Mo gia truyền
Người đàn ông hít một hơi thở dài, miệng lầm rầm đọc bùa rồi yểm vào miếng gừng, nhúm muối trắng và đưa cho cô gái rồi dặn dò cái thì bỏ trong túi áo, cái thì về cho cả hai vợ chồng cùng ăn. “Chỉ một lời là ổn mà. Nếu nó (chồng) còn ăn cơm ở nhà thì nhanh thôi, còn bỏ nhà đi, không ăn cơm nữa thì mới hơi lâu lâu một tí”.
Đó là cảnh yểm bùa yêu do thầy mo Bùi Văn Minh – nghệ nhân ưu tú loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng ở xã Văn Sơn (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) thực hiện. Khắp xứ Mường trên, xứ Mường dưới, những câu chuyện bùa ngải khó tin vẫn đan cài với đời sống hiện đại.
Thầy mo Bùi Văn Minh
Thầy mo nào có đức, có tài sẽ được người dân tôn trọng. Khi có sự không may xảy ra họ thường đến nhờ thầy hóa giải hay ít nhất cũng là trấn an tinh thần. Tuy nhiên, giờ có lắm kẻ vỗ ngực xưng mo, xưng mỡi (đồng cốt), thật có, giả có.
Thầy mo tạm gọi là “cổ truyền” thường hay cúng lời cổ, hay mo Mường, mo vía, yểm bùa chính thức, số lượng ước khoảng 20% còn lại là thầy mo đời mới. Cả huyện Lạc Sơn ước tính số thầy mo khoảng vài chục người còn cả tỉnh Hòa Bình thì không dưới hàng trăm.
Xưa mo là mo, đồng là đồng nay có nhiều người vừa làm thầy vừa hầu đồng lại kiêm luôn cả yểm bùa chú. Đồng tiền làm quay cuồng, tung hê tất cả.
Xưa mo là cha truyền con nối. Muốn thử xem một người có khả năng làm mo hay không thì thử bằng cách cho khoác một cái bừa đi qua một thung lũng hay một quả đồi rậm rạp. Người nào mà nóng tính, thấy vướng đằng trước, mắc đằng sau, tiện tay rút dao ra khỏi bao phát lấy phát để sẽ bị loại ngay.
Chỉ những ai bụng dạ hiền lành, tính tình điềm đạm, có trí nhớ tốt thì mới được truyền nghề. Tại sao phải có trí nhớ tốt? Là bởi người Mường không có sách, không có chữ nên tất cả đều phải thuộc lòng.
Mo Mường có khoảng 20 vạn câu. Nào mo tả cảnh, mo răn dạy con cháu, mo lìa (lìa hai thế giới người sống và người chết), mo lên mường trời, mo nhòm bên nội bên ngoại, mo vía trẻ con, mo vía kéo si, mo nhà mới, mo cầu mùa… Muốn làm thầy thì mo nào cũng đều quan trọng, phải nhớ cả.
Ông Bùi Văn Minh kể rằng từ lúc 9 tuổi mình đã thường nằm gối đầu lên đùi ông nội là một thầy mo để nghe ông cùng với ba bốn thầy mo khác trong vùng đàm đạo. Chuyện học mo chỉ chính thức từ năm 14 tuổi. Mỗi khi ăn cơm xong hai ông cháu đều ngồi lại để truyền nghề.
Thầy Minh bên các loại bùa
Học lâu lâu thì có bài kiểm tra. Hễ đi làm lễ ông lại kéo cháu đi theo, ông làm được một đoạn thì bỏ cho cháu làm một đoạn tiếp, thiếu chỗ nào lại bị nhắc nhở ngay. Quá trình học hết 5-6 năm, truyền xong, khi thầy Minh hơn 20 tuổi thì người ông mất.
Lời nguyền của thầy mo Mường như sau: Sinh ra tôi không mặc áo rách, không đi bừa nà rộc, không ăn đầu gà, không ăn thịt chó, không mó đầu trâu, không ngủ nhà gái góa chồng.
Tại sao ông nội không truyền cho con trai mà lại truyền cho cháu? Bởi thời bao cấp cấm những hình thức tín ngưỡng. Bản thân thầy Minh hồi đó còn bị ủy ban xã gọi lên gọi xuống không cho hành nghề mo. Hầu hết các nghệ nhân mo Mường thời bao cấp đều chung một số phận hẩm hiu như vậy.
Bùa yêu hư hay thực?
Để hé mở chút ánh sáng của bùa yêu, tôi đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Minh. Bùa yêu thuộc thể loại mo gì?, tôi hỏi. Ông Minh giải thích: Bùa là bùa mà mo là mo. Mo có thể truyền học cả ban ngày lẫn ban đêm còn bùa chỉ truyền học vào buổi đêm, càng về khuya càng ứng.
Bản thân ông Minh học tới 300 loại bùa trong đó có 10 kiểu bùa yêu. Khi vợ chồng trục trặc, chuẩn bị tan vỡ thì một người sẽ đến nhờ thầy làm bùa yêu. Khách nữ chiếm khoảng 90%, có độ tuổi khoảng từ 25-60. Hoàn cảnh chung của họ thường là chồng đi cặp bồ hay uống rượu rồi về đánh đập vợ con, bỏ bê gia đình. 10% khác còn lại là khác nam đến xin bùa do vợ đi làm xa quá không muốn quay về nữa hay ngoại tình.
Nguyên tắc đầu tiên khi một khách hàng đến yêu cầu đặt bùa yêu là gì?, tôi hỏi. Ông Minh trả lời: Phải hỏi cẩn thận. Gần thì không cần nhưng xa cần phải xem sổ hộ khẩu để xem chị với anh có đúng là vợ chồng hay không hay là lừa thầy, yêu đơn phương, yêu người đã có gia đình. Đặt như thế là có hại cho người khác.
Cận cảnh bùa
Đối tượng bị đặt bùa yêu phải được xướng tên trong lúc đọc thần chú. Nguyễn Văn A thì phải đọc là Nguyễn Văn A chứ không được chệch thành Nguyễn Văn B còn bùa cầu may mắn thì không cần chi tiết như vậy. 10 người đến với thầy mo thì khoảng 3 người đặt bùa yêu còn 7 người đặt bùa may mắn hay trừ ốm đau, tật bệnh.
Ông Minh bảo mỗi lần đặt sẽ làm khoảng 5 loại bùa yêu để loại này không được thì còn loại kia. Bùa yêu không phải có thuốc thang gì cả mà chỉ có gừng, ngải (giống nghệ đen khác với ngải cứu ở dưới xuôi), muối trắng, nước lọc, đồ ăn, thuốc hút…
Nếu người chồng đi xa không về nhà nữa thì người vợ muốn làm bùa yêu phải mang áo của chồng tới cho thầy. Áo nào cũng được, sạch hay bẩn không quan trọng, miễn là người ấy đã mặc rồi. Không có áo có thể dùng khăn, không có khăn có thể lấy vài sợi tóc. Không có tất cả những thứ đó thầy vẫn có thể dùng quạt để vẫy vọng về.
Nếu trường hợp xa cách Bắc-Nam, thậm chí ở nước ngoài thì bùa có hiệu lực không?, tôi hỏi. Ông Minh khẳng định: Vẫn có. Tôi đọc bùa qua điện thoại được. Tôi sẽ gọi điện thoại cho người muốn đặt bùa, bảo người ta giơ điện thoại trước một bát nước hoặc bát muối rồi đọc từ xa để yểm. Đem bát nước và bát muối đó cho người còn lại ăn hoặc uống thì vẫn có thể được.
Lần thứ nhất thầy đọc 50% câu bùa, lần thứ hai thầy đọc 80% câu bùa, lần thứ ba thầy đọc 100% câu bùa. Có người chỉ cần một lần với một nửa câu bùa là đã thành công. Tỷ lệ thành công phụ thuộc vào cái gì?, tôi hỏi. Ông Minh không ngần ngại trả lời: Phụ thuộc vào hợp thầy hợp thuốc hoặc bởi làm sai lệch không theo lời dặn như bỏ không đúng kiểu, đặt chỗ bẩn quá như đất, như quần áo chưa giặt.
Bùa chỉ là dạng yểm lực nên cho vào chỗ bẩn thì sẽ mất hiệu lực. Bùa mà không dùng ngay trong khoảng 15 ngày lấy về cũng mất dần sức mạnh.
Cứ như lời ông Minh tự nhận thì tỷ lệ thành công của bùa yêu mình đặt là khoảng 80% (?), ai mà được thì sẽ kết quả đến già. Bùa yêu hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như trí óc của người bị yểm.
Tuy nhiên theo tôi được biết có nhiều trường hợp mất 3-4 con trâu vì bùa ngải, hầu đồng nguyên do tìm đến sai thầy, sai cốt, nguyên do nhiều thầy cứ phán mỗi khóa lễ cả chục, cả trăm triệu.
“Khi thầy gọi bằng bùa, người nôn nao không ở được, tự phải mò về nhà. Người vợ đem muối bỏ ra cho cả hai cùng ăn hoặc nước cho cả hai cùng uống. Miếng bùa bằng gừng thái nhỏ để trong túi áo của vợ sẽ khiến cho chồng tự nhiên quý mến, thương”, ông Bùi Văn Minh.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!