KINH DƯỢC SƯ — Giải kiết, giải kiết, giải oan kiết, Nghiệp

Thập Nhị Dược Xoa Thần Tướng – Chư Phật và Bồ Tát vì lòng từ bi thương chúng sanh, nên sau khi thành đạo bằng thần thông và nguyện lực các Ngài có thể ứng thân thị hiện muôn hình muôn vẻ, thiết lập cảnh giới để hóa độ vô lượng chúng sanh, tùy theo nghiệp lực căn tánh của chúng sanh mà các Ngài thuyết pháp dìu dắt muôn loài tu tập giải thoát. Mười hai vị Thần Tướng Dược Xoa là một trong những cách thị hiện của chư Phật, Bồ tát.

Dược Xoa cũng dịch là Dạ Xoa, ở đây chính là chỉ cho những vị thiện Dạ Xoa có lòng nhiệt thành hộ pháp. 12 vị Dược Xoa này ở cung trời Tỳ Sa Môn Thiên Vương thống nhiếp và lãnh đạo rất nhiều bộ chúng, vì vậy nên còn gọi là Đại Tướng, quyến thuộc rất đông tổng cộng đến 8 vạn 4 ngàn người. 12 Đại Tướng Dược Xoa cũng tượng trưng cho 12 hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư. Cũng chính là hóa thân của Phật Dược Sư hiện tướng Dược Xoa để hàng phục tâm cang cường của chúng sanh, phá trừ những tà ma ngoại đạo.

Mười hai vị Thần Tướng còn có tên gọi là Thập Nhị Dược Xoa, là những vị Thần Hộ Pháp Hộ trì những hành giả tu tập Dược Sư Pháp. Dược Xoa cũng chính là Kim Cang lực sĩ, được phân làm Thiên Hành Dược Xoa, Không Hành Dược Xoa, Địa Hành Dược Xoa. Các thần tướng Dược Xoa được dịch là Dũng Kiện, tức là hiển thị sức mạnh dũng cảm, không bị điều gì tồi phục được, mà còn có thể tồi phục tất cả. Các Ngài còn được gọi là Tật Tiệp, vì ba loại Dược Xoa đều hiển thị được oai đức tự tại, qua lại rất nhanh trong cõi người và cõi trời, mạnh nhanh như gió, do đó mà có tên là Tật Tiệp.

Bất luận là Đại Thừa hay Tiểu Thừa Phật Giáo, Hộ Thế Tứ Đại Thiên Vương, thần chúng Dược Xoa đều là những vị Hộ Pháp quan trọng trong Phật Giáo, các ngài có đầy đủ những thiện nguyện. Các Thần Tướng Dược Xoa có thệ nguyện rất sâu rộng để hộ trì Phật Pháp.

image

12 Thần Tướng Dược Xoa có tên gọi như sau:

1. Cung Tỳ La: còn gọi là Kim Tỳ La, được dịch ý là Cực Úy. Thân màu vàng, tay cầm bảo xử. Cung Tỳ La là hóa thân của Di Lặc Bồ tát, là thần hộ mạng tuổi Hợi.

2. Phạt Chiết La: còn gọi là Bạt Chiết La, Hòa Kỳ La, dịch ý là Kim Cang. Thân màu Trắng, tay cầm bảo kiếm. Phạt Chiết La là hóa thân của Đại Thế Chí Bồ tát, là thần hộ mạng tuổi Tuất.

3. Mê Súy La: còn gọi là Di Khư La, dịch ý là Chấp Nghiêm. Thân màu vàng, tay cầm bảo bổng hoặc độc cổ. Mê Súy La là hóa thân của Phật Di Đà, là thần hộ mạng tuổi Dậu.

4. An Để La: còn gọi là Át Nể La, An Nại La, An Đà La, dịch ý là Chấp Tinh. Thân màu xanh lục, tay cầm bảo chùy hoặc bảo châu. An Để La là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ tát, là thần hộ mạng tuổi Thân.

5. Át Nể La: còn gọi là Mạt Nể La, Ma Ni La, dịch ý là Chấp Phong. Thân màu đỏ, tay cầm bảo xoa hoặc mũi tên. Át Nể La là hóa thân của Ma Lợi Chi, là thần hộ mạng tuổi Mùi.

6. San Để La: còn gọi là Bà Nể La, Tố Lam La, dịch ý là Cư Ngoại. Thân màu khói Lam, tay cầm bảo kiếm hoặc loa bối. San Để La là hóa thân của Hư Không Tạng Bồ tát, là thần hộ mạng tuổi Ngọ

7. Nhân Đạt La: còn gọi là Nhân Đà La, dịch ý là Chấp Lực. Thân màu Đỏ, tay cầm bảo côn hoặc mâu. Nhân Đạt La là hóa thân của Địa Tạng Bồ tát, là thần hộ mạng tuổi Tỵ.

8. Ba Di La: còn gọi là Bà Da La, dịch ý là Chấp Ẩm. Thân màu đỏ, tay cầm bảo chùy hoặc cung tên. Ba Di La là hóa thân của Văn Thù Bồ tát, là thần hộ mạng tuổi Thìn.

9. Ma Hổ La: còn gọi là Bạc Hô La, Ma Hưu La, dịch ý là Chấp Ngôn. Thân màu trắng, tay cầm rìu báu. Ma Hổ La là hóa thân của Phật Dược Sư, là thần hộ mạng tuổi Mão.

10. Chân Đạt La: còn gọi là Châu Đổ La, Chiếu Đầu La, dịch ý là Chấp Tưởng. Thân màu vàng, tay cầm quyên sách hoặc bảo bổng. Chân Đạt La là hóa thân của Phổ Hiền Bồ tát, là thần hộ mạng tuổi Dần.

11. Chiêu Đổ La: còn gọi là Chu Đổ La, Chiếu Đầu La, dịch ý là Chấp Động. Thân màu xanh, tay cầm bảo chùy. Chiêu Đổ La là hóa thân của Kim Cang Thủ Bồ tát, là thần hộ mạng tuổi Sửu.

12. Tỳ Yết La: còn gọi là Tỳ Già La, dịch ý là Viên Tác. Thân màu đỏ, tay cầm bảo luân hoặc tam cổ. Tỳ Yết La là hóa thân của Phật Thích Ca, là thần hộ mạng tuổi Tý.

– st #kinhduocsu