Giữ nguyên hương vị đặc trưng của bánh chưng truyền thống, bánh chưng nếp cẩm không chỉ thơm ngon, dinh dưỡng còn có màu sắc bắt mắt, hấp dẫn. Bên cạnh bánh chưng, bánh tét xanh, bạn hãy thử thay đổi khẩu vị với món bánh chưng nếp cẩm độc đáo. Cùng khám phá công thức chi tiết từ Digifood ngay sau đây.
1. Giới thiệu về bánh chưng nếp cẩm
Bánh chưng nếp cẩm có màu tím bắt mắt, tượng trưng cho sự trường tồn, làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn và thành công trong năm mới. Bánh chưng nếp cẩm sử dụng gạo nếp cẩm tốt cho tim mạch, tiêu hóa và tăng cường hệ tuần hoàn máu. Ngoài ra, nếp cẩm cũng có tác dụng bổ sung sắt và các chất dinh dưỡng khác phù hợp với những người gầy muốn tăng cân.
Ảnh: Sưu tầm
Bánh chưng nếp cẩm mềm dẻo, vị thanh mát, ăn không nóng bụng. Phần nhân gần giống với nhân của các loại bánh chưng truyền thống bao gồm đỗ xanh, thịt lợn và tiêu đen. Món bánh ngon lạ này sẽ góp phần làm không khí Tết trở nên thú vị và là món quà ngọt thơm dành cho bạn bè, người thân.
2. Cách làm bánh chưng nếp cẩm
Gạo nếp cẩm có ưu điểm là ít dính hơn với gạo nếp thường, tuy nhiên bạn cần phải xử lý trước khi gói để bánh được ngon hơn.
Khẩu phần Thời gian chuẩn bị Thời gian nấu Tổng thời gian 6-8 người 5 tiếng 12 tiếng 17 tiếng
Nguyên liệu làm bánh chưng gạo nếp cẩm
- Gạo nếp cẩm: 2kg
- Đậu xanh: 600g
- Thịt ba chỉ: 300g
- 2 bó lá dong (mỗi bánh cần khoảng 3-4 lá)
- Dây lạt
- Gia vị: Muối, tiêu, nước mắm
Ảnh: Sưu tầm
Các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
- Ngâm gạo nếp cẩm với nước khoảng 2 giờ với nước ấm để gạo nở, sau đó vo sạch, để ráo. Cho 1 thìa muối vào gạo rồi xóc đều tay.
- Đỗ xanh ngâm với nước ấm cho nở, đãi sạch vỏ còn sót lại, để ráo. Trộn đều đỗ xanh với chút muối sau đó cho vào chõ đồ chín. Khi đỗ xanh chín nhừ, dùng một chiếc thìa để tán cho đỗ xanh nhuyễn và thêm đường và tiêu xay mịn.
- Thịt ba chỉ rửa sạch, cắt thành những miếng dài 5-7cm, dày khoảng 1cm. Sau đó, ướp thịt chung với tiêu, nước mắm trong khoảng 1 tiếng đồng hồ để các gia vị được ngấm đều vào thịt.
- Lá dong rửa sạch, sau đó cắt bỏ đi phần cuống, dọc bớt phần gân lá để dễ uốn hơn rồi lau khô trước khi gói bánh chưng nếp cẩm.
- Chia đỗ xanh thành các phần bằng nhau, cho thịt vào giữa và vo tròn để đỗ xanh bọc lấy thịt heo.
Lưu ý: Bạn có thể tận dụng phần cuống, dọc lá bỏ đi để lót ở đáy nồi luộc bánh chưng.
Bước 2: Cách gói bánh chưng nếp cẩm
Bạn có thể thực hiện gói bánh chưng nếp cẩm theo 2 cách sau:
Cách 1: Gói bánh bằng tay
- Lá dong xếp theo hình chữ thập sao cho mặt lá sẫm ở bên ngoài, mặt có gân lá tiếp xúc với bánh chưng. Như vậy khi bóc bánh, gạo nếp sẽ không dính vào lá, chiếc bánh trông đẹp mắt hơn.
Ảnh: Sưu tầm
- Cho vào giữa lá 1 chén gạo nếp cẩm, đặt phần nhân đỗ xanh, thịt heo vào giữa. Sau đó cho tiếp 1 chén gạo nếp cẩm lên trên nhân đỗ xanh.
- Gấp 2 lá dong bên trong cho chắc tay, gấp mép phần lá dong thừa vào trong.
Ảnh: Sưu tầm
- Gấp mép 2 đầu lá dong còn lại, cắt phần lá dư để tạo thành chiếc bánh hình vuông
- Sử dụng dây lạt buộc chặt để lá dong không bị bung và bánh trông đẹp mắt. Hai dây lạt đầu tiên buộc song song để giữ chặt bánh,. Hai dây lạt tiếp theo, buộc vuông góc với hai dây lạt đầu.
Ảnh: Sưu tầm
Cách 2: Gói bánh bằng khuôn
- Trước khi gói, bạn cắt lá dong vừa với kích thước khuôn. Đầu tiên gập lá theo chiều dọc, mặt sẫm bên trong, mặt có gân lá bên ngoài. Gập đôi lá dong lại (đầu lá và cuống lá chạm nhau). Đo chiều dài cạnh trong lòng khuôn, dùng kéo cắt lá bằng chiều dài đó. Làm tương tự với số lá dong còn lại.
Ảnh: Sưu tầm
- Xếp 4 lá dong vào 4 góc khuôn. Mặt lá sẫm bên ngoài, mặt lá nhạt có gân bên trong
Ảnh: Sưu tầm
- Cho vào bên trong các nguyên liệu theo thứ tự 1 chén gạo nếp cẩm, dàn đều khuôn sau đó cho vào đỗ xanh, thịt lợn. Kế tiếp, cho một phần gạo nếp cẩm để kín phần nhân bên trong
- Gấp các mép lá chắc chắn, vừa gấp vừa nén gạo và phần nhân xuống để bánh chưng nếp cẩm được vuông vức, cầm chắc tay.
- Một tay giữ cho lá không bị bung, tay còn lại lấy khuôn ra. Kéo 2 đầu sợi lạt để buộc chặt bánh. Buộc thêm 2 dây lạt vuông góc để bánh chắc chắn hơn.
Ảnh: Sưu tầm
Bước 3: Nấu bánh chưng nếp cẩm
Tuỳ thuộc vào điều kiện, bạn có thể lựa chọn nấu bánh chưng nếp cẩm bằng các cách khác nhau:
Cách 1: Nấu bằng bếp gas hoặc bếp củi
- Xếp phần lá dong, sống lá, cuống lá thừa vào đáy nồi. Xếp bánh chưng thẳng đứng sau đó đổ ngập nước.
- Trước tiên nấu bánh với mức lửa to để nồi bánh sôi, sau đó giảm dần để lửa vừa. Đun sôi nồi bánh liên tục 12 tiếng đồng hồ (tính từ lúc nước sôi) để bánh chín đều, không bị “lại gạo” (cứng).
- Nồi bánh chưng phải luôn ngập nước nên cách 1 tiếng đồng hồ, bạn nên kiểm tra lại lượng nước một lần. Nếu nước cạn đến mặt bánh thì cho thêm nước vào.
- Sau 12 tiếng đồng hồ, bạn vớt bánh ra, rửa qua nước lạnh. Xếp bánh thành nhiều lớp, dùng một miếng gỗ phẳng đè lên để ép bánh phẳng đẹp và rút hết nước.
Ảnh: Sưu tầm
Cách 2: Nấu bằng nồi áp suất
- Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể luộc bánh bằng nồi áp suất trong khoảng 1.5 tiếng đồng hồ. Sau khi nồi sôi thì xoay còi, hạ nhỏ lửa đến khi bánh chưng chín đều.
- Khi bánh chưng nếp cẩm chín, bạn vớt bánh ra rửa sạch, sau đó xếp bánh và dùng gỗ ép để rút hết nước, định hình bánh vuông vắn hơn.
3. Thành phẩm
Với cách làm bánh như trên, sau khi hoàn thành và đem đi luộc, bạn sẽ có món bánh chưng nếp cẩm với phần nếp dẻo mịn, mềm tan. Bánh quyện giữa vị ngọt đượm của nếp cẩm xen lẫn vị bùi bùi của đỗ xanh, chút beo béo của thịt lợn vừa ăn lạ miệng vừa no bụng. Món bánh chưng nếp cẩm đặc biệt tốt cho sức khỏe nhất là hệ tiêu hóa, tim mạch. Bạn có thể gói món bánh độc đáo này như món quà thơm thảo dành tặng người thân vào những dịp đặc biệt như dịp Tết cổ truyền.
Ảnh: Sưu tầm
4. Những lưu ý khi làm bánh chưng bằng gạo nếp cẩm
Chọn nguyên liệu là bước quan trọng trong cách làm bánh. Đây chính là yếu tố quyết định độ thơm ngon của những chiếc bánh chưng. Sau đây là một số mẹo từ Blog Digifood giúp bạn chọn lựa dễ dàng hơn.
Cách mua nếp cẩm ngon gói bánh chưng
Loại gạo nếp cẩm ngon sẽ có màu tím thẫm, hạt gạo mẩy tròn, bụng có sắc vàng nhạt. Hạt gạo không gãy, không có màu sắc hoặc mùi lạ nào.
Cách chọn lá dong gói bánh
Lá dong chọn loại lá bánh tẻ không quá già cũng không quá non. Chọn lá có khổ rộng vừa, đừng nên chọn lá quá to bởi rất dễ thừa khi gói lại. Trước khi gói bánh chưng nếp cẩm, bạn nên ngâm lá dong vào nước khoảng tầm 30-45 phút để sạch bớt phần đất cát hay bụi bẩn. Sau khi rửa sạch thì sử dụng một chiếc khăn mềm để lau sạch hai bề mặt lá.
Cách mua dây lạt gói bánh chưng
Khi mua dây lạt, bạn chú ý chọn loại lạt có độ mềm dẻo, mỏng để dễ dàng hơn khi gói. Mỗi chiếc bánh chưng nếp cẩm sẽ cần khoảng 2-4 đoạn lạt.
Cách mua đỗ xanh làm nhân bánh chưng nếp cẩm
Đỗ xanh ngon nên chọn loại hạt nhỏ, ruột vàng. Trước khi gói bánh chưng, bạn ngâm đỗ xanh trong nước khoảng tầm 1-2 tiếng rồi mới đãi vỏ, đồ chín sau đó đánh tơi. Tỷ lệ chuẩn để gói bánh là 8 phần gạo tương đương 2 phần đỗ xanh.
Cách chọn thịt lợn ngon làm nhân bánh chưng
Bạn nên chọn loại thịt ba chỉ hoặc phần thịt sấn vai có cả mỡ giúp bánh có thêm độ ngậy, thơm và không bị khô.
Hy vọng với công thức làm món bánh chưng nếp cẩm mà Digifood Blog chia sẻ trên đây, bạn sẽ thành công làm ra những chiếc bánh thơm ngon, đẹp mắt. Vào ngày Tết nếu có chiếc bánh chưng nếp cẩm ăn kèm với dưa kiệu chua chua thì còn gì sánh bằng.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!