Phong cách lãnh đạo dân chủ là gì

Phong cách lãnh đạo dân chủ là gì?

Lãnh đạo dân chủ (Democratic leadership) – còn được biết đến với tên gọi lãnh đạo có sự tham gia (participative leadership) hay lãnh đạo chia sẻ (shared leadership) là phong cách lãnh đạo mà trong đó, các thành viên của nhóm được tham gia nhiều hơn vào quá trình ra quyết định. Phương pháp lãnh đạo này có thể áp dụng cho mọi tổ chức, từ doanh nghiệp tư nhân đến trường học và cơ quan chính phủ.

Phong cách dân chủ trong lãnh đạo tạo điều kiện cho mọi cá nhân được tự do thảo luận và chia sẻ ý tưởng. Tuy tập trung vào bình đẳng nhóm và luồng ý kiến tự do, vai trò của người lãnh đạo vẫn chịu trách nhiệm chính trong việc đưa ra hướng dẫn và quyết định cuối cùng.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng phong cách lãnh đạo dân chủ là một trong những cách quản lý hiệu quả nhất – giúp cải thiện năng suất đội nhóm, khả năng đóng góp vào mục đích chung của các thành viên, cũng như nâng cao tinh thần và sự gắn kết nội bộ.

Phong cách lãnh đạo dân chủ

Lịch sử phong cách lãnh đạo dân chủ

Lãnh đạo dân chủ là một xu hướng mới trong giới quản lý doanh nghiệp những năm gần đây. Ý niệm về phong cách này xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng thập niên 1930-1940 – từ các nghiên cứu của Kurt Lewin. Trong cuốn “Leadership and Group Life”, Lewin cùng các đồng nghiệp Ronald Lippitt và Ralph K. White cho rằng dân chủ (democratic), tự do (Laissez-faire) và độc đoán (autocratic) là 3 phong cách lãnh đạo chính. Dựa trên kết quả phỏng vấn với lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên, Lewin, Lippitt và White kết luận rằng phong cách lãnh đạo dân chủ là lựa chọn được yêu thích nhất.

Đặc điểm của phong cách lãnh đạo dân chủ

Phong cách lãnh đạo dân chủ được đặc trưng bởi một số điểm chinh sau:

  • Các thành viên trong nhóm được khuyến khích chia sẻ ý kiến và quan điểm, mặc dù người lãnh đạo vẫn giữ tiếng nói cuối cùng đối với các quyết định đưa ra.
  • Các thành viên của nhóm cảm thấy được tham gia nhiều hơn vào quá trình này.
  • Tư duy cầu tiến, sáng tạo được khuyến khích và khen thưởng.

Nhà lãnh đạo dân chủ tốt thường thể hiện các đức tính như: trung thực, thông minh, can đảm, sáng tạo, xuất sắc và công bằng. Họ có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ, nhận được sự tin tưởng và tôn trọng của những người dưới quyền. Mọi quyết định họ đưa ra đều thống nhất với các giá trị cốt lõi và tiêu chuẩn đạo đức của họ. Vì lẽ này, mọi thành viên trong nhóm được trao quyền và động lực để “theo chân” họ. Ngoài ra, cấp lãnh đạo dân chủ cũng có xu hướng lắng nghe các ý kiến đa chiều – họ không phản đối những tiếng nói bất đồng hoặc những quan điểm khác với suy nghĩ thông thường.

Đặc điểm phong cách lãnh đạo dân chủ so với các phong cách khác

(Nguồn: AcqNotes)

Ưu nhược điểm của phong cách lãnh đạo dân chủ

Ưu điểm

  • Khuyến khích tham gia vào công việc chung. Bằng cách nuôi dưỡng sự gắn kết và hòa nhập, các thành viên trong nhóm cảm thấy mình quan trọng hơn. Khi bạn thể hiện tinh thần sẵn sàng lắng nghe những mối quan tâm của họ, nhân viên của bạn sẽ cảm thấy được trân trọng và sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng trong doanh nghiệp.
  • Mở rộng góc nhìn và quan điểm. Nhiều kinh nghiệm và ý kiến hơn đồng nghĩa với nhiều thông tin đầu vào hơn cho quá trình ra quyết định. Từ đó, cấp quản lý nói riêng và toàn bộ nhóm nói chung có thể cân nhắc và đưa ra kế hoạch hành động toàn diện, khách quan hơn.
  • Giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Nhiều người góp ý hơn đồng nghĩa với việc số lượng các giải pháp tiềm năng sẽ nhiều hơn. Mặc dù quá trình ra quyết định có thể chậm hơn so với các phong cách lãnh đạo khác (ví dụ: phong cách lãnh đạo độc đoán – autocratic leadership), quyết định cuối cùng đưa ra sẽ có cơ hội thông qua một quy trình đánh giá nghiêm ngặt hơn – nhờ đó, cấp lãnh đạo có thể xác định các hạn chế, rủi ro tiềm ẩn và điều chỉnh sớm.
  • Hỗ trợ xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Khi ý tưởng đưa ra được lắng nghe, thảo luận và có khả năng được đưa vô thực hiện, thật khó để bạn không cảm thấy gắn kết với nhóm. Đây sẽ là nền tảng xây dựng văn hóa doanh nghiệp tích cực và lành mạnh, gia tăng mức độ cam kết và hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên trong nhóm.
  • Thích hợp với nhiều môi trường doanh nghiệp. Một số phong cách lãnh đạo phát huy tốt nhất trong một số hoàn cảnh nhất định (ví dụ: lãnh đạo quan liêu). Trong khi đó, lợi điểm của lãnh đạo dân chủ là có thể thích hợp được với đa dạng môi trường làm việc.

Nhược điểm

Tuy được đánh giá là một trong những xu hướng quản lý hiệu quả nhất, phương pháp này không phải là hoàn toàn hoàn hảo. Hạn chế của phong cách lãnh đạo dân chủ bao gồm:

  • Trì hoãn ra quyết định. Bạn có thể đã từng nhận thấy hạn chế của phong cách lãnh đạo dân chủ trong trường hợp vai trò các thành viên trong nhóm không được xác định rõ ràng – hoặc cần thời gian để đưa ra quyết định. Khi đó, việc quản lý quá “tự do” có thể dẫn tới giao tiếp nội bộ kém hiệu quả, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu như mong đợi.
  • Nguy cơ giải pháp kém chất lượng. Phong cách lãnh đạo dân chủ cũng thường tỏ ra kém hiệu quả nếu các thành viên nhóm không đủ kiến thức hoặc chuyên môn cần thiết để đóng góp vào quá trình ra quyết định. Trong trường hợp này, huấn luyện và đào tạo là cần thiết để trang bị kiến thức cần thiết cho nhân viên của bạn.
  • Bất đồng quan điểm. Đây là rủi ro không thể tránh khỏi khi có nhiều luồng ý kiến được đưa ra thảo luận. Một số nhân viên có thể đặt câu hỏi liệu cấp lãnh đạo có thực sự đủ năng lực khi cần đến họ góp ý không. Tệ hơn, nếu ý kiến cá nhân đưa ra không được chấp nhận, mọi người có thể cho rằng ý tưởng của họ không được tôn trọng – dẫn tới suy giảm tinh thần và sự hài lòng nhân viên.

Ưu điểm Nhược điểm Khuyến khích tham gia vào công việc chung Trì hoãn ra quyết định Mở rộng góc nhìn và quan điểm Nguy cơ giải pháp kém chất lượng Giải quyết vấn đề hiệu quả hơn Bất đồng quan điểm Hỗ trợ xây dựng văn hóa doanh nghiệp Thích hợp với nhiều môi trường doanh nghiệp

Đọc thêm: Lãnh đạo là gì? Khác biệt thế nào so với quản lý

Khi nào nên áp dụng phong cách lãnh đạo dân chủ?

Từ phân tích trên, có thể thấy lãnh đạo dân chủ phát huy hiệu quả nhất khi các thành viên nhóm có kỹ năng và mong muốn chia sẻ kiến thức của họ. Bên cạnh đó, thời gian cũng là một yếu tố quan trọng để mọi người có cơ hội đóng góp, phát triển chiến lược và sau đó thống nhất kế hoạch hành động cuối cùng.

Trong các môi trường quan liệu hoặc yêu cầu thứ bậc – như sản xuất hoặc quân đội – cơ hội để ra quyết định tập thể là khá hạn chế. Tuy nhiên, với các môi trường khác, phong cách lãnh đạo dân chủ thường sẽ có điều kiện phát huy tác dụng tốt và mang lại lợi ích đáng kể cho đội nhóm.

Phong cách lãnh đạo dân chủ

Đọc thêm: 6 phẩm chất cơ bản của nhà lãnh đạo quản lý

Ví dụ về phong cách lãnh đạo dân chủ: Mối lương duyên Steve Jobs – Apple

Apple đã trải qua thời kỳ hoàng kim từ năm 1976-1985, trước khi bước vào giai đoạn vô cùng khó khăn vào giữa thập niên 1990. Trong thời gian này, Gateway, Microsoft, Sun Microsystems và nhiều tập đoàn khác đã cố gắng mua lại Apple. Thế nhưng, “quả táo” vẫn tồn tại đến ngày nay – và nguyên nhân là vì Steve Jobs đã học được cách thích nghi với thời cuộc.

Vào buổi đầu thành lập Apple, Jobs được biết đến như một nhà lãnh đạo trao quyền cho nhân viên. Về sau, ông trở nên chuyên quyền trong cách quản lý của mình – hệ quả là ban giám đốc của Apple đã yêu cầu ông phải từ chức. Khi trở lại Apple hơn 10 năm sau, Jobs đã biết chuyển đổi phong cách lãnh đạo theo hướng dân chủ hơn. Ông thuê những nhà lãnh đạo có kinh nghiệm khác và tạo điều kiện cho họ tự phát triển. Jobs luôn hết lòng động viên nhà thiết kế chính của mình là Jonathon Ive, cũng như cố vấn (mentor) cho chuyên gia sản xuất Tim Cook – hiện là CEO của Apple. Trong mọi quyết định quan trọng, Jobs đều cho họ quyền tự quyết.

Apple

Lời kết

Lãnh đạo dân chủ không phải là hoàn toàn hoàn hảo – tuy nhiên, những lợi ích của cách quản lý này quả thực rất đáng để doanh nghiệp cân nhắc áp dụng. Với việc mọi cá nhân được khuyến khích chia sẻ suy nghĩ cá nhân, phong cách lãnh đạo dân chủ tạo điều kiện cho ra đời những ý tưởng tốt hơn và các giải pháp sáng tạo hơn. Các thành viên trong nhóm cũng cảm thấy được tham gia và gắn kết nhiều hơn với công việc chung – vì lý do này, họ sẽ quan tâm đến lợi ích chung và sẵn sàng cống hiến hơn. Đây là tiền đề không thể tốt hơn để cải thiện năng suất đội nhóm.

Tham khảo

The Democratic Style of Leadership. https://www.verywellmind.com/what-is-democratic-leadership-2795315. Truy cập ngày 08/01/2021.

The Advantages Of Democratic Leadership In The Workplace. https://www.thesuccessfactory.co.uk/blog/advantages-of-democratic-leadership. Truy cập ngày 08/01/2021.

Democratic Leadership Style – AcqNotes. https://acqnotes.com/acqnote/careerfields/democratic-leadership-style. Truy cập ngày 08/01/2021.

A Definition and Illustration of Democratic Leadership – by John Gastil. http://jgastil.la.psu.edu/pdfs/DefinitionDemocraticLeadership.pdf. Truy cập ngày 08/01/2021.

What is Democratic/Participative Leadership? How Collaboration Can Boost Morale. https://online.stu.edu/articles/education/democratic-participative-leadership.aspx. Truy cập ngày 08/01/2021.

ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email [email protected]/ [email protected], hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.