Nghe tim khi khám tim: Những điều cần biết | Vinmec

  • Thay đổi về cường độ 2 tiếng tim: Phụ thuộc vào thành ngực, môi trường giữa tim và ngực, máu, cơ tim và van tim. Tiếng tim tăng cường độ khi bị kích thích như khi cảm động, sau khi tập thể thao, lao động nặng, sốt hoặc trong bệnh cường tuyến giáp. Tiếng tim giảm cường độ khi cơ tim yếu (van tim đập yếu). Tiếng tim mờ, nghe không rõ trong các trường hợp tràn dịch màng ngoài tim, viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim, viêm màng trong tim cấp (người béo và nữ giới cũng nghe tiếng tim nhỏ);
  • Thay đổi cường độ của tiếng tim thứ nhất: Tiếng tim thứ nhất đanh trong bệnh hẹp van hai lá. Tiếng tim thứ nhất mờ trong các bệnh cơ tim và viêm màng trong tim vì cơ tim bị viêm nên co bóp yếu, các van bị viêm nên phù khép không kín, khiến tiếng tim bị mờ;
  • Thay đổi cường độ của tiếng tim thứ hai: Cường độ tiếng tim thứ hai giảm trong viêm màng tim cấp, tăng trong bệnh tăng huyết áp. Tiếng tim thứ hai đanh trong bệnh hẹp van 2 lá vì máu ứ lại ở nhĩ trái rồi ứ lại ở tiểu tuần hoàn nên máu ở động mạch phổi dồn mạnh về thành van khi đóng, gây tiếng đanh.

3.3 Tiếng thổi

Trong một số trường hợp khám tim, ngoài các tiếng tim bình thường, bác sĩ còn nghe được các tiếng tương tự tiếng không khí thổi qua một miệng ống, gọi là các tiếng thổi. Trên lâm sàng người ta có thể nghe được tiếng thổi tâm thu, tiếng thổi tâm trương và tiếng thổi liên tục. Tiếng thổi tâm thu là tiếng thổi nghe thấy trong thời gian mạch nảy, tiếng thổi tâm trương tương ứng với thời gian mạch chìm, tiếng thổi liên tục nghe được ở cả 2 thì. Vì vậy, phải vừa nghe tim vừa bắt mạch.

Tiếng thổi của tim được phân làm 2 loại là tiếng thổi thực thể và tiếng thổi chức năng. Tiếng thổi thực thể là do có tổn thương ở các van tim (viêm van 2 lá, viêm van động mạch chủ). Nếu không có tổn thương ở van tim nhưng vì buồng tim giãn to vì một lý do nào đó mà các van tim không được đóng kín mỗi khi co bóp thì sẽ gây tiếng thổi chức năng. Tiếng thổi chức năng là do một sự tổn thương của cơ tim (tim giãn to) chứ không phải một tổn thương của màng trong tim (viêm nhiễm). Loại tiếng thổi này khá êm nhẹ, ít khi lan và hay thay đổi. Đặc điểm chủ yếu để phân biệt tiếng thổi chức năng và tiếng thổi thực thể là tiếng thổi chức năng không bao giờ có rung miu.

Cụ thể, với các trường hợp suy tim trái, buồng tim trái bị giãn to khiến van 2 lá không đóng kín được, gây hở chức năng và phát sinh tiếng thổi. Tiếng thổi chức năng sẽ mất đi khi điều trị suy tim làm cho buồng tim nhỏ lại. Trái lại, nếu là tiếng thổi thực thể thì nó sẽ mạnh nên khi được điều trị suy tim bởi tim có thể co bóp mạnh hơn. Đây cũng là cách để phân biệt với tiếng thổi thực thể.

Phân chia cường độ tiếng thổi:

  • Tiếng thổi 1/6: Cường độ rất nhẹ
  • Tiếng thổi 2/6: Cường độ nhẹ, nghe rõ nhưng không lan;
  • Tiếng thổi 3/6: Cường độ trung bình, nghe rõ, có chiều hướng lan ra khỏi ranh giới từng vùng nghe tim
  • Tiếng thổi 4/6: Nghe rõ, mạnh, có lan ra ngoài, có thể sờ thấy rung miu
  • Tiếng thổi 5/6: Sờ có rung miu, tiếng thổi lan rộng khắp lồng ngực và lan ra sau lưng;
  • Tiếng thổi 6/6: Sờ thấy có rung miu mạnh, tiếng thổi lan rộng khắp lồng ngực, loa ống nghe chỉ tiếp xúc nhẹ trên da ở các vùng nghe tim đã nghe rõ tiếng thổi.

Trong thực tế lâm sàng, tiếng thổi 1/6 ít khi nghe được và không chắc chắn, thường phải dựa vào thanh tâm đồ. Tiếng thổi 5/6 và 6/6 ít gặp vì bệnh nặng, người bệnh tử vong sớm. Tiếng thổi 2/6, 3/6 và 4/6 là thường gặp nhất.

Ngoài ra còn có tiếng thổi ngoài tim, có ở động mạch phổi, thường nhẹ, êm dịu, ít khi mạnh, nếu có mạnh cũng không có rung miu và ít lan. Tiếng thổi ngoài tim có thể thay đổi hoặc thậm chí mất hẳn khi người bệnh hít vào sâu, đổi tư thế hoặc sau điều trị. Đây là tiếng thổi nghe thấy ở những người không có tổn thương ở tim nên nó không có giá trị bệnh lý.