Hiểu đúng về &quotHiến tặng tinh trùng&quot – Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà NộiBệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội

Tại Việt Nam, nhu cầu xin tinh trùng để sinh con rất lớn. Tuy nhiên trên thực tế, “hiến tặng tinh trùng” là câu chuyện còn lạ lẫm, thậm chí nhiều người hiểu sai bản chất…

20200214_050633_354922_tinh-trung.max-800x800

Ảnh minh họa

Khổ sở với tinh trùng “hiến tặng”

Chị Yến (Bắc Kạn) kết hôn đã 3 năm nay nhưng chưa có con do chồng không có tinh trùng. Sau thời gian cố gắng chữa trị, vợ chồng chị đành bỏ cuộc và quyết định ra Hà Nội làm thụ tinh ống nghiệm nhưng vì nguồn tinh trùng hiến tặng lưu tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản còn khan hiếm, trong khi vợ chồng chị lại rất khó để tự xin của người thân quen. Nhiều người ngại ngần hiến tặng tinh trùng vì sợ bị hiểu nhầm là có quan hệ bất chính; lo các vấn đề hệ lụy về sau cũng như mối quan hệ giữa người cho và người nhận, số phận đứa con ra đời từ tinh trùng hiến tặng của mình…

Không rơi vào tình trạng hiếm muộn nhưng anh Tùng (Hà Nội) lại khổ sở với vợ vì anh trót theo bạn đi xung “con giống” của mình vào ngân hàng tinh trùng tại bệnh viện. Biết việc anh làm, vợ lập tức lôi anh tới bệnh viện để làm rõ và “đòi lại” tinh trùng, mặc cho anh ra sức phân trần. Phải mất cả tiếng ngồi nghe bác sỹ giải thích tường tận mọi quy trình rồi cam kết không có ảnh hưởng hay rắc rối gì sau này vợ anh mới chịu thôi. Tuy nhiên nhiều ngày sau đó vợ anh vẫn hậm hực, thi thoảng còn buông vài lời lo sợ “nhỡ mấy nữa có người đem con đến đòi bố thì phải làm sao?”.

“Hiến tặng tinh trùng” – việc làm nhân văn, cao đẹp

Theo chia sẻ của BsCkII Nguyễn Khắc Lợi – Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội: “Hiến tặng tinh trùng là một việc làm cao đẹp và có ý nghĩa nhân văn, giúp nhân nòi giống của xã hội cũng như đem lại niềm vui cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, không có khả năng sinh sản”.

img6365-1534740614482251036301

BsCkII Nguyễn Khắc Lợi – Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội

Do vậy về mặt pháp luật, chúng ta cũng đã có những quy định cụ thể cho vấn đề này. Điều 4, Điều 5, Nghị định số 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/1/2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã nêu cụ thể yêu cầu đối với người hiến tặng và nhận tinh trùng hiến tặng:

Đối với người hiến tặng: Người hiến tặng được khám và làm các xét nghiệm để xác định không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau; không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; không bị nhiễm HIV.

Ngoài ra, hiến tặng tinh trùng phải là sự tự nguyện và tiến hành tại cơ sở y khoa do Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm. Tinh trùng của người cho chỉ được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác. Trường hợp sinh con thành công thì tinh trùng chưa sử dụng hết phải được hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở làm nghiên cứu khoa học.

Đối với người nhận tinh trùng: phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người chồng hoặc là phụ nữ độc thân có nhu cầu sinh con và noãn của họ bảo đảm chất lượng để thụ thai.

Theo quy định tại Nghị định trên, thông tin của người cho và nhận tinh trùng phải tuyệt mật. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người nhận tinh trùng hay người hiến tặng tinh trùng cho bất cứ bên nào. Theo đó, người hiến tặng không phải có bất kỳ trách nhiệm nào với đứa trẻ sinh ra từ tinh trùng mình hiến tặng.

Cách thức thực hiện: Hiến tặng tinh trùng được thực hiện bằng biện pháp thủ dâm, với thiết bị hỗ trợ tại bệnh viện. Sau đó lượng tinh trùng lấy được sẽ qua kiểm tra chất lượng và nuôi cấy trong buồng trữ tinh tại bệnh viện. Với những nguyên tắc liên quan tới sức khỏe trong hiến tặng tinh trùng, trẻ được sinh ra từ tinh trùng hiến tặng sẽ có tỷ lệ dị tật thấp hơn rất nhiều so với con sinh ra từ tinh trùng ngẫu nhiên.

Liên quan tới lo ngại về sức khỏe của người cho, tặng tinh trùng, BsCkII Nguyễn Khắc Lợi chia sẻ: “Việc hiến tặng không ảnh hưởng tới sức khỏe của người cho. Người được tham gia hiến tặng phải nằm trong độ tuổi sinh đẻ (thường từ 20 – 45 tuổi). Hơn nữa, việc cho tinh trùng, cũng như số lần quan hệ tình dục có thể dựa trên quy tắc đếm “số lần” theo độ tuổi, chẳng hạn: 2*9=18 (ở độ tuổi 20, 1 tuần quan hệ 8 lần là vừa phải); 3*9=27 (ở độ tuổi 30, 2 tuần quan hệ 7 lần là vừa phải), 4*9=36 (ở độ tuổi 40, 3 tuần quan hệ 6 lần là vừa phải)… Như vậy bản thân người đàn ông một tháng có thể hiến tặng tinh trùng không chỉ một lần mà vẫn đảm bảo sức khỏe cũng như nhu cầu sinh lý.

Như vậy về mặt pháp lý đã có những quy định để bảo vệ cho người hiến tặng tinh trùng. Những lo ngại về việc sẽ có trường hợp anh chị em cùng huyết thống kết hôn với nhau do việc hiến tặng tinh trùng gây nên, các chuyên gia khuyên cho rằng cũng không đáng lo ngại nếu như giới trẻ trước khi kết hôn tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Theo Thảo Hương/baophunuthudo.vn