Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật là một trong ba bộ kinh quan trọng nhất của Tịnh độ tông. Dưới đây là nội dung kinh file PDF cho quý vị dễ tụng đọc.
1. Ý nghĩa của Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật
Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật là một trong ba bộ kinh quan trọng nhất của Tịnh độ tông. Kinh miêu tả thế giới phương Tây của Phật A-di-đà và dạy cách hành trì: sống thanh tịnh, giữ giới luật và niệm danh hiệu Phật A-di-đà, hành giả thoát khỏi các nghiệp bất thiện và được tái sinh nơi Tịnh độ của A-di-đà.
Kinh này chỉ rõ quá trình phát sinh giáo pháp của Tịnh độ tông và thật ra đã được đức Phật lịch sử Thích-ca trình bày. Tương truyền rằng, hoàng hậu Vi-đề-hi, mẹ của vua A-xà-thế, bị con mình bắt hạ ngục cùng với chồng là vua Tần-bà-sa-la.
Bà nhất tâm cầu nguyện Phật và khi Phật hiện đến, bà xin tái sinh nơi một cõi yên lành hạnh phúc. Phật dùng thần lực cho bà thấy mọi thế giới tịnh độ, cuối cùng bà chọn cõi Cực lạc của A-di-đà.
Phật dạy cho bà phép thiền định để được tái sinh nơi cõi đó. Phép thiền định này gồm 16 phép quán tưởng, và tuỳ theo nghiệp lực của chúng sinh, các phép này có thể giúp tái sinh vào một trong chín cấp bậc của Tịnh độ.
Mười sáu phép quán tưởng đó là: quán mặt trời lặn; quán nước; quán đáy sông; quán cây cối; quán nước cam lộ; quán thế giới thực vật; quán nước và đáy nước; quán toà sen; quán ba báo thân của ba vị thánh A-di-đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí; quán ba ứng thân của Phật A-di-đà; của Quán Thế Âm; của Đại Thế Chí; quán A-di-đà trong Tịnh độ; quán ba vị thánh trong Tịnh độ; quán cấp thượng căn trong Tịnh độ; quán cấp trung căn và hạ căn trong Tịnh độ.
Các phép quán này giúp hành giả có thể thấy được A-di-đà và hai vị Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí ngay trong đời này và đó là dấu hiệu chắc chắn hành giả sẽ được tái sinh về Tịnh độ.
Cần phải hiểu rõ ý Kinh thì sự trì tụng mới đầy đủ ý nghĩa. Được là đệ tử Phật, tắm mình trong ánh hào quang của Phật, đó là trí tuệ Phật tâm sẵn đủ của chính mình.
2. Nội dung Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật
Như thế tôi nghe, một thời đức Phật ở tại non Kỳ Xà Quật thuộc thành Vương Xá cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ kheo. Nơi chúng hội đây, lại có ba vạn hai ngàn vị đại Bồ tát. Trong ấy Ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp vương tử là bậc thượng thủ.
Bấy giờ trong Vương Xá đại thành có vị Thái tử tên là A Xà Thế, nghe theo lời xúi giục của kẻ ác hữu Điều Đạt, bắt vua cha là Tần Bà Sa La giam trong ngục kín dày đến bảy lớp cửa. Thái tử lại ra lịnh cấm các quan, không cho một ai được đến thăm.
Quốc Thái phu nhân là Vi Đề Hy, vì mến tưởng vua, bà lo nghĩ phương chước cứu giúp. Bà tắm gội sạnh sẽ, lấy bột nhồi với sữa và mật thoa dính nơi thân, đổ đầy nước trái nho vào các hạt chuỗi Anh Lạc, rồi lén đem các thức ấy dâng cho vua. Tần Bà Sa La vương thọ dụng thức ăn uống xong, xin nước súc miệng, rửa mặt. Đoạn chắp tay hướng về núi Kỳ Xà Quật kính lễ đức Thế Tôn và thưa rằng: “Ngài Đại Mục Kiền Liên là bạn thân của tôi, xin khởi lòng từ bi truyền cho tôi giới Bát Quan Trai“.
Khi ấy ngài Mục Kiền Liên biết được, liền bay đến chỗ Tần Bà Sa La vương lẹ như chim ó, chim cắt. Mỗi ngày truyền giới Bát Quan Trai cho vua. Đức Thế Tôn cũng sai Tôn giả Phú Lâu Na vì vua thuyết pháp. Như thế trải qua hai mươi mốt ngày. Nhờ được ăn uống và nghe pháp, nên dung sắc vua hòa nhã tươi vui.
Lúc đó A Xà Thế đến hỏi người giữ cửa rằng: “Phụ vương ta hôm nay còn sống chăng?” Viên thủ ngục đáp: “Tâu đại vương! Do Quốc Thái phu nhân thoa bột với mật vào thân và đựng nước trái nho trong hạt chuỗi đem cung phụng. Lại có hai Sa môn là Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na bay đến truyền giới thuyết pháp không thể ngăn cấm, nên hiện tại đức vua vẫn bình yên”. A Xà Thế nghe xong, nổi giận bảo: “Mẹ ta là giặc vì đã làm bạn với kẻ giặc. Bọn Sa môn kia là hạng người xấu, dùng chú thuật làm cho tên ác vương ấy nhiều ngày không chết!” Nói đoạn, rút gươm muốn đến giết mẹ.
Đang khi ấy, có hai vị đại thần thông minh tài trí là Nguyệt Quang, Kỳ Bà, thấy thế vội quỳ xuống làm lễ và can gián rằng: “Tâu đại vương! Chúng tôi nghe trong kinh Tỳ Đà La nói từ thuở kiếp sơ đến nay những ác vương tham ngôi báu mà giết hại cha có một vạn tám ngàn người. Song chưa từng nghe có ông vua nào giết mẹ. Nay nếu đại vương làm việc ác nghịch trái đạo này, tức là để vết nhơ cho dòng giống Sát Đế Lợi, nào khác gì hạng Chiên Đà La. Bọn thần không nỡ ở lại trông nhìn cảnh tượng ấy, vậy xin từ nay bái biệt!.” Nói xong đứng lên đưa tay đè chuôi gươm rồi thối lui quay đi.
A Xà Thế nghe qua kinh sợ bảo: “Các ông không vì ta sao?” Kỳ Bà thưa: “Nếu đại vương muốn cho chúng tôi ở lại giúp đỡ, xin đừng giết hại Quốc Thái”. A Xà Thế nghe nói, tỏ vẻ ăn năn vội cất gươm bỏ ý nghĩ giết mẹ. Sai nội quan cầm Quốc Thái phu nhơn trong thâm cung, không cho ra ngoài nữa.
Vi Đề Hy bị u cấm, sầu lo tiều tụy, xa trông về non Kỳ Xà Quật đảnh lễ Phật và bạch rằng: “Đức Như Lai Thế Tôn! Lúc trước Ngài thường bảo hiền giả A Nan đến thăm viếng và khuyên dạy con. Nay con có việc lo buồn, không làm sao còn được thấy oai nghi trang trọng của đấng Thiên Nhơn Sư nữa! Xin đức Thế Tôn thương xót cho hai vị tôn giả Mục Liên, A Nan đến dạy dỗ con”. Bạch xong lời ấy, bà thương khóc nước mắt rơi xuống như mưa, hướng về chỗ Phật thường ngự, cúi đầu đảnh lễ.
Bấy giờ đức Thế Tôn đang ở núi Kỳ Xà Quật biết rõ tâm niệm bà Vi Đề Hy, liền bảo hai tôn giả Mục Kiền Liên, A Nan theo lời yêu thỉnh bay đến cấm thất. Và chính Ngài cũng ẩn thân tại núi Kỳ Xà Quật, hiện ra nơi vương cung. Khi bà Vi Đề Hy lễ xuống vừa ngước đầu lên, đã thấy đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn ngồi trên tòa sen bá bảo. Thân sắc tử kim rực rỡ bên tả có Mục Liên, bên hữu có A Nan đồng đứng hầu.
Mời quý bạn đọc trọn bộ Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật tại file PDF dưới đây.
Xem màn hình rộng
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!