Câu Đối và Những Nguyên Tắc

Câu Đối và Những Nguyên Tắc

Câu đối là một loại văn chương dùng để truyền đạt ý nghĩa nào đó. Tương truyền câu đối ra đời cách đây hơn ba nghìn năm. Các bài thơ Đường luật theo kiểu thất ngôn bát cú đều có ít nhất một đôi câu đối. Câu đối xưa nhất được ghi lại có lẽ là bài Quạt Mồ của Trang Tử:

Sinh tiền cá cá thuyết ái ân Tử hậu nhân nhân dục phiến văn Họa hổ họa bì nan họa cốt Tri nhân tri diện bất tri tâm

Dịch nghĩa: Còn sống người người khoe ân ái Khi chết kẻ kẻ muốn quạt mồ Vẽ cọp, vẽ da xương khó vẽ Biết người, biết mặt lòng khó biết

Bài thơ trên, câu một và hai hợp thành một đôi câu đối. Câu ba và bốn hợp thành đôi câu đối thứ hai. Ở Việt Nam do bị ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc mà câu đối đã có ít nhất từ thời Tiền Lê. Trong bài Vịnh Nga giữa thiền sư Pháp Thuận và sứ thần nhà Tống là Lý Giác vào năm 987 đã có một đôi câu đối:

Nga nga lưỡng nga nga Ngưỡng diện hướng thiên nha Bạch mao phô lục thủy Hồng trạo bãi thanh ba

Dịch nghĩa: Ngỗng ngỗng hai con ngỗng Ngửa mặt ngó bến trời Lông trắng phô nước biếc Chân hồng bơi sóng xanh

Trong nguyên văn, hai câu cuối là: “Bạch mao phô lục thủy. Hồng trạo bãi thanh ba” là một đôi câu đối rất chỉnh. Từ đó cho đến nay (2019) trong kho tàng văn chương Việt Nam, từ dân gian cho đến giới văn thi sĩ, có không biết bao nhiêu ngàn đôi câu đối.

Xưa kia khi Nho học ở Việt Nam còn hưng thịnh, mỗi dịp Tết người ta tìm đến những người hay chữ xin một đôi câu đối đem về treo trước cửa cho năm mới được may mắn. Không chỉ Tết mới có câu đối mà vào dịp tang ma, cúng tế, hội hè người ta cũng viết câu đối. Bên cạnh đó có rất nhiều giai thoại văn học Việt Nam các nhà thơ thách nhau qua câu đối. Sứ thần trong các triều đại Việt Nam khi sang triều cống cũng thường hay bị văn gia xứ Bắc thách đối. Hoặc là sứ thần Trung Hoa đến nước Nam thách vua quan Việt.

Ngoài ra, viết một đôi câu đối cũng là thú vui tao nhã như làm thơ, soạn nhạc, hay sáng tác văn học. Như các môn khác, khi nghệ thuật lên cao đều kèm theo một số quy luật. Bài viết này có mục đích giới thiệu đến những ai thích câu đối mà không rõ nguyên tắc, hoặc là không biết câu đối là như thế nào.

Nguyên tắc của câu đối.

1) Hình Thức.

a. Một đôi câu đối chia làm hai vế. Khi treo ngang (hoành phi) thì gọi là vế trên, vế dưới. Khi treo dọc thì gọi là vế một, vế hai. Khi một bên thách thức, một bên trả lời thì gọi là vế ra, vế đối. Ở cổng chùa hoặc các nơi thờ cúng thường là treo dọc. Vì bị ảnh hưởng của người Tàu đọc từ phải qua trái nên treo vế một bên phải và vế hai bên trái.

ă. Mỗi vế trong một đôi câu đối không có giới hạn nhiều bao nhiêu chữ. Ngắn nhất thường là ba chữ nhưng rất ít câu đối nào ngắn như thế. Đại đa số các đôi câu đối ta thấy trong sách vở để lại; ở đình chùa, từ đường v.v. là năm hoặc bảy chữ. Tất nhiên có ngoại lệ, số chữ trong mỗi vế thường là số lẻ. Thí dụ như bài Vịnh Nga:

Bạch mao phô lục thủy Hồng trạo bãi thanh ba

Mỗi câu có 5 chữ. Thí dụ bài Quạt Mồ:

Họa hổ họa bì nan họa cốt Tri nhân tri diện bất tri tâm

Mỗi câu có 7 chữ.

â. Vì là câu đối nên số chữ của hai vế phải bằng nhau. Tuyệt đối không có chuyện số chữ của một vế này nhiều hoặc ít hơn vế kia.

b. Chữ cuối cùng của vế một hầu như lúc nào cũng là thanh trắc. Chữ cuối của vế hai lúc nào cũng là thanh bằng. Theo tôi biết thì không có trường hợp ngoại lệ.

c. Câu đối từ bốn chữ trở xuống gọi là tiểu đối. Câu đối trong một bài thơ Đường luật (ngũ ngôn hay thất ngôn) gọi là đối thơ, như thí dụ ở hai bài thơ trên. Câu đối phú là làm theo thể phú gồm có ba loại: Một là song quan gồm những câu dài từ 6 đến 9 chữ. Hai là cách cú gồm một đoạn ngắn và một đoạn dài. Thí dụ:

Ruồi đậu mâm xôi, mâm xôi đậu Kiến bò đĩa thịt, đĩa thịt bò

Ba là gối hạc hay hạc tất gồm mỗi vế có ba đoạn trở lên. Thí dụ như đôi câu đối tôi viết cho Chương 17 trong tác phẩm Chính Khí Trời Nam:

Trục Định tru Đoàn, Lĩnh địa an bang, tế thế phong trần, vạn tải anh hùng công quốc phục Phù Hùng tá Trắc, Nam cương định xứ, khai đoan xã tắc, thiên thu nữ kiệt đức gia hưng

2) Đối Ý.

Quan trọng hơn hết là ý nghĩa của hai vế phải tương xứng (đối) với nhau. Nếu ý nghĩa không tương xứng thì không thể gọi đó là đôi câu đối mà chỉ có thể gọi là hai câu chữ. Ý của vế trên là khen, ý của vế dưới có thể cũng là khen, hoặc là chê. Vế trên là tả, thì vế dưới cũng là tả. Thí dụ một đôi câu đối rất nổi tiếng trong dân gian Việt Nam:

Ruồi đậu mâm xôi, mâm xôi đậu Kiến bò đĩa thịt, đĩa thịt bò

Cả hai vế đều tả cảnh.

3) Đối Chữ.

a. Thanh (vần). Thanh bằng đối với thanh trắc và ngược lại. Trong sáu âm tiếng Việt thì không dấu và dấu huyền thuộc thanh bằng. Bốn dấu còn lại (sắc, hỏi, ngã và nặng) thuộc thanh trắc. Một câu đối gọi là chỉnh thì phải vừa đối ý lẫn đối chữ. Tuy nhiên có trường hợp ngoại lệ nhưng không nhiều. Thí dụ:

Ruồi đậu mâm xôi, mâm xôi đậu Kiến bò đĩa thịt, đĩa thịt bò

“Ruồi” thuộc thanh bằng, đối lại “kiến” thuộc thanh trắc. “Đậu” thuộc thanh trắc, đối lại “bò” thuộc thanh bằng, v.v.

ă. Loại. Ngoài bằng trắc ra, loại chữ cũng phải đối với nhau. Nhưng ở đây, danh từ phải đối với danh từ, tĩnh từ đối tĩnh từ, trạng từ đối trạng từ, động từ đối động từ. Không có ngoại lệ. Người nào dùng sai mà lấp liếm thì một là không hiểu quy luật, hoặc hai là muốn che đậy cái thiếu sót của mình. Dùng thí dụ trên:

Ruồi đậu mâm xôi, mâm xôi đậu Kiến bò đĩa thịt, đĩa thịt bò

“Ruồi” và “kiến” đều chỉ côn trùng. Cả hai đều là danh từ. Do đó chỉnh. “Đậu” và “bò” đều là động từ. Chỉnh. “Mâm xôi” và “đĩa thịt” đều là danh từ. Chỉnh.

Đôi câu đối này còn tài tình ở chỗ vừa đối ý, đối chữ và đối cả cách chơi chữ. “Đậu” danh từ nghĩa là hạt đậu, thuộc các loại đậu như đậu xanh, nành, đen, đỏ, v.v. Còn động từ, đậu là ngừng một chỗ. Đối lại, “bò” là con vật người ta dùng kéo xe, cày ruộng, lấy sữa. Còn động từ, bò là hành động nằm sát đất mà bò bằng tay chân. Về ý nghĩa, đôi câu đối trên càng đọc càng thấy hay và sâu sắc.

â. Luật trắc bằng. Luật này áp dụng triệt để khi câu đối được viết theo Đường luật. B = bằng. T = Trắc. Ở đây dùng câu 7 chữ làm tiêu biểu:

Luật bằng. Vế trên: B B T T B B T Vế dưới: T T B B T T B

Thí dụ: Giơ tay ướm thử trời cao thấp Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài (Hồ Xuân Hương).

Luật trắc. Vế trên: T T B B B T T Vế dưới: B B T T T B B

Thí dụ: Cọp khỏi rừng sâu cây trụi lá Rồng vào biển rộng sóng mòn bờ

Trong hai loại trên thì luật trắc chiếm đại đa số.

b. Ngoại lệ. Câu đối cũng như làm thơ Đường luật, theo đúng luật bằng trắc rất khó, do đó có sự ngoại lệ. Ở đây vẫn dùng câu Đường luật 7 chữ làm thí dụ, dài hay ngắn hơn đều theo nguyên tắc có sẵn:

Nhất, tam, ngũ bất luận. Nhì, tứ, lục, phân minh.

Chữ thứ nhất, ba, năm không kể. Chúng có thể đảo lộn bằng trắc không sao. Chữ thứ hai, tư, sáu và cuối cùng bắt buộc phải theo đúng bằng trắc. Thí dụ:

Đồng trụ chí kim đài dĩ lục Đằng giang tự cổ huyết do hồng

Nếu không theo sát quy luật này thì gọi là thất luật. Nếu chữ cuối cùng của mỗi câu không theo đúng bằng trắc thì gọi thất vận.

4) Phân Dạng.

Người Hoa phân dạng câu đối đến cả 15 loại khác nhau như xuân liên, doanh liên, hạ liên, v.v. Ở Việt Nam, học giả Dương Quảng Hàm phân loại như sau:

a. Câu đối mừng: Làm để tặng trong những dịp như mừng thọ, đám cưới, thi đỗ, v.v.

ă. Câu đối phúng: Làm để tế người chết.

â. Câu đối Tết: Làm để chúc tết.

b. Câu đối thờ: Làm treo hai bên bàn thờ, từ đường, đền, miếu, chùa, v.v.

c. Câu đối tự thuật: Tự tác giả làm về cuộc đời mình.

d. Câu đối đề tặng: Làm ra trong dịp đặc biệt để tặng người.

đ. Câu đối tức cảnh: Là những câu tả ngay cảnh trước mắt.

e. Câu đối chiết tự: Phân tách chữ Hán ra thành những bộ nhỏ để đối lại. Thí dụ câu đối của Mạc Đĩnh Chi khi đi sứ nhà Nguyên:

An nữ khứ thỉ nhập vi gia Tù nhân xuất vương lai lập quốc

Chữ an (安) bỏ chữ nữ (女), thêm chữ thỉ (豕) thành chữ gia (家). Chữ tù (囚) bỏ chữ nhân (人), thêm chữ vương (王) thành chữ quốc (囯).

ê. Câu đối trào phúng: Câu đối chế giễu người nào, hoặc cảnh nào. Thí dụ Nguyễn Khuyến làm đôi câu đối chọc người hàng xóm (hoặc bạn) làm nghề mổ lợn:

Tứ thời bát tiết canh chung thủy Ngãn liễu đôi bồ dục điểm trang

Trong hai câu có “bát tiết canh” và “đôi bồ dục”.

Hay: Luồn lọt lên lương, lỗi lầm lấp liếm, luật lệ làm lơ, lũ lọc lường luôn lẩn lút Phe phẩy phè phỡn, phân phối phập phù, phạm pháp phởn phơ, phường phản phúc phải phanh phui

g. Câu đối tập cú: Những câu đối lấy từ tục ngữ, ca dao, v.v.

Gái có chồng như rồng có vây, gái không chồng như cối xay không ngõng. Con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi.

h. Câu đối thách (đối hay đố): Người ta còn nghĩ ra những câu đối oái ăm, cầu kỳ rồi người ta tự đối lấy hoặc thách người khác đối. Lối đối này thường sử dụng nghệ thuật chơi chữ, đồng âm dị nghĩa…

Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc, nó cạch đến già Con công đi qua chùa kênh, nó nghe tiếng cồng nó kềnh cổ lại (Câu đối có bốn chữ: cóc cách cọc cạch đối với bốn chữ công kênh cồng kềnh.)

5) Kết.

Hơn ngàn năm qua, câu đối đã đi vào văn hóa Việt Nam và thỉnh thoảng có những câu đối vào hạng siêu việt. Bên cạnh đó, có những câu đối mà hơn trăm năm vẫn chưa có câu nào đối lại gọi là chỉnh cả. Thí dụ câu đối này của bà Đoàn Thị Điểm thách Nguyễn Quỳnh:

Da trắng vỗ bì bạch. Bì bạch có nghĩa là da trắng và cũng là tiếng kêu khi vỗ vào da.

Năm hết Tết đến, tôi viết một đôi câu đối ngắn gọn để kết thúc bài viết này.

Tết đến người người ước Xuân về kẻ kẻ mơ

Việt Lang 21 tháng 1 năm 2019.