tiếp thu được những tri thức trong sách vở, giảng đường, vừa am hiểu cuộc sống thực tiễn phong phú, vừa có phẩm chất đạo đức, vừa tài năng, vừa hồng, vừa chuyên.

Thứ tư, đặc thù tâm lý lứa tuổi sinh viên tác động rõ nét đến quá trình thành và phát triển nhân cách ở họ.

Sinh viên, đa số nằm trong độ tuổi thanh niên từ 18 đến 23 tuổi. Đây là độ tuổi con người phát triển lên một bước mới trong hoạt động tư duy, trong tình cảm, ý chí và đầy khát vọng hướng tới tương lai. Đồng thời cũng chính là quá trình con người hình thành, phát triển và dần hoàn thiện nhân cách. Sự phát triển và hoàn thiện nhân cách sinh viên được biểu hiện trên cả hai mặt: mặt sinh học và mặt xã hội.

Mặt sinh học, cơ thể chưa được phát triển đầy đủ, đòi hỏi nhu cầu cao về chất dinh dưỡng và đi liền với nhu cầu vật chất ấy là nhu cầu hoạt động như một tất yếu cần thiết cho quá trình lượng hoá vật chất đã tiếp nhận. Vì vậy, dễ dàng nhận thấy về mặt xã hội, sinh viên tham gia vào tất cả các hoạt động tập thể rất nhiệt tình, thậm chí cả những hoạt động không phù hợp với bản thân họ. Khi tham gia các hoạt động xã hội, sinh viên một mặt tích cực được tự thể hiện, tự khẳng định mình, mặt khác có một số sinh viên hoạt động thiếu ý thức, quậy phá không rõ nguyên nhân, có nhiều biểu hiện lệch lạc trong định hướng cuộc sống, đó là những biểu hiện chưa hoàn chỉnh trong nhân cách ở sinh viên. Chúng ta cần làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan tác động đến quá trình hình thành và phát triển của nhân cách sinh viên, một trong những nguyên nhân chủ quan bắt nguồn từ đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của sinh viên.

Do đặc điểm riêng biệt của lứa tuổi, sự phát triển nhân cách sinh viên luôn chịu ảnh hưởng, tác động chi phối và lệ thuộc nhiều vào hoàn cảnh kinh tế – xã hội, vào chế độ chính trị – xã hội của đất nước. Họ là trái ngọt của sự giáo dục kết hợp giữa gia đình – nhà trường và xã hội. Họ tiếp thu nhanh những giá trị truyền thống và những giá trị xã hội mới. Họ có khả năng thụ cảm, khát vọng vươn tới lý tưởng, luôn khao khát hiểu biết và khám phá… Tuy nhiên, là thế hệ trẻ còn bồng bột, thiếu kinh nghiệm sống, họ nhiều khi hay lẫn lộn lý tưởng với ảo tưởng, tính lãng mạn với sự kỳ dị… Những va chạm trong cuộc sống, nhiều khi họ không đủ nghị lực để phấn đấu dũng cảm, kiên trì cho lý tưởng, thực hiện ước mơ hoài bão của mình. Để giải quyết sự mâu thuẫn, lấp đầy hố ngăn cách tồn tại thực tế giữa sự phức tạp trong hiện thực cuộc sống, họ dễ bị rơi vào chủ nghĩa hoài nghi bi quan hoặc chủ nghĩa hoài nghi lãnh đạm. Trong những trường hơp này, sự định hướng giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội là hết sức cần thiết.

Thứ năm, hệ thống nhu cầu, lợi ích của sinh viên trong hoạt động học tập, nghiên cứu và hoạt động xã hội là nhân tố tác động tích cực đến việc hình thành và phát triển nhân cách ở sinh viên.

Đây là một đặc điểm rất rõ nét trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách ở sinh viên trong giai đoạn cách mạng đổi mới để phát triển ở Việt Nam. Nhu cầu là những đòi hỏi của con người muốn có những điều kiện nhất định để tồn tại và phát triển. Nhu cầu nảy sinh do tác động của điều kiện, hoàn cảnh khách quan và những trạng thái riêng của chủ thể. Lợi ích là cái thoả mãn nhu cầu, đáp ứng lại nhu cầu. Nói cách khác, nhu cầu chính là sự đòi hỏi những yếu tố cần thiết của cá nhân để tồn tại và phát triển. Nhu cầu được thực hiện thì trở thành lợi ích, nó đóng vai trò động lực to lớn thúc đẩy cá nhân hoạt động đạt tới mục tiêu, từng bước hiện thực hoá hoài bão, lý tưởng chính trị xã hội của mình. Người thiếu văn hoá, có văn hoá thấp do ít học, ít hoặc không va đạp cuộc sống thì thường là có nhu cầu thấp; nhu cầu thấp dù có được thực hiện trở thành lợi ích thì lợi ích này cũng chỉ đóng vai trò nhỏ bé cho sự phát triển. Ngược lại sinh viên Việt Nam, cũng như sinh viên, thế hệ trẻ toàn thế giới ngày nay, do có trình độ văn hoá, nhận thức cao, nên có nhu cầu nhiều và lớn, thêm nữa, có ý chí và quyết tâm thực hiện nhu cầu đó. Nhu cầu đó được thực hiện thì trở thành lợi ích. Lợi ích này, theo chủ nghĩa duy vật lịch sử, là động lực to lớn thúc đẩy con người và xã hội phát triển. Theo lôgic lập luận như thế thì nhu cầu và lợi ích của sinh viên góp phần đáng kể cho việc hoàn thiện và phát triển nhiều phẩm chất tốt đẹp trong nhân cách của sinh viên. Từ đặc điểm này có thể rút ra kết luận, muốn xây dựng, phát triển nhân cách cho sinh viên nước ta hiện nay thì cần giáo dục, tuyên truyền, bồi dưỡng cho họ sống có hoài bão, ước mơ, lý tưởng, tức là có nhu cầu lớn và chính đáng và quyết tâm thực hiện được những nhu cầu ấy để đem lại lợi ích – động lực trong học tập, trở thành những con người mới đóng góp, cống hiến nhiều cho cách mạng.

Hệ thống nhu cầu, lợi ích trong sinh viên rất đa dạng. Hệ thống này mang tính kém ổn định, sự di chuyển năng động hơn so với hệ thống nhu cầu, lợi ích của các tầng lớp, giai cấp khác trong xã hội. Sinh viên đặc biệt đề cao nhu cầu, lợi ích về tinh thần, nhu cầu ham hiểu biết, tiếp thu những kiến thức mới, các nhu cầu về tình bạn, tình yêu thường chiếm ưu thế cao và cấp bách hơn những tầng lớp xã hội khác. Có thể nói, với sinh viên nhu cầu về lợi ích tinh thần chiếm ưu thế nổi trội hơn so với những nhu cầu về vật chất. Hệ thống nhu cầu tinh thần trong sinh viên bao gồm:

Một là, nhu cầu học tập của sinh viên có tác động tích cực đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách sinh viên. Nhu cầu học tập đã tạo cho mỗi sinh viên bản tính độc lập, tự chủ, tinh thần sáng tạo cao. Hoạt động học tập và nghiên cứu đã hình thành lao động tự giác và sáng tạo trong mỗi sinh viên, đây là hai yếu tố cội nguồn để xây dựng đạo đức mới, là động lực để thúc đẩy họ nâng cao năng lực chuyên môn, tích luỹ những tri thức về chính trị, về xã hội và về nghề nghiệp.

Hai là, nhu cầu về tình bạn, tình yêu đối với sinh viên là rất quan trọng. Trong thế giới tinh thần của mỗi sinh viên nhu cầu về tình bạn chiếm vị trí độc tôn. Tình bạn giúp bản thân mỗi sinh viên luôn hướng tới tập thể, quan tâm giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau, hình thành một tình cảm đạo đức tốt đẹp trong nhân cách mỗi sinh viên. Khi gặp những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống thì bạn bè là người đầu tiên, nhiều khi là người duy nhất để họ sẻ chia. Tình bạn là cầu nối giữa mỗi sinh viên với cộng đồng, với tập thể, tạo nên sự giao thoa tinh thần góp phần hình thành và phát triển nhân cách sinh viên. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập kinh tế, văn hoá hiện nay, có những nhóm bạn bị tác động bởi những luồng phi văn hoá , những hoạt động không lành mạnh, sa đà vào những tệ nạn xã hội như nghiện hút, tiêm chích ma tuý, đua xe máy là một hiện tượng không còn hiếm hoi trong môi trường đại học… Bạn bè, nhà trường và xã hội cần đề ra các giải pháp để ngăn chặn các tệ nạn này, đồng thời định hướng và thu hút sinh viên tới các hoạt động xã hội lành mạnh

Ba là, sinh viên là tầng lớp thanh niên có trình độ học vấn cao nên nhu cầu tiếp thu văn hoá tinh thần của họ được chọn lọc. Sinh viên không tiếp thu văn hoá tinh thần một cách ồ ạt. Điều này giúp họ không những trân trọng và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc mà còn dễ tiếp cận những tinh hoa văn hoá của nhân loại, làm phong phú tâm hồn, tình cảm của họ, góp phần nâng cao tính chân, thiện, mỹ trong mỗi sinh viên. Một nhân cách tốt đẹp chỉ có thể xây dựng trên một tâm hồn phong phú về tình cảm, về văn hoá. Văn hoá đã tham dự và để lại những dấu ấn quan trọng trên diện mạo nhân cách sinh viên, vì văn hoá là yếu tố cơ bản đưa giá trị con người lên vị trí cao nhất trong hệ giá trị của xã hội – con người là giá trị của mọi giá trị.

Bốn là, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay nhu cầu sinh hoạt cá nhân sinh viên cũng là một yếu tố tác động mạnh đến sự hình thành và phát triển nhân cách sinh viên. Khác với trước đây, trong nền kinh tế bao cấp, sinh viên được bao cấp tất cả các kinh phí ăn, ở, học tập. Vì vậy, sự phân tầng xã hội về sự giàu, nghèo trong sinh viên hầu như không rõ. Mọi sinh viên, dù sinh ra ở nông thôn hay thành thị khi bước vào trường đều giống nhau về mức sống. Hiện nay, nhu cầu về vật chất của mỗi sinh viên rất khác nhau. Nhu cầu về mức sống cũng qui định cách sinh viên chọn bạn để chơi, tạo sự phân hoá rõ nét trong tầng lớp sinh viên, dẫn đến tình trạng mặc cảm bởi sự thua thiệt, hoặc đua đòi cho bằng bạn bè… Để đáp ứng nhu cầu vật chất, một số sinh viên đi làm thêm gia sư, bán hàng. Một số sinh viên có nhu cầu không đúng mức, đua đòi theo lối sống hưởng thụ lại sinh ra trong ra đình khó khăn đã nhanh chóng lao vào kiếm tiền không chính đáng như buôn lậu, trộm cắp, mại dâm… là điều đáng buồn đang xảy ra trong các trường đại học, làm suy thoái đạo đức, xói mòn nhân cách ở sinh viên. Từ đặc điểm này có thể rút ra kết luận, muốn xây dựng, phát triển nhân cách cho sinh viên nước ta hiện nay thì cần giáo dục, tuyên truyền, bồi dưỡng cho họ sống có hoài bão, ước mơ, lý tưởng, tức là có nhu cầu lớn và chính đáng và quyết tâm thực hiện bằng được nhu cầu đó để có lợi ích – động lực trong học tập, trở thành những con người mới, đóng góp, cống hiến nhiều cho Tổ quốc./.

_____________________________

(1). C.Mác và Ph.ăngghen Toàn tập (1995), T.2, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.200.