Các kỹ thuật xóa nếp cau mày (nếp nhăn giữa hai lông mày)

Nếp cau mày là gì?

Nếp cau mày hay còn gọi là nếp nhăn gian mày là những đường nhăn nằm giữa hai bên lông mày. Sở dĩ chúng có tên gọi như vậy là vì chúng xuất hiện do hoạt động cau mày hay nhíu mày. Nếp cau mày có thể có một đường hoặc nhiều đường thẳng dọc ở vùng gian mày, tuy nhiên chúng cũng có thể có hình dạng hơi chéo về phía góc trong của lông mày và cũng thường có cả 1 đường nhăn ngang nằm trên sống mũi, giữa hai bên lông mày.

Sự xuất hiện của những nếp nhăn này không chỉ khiến cho gương mặt trở nên già nua, thiếu sức sống mà còn biểu hiện những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, khó chịu trong khi thực tế bệnh nhân không hề có những cảm xúc như thế.

Nguyên nhân hình thành nếp cau mày

cac khoi co tao nep cau may

Để hiểu được nguyên nhân hình thành nếp cau mày chúng ta cần nắm rõ đặc điểm giải phẫu ở vùng này. Nếp cau mày được hình thành bởi hoạt động cau mày, nhíu mày và có hai cơ chính tham gia vào những hoạt động này bao gồm: cơ cau mày (corrugator supercilii) và cơ mảnh khảnh (procerus muscle). Cơ cau mày là các khối cơ chạy ngang theo chiều dài của hai bên lông mày và thể co hai bên lông mày lại với nhau. Hai khối cơ mày ở hai bên khi co lại sẽ làm nhăn phần da nằm giữa hai bên lông mày và tạo nên một hoặc 2 hoặc thậm chí nhiều đường nhăn dọc đứng, đây chính là những nếp cau mày.

Thứ hai là cơ mảnh khảnh (hay còn gọi là cơ tháp mũi), cơ này có hình kim tự tháp, chạy dọc giữa hai bên lông mày, từ phần trên của xương mũi đến phần giữa của xương trán, khi co lại sẽ gây nhăn da và tạo đường nhăn ngang sống mũi.

Như vậy khi hai khối cơ này hoạt động, chúng ta sẽ nhận được một số đường nhăn dọc và ngang ở vùng gian mày, giữa hai bên lông mày.

Ngoài ra cũng còn một khối cơ khác góp phần tạo nên dáng của lông mày đó là cơ trán (frontalis muscle), khối cơ duy nhất làm nhiệm vụ nâng hai bên lông mày của bạn lên. (Xem hình các khối cơ ở trên).

tải xuống

nhăn cơ tháp mũi

Những nếp này có thể là vết nhăn động khi chúng ta còn trẻ, tức là sau khi dừng hoạt động cau, nhíu mày da sẽ giãn ra và không còn thấy những nếp cau mày ở đó nữa. Tuy nhiên chúng có thể là những nếp nhăn tĩnh, hiển hiện ở đó ngay cả khi chúng ta không cau mày và gương mặt đang ở trạng thái thư giãn, những nếp nhăn tĩnh này hình thành là do hoạt động cau mày lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt nhiều năm, cộng với tình trạng lão hóa tự nhiên của da do tuổi tác hoặc các yếu tố bên ngoài như ánh nắng mặt trời, môi trường, lối sống dẫn đến sự sụt giảm collagen khiến da kém săn chắc và khắc sâu, hằn nên những nếp nhăn tĩnh ở đó.

Khi đã nắm rõ được đặc điểm giải phẫu cũng như nguyên nhân gây ra các nếp cau mày, chúng ta sẽ dễ dàng lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Hiện tại tiêm các chất điều biến thần kinh như Botox, Dysport và Xeomin vẫn là phương pháp phổ biến nhất để loại bỏ các nếp cau mày động, còn với các nếp cau mày tĩnh chúng ta có thể cân nhắc tiêm chất làm đầy như filler hoặc mỡ tự thân. Tuy nhiên với những trường hợp có cả hai loại nếp cau mày động và tĩnh thì người ta thường kết hợp cả tiêm chất điều hòa thần kinh với tiêm chất làm đầy. Ngoài ra đối với những trường hợp muốn có được kết quả lâu dài thì có thể thực hiện quy trình phẫu thuật cắt bỏ một phần cơ cau mày, hay nếu có cả các nếp nhăn trán khác hoặc bị sụp chân mày thì có thể kết hợp phẫu thuật căng da trán hoặc nâng chân mày để điều chỉnh cơ cau mày nhằm loại bỏ những nếp nhăn gian mày. Mỗi phương pháp sẽ phù hợp với tình trạng và sự lựa chọn của từng người.

Các phương pháp xóa nếp cau mày

Tiêm chất điều biến thần kinh xóa nếp cau mày động: Botox, Dysport, Xeomin

Đây là một phương pháp rất phổ biến và thường là thủ tục đầu tiên mà bệnh nhân nghĩ tới trong điều trị nếp cau mày, sở dĩ nó phổ biến như vậy là do quy trình tiêm đơn giản cũng như hiệu quả tích cực mà nó mang lại. Ngoài ra tác dụng phụ cũng rất hiếm khi xảy ra và nếu có thì cũng thường tự hết sau vài tháng.

Bộ 3 xóa nhăn động Botox, Dysport, Xeomin đều là sản phẩm độc tố thần kinh botulinium loại A, là chất điều biến thần kinh làm thư giãn tạm thời các khối cơ mặt giúp xóa các nếp nhăn trên mặt. Chúng hoạt động bằng cách ngăn chặn tín hiệu truyền từ dây thần kinh đến các cơ, tạm thời làm tê liệt và thư giãn cơ, khiến cơ không co được, điều này giúp ít tạo ra các nếp nhăn hơn. Bộ 3 này đều đã được FDA phê chuẩn sử dụng để điều trị nếp nhăn giữa 2 lông mày, cũng như ở các vị trí khác như nếp nhăn đuôi mắt, nếp nhăn trán, môi, mũi, tầng mặt dưới, cổ và khóe miệng trễ. Phương pháp tiêm này sẽ điều trị được các nếp nhăn động chứ không loại bỏ được các nếp nhăn tĩnh, tuy nhiên nó có thể làm chậm quá trình hình thành các nếp nhăn tĩnh ở vùng gian mày.

Lưu ý trước khi tiêm

Tiêm xóa nhăn động loại bỏ nếp cau mày nhắm trực tiếp vào các cơ hình thành nên những nếp nhăn này. Mặc dù đây là quy trình được cho là dễ và phổ biến nhưng không bệnh nhân nào có thể chắc chắn không gặp phải rủi ro lông mày bị sụp xuống, kéo theo sụp mí hoặc lông mày nhướn cao với diện mạo lúc nào trông cũng như đang ngạc nhiên hoặc tỏ vẻ nham hiểm sau khi tiêm. Chính vì vậy, kỹ thuật và liều lượng khi tiêm đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ở vùng này có một số cơ kéo hai bên lông mày xuống là cơ cau mày và cơ vòng mi, và các khối cơ nâng lông mày lên là cơ trán. Những khối cơ này hoạt động ngược chiều nhau. Vì vậy, nếu tiêm không đúng vị trí hoặc tiêm quá nhiều các chất điều biến thần kinh vào cơ nâng mày thì có thể làm cho lông mày bị sụp xuống, nặng trĩu kéo theo sụp mí. Đổi lại, nếu tiêm quá nhiều vào cơ kéo lông mày xuống thì kết quả trông lông mày lại bị hếch lên, tạo diện mạo ngạc nhiên hoặc nham hiểm. Do đó, một trong những lưu ý quan trọng nhất mà các bác sĩ có thể làm để tránh gây ra những tình trạng này đó là tiêm nông vào phần đuôi phía ngoài của cơ cau mày trở vào (tức là không tiêm vào phần phía đuôi lông mày hoặc phía bên của trán, chỉ tiêm ở vùng giữa trán). Khi bác sĩ tiêm đúng vào vị trí này, bạn sẽ cảm thấy hơi châm chích, nhưng đó là tín hiệu mừng cho thấy bác sĩ đã tiêm đúng. Đặc biệt phải tránh tiêm sâu ở vùng này vì có rất nhiều cấu trúc mà các chất chống nhăn có thể đi qua bao gồm lỗ trên hốc mắt (supraorbital foramen). Một điều nữa mà bác sĩ có thể làm để hạn chế những rủi ro trên là tiêm ít hơn, tức là giảm liều tiêm, nhưng cũng cần nhớ, giảm liều tiêm đồng nghĩa với việc hiệu quả chống nhăn sẽ giảm xuống và thời gian duy trì hiệu quả cũng giảm.

Quy trình tiêm:

xdr gavin chan marking out veins to avoid bruising jpg pagespeed ic SpUKPaCr x

đánh dấu các điểm tiêm

Untitled

Một trong những vấn đề mà khi tiêm mọi người hay mắc phải là bị bầm tím, do kim tiêm đâm vào và làm vỡ tĩnh mạch dưới da. Để hạn chế, bác sĩ có thể dùng một thiết bị gọi là Accuvein để nhìn thấy rõ các mạch máu dưới da và theo đó có thể đánh dấu vị trí của chúng trên da. Thiết bị này sẽ giúp bác sĩ có thể tránh được xác tĩnh mạch và xác định chính xác điểm tiêm, giảm nguy cơ bầm tím. Một vấn đề khác là nguy cơ đau trong khi tiêm. Để giảm đau, trước khi tiêm bác sĩ nên chườm đá, dùng khí gây mê Nitơ oxit (khí cười) hoặc bôi kem gây tê tại chỗ cho bệnh nhân. Về liều lượng tiêm, ở mỗi điểm tiêm với mỗi loại sẽ khác nhau. Với Botox và Xeomin ở vị trí cơ tháp mũi khoảng 2 đơn vị, trong khi đó Dysport cần 5 đơn vị. Với vị trí cơ cau mày, mỗi điểm sẽ cần từ 2 – 4 đơn vị botox hoặc xeomin, và 5-10 đơn vị Dysport.

Sau khi vệ sinh vùng điều trị, và xử lý để giảm đau cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ tiến hành đánh dấu các điểm cần tiêm. Thông thường bác sĩ sẽ tiêm ở 5 điểm: 1 điểm ở chính giữa cơ tháp mũi, 2 điểm ở hai đầu phía trong cơ cau mày và hai điểm còn lại ở hai đầu phía ngoài cơ cau. Bác sĩ sẽ dùng tay véo nhẹ vào da ở từng điểm tiêm và tiêm nhẹ nhàng với độ sâu thích hợp vào các điểm này bằng mũi kim thật nhỏ. Sau khi rút kim ra ở mỗi điểm, lưu ý dùng ngón tay ấn giữ nhẹ một chút ở vị trí vừa tiêm, hoặc có thể chườm nhẹ vào điểm tiêm để giảm bầm tím và chảy máu.

Tùy thuộc vào từng loại thuốc chống nhăn mà sau khoảng từ 4 – 7 ngày sẽ thấy được tác dụng. Hiệu quả thẩm mỹ thường thấy được sau thời điểm này và kéo dài trung bình từ 3 đến 4 tháng. Thuốc chống nhăn có thể bị dịch chuyển nếu vùng tiêm bị cọ xát một cách vô tình hoặc có chủ ý. Do đó sau khi tiêm bệnh nhân cần cẩn thận nhẹ nhàng khi rửa mặt hoặc tẩy trang. Ngoài ra bệnh nhân cần tránh nằm sấp, hoặc áp mặt lên cánh tay, gối trong 4 tiếng sau tiêm vì như thế sẽ khiến máu trong tĩnh mạch ở vùng đầu, cổ dồn lại, gây sưng nhiều hơn và có thể đẩy Botox lan rộng đến vị trí không mong muốn gây sụp mí. Ngoài ra tình trạng này cũng có thể làm cho bệnh nhân bị bầm tím nhiều hơn.

Tiêm chất làm đầy xóa nếp cau mày

tiêm filler

tiêm filler 2

Với những nếp nhăn tĩnh vùng giữa hai bên lông mày có thể sử dụng các loại filler axit hyaluronic, mà phổ biến nhất là Juvederm XC, hay Restylane….Những chất này sẽ hoạt động bằng cách lấp đầy vào vùng lõm do bị mất mô trong da và tạo sự hỗ trợ cho cấu trúc mô xung quanh, từ đó làm căng mịn nếp cau mày tĩnh. Tuy nhiên cần lưu ý, việc tiêm filler vào vùng giữa hai chân mày thường phức tạp và có rủi ro cao hơn so với khi tiêm vào các vị trí khác, trong đó có nguy cơ hoại tự da hoặc thậm chí là ảnh hưởng tới thị lực. Vì ở vùng này có nhiều mạch máu nhỏ nên rất dễ bị đông máu hoặc tiêm không chính xác khiến filler di chuyển và làm tắc nghẽn các mạch máu dẫn đến mắt. Do đó, bác sĩ nên sử dụng thiết bị soi mạch máu để có thể tiêm chính xác.

Quy trình tiêm thường có thể được thực hiện dưới hình thức gây tê tại chỗ, tuy nhiên thường là bệnh nhân có thể chịu được mà không cần gây tê. Filler thường sẽ được tiêm bằng kim 30 gauge, tiêm vào trong khoảng từ lớp trung bì nông đến lớp trung bì giữa, sau khi tiêm matxa nhẹ để dàn đều và tránh u cục. Lưu ý, với nếp nhăn dọc thì không được tiêm quá sâu và quá nhiều ở vùng này để tránh nguy chèn ép mạch máu cũng như hình thành u cục lổn nhổn. Với nếp nhăn ngang ở vùng sống mũi thì việc tiêm sẽ an toàn hơn và có thể tiêm vào mặt phẳng dưới da.

Vì vùng này cơ hoạt động khá nhiều nên filler thường duy trì hiệu quả trong thời gian ngắn hơn, do đó các bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân nên kết hợp với cả tiêm botox để làm thư giãn cơ, vừa tránh nếp nhăn động vừa giúp kéo dài hiệu quả làm đầy nếp nhăn tĩnh.

Phẫu thuật cắt bỏ một phần cơ mày để xóa nếp cau mày

Đối với những bệnh nhân muốn nhận được kết quả vĩnh viễn và lâu dài hơn, bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp cắt bỏ một phần cơ cau mày để xóa đi các nếp nhăn gian mày. Tuy nhiên quy trình này được coi là can thiệp sâu, do đó chỉ nên được thực hiện bởi bác sĩ có đầy đủ trình độ chuyên môn.

Quy trình này thường được thực hiện dưới hình thức gây tê tại chỗ kết hợp tiền mê. Đường mổ sẽ được đặt chính xác trong nếp gấp mí trên. Qua đường mổ này, bác sĩ sẽ bóc tách bên dưới cơ mí mắt (được gọi là cơ vòng mi) để tiếp cân lên cơ cau mày (chính là cơ gây ra nếp cau mày). Sau đó cắt bỏ một đoạn cơ này để làm suy yếu chúng, rồi thay thế phần mô cơ bị cắt bỏ bằng mỡ tự thân. Điều này sẽ làm phá vỡ chức năng co cơ bình thường của chúng trong khi vẫn duy trì được đường nét bề mặt da bình thường. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bệnh nhân cau mày lại để kiểm tra độ đối xứng giữa hai bên. Cuối cùng khâu đóng vết rạch bằng chỉ khâu siêu mảnh, mịn.

Kỹ thuật này có thể làm suy yếu cơ co mày từ 60 – 80% tùy thuộc vào đặc điểm giải phẫu của từng người, làm giảm và làm mềm mịn đáng kể các nếp cau mày. Cơ cau mày vẫn còn khả năng di chuyển hoặc co lại, nhưng sẽ không còn tạo nên các nếp hằn sâu như trước, hiệu quả đạt được rất tự nhiên. Ngay sau khi thực hiện bệnh nhân có thể bị đau nhức, sưng nề hoặc bầm tím, nhưng tất cả sẽ nhanh chóng biến mất. Bạn nên tránh nâng vật nặng hoặc tập luyện gắng sức trong khoảng 2 tuần, tuy nhiên sau khoảng 5 – 7 ngày là có thể trở lại các hoạt động bình thường.

Rủi ro có thể gặp phải bao gồm sự bất đối xứng nhẹ ở các hoạt động của cơ mày hoặc vùng gian mày hơi bị lõm thấp xuống, tuy nhiên nếu tiến hành kỹ thuật tỉ mỉ thì những vấn đề này hoàn toàn có thể khắc phục được. Thông thường quy trình này thường được kết hợp thực hiện luôn với phẫu thuật tạo hình mí mắt trên (cắt mí) để khắc phục các vấn đề gặp phải ở vùng mí trên.

Căng da trán/nâng chân mày xóa bỏ nếp cau mày

căng da trán 2

cắt cơ cau mày căng da trán

Với những bệnh nhân không muốn chọn đường rạch ở mí mắt trên, bác sĩ có thể giới thiệu kỹ thuật căng da trán hoặc nâng chân mày để loại bỏ các nếp cau mày. Quy trình này thường được thực hiện dưới hình thức gây tê tại chỗ kết hợp tiền mê hoặc gây mê toàn thân, và có thể được thực hiện qua hai hình thức: nội soi với các đường rạch nhỏ ở trong đường viền chân tóc, hoặc thực hiện qua đường mổ vành đầu.

  • Căng da trán/nâng chân mày nội soi: thông qua 3 đường rạch nhỏ ở đường viền chân tóc phía trên trán, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi dài, mảnh, có đèn ở đầu gắn với máy quay vào. Điều này cho phép bác sĩ nhìn thấy và can thiệp vào các cấu trúc bên dưới trán. Sau đó một dụng cụ khác sẽ được đưa vào qua đường mổ khác để nâng da lên và định hình cơ và mô bên dưới. Đặc biệt bác sĩ sẽ tiếp cận cơ cau mày, sau đó phá vỡ và cắt hoặc dùng dao đốt đốt đi một phần khối cơ này để làm suy yếu nó. Sau đó sẽ tiếp tục thực hiện các thao tác để căng da trán hoặc nâng chân mày, giúp chỉnh sửa hàng chân mày bị sụp do lão hõa và xóa đi các nếp nhăn khác ở vùng trán.
  • Căng da trán/nâng chân mày qua đường đỉnh đầu. Bác sĩ sẽ tạo một đường rạch dài từ tai bên nọ đến tai bên kia ở đường viền chân tóc và tiến hành tách da ra khỏi các mô bên dưới. Tiếp theo, bác sĩ sẽ cũng tiếp cận và điều chỉnh, cắt hoặc đốt một phần cơ cau mày, đồng thời định hình lại các khối cơ và mô vùng trán hoặc thao tác, điều chỉnh lại hai bên chân mày, loại bỏ mỡ, da thừa, sau đó kéo vùng da còn lại lên và khâu đóng vết mổ, rồi băng vùng đầu lại.

Sau khi thực hiện bệnh nhân cũng có thể bị sưng đau và bầm tím, tuy nhiên tình trạng này hoàn toàn bình thường và có thể giảm dần theo thời gian. Bệnh nhân sẽ cần từ 1 đến 2 tuần để hồi phục. Bệnh nhân nên nghỉ ngơi ở tư thế kê cao đầu để giảm thiểu sưng nề. Các hoạt động mạnh như tập luyện hay các môn thể thao cũng cần tránh trong quá trình hồi phục. Sau khoảng 1 tuần bác sĩ sẽ tháo băng và cắt chỉ đối với vết mổ qua đường đỉnh đầu. Sau khoảng 3 tuần bệnh nhân sẽ thấy kết quả cải thiện rõ rệt với ít nếp cau mày hơn, vùng trán căng mịn, trẻ trung hơn hoặc cặp chân mày nâng cao, không còn bị sụp nữa.