&aposCon trai là người tình kiếp trước của mẹ từ bi kịch trong thần thoại Hy Lạp

Đi tìm xuất xứ của câu “Con trai là người tình kiếp trước của mẹ”, thì chúng ta có thể tìm thấy chuyện tình mẹ – con đầy bi kịch trong thần thoại Hy Lạp, thông qua nhân vật điển hình là Oedipus, vua của thành Thebes. Oedipus đã vô tình giết cha và kết hôn với mẹ ruột, để rồi mang lại bệnh dịch dữ dội ở thành Thebes.

Hình ảnh trong vở bi kịch Oedipus Rex do Nhóm nhà hát Fimonoi tái hiện

Cuối cùng, cả hai mẹ con biết được cuộc hôn nhân khủng khiếp này. Jocasta, mẹ ruột của Oedipus, đã treo cổ tự tử; còn Oedipus thì giật lấy hai chiếc đinh ghim từ chiếc váy của mẹ rồi tự đâm mù mắt mình.

Phức cảm Oedipus

Truyền thuyết trên đã được kể lại trong nhiều phiên bản, dựa vào đó, nhà tâm lý học Áo Sigmund Freud đã đặt tên cho “phức cảm Oedipus” nổi tiếng của mình. “Phức cảm Oedipus” là khái niệm trung tâm của phân tâm học, được định nghĩa là “mong muốn duy trì mối quan hệ yêu đương với cha/mẹ khác giới và loại bỏ cha/mẹ cùng giới tính”.

Câu chuyện về Oedipus là chủ đề của vở bi kịch Oedipus Rex, còn gọi là Oedipus the King, do Sophocles sáng tác khoảng năm 429 trước Công nguyên. Ban đầu, vở kịch này có nhan đề đơn giản là Oedipus (tiếng Hy Lạp: Οἰδίπους) như đã đề cập trong Thi Pháp học của Aristotle.

Giới nghiên cứu đã so sánh Oedipus với nhân vật Hamlet trong kịch của William Shakespeare, cũng như phân tích “phức cảm Oedipus” trong tiểu thuyết Con trai và người tình (Sons and Lovers, 1913) của D. H. Lawrence, vở kịch Lôi Vũ (雷雨) của Tào Ngu hay tác phẩm kinh điển Hồng Lâu Mộng (紅樓夢) của Tào Tuyết Cần…

Trong phân tâm học còn có “phức cảm Jocasta” (Jocasta complex), biểu thị “ham muốn tình dục loạn luân của một người mẹ đối với con trai mình” (incestuous sexual desire of a mother towards her son), trích Elsevier’s Dictionary of Psychological Theories của J.E. Roeckelein (2006). Jocasta là tên của nhân vật Hy Lạp cổ đại, chính là người đã vô tình kết hôn với con trai mình (Oedipus) trong thần thoại Hy Lạp kể trên.

‘Cả nhà thương nhau’ ba mẹ và con trai

Tương tự như vậy là Atossa (tiếng Ba Tư cổ: Utauθa), con gái của Cyrus Đại đế và là vợ của Darius I. Bà là nhân vật trong vở bi kịch Hy Lạp cổ đại Người Ba Tư (Πέρσαι), được xem như “đang vật lộn trong giấc mơ của mình với phức cảm Jocasta”.

Trong phân tâm học còn có “phức cảm Phaedra” (Phaedra Complex), một cách gọi không chính thức, phi khoa học để chỉ ham muốn tình dục của mẹ kế đối với con riêng của chồng mình. “Phức cảm Phaedra” còn dùng để chỉ những mối quan hệ khó khăn giữa cha mẹ và con riêng (stepson).

Nhìn chung, những phức cảm như Electra, Oedipus, Atossa hay Phaedra đều vấp phải sự chỉ trích khác nhau từ nội bộ phân tâm học cũng như từ các ngành khác. Về cơ bản, những chỉ trích này tập trung vào hai điểm: đặt câu hỏi về tính phổ quát của phức cảm; sự tranh giành chính sự tồn tại của nó.

Xin nhắc lại, theo Sigmund Freud, “phức cảm Oedipus” diễn ra trong sự đấu tranh giữa vô thức và bản ngã của đứa trẻ khoảng từ 3 đến 5 tuổi. Sau giai đoạn này, phức cảm suy giảm và bị kìm hãm, có thể biến mất khỏi trí nhớ có ý thức.

Đối với người lớn, thật khó chấp nhận “sự loạn luân” trong truyền thuyết Oedipus, vì điều này chạm tới yếu tố đạo đức trong ý thức của người trưởng thành.

Hình ảnh trong Con trai và người tình của D. H. Lawrence, Hồng Lâu Mộng (紅樓夢) của Tào Tuyết Cần – hàng trên; và Lôi Vũ của Tào Ngu

Trong đạo Phật, câu “con gái là người tình kiếp trước của cha”, cũng gây tranh cãi, tương tự như vậy, khó mà đồng thuận với cách nghĩ “con trai là người tình kiếp trước của mẹ” nếu không lý giải bằng “phức cảm Oedipus” hay thuyết luân hồi Phật giáo.

“Con trai là người tình kiếp trước của mẹ”, dẫu thế nào đi nữa thì “Sigmund Freud công nhận rằng những phản ứng chống lại phức cảm Oedipus là thành tựu xã hội quan trọng nhất của tâm trí con người” (Freud considered the reactions against the Oedipus complex the most important social achievements of the human mind), trích từ Oedipus complex, Bách khoa toàn thư Britannica.