Khái quát hóa là gì? Cấu trúc năng lực khái quát hóa – LyTuong.net

Khái niệm “khái quát hóa” và “năng lực khái quát hóa”

– Khái quát hóa (KQH): Theo A.V.Daparogiet (1977), “Khái quát hóa là việc hợp nhất trong ý nghĩ những sự vật, hiện tượng của hiện thực khái quát có một số thuộc tính chung nào đó” [1; tr 10]. Theo Từ điển Tiếng Việt (2010), “KQH thực hiện hoạt động tư duy để khái quát; khái quát là nắm lấy những cái có tính chung cho một loạt sự vật, hiện tượng” [2; tr 635].

Như vậy, có thể hiểu, KQH là hoạt động Tư duy tìm các dấu hiệu chung đặc trưng cho một nhóm đối tượng (sự vật, hiện tượng) để nghiên cứu, nhận thức nhóm đối tượng đó.

– Năng lực khái quát hóa (NLKQH): M.N.Sacđacov (1996) xem xét KQH dưới góc độ năng lực (NL) đặc trưng cho các giai đoạn phát triển lứa tuổi. KQH phát triển từ KQH cảm tính thông qua KQH hình tượng và khái niệm dẫn đến KQH khái niệm trừu tượng [3; tr 9-10]. Nguyễn Thị Mỹ Hằng (2011) cho rằng, “KQH là quá trình nghiên cứu các sự vật, hiện tượng riêng lẻ ban đầu ta tách các thuộc tính, các mối liên hệ chung, bản chất, nghĩa là tách trừu tượng hóa khỏi các dấu hiệu và các mối liên hệ không bản chất. Sau đó nhờ KQH các thuộc tính và các mối liên hệ chúng ta thu được các tri thức khái quát, trừu tượng dưới hình thức những khái niệm, định lí, quy tắc. KQH chính là quá trình phân tích tổng hợp những cái chung nhất của sự vật, hiện tượng” [4; tr 40].

Mặt khác, khi đề cập một NL nhất định, người ta thường đề cập đến tổ hợp Kiến thức + Kĩ năng + Thái độ. Vì vậy, khi xem xét khái niệm NLKQH cũng cần dựa trên các hợp phần này. Theo đó, Kỹ năng của NLKQH chính là các thao tác tư duy như: xác định mục đích, lựa chọn các lớp/nhóm đối tượng; phân tích các dấu hiệu/đặc điểm tính chất của từng đối tượng trong lớp/nhóm đối tượng; phân loại các dấu hiệu để tìm dấu hiệu chung và bản chất nhất của lớp/nhóm đối tượng đã chọn và diễn đạt nội dung các dấu hiệu đó bằng ngôn ngữ hình thành khái niệm phản ánh bản chất nhóm đối tượng nghiên cứu. Các Kỹ năng tư duy này được thực hiện trên nền tảng kiến thức về từng đối tượng với nhu cầu nhận thức và thái độ tích cực nhìn nhận vấn đề ở mức độ KQH.

Một ví dụ đơn giản về khái quát hóa:

khái quát hóa

Tranh vẽ gồm: Rau muống, đậu quả, xu hào và quả táo. Trả lời câu hỏi: Tìm những điểm giống nhau ở 04 hình trên? nhận xét về màu sắc của chúng? tác dụng của chúng đối với con người?

Cấu trúc năng lực khái quát hóa

Trên thế giới và Việt Nam có nhiều quan điểm khác nhau về cấu trúc NLKQH. Các quan điểm này đều có điểm chung là dựa trên cấu trúc của quá trình Tư duy logic.

Theo quan điểm của B.A.Ozahecrh, Tư duy logic là loại Tư duy trong đó yêu cầu chủ thể phải có Kỹ năng sau: Kỹ năng rút ra các hệ quả từ những tiền đề cho trước; Kỹ năng phân chia những trường hợp riêng biệt và hợp chúng lại; Kỹ năng dự đoán kết quả cụ thể bằng lí thuyết, Kỹ năng tổng quát những kết quả đã thu được [5]. Theo Nguyễn Quang Uẩn, các thao tác Tư duy logic được xác định bởi các Kỹ năng: phân tích; tổng hợp; so sánh; trừu tượng hóa – khái quát hóa [6].

Khi xem xét trên quan điểm NL là tập hợp kiến thức, Kỹ năng và thái độ, cấu trúc NLKQH có thể được mô hình hóa như sơ đồ 1.

Sơ đồ 1. Mô hình về cấu trúc NLKQH
Sơ đồ 1. Mô hình về cấu trúc NLKQH

Theo mô hình này, kiến thức về từng đối tượng có vai trò là nguyên liệu cơ bản và định hướng KQH, thái độ tích cực là động lực thực hiện việc KQH kiến thức còn Kỹ năng với các thao tác Tư duy, là tiến trình trí tuệ gia công kiến thức để KQH hình thành khái niệm là ngôn ngữ mã hóa bản chất khách quan sự vật, hiện tượng. Như vậy, KQH là một NL nhận thức biểu hiện bằng một tiến trình hành động được thúc đẩy bởi động lực tâm lí của chủ thể nhận thức. Tiến trình hành động đó được gọi là các Kỹ năng.

Dựa trên quan điểm này, KQH là một quá trình, ứng với mỗi bước trong quá trình đó là một nhóm Kỹ năng. Khi xem xét các Kỹ năng, chúng tôi xác định 05 Kỹ năng thành phần của NLKQH theo thứ tự như sau:

– Kỹ năng xác định mục đích KQH: Là xác định được kết quả mong đợi sau khi thực hiện quá trình KQH. Trong dạy học, giáo viên (GV) yêu cầu HS cần xác định được mục đích, mục tiêu của quá trình KQH. Mục đích là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu, nếu đặt mục tiêu không có mục đích thì sẽ không có động lực để thực hiện được mục tiêu đó. Mục tiêu phải rõ ràng, cụ thể, đo lường và ước lượng được.

– Kỹ năng lựa chọn lớp/nhóm đối tượng KQH: Là chủ thể nhận biết sơ bộ, đưa ra những nhận định hay giả định có giá trị về nhóm đối tượng nghiên cứu. Trong dạy học, GV nên yêu cầu HS có những suy luận trên cơ sở kiến thức, Kỹ năng đã biết để lựa chọn các sự vật, hiện tượng.

– Kỹ năng phân tích các dấu hiệu, tính chất của từng đối tượng trong lớp/nhóm đối tượng đã chọn: Là sự phân chia trong Tư duy các đối tượng thành những yếu tố hợp thành, các dấu hiệu, các đặc tính riêng biệt của các đối tượng đó.

– Kỹ năng phân loại các dấu hiệu để tìm các dấu hiệu chung và bản chất nhất của lớp/nhóm đối tượng đã chọn: Trong dạy học, GV yêu cầu HS phân loại các dấu hiệu rồi tìm trong đó dấu hiệu chung và bản chất của các đối tượng dựa trên một số tiêu chí nào đó.

– Kỹ năng diễn đạt nội dung được KQH thành khái niệm: Là hoạt động Tư duy để gạt bỏ những yếu tố, những tính chất, những liên hệ thứ yếu, không bản chất của các đối tượng và chỉ giữ lại những yếu tố bản chất, từ đó sử dụng ngôn ngữ KQH thành khái niệm là mô hình sự vật khách quan trong Tư duy. Trong dạy học, GV yêu cầu HS diễn đạt nội dung được KQH trên cơ sở phân tích, so sánh, tổng hợp ở mức độ cao hơn từ đó hình thành khái niệm phản ánh bản chất đối tượng.

Các Kỹ năng thành phần của NLKQH được sắp xếp theo logic cấu thành quá trình KQH. Do đó, có thể quan niệm, mỗi Kỹ năng thành phần là một tiêu chí của NLKQH, trong mỗi tiêu chí sẽ có nhiều mức độ biểu hiện khác nhau. Các biểu hiện hành vi của NLKQH thể hiện trong bảng 1:

Kỹ năng thành phần của NLKQH Biểu hiện của các Kỹ năng thành phần Kỹ năng xác định mục đích KQH Xác định được nội dung/vấn đề nhận thức Kỹ năng lựa chọn lớp/nhóm đối tượng KQH Lựa chọn được các đối tượng để tạo thành lớp phù hợp mục đích tiến hành KQH. Định dạng các đối tượng hoặc gọi tên các đối tượng tiến hành KQH. Xác định vị trí, vai trò của việc nghiên cứu các đối tượng trong quá trình KQH. Kỹ năng phân tích các dấu hiệu/đặc điểm, tính chất của từng đối tượng trong lớp/nhóm đối tượng đã chọn Chỉ ra các đặc điểm từng đối tượng nghiên cứu và thiết lập mối quan hệ giữa các đặc điểm đó. Kỹ năng phân loại các dấu hiệu để tìm các dấu hiệu chung và bản chất nhất của lớp/nhóm đối tượng đã chọn Chỉ ra dấu hiệu giống và khác nhau giữa các đối tượng. Chọn ra dấu hiệu giống nhau chung cho các đối tượng đó. Kỹ năng diễn đạt nội dung được KQH thành khái niệm Loại bỏ những dấu hiệu khác nhau và giống nhau không bản chất, giữ lại những dấu hiệu bản chất của các đối tượng. Chọn từ ngữ mã hóa hình thành khái niệm phản ánh trong Tư duy các đối tượng nghiên cứu.

Minh họa biểu hiện của các kĩ năng thành phần mà học sinh cần đạt khi tiến hành khái quát hóa phần “Trao đổi chất của sinh vật” (Sinh học 11):

– Kỹ năng xác định mục đích KQH:

+ Xác định trao đổi chất (TĐC) là một đặc tính của sinh vật. Đặc tính đó được biểu hiện khác nhau ở thực vật và động vật.

+ Xác định được những dấu hiệu chung của TĐC ở cả động vật và thực vật là thu nhận nguyên liệu từ môi trường, bộ phận thu nhận, cơ chế thu nhận; Vận chuyển (con đường vận chuyển, cơ chế vận chuyển); Điều hòa cân bằng thích nghi với ảnh hưởng các nhân tố bên trong, bên ngoài.

+ Diễn đạt nội dung KQH hình thành khái niệm TĐC cấp độ cơ thể.

– Kỹ năng lựa chọn lớp/nhóm đối tượng KQH: Lựa chọn những đối tượng tiến hành KQH là các quá trình trao đổi nước và muối khóang, trao đổi khí… ở thực vật và quá trình tiêu hóa, trao đổi khí… ở động vật.

– Kỹ năng phân tích các dấu hiệu/đặc điểm, tính chất của từng đối tượng trong lớp/nhóm đối tượng đã chọn:

+ Phân tích các dấu hiệu/đặc điểm, tính chất của quá trình trao đổi nước và muối khóang ở thực vật về quá trình hấp thụ, vận chuyển, biến đổi, thải chất và cân bằng nội môi, mối quan hệ giữa các quá trình đó.

+ Phân tích các dấu hiệu/đặc điểm, tính chất của quá trình quá trình tiêu hóa, quá trình lấy thức ăn, tiêu hóa thức ăn, thải chất và cân bằng nội môi. Mối quan hệ giữa các quá trình đó ở cơ thể động vật.

-Kỹ năng phân loại các dấu hiệu để tìm các dấu hiệu chung và bản chất nhất của lớp/nhóm đối tượng đã chọn: Tiến hành so sánh, phân tích, tổng hợp chỉ ra sự giống và khác nhau về cơ quan hấp thụ, cơ chế hấp thụ, vận chuyển, biến đổi và cân bằng nội môi ở thực vật và động vật dưới tác động của các nhân tố bên ngoài và bên trong.

– Kỹ năng diễn đạt ngôn ngữ hình thành khái niệm: Trừu xuất để giữ lại những dấu hiệu tương đồng, chung nhất như hấp thụ, vận chuyển, biến đổi và điều hòa cân bằng nội môi diễn ra ở cả cơ thể thực vật và động vật. Tuy khác nhau về hình thức biểu hiện nhưng thực vật và động vật đều có cùng bản chất là trao đổi vật chất giữa cơ thể sinh vật với môi trường đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của cơ thể. Lựa chọn được ngôn ngữ phản ánh bản chất quá trình TĐC là một đặc tính chung của cơ thể thực vật và động vật chính là hoạt động trừu tượng hóa – mục tiêu cuối cùng của KQH.

Kết luận

KQH là NL hoạt động nhận thức của con người được thực hiện theo một quá trình logic xác định mục đích, lựa chọn và thiết lập nhóm đối tượng nhận thức, phân tích chi tiết các đặc điểm của từng đối tượng đó theo các tiêu chí, chỉ báo nhất định, đối chiếu, so sánh các đối tượng trong nhóm theo các tiêu chí, chỉ báo đó, lựa chọn các đặc điểm chung giống nhau và tách ra từ các đặc điểm chung đó các đặc điểm bản chất nhất là thuộc tính đặc trưng cho nhóm đối tượng đó.

Quá trình dạy học sinh học thực chất là quá trình hình thành khái niệm. Sinh học hiện đại đạt trình độ mô hình hóa lí thuyết nhờ KQH dựa trên những cứ liệu thực nghiệm chính xác. Các thành tựu nghiên cứu sinh học phân tử, tế bào, cơ thể, trên cơ thể cho phép KQH hình thành mô hình lí thuyết để dựa vào đó nhận thức và vận dụng công nghệ sinh học. Đó chính là bản chất và nội dung KQH trong dạy học Sinh học. Việc xác định rõ cấu trúc của NLKQH sẽ góp phần quan trọng trong việc lựa chọn biện pháp, kĩ thuật và logic hình thành NL này, nhất là trong tổ chức dạy học Sinh học 11.

Tài liệu tham khảo

  • [1] A.V.Daparogiet (1977). Tâm lí học (tập II). NXB Giáo dục.
  • [2] Hoàng Phê (2010). Từ điển Tiếng Việt. NXB Từ điển Bách khoa.
  • [3] Phạm Thị Đức (1996). Phát hiện năng lực khái quát hóa ở học sinh tiểu học. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, mã số B94-37-55, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.
  • [4] Nguyễn Thị Mỹ Hằng (2011). Trừu tượng hóa – Khái quát hóa trong dạy học đại số và giải tích ở trung học phổ thông. Tạp chí Giáo dục, số 273, tr 43-44.
  • [5] TOM. Korrzuh, B.A Ozahecrh (1980). Phương pháp dạy toán học ở trung học (Người dịch: Nguyễn Đức Thuần). NXB Giáo dục.
  • [6] Nguyễn Quang Uẩn (2005). Tâm lí học đại cương. NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội.
  • [7] Nguyễn Thành Đạt (tổng chủ biên) – Lê Đình Tuấn (chủ biên) – Nguyễn Như Khanh (2006). Sinh học 11. NXB Giáo dục
  • [8] Nguyễn Thành Đạt (tổng chủ biên) – Lê Đình Tuấn (chủ biên) – Nguyễn Như Khanh (2006). Sinh học 11 (Sách giáo viên). NXB Giáo dục.

(Nguồn: Nguyễn Văn Hiền, Ngô Văn Hưng, Đặng Hùng Dũng, Tạp chí Giáo dục, Số 424 (Kì 2 – 2/2018), tr 48-50)