Tổng quan về phong cách lãnh đạo trao quyền
Phong cách lãnh đạo trao quyền (Laissez-faire leadership) hay lãnh đạo ủy quyền/ ủy thác được đặc trưng ở việc người lãnh đạo hoàn toàn cho phép các thành viên trong nhóm tự đưa ra quyết định. Nghiên cứu cho thấy đây là phong cách quản lý thường mang lại năng suất nhóm thấp nhất. Tuy vậy, phương pháp tiếp cận này vẫn có những ưu điểm mà bạn có thể tận dụng trong một số trường hợp nhất định.
Đặc điểm nổi bật của phong cách lãnh đạo trao quyền:
- Nhà quản lý hoàn toàn không can thiệp vào công việc của nhân viên, nhưng luôn hết lòng đào tạo và hỗ trợ nhân viên.
- Mọi quyết định đều do nhân viên chịu trách nhiệm. Cấp quản lý có thể đưa ra định hướng khi bắt đầu dự án, tuy nhiên sau đó, các thành viên trong nhóm có thể thực hiện nhiệm vụ của mình mà không bị giám sát thường xuyên.
- Khoan dung đối với sai lầm của nhân viên.
- Trách nhiệm giải trình thuộc về người lãnh đạo.
- Nhà lãnh đạo sẵn sàng tư vấn và lắng nghe phản hồi của nhân viên.
Yêu cầu tiên quyết của phong cách lãnh đạo trao quyền (Laissez-faire leadership) là sự tin tưởng. Nhà quản lý tin rằng các thành viên trong nhóm sở hữu đủ kỹ năng và kiến thức cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ mà không cần phải quản lý vi mô (micro management).
Ví dụ về một số nhà lãnh đạo trao quyền nổi tiếng
Lịch sử đã từng chứng kiến nhiều nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh nổi tiếng thể hiện những đặc điểm của phong cách quản lý tự do.
- Steve Jobs là một ví dụ điển hình. Ông đưa ra chỉ dẫn cho nhóm về những gì ông mong muốn, nhưng sau đó lại để nhân viên của ông toàn quyền hoàn thành nhiệm vụ theo cách riêng của họ.
- Cựu Tổng thống Mỹ Herbert Hoover nổi tiếng là người quản lý tự do. Ông thường cho phép các cố vấn có kinh nghiệm hơn đảm nhận các nhiệm vụ mà bản thân ông chưa đủ kiến thức và chuyên môn cần thiết.
Ưu điểm của phong cách lãnh đạo trao quyền
Cũng như các phong cách lãnh đạo khác, lãnh đạo trao quyền đi kèm một số lợi ích riêng biệt.
- Khuyến khích phát triển cá nhân. Phong cách quản lý tự do cho phép nhân viên được hành động theo cách riêng – nhờ đó tạo điều kiện cho họ tự trưởng thành và phát triển.
- Nuôi dưỡng tinh thần đổi mới. Khi nhân viên của bạn được toàn quyền quyết định, năng lực sáng tạo, đổi mới và tư duy cầu tiến của họ sẽ có cơ hội được phát huy cao nhất.
- Đẩy nhanh quá trình ra quyết định. Vì không có quản lý vi mô, nhân viên của bạn có quyền tự chủ để đưa ra quyết định của riêng họ. Họ có thể đưa ra quyết định nhanh chóng mà không cần chờ đợi hàng tuần để được phê duyệt.
Phong cách lãnh đạo trao quyền sẽ phát huy hiệu quả nếu nhóm của bạn gồm những nhân viên giỏi và giàu kinh nghiệm, có khả năng tự làm việc và chịu trách nhiệm mà không cần hướng dẫn chi tiết. Sự tự chủ trong công việc là cơ sở để nhân viên cảm thấy bản thân có giá trị và hài lòng hơn.
Lãnh đạo trao quyền (Laissez-faire leadership) đặc biệt hiệu quả trong những tình huống mà các thành viên trong nhóm có kiến thức sâu rộng hơn người quản lý. Phong cách này tạo cơ hội để họ thể hiện hiểu biết sâu sắc và kỹ năng cá nhân của họ.
Nhược điểm của phong cách lãnh đạo trao quyền
Xuất phát từ đặc điểm phụ thuộc quá nhiều vào năng lực nhóm, lãnh đạo trao quyền (Laissez-faire leadership) thường tỏ ra kém hiệu quả trong những tình huống mà các thành viên nhóm thiếu kiến thức hoặc kinh nghiệm cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ và đưa ra quyết định. Hệ quả là hiệu suất công việc suy giảm – ảnh hưởng đến sự hài lòng của nhân viên.
Phong cách lãnh đạo này cũng không phù hợp khi hiệu quả làm việc và năng suất cao là mối quan tâm chính. Bạn sẽ luôn gặp tình trạng một số nhân viên gặp khó khăn trong quản lý thời gian, công việc và giải quyết vấn đề độc lập. Nếu áp dụng phương pháp trao quyền, dự án của bạn có thể đi chệch hướng và trễ hạn khi các thành viên trong nhóm không nhận được đủ sự hướng dẫn hoặc phản hồi từ lãnh đạo.
Đọc thêm: Quản trị hiệu suất hiệu quả – Bí quyết thành công của doanh nghiệp
Sau đây là một số nhược điểm chính của phong cách lãnh đạo trao quyền:
- Vai trò không rõ ràng. Trong một số tình huống, quản lý tự do dẫn đến tình trạng nhiệm vụ trong nhóm không được phân định rõ ràng. Với việc không được hướng dẫn đầy đủ, nhân viên của bạn có thể không thực sự chắc chắn về vai trò của mình trong nhóm và họ phải làm gì với thời hạn được giao cho.
- Gắn kết tập thể kém. Các nhà lãnh đạo kiểu Laissez-faire thường bị coi là không gắn kết và ít tham gia vào công việc chung – điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu gắn kết trong nhóm. Vì người lãnh đạo dường như không quan tâm đến những gì đang xảy ra, nhân viên có thể sẽ nhận ra điều này và cũng tỏ ra ít quan tâm đối với công việc của nhóm.
- Tinh thần trách nhiệm thấp. Một số nhà lãnh đạo lợi dụng phong cách này như một cách để trốn tránh trách nhiệm về những thất bại của nhóm. Khi các mục tiêu không được đáp ứng, người lãnh đạo sau đó có thể đổ lỗi cho các thành viên vì đã không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không đạt được kỳ vọng.
- Thụ động. Trong tình huống xấu nhất, phong cách lãnh đạo trao quyền thể hiện sự thụ động hoặc thậm chí là hoàn toàn né tránh trách nhiệm lãnh đạo. Những người lãnh đạo như vậy không cố gắng thúc đẩy nhân viên, không công nhận nỗ lực của họ và không cố gắng tham gia vào công việc chung.
Nếu các thành viên trong nhóm không quen với quy trình hoặc nhiệm vụ được giao, cấp lãnh đạo sẽ cần phải can thiệp nhiều hơn. Quá trình ủy quyền sẽ diễn ra từ từ khi mọi người có thêm kinh nghiệm thực tế.
Đọc thêm: 6 phẩm chất cơ bản của nhà lãnh đạo – quản lý
Khi nào áp dụng phong cách lãnh đạo trao quyền?
Phong cách lãnh đạo trao quyền thường phát huy hiệu quả trong các ngành nghề yêu cầu sự sáng tạo – trong đó, mọi người thường có động lực nội tại cao, năng lực sáng tạo và tận tâm với công việc. Nhà lãnh đạo Laissez-faire thường trình bày chi tiết thông tin và nền tảng khi bắt đầu dự án, tạo điều kiện cho đội nhóm tự quản lý. Bằng cách cung cấp cho các thành viên trong nhóm tất cả những gì họ cần trước khi bắt đầu nhiệm vụ, nhân viên của bạn sau đó sẽ có đủ kiến thức cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ theo chỉ dẫn.
Ví dụ: Thiết kế (design) sản phẩm là một lĩnh vực mà lãnh đạo ủy quyền phát huy tác dụng tốt. Bởi vì các thành viên trong nhóm được đào tạo bài bản và có khả năng sáng tạo cao, họ sẽ không cần phải quản lý trực tiếp thường xuyên. Thay vào đó, cấp quản lý có thể giám sát và hướng dẫn tối thiểu mà vẫn đảm bảo kết quả chất lượng.
Ngay cả trong những ngành nghề như vậy, bạn vẫn nên linh hoạt áp dụng đa dạng phương pháp lãnh đạo ở các giai đoạn khác nhau của quá trình làm việc. Chẳng hạn, lãnh đạo tự do có thể hiệu quả nhất trong giai đoạn đầu – khi sản phẩm hoặc ý tưởng đang trong quá trình hình thành. Khi thiết kế đã hoàn thành và sẵn sàng để sản xuất, tốt nhất bạn nên chuyển sang một phương pháp tiếp cận có tính định hướng và giám sát hơn.
Đọc thêm: Phong cách lãnh đạo dân chủ – Sức mạnh từ tập thể
Lời kết
Phong cách lãnh đạo trao quyền (Laissez-faire leadership) thường bị đánh giá là kém hiệu quả – tuy nhiên, trên thực tế, quản lý tự do vẫn có thể được áp dụng tốt trong nhiều tình huống. Trong những môi trường mà nhân viên của bạn cần giám sát hoặc chỉ đạo nhiều hơn, lời khuyên chung là bạn nên ưu tiên áp dụng một cách tiếp cận độc đoán hơn. Bằng cách nắm rõ phong cách của chính mình, bạn có thể trau dồi kỹ năng cá nhân để từ đó trở thành một nhà lãnh đạo – quản lý tốt hơn.
Tham khảo
What is Laissez-faire leadership? How Autonomy can drive Success. https://online.stu.edu/articles/education/what-is-laissezfaire-leadership.aspx. Truy cập ngày 15/01/2021.
What Is Laissez-Faire Leadership? The Pros and Cons. https://www.verywellmind.com/what-is-laissez-faire-leadership-2795316. Truy cập ngày 15/01/2021.
What is laissez-faire leadership? https://www.wgu.edu/blog/what-laissez-faire-leadership2006.html. Truy cập ngày 15/01/2021.
Laissez-Faire Leadership: Definition, Tips and Examples. https://www.indeed.com/career-advice/career-development/laissez-faire-leadership. Truy cập ngày 15/01/2021.
Laissez Faire Leadership Examples and How to Implement Them. https://www.thesuccessfactory.co.uk/blog/laissez-faire-leadership-examples. Truy cập ngày 15/01/2021.
ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email [email protected]/ [email protected], hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!