Hò xự xang xê cống là gì? Âm giai ngũ cung Việt nam ❤️ Bài viết Hò xự xang xê cống là gì?

Hò xự xang xê cống là gì? Âm giai ngũ cung Việt nam trong âm nhạc cổ truyền dân tộc nhất là Dân Ca Cổ dùng thang âm 5 cung bực mà ta thường gọi là “âm giai ngũ cung“. Ðó là thang âm : Do Re Fa Sol La còn được biết với tên Hò xự xang xê cống.

Hò xự xang xê cống là gì?

– Hò (viết theo chữ Hán là hợp) : đây là âm bậc mở đầu cho việc kết hợp các âm thanh để trở thành một hệ thống thang âm. Hò có thể tương đương với âm do3 trong âm nhạc Tây phương nhưng cũng có thể là âm khác, như fa chẳng hạn. Vì vậy trong nhạc Việt có các tên gọi là dây hò nhứt, dây hò nhì, dây hò ba, dây hò tư, dây vọng cổ… tùy theo âm hò (chủ âm) được chọn từ một âm bậc nào đó.

– Xự (tứ) : nghĩa là âm thanh thứ tư, tương đương với re3, là bậc trầm của re4, re5. Âm re5 là âm thanh thứ tư của chu kỳ quãng 5, sau fa-do-sol. Và xự là âm bậc được dịch xuống hai quãng 8 của re5.

– Xang (thượng) : nghĩa là âm trên cao, trên hết, nguồn gốc xa xưa. Xang ở đây là fa3, âm thanh gốc của chu kỳ quãng 5.

– Xê (xích) : có nghĩa là cây thước đo, trước kia có tên là thương và thái thốc. Tên này được chọn như một âm bậc với ý nghĩa giữ mãi hình bóng cội nguồn: đường thẳng của cây thước là hình ảnh của mũi tên to (thái thốc). Xê tương đương với sol3.

– Cống (hay công): tức là công cụ, công dụng tức là âm bậc dùng để chuyển cung, đổi điệu hay chuyển hệ sang một thang âm khác. Cống ở đây là la3, đôi khi nó biến thành sib ở trường hợp có chuyển hệ. Vì vậy nó được xem như công cụ để chuyển sang thang âm khác.

– Líu (lục): tương đương với do4, là âm bậc thứ 6 của thang âm do3. Ta thấy có mối liên hệ giữa hò và líu, tức là người xưa muốn dùng líu để nhắc lại vị trí đứng đầu của hò để nhấn mạnh sự kết hợp âm thanh quanh âm bậc xang mà không hàm ý một quãng 8.

– Ú (ngũ) : tương đương với re4, là âm bậc thứ 5 của thang âm gốc: xang (fa).

Nhìn lại tên các âm bậc trong thang âm Đại Việt, ta thấy chúng có liên quan hỗ tương, sự kết hợp giữa chúng tạo nên tính chất riêng biệt và công dụng đặc thù.

Nhưng có những câu hát (hay bài hát) Việt Nam chỉ nằm trong những thang âm ít cung bực hơn, là a) thang âm nhị cung Fa Do b) thang âm tam cung Fa Do Sol c) thang âm tứ cung Fa Do Sol Re

* Nhị Cung Fa Do, qua câu :

Hát Nói trong Hát Ả Ðào

Hồng hồng tuyết tuyết Fa Fa Do Do Mới ngày nào chẳng biết cái chi chi Do Fa Fa Fa Do Do Do Do…

Nói Sử trong Hát Chèo

Ngày hôm qua tôi ra đường gặp gái Fa Do Do Do Do Fa Fa Do Tôi trở lại về không Do Do Do Fa Do…

Thể đảo của Fa Do là Do Fa :

Hò trong Hò Hò Ta

Hò dô ta Do Fa Fa Là hò dô ta Do Do Fa Fa…

À ạ ơi trong RU CON

À ạ ơi Do Do Fa…

* Tam Cung Fa Do Sol có 3 Dạng. Dạng đầu là Fa Sol Do :

Hò Huế

À à ơi Fa Sol Do…

Dạng Do Fa Sol được dùng trong hầu hết các trò chơi của nhi đồng :

Tập Tầm Vông

Tập Tầm Vông Do Do Fa Tay nào không Fa Do Fa Tay nào có Fa Do Sol Tập tầm vó Do Do Sol Tay nào có Fa Do Sol Tay nào không Fa Do Fa…

Oẳn Tù Tì (One Two Three)

Oẳn tù tì Do Do Do Ra cái gì Fa Sol Do Ra cái nầy Fa Sol Do…

Chơi Ði Trốn

Cùm nụm cùm niên Do Do Do Fa Tay tí tay tiên Fa Sol Fa Fa Ðồng tiền chiếc đũa Do Do Sol Sol Hốt lúa bà bóng Sol Sol Do Sol Ăn trộm trứng gà Fa Do Sol Do Bà xa bà xít Do Fa Do Sol Con rắn con rít Fa Sol Fa Sol Thì ra tay này Do Fa Fa Do

Trẻ con Pháp nắm tay hát chơi cũng dùng Tam Cung, Dạng Do Fa Sol : Entrez dans la ronde Fa Fa Fa Sol Fa Do Entrez dans la ronde Fa Fa Fa Sol Fa Do…

* Tứ Cung Fa Do Sol Re là thang âm được dùng khá nhiều trong Dân Ca Cổ Việt Nam :

Hò Ru Con (Huế)

Chiều chiều ra đứng Sol Do Re Fa Bờ sông Sol Do Muốn về quê mẹ Sol Do Re Sol Mà à không Sol Do Fa Có y đò Do Re Do…

* Ngũ Cung Do Re Fa Sol La, đối với dân ca thế giới, được coi như là đã có đầy đủ cung bực và quãng âm để xây dựng một nền nhạc lẫy lừng của Thời Trung Cổ (trong đó có nhạc cổ truyền Việt Nam). Nhưng âm nhạc của nhân loại, tùy theo nhu cầu của những quốc gia không ở chung một khu vực địa dư, không có chung một nền văn hóa, đã đi theo những tiến trình riêng biệt. Nhạc Âu Tây không ngưng lại ở Nhạc Ngũ Cung. Nó bước khỏi nhạc điệu thức (modal) để tiến tới nhạc chủ thể (tonal) với âm giai 7 cung (diatonic), rồi còn đi vào con đường nhạc vô thể (atonal) với thang âm 12 cung (dodecaphonic).

Dân Ca Cổ Việt Nam, khi tới giai đoạn ngũ cung, đã có 5 Dạng do các thể đảo mà ra : 1) Trước hết là Dạng hay Thể I được dùng trong điệu ru con miền Bắc. Nét nhạc chỉ nằm gọn trong chuỗi 5 cung Do Re Fa Sol La, không ra khỏi Thể hay Dạng này, cũng như không thiếu một cung nào trong 5 cung đó :

Ru Con (miền Bắc) :

Cái ngủ mày ngủ cho a à lâu La Sol Fa Fa Fa La Sol Fa Re Do Do Re Fa Mẹ mà đi cấy y y a Fa Fa Sol La La Sol Fa Ruộng sâu chưa a về Re Do Fa Fa Re Do…

2) Tới Dạng (Thể) II, khởi sự từ cung Re, Ngũ Cung Việt Nam có nét nhạc giống như “Re minor” của Âu Tây : Re Fa Sol La Do (Re). Ta thấy nó trong điệu Ngâm Sa Mạc. 3) Tới Dạng hay Thể thứ III của ngũ cung là : Fa Sol La Do Re. Nét nhạc đó là nét nhạc của câu mở đầu cho bài Lý Con Cò. 4) Tiếp tục nghiên cứu các Dạng của ngũ cung, ta thấy nét nhạc của bài Lý Ngựa Tây nằm trong Dạng hay Thể IV của Ngũ Cung : Sol La Do Re Fa. 5) Dạng cuối cùng của ngũ cung là La Do Re Fa Sol. Ta thấy Dạng IV đó trong một bài hát miền Bắc là Con Cú Rũ.

Chuyển Hệ Trong Dân Ca Cổ

Nghiên cứu kỹ càng nhạc cổ truyền Việt Nam, ta sẽ thấy trong một số bài dân ca có sự di chuyển từ hệ thống ngũ cung Do Re Fa Sol La qua hệ thống Re Mi Sol La Si khiến cho người chỉ học nhạc chủ thể (tonal music) tưởng rằng đó là nhạc 7 cung (diatonic) vì thấy tất cả cung bực Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, SI hiện ra…

Ví dụ bài Cây Trúc Xinh có hai câu nhạc. Câu đầu nằm trong hệ thống ngũ cung Do Re Fa Sol La với dạng Re Fa Sol La Do :

Cây trúc xinh Re Sol Fa Re Tang tình là cây trúc mọc Re Do La, La Do Re, Re Do Sol La Qua lới nọ như bờ ao Re Fa Re La Do La Do Re Chị Hai xinh La Do Re…

Qua tới câu sau thì ta thấy lòi ra cung Si :

Tang tình là chị Hai đứng Re Do La La Si La Re Ðứng đứng nơi nào Re Si La Re Qua lới xinh cùng xinh Sol La Re Si La Sol La…

Ta phải hiểu rằng nét nhạc đã chuyển từ hệ thống ngũ cung Re Fa Sol La Do qua một hệ thống khác khởi sự từ cung Re, là hệ thống Re Mi Sol La Si.

Một bài hát được dùng trong Hát Ả Ðào, bài Chuốc Rượu, có tới ba lần chuyển hệ, dù nó chỉ là một câu lục-bát ngắn ngủi :

Câu lục : Tay tiên chuốc chén rượu đào Câu bát : Ðổ đi thời tiếc, uống vào thời say…

Câu lục được chia đôi ra. Nét nhạc của bốn chữ “Tay tiên chuốc chén” nằm trong ngũ cung Sol La Do Re Mi. Hai chữ “rượu đào” tiếp theo được đổi qua ngũ cung Re Mi Sol La Si. Thêm vào câu hát là 2 chữ của câu bát, được hát với 2 chữ lót : “Nói rằng đổ đi”. Nhạc chuyển qua ngũ cung Do Re Fa Sol La. Tiếp tục là nửa trên của câu bát “đổ đi thời tiếc” , nét nhạc trở lại ngũ cung Sol La Do Re Mi. Rồi với 2 chữ “uống vào”, nét nhạc lại chuyển qua Re Mi Sol La Si. Bài hát kết thúc với những chữ còn lại của câu bát, có thêm câu lót “Á ru tình ru” với nét nhạc chuyển qua Do Re Fa Sol La.

Sự Biến Hình của Ngũ Cung Việt Nam

Chúng ta đã biết qua sự hình thành của một thang âm. Nhạc ngũ cung của Việt Nam cũng như của nhiều dân tộc trên thế giới, nói chung là loại nhạc ra đời vào thời Trung Cổ và vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay, là sự ngưng lại Nhạc Ngũ Cung. Nghệ thuật âm nhạc ở Âu Tây phát triển tới Nhạc 7 Cung (rồi sau này, tới Nhạc12 cung) và với nhạc thuật “chuyển cung, hòa âm, đối âm…” trở thành loại Nhạc Không Lời với hình thức “nhạc giao hưởng” (symphonic).

Nhạc ngũ cung Việt Nam thì được phát triển với hiện tượng “chuyển hệ” (chuyển từ một hệ thống ngũ cung này qua một hệ thống ngũ cung khác). Nhưng dân ca, dân nhạc Việt Nam không ngưng lại ở đó. Sau khi thang âm ngũ cung được thành hình, đã có một sự biến hình của thang âm đó.

Hơi, Ðiệu

Sự biến hình đó là : một số cung bực trong thang âm không còn đứng y nguyên một chỗ nữa, khiến cho ta phải gọi là “thang âm lơ lớ” (non precise), đối với lỗ tai của người quen nghe nhạc được xây dựng trên âm giai đã được “điều hòa” (tempered). Vì trong nhạc Việt Nam có thêm “thang âm lơ lớ” ngoài “thang âm ngũ cung đúng” cho nên trong quá trình phát triển của nền âm nhạc dân tộc, chúng ta đã có những cái tên “Ðiệu Bắc, Ðiệu Nam, hơi ai, hơi oán” vân vân…

Trong nhạc cổ truyền Việt Nam ta thấy có những bài bản nằm riêng trong từng điệu tùy theo công dụng của nó : * Ðiệu Bắc : diễn tả niềm vui vẻ. * Ðiệu Nam : diễn tả sự buồn rầu. * Ðiệu Nhạc : diễn tả sự uy nghi, vẻ trang nghiêm.

Mỗi Ðiệu lại có thêm một hơi để nhấn mạnh tình cảm. * Ðiệu Bắc, hơi Khách = pha trộn điệu Tầu vào. * Ðiệu Nam, hơi Xuân = diễn tả sự bâng khuâng. * Ðiệu Nam, hơi Ai hay Oán = diễn tả sự buồn thảm. * Ðiệu Nam, hơi Ðảo = từ Ðiệu Nam đảo qua Bắc.

Sở dĩ Nhạc Ngũ Cung Việt Nam đã có được những hơi, điệu khác nhau như vậy, đó chính là nhờ ở sự biến hình của thang âm ngũ cung. Sự biến hình của thang âm được thể hiện như sau : * Nếu là Ðiệu Bắc thì vị trí các cung bực trong thang âm đứng y nguyên, không thay đổi. * Nếu là Ðiệu Nam, hơi ai hay hơi oán thì 2 cung bực trong thang âm bị “non đi” hay “già hơn”, nghĩa là bị giảm đi hoặc tăng lên, tuy nhiên không trở thành một “nốt giảm” (bémol) hay một “nốt thăng (sharp)” như trong nhạc lý Âu Tây.

Cung bực yếu – Cung bực mạnh

Những nhạc học gia chuyên khảo về nhạc ngũ cung đã cho rằng trong một hệ thống 5 cung bực như Do Re Fa Sol La chẳng hạn, có những và những “cung yếu”. Cung Do (âm gốc) = mạnh. Quãng 5 của nó, cung Sol = mạnh. Cung Re và cung La = yếu. Cung Fa (âm bán-gốc) = lúc mạnh, lúc yếu.

Cung bực mạnh thì vững vàng, không thay đổi vị trí. Cung bực yếu thì bị cung mạnh khống chế, thu hút, do đó đã bị cung mạnh ở dưới kéo xuống trở thành non đi… hoặc bị cung mạnh ở trên hút lên thành ra già đi, cao độ không những không còn ở vị trí cũ nữa mà còn lửng lơ không nằm nhất định ở một bán-cung hay 1/4 cung trên hay dưới…

Sau đây là sự so sánh giữa một thang âm đúng và hai thang âm lơ lớ cùng với sự áp dụng vào ba bài hát lý của ba Miền nước Việt. * Ngũ cung mà Ðiệu Bắc thường dùng là một ngũ cung đúng, các cung bực có cao độ nhất định không thay đổi : Do (mạnh) Re (yếu) Fa (mạnh) Sol (mạnh) La (yếu)… * Ngũ cung Ðiệu Nam hơi Ai là một ngũ cung lơ lớ, các cung yếu bị cung mạnh thu hút, hoặc lên, hoặc xuống. Cung Re non đi. Cung Fa già đi. Cung La bị hút xuống : Do – Re non – Fa già – Sol – La non… * Ngũ cung Ðiệu Nam hơi Oán là ngũ cung lơ lớ, các cung yếu bị hút lên, cung Re trở thành Mi. Cung Fa bao giờ cũng vuốt lên Sol. Cung La, trong hơi ai đi xuống thì bây giờ đi lên, có khi còn vươn gần tới Sib nữa : Do – Re già gần thành Mi – Fa già – Sol – La có khi thành Si non…

Ba Ðiệu Lý Con Sáo

Một câu ca dao về “con sáo sang sông” đã trở thành ba bài hát lý ở ba miền. Và ở mỗi miền, nhạc điệu đi theo với qui luật về “hơi, điệu” của địa phương.Lý Con Sáo Bắc thì có một “ngũ cung đúng”, nghĩa là các cung bực trong ngũ cung không thay đổi vị trí. Các quãng âm giữ y nguyên cao độ của mình.Lý Con Sáo Huế thì được hát với Ngũ cung Ðiệu Nam hơi Ai, trong đó những cung yếu bị cung mạnh hút lên hay hút xuống. Cung La và cung Fa như bị cung Sol thu hút thành ra lơ lớ. Cung Re cũng không đứng nguyên chỗ. Các cao độ trong ngũ cung ngoại trừ những cung Do và Sol, không còn đứng trong vị trí cố định nữa.Lý Con Sáo Miền Nam hát theo điệu Lý Lu Là thì nằm trong ngũ cung điệu Nam hơi Oán. Những cung bực bị hút xuống bây giờ lại bị hút lên. Cung Re vươn lên Mib hay Mi thường. Cung La ở trong hơi Ai bị kéo xuống thì bây giờ vươn lên vị trí cũ.