Làm gì khi bị nhắn tin de dọa

Hiện nay, xã hội phát triển nhanh chóng, những mâu thuẫn nảy sinh ngày càng nhiều dẫn đến các hành vi đe dọa gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của các chủ thể bị đe dọa. Hành vi đe dọa người khác bằng lời nói hoặc hành động đều là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các quy định cụ thể tuy nhiên mức xử lý từng hành vi được quy định khác nhau dựa trên những hành động, hành vi cụ thể của đối tượng đe dọa. Vậy, hành vi đe dọa người khác được quy định cụ thể như thế nào và có nội dung ra sao?

Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568

1. Mức xử phạt đối với hành vi nhắn tin đe dọa người khác:

Hiện nay, mức xử phạt đối với hành vi nhắn tin đe dọa người khác được chia làm hai trường hợp cụ thể. Tuỳ vào tính chất cũng như mức độ của hành vi và nội dung tin nhắn mà mức xử phạt cũng được pháp luật quy định cũng khác nhau.

Trường hợp 1: Nhắn tin đe dọa giết người.

Đe dọa tính mạng người khác là hành vi vi phạm pháp luật của một người bằng lời nói, hành động hoặc những thủ đoạn khác làm cho người khác lo sợ rằng mình có khả năng bị giết. Việc đe dọa giết người sẽ được thực hiện nhằm mục đích khống chế ý chí của người bị đe dọa và làm cho người khác tin rằng tính mạng của mình đang bị đe dọa. Theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi đe doa tính mạng người khác là hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Điều 133 về tội đe dọa giết người:

“1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.”

Như vậy, hành vi đe dọa giết người được coi là tội phạm ít nghiêm trọng. Khung hình phạt cơ bản của tội phạm này có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và được áp dụng cho các trường hợp tội không có tình tiết định khung tăng nặng.

Khung tăng nặng có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong những tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 2015 cụ thể là: Đối với 2 người trở lên; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Đối với người dưới 16 tuổi; Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.

Chủ thể của tội đe dọa giết người theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 là các cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt đến độ tuổi được pháp luật quy định: đối với tội đe dọa giết người, cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi vi phạm.

Khách thể của tội đe dọa giết người là tính mạng, quyền sống của con người. Mặc dù người phạm tội không có mục đích giết người khi thực hiện hành vi đe dọa, nhưng việc làm cho người bị đe dọa lo sợ và tin rằng mình sẽ bị giết cũng được xem là xâm phạm đến quyền sống của người đó.

Hành vi khách quan của tội đe dọa giết người là hành vi làm cho người bị đe dọa lo sợ bằng các cách thức, phương tiện, thủ đoạn khác nhau như lời nói, hành động, ánh mắt,… Mục đích của người phạm tội khi thực hiện hành vi đe dọa là làm cho người bị đe dọa tin và lo sợ rằng mình có thể bị giết chứ không phải để thực hiện việc giết người. Hành vi đe dọa của người phạm tội phải làm cho người bị đe dọa tin rằng hành vi đe dọa đó sẽ được thực hiện nếu như người bị đe dọa không làm theo ý của người phạm tội. Đây là dấu hiệu đặc trưng của loại tội này.

Tin nhắn được coi là tin nhắn đe dọa giết người khi nội dung thể hiện việc sẽ tước đoạt tính mạng của người nhận tin hoặc người thân thích của họ. Nội dung tin nhắn có thể không đề cập đến cách thức sẽ giết người như thế nào hoặc được mô tả cụ thể là sẽ gây tai nạn giao thông, bắn, đâm,… và cần có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.

Tội đe dọa giết người được thực hiện do cố ý, người thực hiện hành vi phạm tội biết hành vi đe dọa giết người là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện hành vi đó, đồng thời mong muốn người bị đe dọa sẽ lo sợ và tin rằng mình có thể sẽ bị giết. Chính bởi vì thể mà tội đe dọa giết người sẽ được thực hiện do cố ý trực tiếp.

Đặc biệt, khi nhắn tin đe dọa giết người khi có thêm các yếu tố sau đây: Giết hai người trở lên; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Đối với người dưới 16 tuổi; Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác, thì bị phạt tù từ 02 – 07 năm.

Trường hợp 2: Nhắn tin đe dọa thông thường.

Nếu việc nhắn tin không mang tính đe dọa giết người mà chỉ là những lời đe dọa thông thường nhằm ép buộc người nhận tin nhắn phải thực hiện các yêu cầu của mình thì hành vi này không vi phạm quy định của Bộ luật Hình sự 2015 mà bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo quy định của pháp luật, trong lời đe dọa phải chứa đựng lời dọa giết người. Chính bởi vì thế, nếu người có hành vi đe dọa nhưng không dọa giết người thì sẽ không phạm vào tội đe dọa giết người.

Đối với hành vi nhắn tin đe dọa nhưng không dọa giết người, khiến người nhận được tin nhắn sợ hãi, bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hành vi được điều chỉnh bởi Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, cụ thể là tại điểm g Khoản 3. Theo đó, người nào có hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Trong trường hợp này, người có thẩm quyền xử phạt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Trưởng phòng công an cấp huyện được quy định cụ thể tại Điều 96, 97 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.

Như vậy, nếu các chủ thể bị người khác nhắn tin đe dọa, các chủ thể đó có thể báo ngay với Cơ quan công an cấp huyện hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để tiến hành điều tra và xử phạt.

2. Làm gì khi bị người khác nhắn tin đe dọa?

Trong trường hợp bị nhắn tin đe dọa, để bảo đảm sự an toàn cho chính mình và người thân; công dân có thể tố cáo hành vi của người gửi tin nhắn đến cơ quan điều tra công an quận/huyện theo quy định tại Khoản 1 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

“Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền”

Căn cứ vào tin báo, tố giác tội phạm của bạn, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ. Theo đó, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người có hành vi vi phạm. Nếu hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra công an quận/huyện có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 4 Điều 97 Nghị định 174/2013/NĐ-CP:

Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân được quy định cụ thể tại Điều 97 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ với nội dung như sau:

“4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng An ninh văn hóa, tư tưởng, Trưởng phòng An ninh thông tin có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền không vượt quá 40.000.000 đồng; đối với lĩnh vực bưu chính mức phạt tiền không vượt quá 16.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ và k Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính.”

Như vậy, để có hướng xử lý đúng đắn và kịp thời, các chủ thể cần phải xem xét hành vi thu thập các thông tin về thân nhân của nạn nhân cũng như hành vi đe dọa của người đe dọa đối với nạn nhân nhằm mục đích gì thì mới xác định được cụ thể trường hợp này có cấu thành tội phạm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự hay không?

Theo quy định, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố và trong thời hạn 20 ngày, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: Quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự;…

Đối với trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng.

Nếu hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, Cơ quan điều tra công an quận/huyện có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 4 Điều 97 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Người nhận tin nhắn đe dọa sẽ cần phải cung cấp cho Cơ quan điều tra các tin nhắn đe dọa, và các chứng cứ liên quan khác để Cơ quan điều tra có thêm thông tin khi giải quyết vụ việc.