Đừng phí hoài cả cuộc đời mình – Tumivn.com

Thời gian cho mỗi con người là hữu hạn, cứ mỗi phút tiêu phí cho những chuyện vô bổ, cứ mỗi phút tiêu phí cho sự chán chường hay tức giận với mọi người, đó là những phút sống hoài sống phí. Bởi thế, nếu còn thời gian để sống, đó là thời gian để làm việc và cống hiến, đó là thời gian để học tập và chia sẻ, và đó là thời gian để tha thứ và thương yêu. Tôi còn sống mấy chục năm nữa, thì phải làm sao để mấy chục năm đó thật sự có ý nghĩa.

“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí..”

Tôi biết sống có ý nghĩa hơn khi đọc được những gióng giống như câu trên của Paven, và cũng từ khi biết được cuộc sống còn có những mục tiêu “cao cả hơn”, tôi đã trở nên trưởng thành hơn, và cống hiến nhiều hơn.

Trong những năm qua, phần lớn thời gian và nỗ lực của tôi đều để cho những công việc mang tính cho không, biếu không. Khi đi học thì chăm chăm học theo các anh chị làm CTXH và làm công tác Đoàn. Khi ra đời tự mình mở công ty, thì lại dành phần lớn thời gian viết web để tạo nền tảng phục vụ cộng đồng. Bây giờ, ngay cả khi đi làm thuê, thì tôi vẫn dành phần lớn thời gian tổ chức các sự kiện để phục vụ cho sinh viên, ví dụ như các khóa học miễn phí (code camp), hoặc, dành thời gian viết cả trăm bài viết để đưa lên Jou Lập trình chia sẽ cùng mọi người. Lắm lúc tôi suy nghĩ, mình làm như vậy thì giúp ích được gì cho gia đình và bản thân? Cho những nhu cầu nằm ngay trước mặt? Khi tôi ôm laptop viết bài miễn phí, thì người ta đang làm dự án free lancer để kiếm thêm thu nhập. Khi tôi đang dạy các Code Camp, thì người ta đi lo kiếm mối kinh doanh, hoặc café với bạn bè. Và lúc tôi thức khuya để viết bài, thì tất cả mọi người đều đã đi ngủ. Có lúc tôi thấy mình như một sinh vật lạc loài trên thế giới này, một sinh vật cô đơn, tội nghiệp.. Tôi không thể chia sẽ những khát vọng của mình được với mọi người, bởi đôi khi nó nghe có vẻ quá xa xôi, quá không thực chất, và có thể họ sẽ thấy buồn cười vì tôi chả là ai, chả có tài sản vật chất nào đáng giá, mà lại muốn làm điều gì đó cho mọi người..

Và với những nỗ lực đó của tôi, sau mười năm, tôi vẫn chưa có gì nhiều, chưa tích lũy được gì về mặt vật chất. Theo một nghĩa nào đó, tôi gần như vô sản. Theo một nghĩa nào đó, tri thức là tài sản lớn, nhưng tri thức của tôi mang lại niềm vui cho mọi người nhiều hơn là mang lại tài sản vật chất cho tôi và gia đình của tôi. Nhưng thiếu vật chất, một anh trí thức nghèo có thể mang lại được nhiều lớn lao hơn cho xã hội?

“Nếu là con chim, chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?”

Tôi đã nhiều lần cố gắng đẩy suy nghĩ của mình theo hướng của một nhà kinh doanh, có nghĩa là đầu tư chất xám để kiếm tiền, nhưng mọi cố gắng đều thất bại, bởi dù có cố mấy đi nữa, kiếm tiền chưa bao giờ là ưu tiên một trong danh sách công việc của tôi. Mà nếu đã như vậy, tôi không thể ép mình làm điều mình không muốn. Nghĩa là bạn cứ giàu lên, và tôi cứ tàng tàng như thế này. Nghĩa là mỗi ngày, thông qua skype, các trang web, tôi trả lời giúp cho nhiều bạn cần học thêm về kỹ thuật, hay những vướng mắc trong cuộc sống, còn tôi, với những nỗi đau của riêng tôi, tôi sẽ ôm chặt lấy một mình, không thể nhờ ai giúp đỡ..

Không ai hỏi Bụt xem thử người có khó khăn gì không, bởi Bụt sinh ra vốn để giúp người. Bụt có chia sẻ những khó khăn với mọi người không? Có lẽ, những khó khăn cá nhân thì không, nhưng Bụt chia sẽ trải nghiệm cuộc sống với cả thế giới. Tôi nhìn theo Jesus, theo Bụt, theo các bậc vĩ nhân như Ghandi, Hồ Chí Minh.., họ đã bỏ qua những niềm riêng để mang đến những điều lớn lao hơn cho nhân loại. Còn tôi, một con người bình thường, cũng đang chật vật với bao nỗi lo toan thường nhật, tôi có thể tiếp tục những công việc mà mình mong muốn?

“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.

Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.”

Đã làm người, thì không thể chỉ giống như loài vật, chỉ biết đấu tranh sinh tồn và không còn suy nghĩ được đến điều gì khác. Thân là con người, thì phải tư duy, phải làm gì đó để khi đã qua đời, ngoài nhìn lại sẽ thấy rằng những năm tháng làm người của mình không phải là vô ích. Sống mà không có lý tưởng thật buồn chán, sống mà không có mục tiêu thì thật là vô vị, và nếu sống mà không tiến bộ thì thật là lãng phí.

Thời gian cứ trôi đi, tôi cũng không thể trẻ mãi, làm sao để mình sống tốt hơn, hiệu quả hơn vẫn luôn là câu hỏi lớn, canh cánh trong tôi. Khi tôi qua ba mươi, tôi chợt bàng hoàng, vì tới lúc này tôi vẫn chưa làm được gì nhiều. Khi qua ba mươi, tôi vẫn là một thanh niên vô danh chưa khẳng định được gì với đời. Và qua tuổi ba mươi, dù không là gánh nặng cho xã hội, nhưng tôi vẫn chưa làm được gì để giúp cho gia đình và cho tôi.

Khi nghĩ đến những điều đó, con người tôi như xuội lại, tôi ngừng viết, ngừng đọc sách, tôi chậm hẳn, và tôi lạc lối. Đến hôm nay, cái thời gian tôi tự kỷ đã kéo dài hơn bốn tháng, từ vài tháng trước tuổi 30 đến bây giờ. Có lẽ, đó là một thời gian quá dài để tự kỷ, có lẽ đó là một thời gian quá dài để một người trưởng thành lạc lối. Và giờ đây, khi tiếng nói lương tâm thức tỉnh tôi, rằng tôi phải đứng lên để sống tiếp, và làm tiếp những công việc mình đã chọn lựa.

Thời gian cho mỗi con người là hữu hạn, cứ mỗi phút tiêu phí cho những chuyện vô bổ, cứ mỗi phút tiêu phí cho sự chán chường hay tức giận với mọi người, đó là những phút sống hoài sống phí. Bởi thế, nếu còn thời gian để sống, đó là thời gian để làm việc và cống hiến, đó là thời gian để học tập và chia sẻ, và đó là thời gian để tha thứ và thương yêu. Tôi còn sống mấy chục năm nữa, thì phải làm sao để mấy chục năm đó thật sự có ý nghĩa.

Đừng phí hoài cả cuộc đời mình!